tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 09-06-2016

  • Cập nhật : 09/06/2016

Chính phủ thúc giục giải ngân 22 tỷ USD vốn ODA còn tắc

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng yêu cầu các bộ, ngành không được tăng thêm các bước làm chậm quá trình, thủ tục chuẩn bị dự án và phải bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA.

Chỉ đạo này được Phó thủ tướng Phạm Bình Minh - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi  đưa ra tại cuộc họp của Ban chỉ đạo sáng 8/6. Đây là phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo sau khi được kiện toàn.

Báo cáo về tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ 6 tháng đầu năm cho thấy, tổng giá trị các hiệp định ký kết có chiều hướng giảm. Về tốc độ, giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm 2016 xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, tại cuộc họp được tổ chức mới đây, lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho hay, tính đến hết năm 2015, vốn ODA đã ký nhưng chưa giải ngân hiện còn khoảng 22 tỷ USD.

pho thu tuong pham binh minh chu tri cuoc hop. anh: chinh phu

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp. Ảnh: Chính phủ

Con số này cũng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng xác nhận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra mới đây. Trong 22 tỷ USD vốn ODA cam kết, có 2,15 tỷ USD sẽ phải giải ngân trước năm 2016, còn lại sẽ giải ngân cho những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và nhiều dự án sau năm 2020.

Lắng nghe các bộ, ngành báo cáo, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần khẩn trương xác định rõ chương trình, dự án, lĩnh vực nào ưu tiên, được cấp phép và phải cho vay lại. “Phải chú ý không tăng thêm các bước làm chậm quá trình, thủ tục chuẩn bị dự án; giảm bớt các thủ tục hành chính song vẫn phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả sử dụng vốn ODA”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Ông cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nhiều nguồn tài trợ, hỗ trợ, ưu đãi bị cắt giảm. Các bộ, ngành cần quan tâm xây dựng kế hoạch vận động thích hợp cho quá trình chuyển từ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi sang vốn vay có mức độ ưu đãi kém hơn.

Vì thế, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về ODA giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao tiếp tục làm việc với Ngân hàng Thế giới để tạo ra lộ trình phù hợp, chuyển tiếp thành công vốn vay sang các khoản vay có mức độ ưu đãi kém hơn mà không để ảnh hưởng đến thành quả đạt được trong huy động và sử dụng nguồn vốn thời gian qua.


Hai dự án điện mặt trời gần 1 tỉ USD

Đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk đang đi Hàn Quốc để bàn thảo chương trình hợp tác xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời

Ông Bùi Hồng Quý - chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk - xác nhận đoàn công tác của tỉnh đang đi Hàn Quốc để bàn thảo chương trình hợp tác xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời, sau khi địa phương này ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Solarpark (Hàn Quốc) về dự án xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời tại hồ Ea Súp thượng (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) với tổng vốn đầu tư từ 0,6-1 tỉ USD, công suất từ 300-500MW.

Ngoài dự án này, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã thỏa thuận với Công ty CP Đầu tư và phát triển hạ tầng Long Thành và Công ty Namu (Hàn Quốc) về việc xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Cư M’Lan (huyện Ea Súp), công suất 120MW và tổng kinh phí khoảng 200 triệu USD.


Lập tổ công tác đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.

Ngày 7-6, Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 (tổ công tác). Tổ công tác do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng.

Nhiệm vụ của tổ công tác là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.

Theo đó, vào phiên họp thường kỳ của Chính phủ các tháng cuối quý, tổ công tác báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai giải ngân, kiến nghị giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Ngoài ra, Chính phủ cũng vừa thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh làm trưởng ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chủ trương, chính sách, định hướng thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Đồng thời ban cũng chỉ đạo, phối hợp liên ngành trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng trong quá trình chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi...


Tổng thống Putin tặng Huy chương Hữu nghị cho hai cán bộ dầu khí Việt Nam

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao tặng giải thưởng cho một số công dân nước ngoài, trong đó có 4 người Việt Nam.
tong thong nga vladimir putin. anh sputnik/michael klimentyev

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh Sputnik/Michael Klimentyev

Đó là 2 cán bộ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam): Phó Trưởng ban Ban quản lý dự án Dầu khí ở nước ngoài Kiều Thị Hải Nhi và Phó Tổng Giám đốc Ninh Văn Quỳnh, và hai đại diện khác của Liên doanh dầu khí Nga-Việt (Vietsovpetro): Tổng Giám đốc Từ Thành Nghĩa và kỹ sư trưởng Trần Văn Vinh.
Đây là các phần thưởng nhằm ghi nhận và biểu dương thành tích đóng góp phát triển quan hệ Nga-Việt trong lĩnh vực năng lượng, Sputniknews dẫn nguồn từ cổng thông tin pháp luật Nga cho hay.

