Đại sứ Ted Osius cho biết Tổng thống Obama rất xúc động trước sự chào đón nồng hậu của người dân Việt Nam.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 09-06-2016
- Cập nhật : 09/06/2016
Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia hoàn toàn không có xung đột
Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) hôm nay công bố Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) 2016, trong đó liệt kê 10 quốc gia duy nhất hoàn toàn không có xung đột trong và ngoài nước, gồm Botswana, Chile, Costa Rica, Nhật Bản, Mauritius, Panama, Qatar, Thụy Sĩ, Uruguay và Việt Nam.
Theo Independent, các cuộc xung đột ngày càng xấu đi ở Trung Đông, việc thiếu một giải pháp cho cuộc khủng hoảng người tị nạn và sự gia tăng số người chết do khủng bố là các yếu tố khiến thế giới năm 2016 ít yên bình hơn so với năm 2015.
Chỉ số cho thấy rằng 81 quốc gia đã trở nên yên bình hơn trong năm qua, trong khi tình hình xấu đi tại 79 quốc gia.
Iceland được xếp hạng là nước hòa bình nhất thế giới, tiếp theo là Đan Mạch, Áo, New Zealand và Bồ Đào Nha. Syria là được cho là nước ít hòa bình nhất. Việt Nam đứng thứ 59 trong bảng xếp hạng này, tụt hạng nhẹ so với vị trí 56 năm 2015.
Ngoài ra, chỉ số xác định châu Âu là khu vực hòa bình nhất trên thế giới. Tuy nhiên, châu lục này cũng không tránh khỏi chiến tranh. Anh, Pháp, Bỉ và nước khác đang tham gia vào cuộc xung đột ở Trung Đông, và đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
GPI đo tính hòa bình toàn cầu theo ba chủ đề lớn: mức độ an toàn và an ninh trong xã hội, mức độ xung đột trong nước và quốc tế, và mức độ quân sự hóa. Chỉ số này tính đến các yếu tố nội bộ như mức độ bạo lực và tội phạm trong nước và yếu tố bên ngoài như chi tiêu quân sự và chiến tranh.
Việt Nam và Lào duy trì lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm nay hội đàm Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith. Việt Nam là nước đầu tiên ông Kommasith thăm chính thức trên cương vị ngoại trưởng.
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đảm bảo đoàn kết và duy trì lập trường chung của ASEAN trên các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông; góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không. Hai nước cũng thống nhất thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Hai bộ trưởng nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp dưới nhiều hình thức khác nhau; phối hợp triển khai hiệu quả các kết quả đạt được trong các cuộc hội đàm của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như kết quả của Kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào; theo dõi, góp phần triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác quan trọng hai nước, trong đó có Kế hoạch hợp tác giữa hai chính phủ năm 2016 và Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2016 - 2020.
Hai bên cũng thống nhất phối hợp triển khai tốt Nghị định thư về đường biên giới và mốc giới, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới ký tháng 3/2016; tiếp tục phối hợp tốt giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú để xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị chính phủ Lào tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt làm ăn, sinh sống và học tập tại Lào; đề nghị phía Lào xem xét miễn giảm thuế cho các hộ kinh doanh người Việt bị thiệt hại do vụ cháy chợ Đào Hương tại tỉnh Champasak tháng hồi 5.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cảm ơn Lào đã tăng mức xả nước trên các đập thủy điện trên dòng nhánh sông Mekong, cũng như đã hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài tại các tỉnh miền Nam Việt Nam. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước, các tổ chức quốc tế trong việc quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mekong.
Công ty quốc phòng Anh quan tâm đến Việt Nam
Máy bay Eurofighter Typhoon là một sản phẩm được BAE Systems thiết kế cùng hai công ty khác. Ảnh: Eurofighter
Theo IHS Janes, Nick Glover, phó chủ tịch khu vực Đông Nam Á của BAE Systems, cho biết công ty đang đánh giá Việt Nam và các cơ hội tiềm năng, không chỉ ở thị trường quốc phòng, mà còn trong lĩnh vực liền kề như an ninh quốc gia.
"Việt Nam có thể là một thị trường hấp dẫn", ông nói. "Chúng tôi đang đánh giá khả năng công nghiệp trong nước và chúng tôi đang tìm kiếm các cơ hội tiềm năng. Đây có thể là thị trường mà chúng tôi xem xét tiến vào thông qua bộ phận Tình báo Ứng dụng (bộ phận an ninh mạng của BAE Systems) hoặc các sản phẩm cứu nạn, hỗ trợ và cứu trợ thiên tai.
BAE Systems là công ty quốc phòng, an ninh và hàng không vũ trụ có trụ sở tại Anh, được thành lập từ năm 1999. Đây là một trong những nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới. Công ty tham gia vào một số dự án quốc phòng lớn, trong đó có Lockheed Martin F-35 Lightning II, máy bay Eurofighter Typhoon, tàu ngầm lớp Astute và tàu sân bay lớp Nữ hoàng Elizabeth.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong chuyến thăm chính thức. Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh quyết định này.
Bí thư Thăng tiếp tục kêu gọi cơ chế đặc thù cho TP HCM
Quan điểm về cơ chế tài chính đối với địa phương được lãnh đạo TP HCM đưa ra tại buổi làm việc với đoàn Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội ngày 7/6. Trước đó, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cho biết thành phố luôn tự bảo đảm cân đối ngân sách và tỷ lệ số thu nộp về ngân sách Trung ương cao nhất so với 63 tỉnh thành.
Dự toán thu ngân sách trên địa bàn TP HCM được giao năm 2015 là 233.776 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2015, địa phương đã thu được hơn 255.001 tỷ đồng, bằng 109,08% dự toán.
Tuy nhiên, theo nghị quyết của Bộ chính trị, tỷ lệ điều tiết để lại cho TP HCM từ số thu nêu trên là 33% nhưng từ năm 2011 đến 2015 chỉ còn để lại 23%. Lãnh đạo địa phương so sánh dù thu ngân sách chiếm 27% so tổng thu của với cả nước, nhưng tổng chi để lại trên địa bàn TP HCM chỉ khoảng 4%.
Vì nguồn thu để lại theo tỷ lệ điều tiết quá hạn hẹp nên theo lãnh đạo thành phố, từ năm 2011 đến 2015, số cân đối từ thuế dành cho chi đầu tư và phát triển của địa phương chỉ khoảng 9.500 tỷ đồng một năm, nhưng phải bố trí hơn 28% để thanh toán cho các khoản nợ và lãi vay đến hạn (2.700 tỷ đồng). Do vậy địa phương chỉ chi khoảng 6.800 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, đáp ứng khoảng 19% nhu cầu.
Trước thực tế này, bà Thắng kiến nghị Ủy ban Tài chính ngân sách có ý kiến để Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét quy định tỷ lệ điều tiết số thu ngân sách cho thành phố đủ 33% và ổn định trong vòng 10 năm từ năm 2017. UBND TP HCM kiến nghị việc áp dụng phân bổ ngân sách Nhà nước cho chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên năm 2017, cần áp dụng nguyên tắc ghi nhận các nội dung chi đặc thù của TP HCM, dựa trên tổng số dân trên địa bàn (gồm cả vãng lai và người dân nhập cư không chính thức) đối với các dịch vụ cơ bản...
Ông Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng thực chất TP HCM "không xin cái đặc thù mà chỉ xin cái bình thường" của một đô thị trên thế giới là tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương. Vị này cho rằng khi tính toán, không thể so TP HCM với các tỉnh, bởi đây là một đô thị nên phải so với các đô thị phát triển khác trong khu vực.
Tại buổi làm việc, người đứng đầu Thành ủy TP HCM - Bí thư Đinh La Thăng tiếp tục nêu quan điểm cho rằng điều quan trọng với thành phố là cần có cơ chế, tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tốt nhất, tạo cơ chế để làm ra tiền nhiều hơn. Ông Thăng so sánh các đô thị như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến… của Trung Quốc từng được ban hành thể chế, chính sách và chỉ áp dụng cho riêng thành phố. Các biện pháp rà soát phòng chống gian lận thuế sẽ được đẩy mạnh; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các huyện, quận, sở, ngành. Từ đó, công tác thu ngân sách sẽ tốt hơn...
“Khi được giải phóng toàn bộ năng lực con người, sản xuất thì TP HCM không thể tăng trưởng dừng ở một con số. Cơ chế đặc thù của thành phố là bình thường so với các đô thị khác trên thế giới, chỉ là khác biệt hơn so với các địa phương khác”, ông Thăng nói, đồng thời nhấn mạnh: “Thành phố phải mặc cái áo vừa cho sự phát triển hiện nay. Mặc cái áo bí bách quá không phát triển được”.
Trước đó, trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội hồi cuối tháng 3, ông Đinh La Thăng cũng từng khẳng định điều mong muốn là xây dựng cho được một cơ chế đặc biệt để đưa TP HCM trở thành đô thị số một trong khu vực. Ông Thăng cũng nhiều lần nhắc lại thông điệp này trong quá trình điều hành thời gian qua.
Trước những kiến nghị nêu trên, ông Đinh Văn Nhã - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, cho rằng TP HCM cũng nên cân nhắc khi đưa ra một loạt đề nghị về ưu đãi, đặc thù. Bởi thực tế, thành phố vẫn đang được hưởng ưu đãi nhưng rải rác, phân tán, như tiền thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước được để lại đầu tư cho cơ sở hạ tầng. “Nên có lựa chọn, sắp xếp lại một số ưu đãi thống nhất để tránh chồng chéo và các địa phương khác so bì”, ông Nhã góp ý.
Còn ông Lê Thanh Văn - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận định, TP HCM xứng đáng có cơ chế đặc thù nhưng các kiến nghị lại vụn vặt và chưa đủ tầm để áp dụng. Địa phương là đầu tàu kinh tế, không chỉ cần giải quyết vấn đề tài chính - ngân sách, vì như vậy rất ngắn hạn và bó hẹp trong cơ chế xin - cho. Quan trọng nhất là phân cấp, cấp quyền, cụ thể là phải cá biệt hóa một số thẩm quyền cho thành phố trên cả lĩnh vực tổ chức bộ máy để khác với các địa phương khác, điều này bản thân lãnh đạo TP HCM phải làm rõ.
“Một số kiến nghị có thể xử lý ngay nhưng có nhiều điều vướng luật nên TP HCM cần một đề án toàn diện để xây dựng cơ chế đặc thù, trình Bộ Chính trị và sau đó trình Quốc hội xem xét thông qua. Nếu không có đột phá về thể chế thì TP HCM sẽ rất khó làm bởi những cơ chế hiện hành đang níu kéo lẫn nhau”, ông Văn phân tích.