Đã giải ngân 1.850 triệu USD vốn ODA trong 6 tháng đầu năm

Sáng 8/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi nhằm đánh giá tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn này trong 6 tháng đầu năm 2016.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông qua các hoạt động hợp tác phát triển, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 2.564 triệu USD, tăng 61% so cùng kỳ năm ngoái.

Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 1.850 triệu USD (trong đó ODA vốn vay đạt 1.750 triệu USD, ODA viện trợ không hoàn lại 100 triệu USD), thấp hơn khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức giải ngân này xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2015 và chưa có sự đột phá.

Các nguyên nhân gây chậm trễ về tiến độ thực hiện và giải ngân chủ yếu vẫn là vướng mắc về thể chế, pháp lý; quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; do các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án; do khác biệt về quy trình thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ; do vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng...; trong đó vướng mắc nhất hiện nay đang ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi là việc không cho phép giải ngân vượt kế hoạch được giao theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 của Quốc hội.

Theo phản ánh của nhóm 6 ngân hàng phát triển, tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình dự án không đạt được theo tiến độ cam kết do các nguyên nhân chủ yếu như quy định không cho phép giải ngân vượt kế hoạch giao hàng năm của Chính phủ; vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải; công tác chuẩn bị dự án chậm do chịu tác động của quá trình chuyển tiếp từ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ sang Nghị định số 16/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 2/5/2016, thay thế cho Nghị định số 38; các chương trình, dự án phải tuân thủ quy trình thủ tục của Luật Đầu tư công; chậm trễ trong việc xem xét và phê duyệt đơn rút vốn tại Bộ Tài chính.

Về thể chế, một số quy định trong Nghị định số 16/2016/NĐ–CP của Chính phủ chưa được hướng dẫn rõ ràng, thiếu các văn bản pháp lý về cho vay lại thông qua các tổ chức tín dụng để giảm thiểu rủi ro.

Riêng đối với các dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị được dành 45% vốn ODA trong giai đoạn 2011-2015, đại diện Bộ này cho biết: Bộ Giao thông Vận tải hiện có 36 dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi; trong đó 18 dự án triển khai tốt, 10 dự án ở mức độ trung bình và khá, 7 dự án giải ngân chậm.

Đến hết quý 1/2016, số vốn ODA giải ngân đạt hơn 151.000 tỷ đồng/237.969 tỷ đồng vốn ODA ký kết cho các dự án; số vốn đối ứng giải ngân đạt hơn 33.000 tỷ đồng/71.905 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải ký kết tiếp 6 dự án với tổng vốn hơn 890 triệu USD.

Các dự án ODA của ngành Giao thông Vận tải đang triển khai đều có quy mô, tác động lớn đến kinh tế-xã hội đất nước và có sự tham gia của các nhà thầu quốc tế. Các dự án này đang được Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo khẩn trương thi công, đáp ứng tiến độ đã cam kết với các nhà tài trợ, do đó nhu cầu giải ngân vốn ODA là rất lớn.

Việc thiếu kế hoạch vốn ODA để giải ngân cho các dự án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, kéo dài thời gian hoàn thành, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu: Từ nay đến cuối năm, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về vốn ODA và vốn vay ưu đãi vừa được kiện toàn cần quán triệt và thực hiện tốt các quy định mới của Nghị định 16 thay thế Nghị định 38 có hiệu lực từ ngày 2/5/2016. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm giải pháp triển khai ngay Thông tư hướng dẫn thi thành Nghị định 16 trong đó nêu rõ chương trình, dự án nào ưu tiên được cấp phát và chương trình dự án nào phải vay lại. Thủ tục hành chính triển khai dự án phải được giảm bớt nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.

Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tiếp thu ý kiến của 6 ngân hàng phát triển, Ngân hàng Nhà nước, các địa phương đối với vấn đề cho vay lại vốn thông qua các tổ chức tài chính, từ đó sớm hoàn chỉnh các văn bản chính sách pháp luật trên nguyên tắc đảm bảo trình độ phát triển của từng địa phương, lưu ý cân đối nguồn thu ngân sách của địa phương đảm bảo hoàn vốn từng chương trình, dự án.

Về huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao tìm lộ trình phù hợp khi chuyển tiếp từ nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi sang nguồn vốn ưu đãi kém hơn, đảm bảo các dự án ODA đang thực hiện vẫn có hiệu quả.

Đối với vấn đề giải ngân vượt quá dự toán, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính có báo cáo trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện theo hướng giải ngân kế hoạch vốn theo tiến độ cấp vốn như cam kết của nhà tài trợ.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, các Ban quản lý dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi cần trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt là với những dự án có tiến triển tốt trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải để tìm ra những bài học nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong các dự án khác.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục