tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thúc đẩy kinh tế tư nhân lớn mạnh là trọng tâm chính sách thời hội nhập

  • Cập nhật : 11/06/2016

Mặc dù bức tranh chung của nền kinh tế là tích cực, nhưng điểm nghẽn đáng quan ngại nhất của phát triển lại là khu vực giữ vai trò động lực – khu vực tư nhân trong nước. Nói một cách hình ảnh, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn “cô đơn”.

Trao đổi với DĐDN, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, để giải quyết được điều này, Chính phủ cần có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác công tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, hướng tới xây dựng một hệ thống các trường và trung tâm đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế với bằng cấp của Việt Nam được công nhận rộng rãi trên thế giới. Đây là yêu cầu quan trọng nhất của hội nhập sau yêu cầu hội nhập về thể chế.
 
– Theo ông, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2015 có gì mới so với các phiên trước đó?
 
Đây là VBF đầu tiên của chúng ta tổ chức sau khi Việt Nam vừa kết thúc đàm phán với các quốc gia trong TPP và cơ bản hoàn tất đàm phán FTA với EU và một số đối tác thương mại quan trọng khác. Các thành viên của VBF tự hào đã có những đóng góp quan trọng với tư cách người tham vấn đối với đoàn đàm phán của các chính phủ để chúng ta có được các hiệp định thương mại tự do ở cấp độ cao nhất, toàn diện nhất cho đến thời điểm hiện nay. Chúng ta đang chuẩn bị bắt đầu năm 2016 mà một trong những nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn bị tích cực cho việc thực thi các hiệp định thương mại tự do này. Cơ hội mở ra, nhưng gánh nặng của hội nhập cũng đè lên vai cả các cơ quan chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
 
– Ông có thể cho biết trong thời gian qua, Chính phủ đã làm được điều gì để giúp cho nền kinh tế ổn định và khôi phục đà tăng trưởng cũng như giúp cho cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh?
 
Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ về những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục đà tăng trưởng trong năm 2015. Đặc biệt chúng tôi đánh giá cao việc bước đầu triển khai thực hiện Luật doanh nghiệp/Luật đầu tư mới, Nghị quyết 19-CP/2014/2015 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 36a-CP/2015 về thực hiện chính phủ điện tử… Đây là những đột phá quan trọng.
 
Kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng doanh nghiệp của VCCI cho thấy ghi nhận tích cực của doanh nghiệp về những chuyển động mạch lạc và đúng hướng đang được bắt đầu ở một số bộ ngành và địa phương. Nhưng sự phối hợp và tính đồng bộ, nhất quán giữa các bộ ngành, địa phương và các cấp hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu, đang là các điểm nghẽn cần được giải tỏa.
 
Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính ở Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính; nỗ lực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và xã hội hóa dịch vụ công ở Bộ Giao thông Vận tải… Chúng tôi đánh giá cao mô hình Trung tâm hành chính công (nhưng không cổ vũ cho việc đầu tư mới bằng ngân sách Nhà nước cho các trung tâm này), chúng tôi cũng đánh giá cao mô hình Ban xúc tiến đầu tư được trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND ở một số địa phương. Đó là những thực tiễn tốt cần được nhân rộng.
 
– Ngoài những việc đã làm được trên thì cải cách thủ tục hành chính còn gặp những vướng mắc gì, thưa ông?
 
Cải cách thể chế, nhìn chung đã đạt được kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Các cuộc khảo sát gần đây của VCCI về cải cách thủ tục hành chính nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Đây là một lực cản đáng kể để các doanh nghiệp không lớn lên được và quy mô bình quân của doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần đi theo các số liệu thống kê công bố gần đây. Chúng tôi đề nghị có biện pháp khắc phục việc này.
 
Cũng liên quan đến môi trường kinh doanh, chúng tôi quan niệm một môi trường kinh doanh lành mạnh không phải chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn. Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay. Sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm, hiện tượng không công nhận và toà án huỷ các phán quyết trọng tài khá tùy tiện… đang phát đi những tín hiệu không tốt về môi trường kinh doanh lành mạnh. Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới.
 
– Trong cuộc gặp gỡ với báo giới trước thềm VBF cuối kỳ 2015 vừa diễn ra mới đây, ông cho rằng điểm nghẽn đáng quan ngại nhất của nền kinh tế đó là sự phát triển khu vực tư nhân trong nước. Ông có thể nói thêm về điều này?
 
Mặc dù bức tranh chung của nền kinh tế là tích cực, nhưng điểm nghẽn đáng quan ngại nhất của phát triển lại là khu vực giữ vai trò động lực – khu vực tư nhân trong nước. Nói một cách hình ảnh, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn cô đơn. Chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa đủ mạnh. Chưa có sự lan tỏa, cắm rễ sâu vào kinh tế địa phương của các FDI. Khu vực SME trong nước vẫn đang đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu và nếu có tham gia thì cũng chỉ vào công đoạn sử dụng nhiều nhân công tay nghề thấp và giá rẻ.
 
Tại sao vậy? Sự yếu kém của công tác giáo dục nghề nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực đang là một nguyên nhân quan trọng. Công nghệ thì doanh nghiệp có thể mua, nhưng quản trị và tay nghề của người lao động thì phải học. Đưa nội dung dạy nghề vào trường phổ thông và tạo ra đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chính là chìa khóa để Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và sáng tạo ra các chuỗi giá trị mới. Quốc hội đã thông qua Luật giáo dục nghề nghiệp, đề cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Các cuộc làm việc của chúng tôi với các Phòng thương mại công nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp các nước Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đang nhắm tới một chương trình phối hợp hành động để chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dạy nghề.
 
Chúng tôi đề nghị Chính phủ có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác công tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, hướng tới xây dựng một hệ thống các trường và trung tâm đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế với bằng cấp của Việt Nam được công nhận rộng rãi trên thế giới. Đây là yêu cầu quan trọng nhất của hội nhập sau yêu cầu hội nhập về thể chế.
 
– Với tư cách là người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp, tại VBF cuối kỳ này, ông có kiến nghị gì để trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh?
 
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định về tăng lương tối thiểu ở mức 12,4% cho năm 2016. Đây là mức tăng cao so với chỉ số lạm phát, đà tăng của năng suất lao động và sức chịu đựng của doanh nghiệp. Để không gây đột biến trong chi phí sản xuất, duy trì năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành thuộc lợi ích cốt lõi của Việt Nam trong hội nhập và cũng là các ngành giữ vai trò cứu cánh cho hàng chục triệu lao động thiếu việc làm ở nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa (như dệt may, da giày, chế biến nông sản…) đề nghị Chính phủ cho giãn lộ trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội với lưu ý rằng mức đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn ở Việt Nam đang ở mức cao nhất trên thế giới và khu vực.
 
Cùng với sự gia tăng chi phí nhân công, chi phí về vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang là vấn đề lớn. Doanh nghiệp Việt Nam đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng và lãi suất thực của vốn vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác đang hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc tái cấu trúc lại cơ cấu vốn của các doanh nghiệp và giảm lãi suất cho vay, tuy rất khó khăn, nhưng đang là nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp và là thách thức lớn cần tập trung giải quyết đối với chính sách tiền tệ và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trong những năm tới.
 
 
Về thời gian làm thêm theo quy định của luật lao động (không quá 4 giờ/tuần, không quá 200 giờ/năm và với một số ngành nghề đặc thù không quá 300 giờ) cũng không phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh và cao hơn cả quy định ở một số nước phát triển. Cũng như tại các diễn đàn VBF trước đây, chúng tôi đề nghị nghiên cứu sửa đổi sớm quy định này.
 
Việc nhập khẩu các thiết bị đã qua sử dụng cũng cần được cân nhắc phù hợp với từng loại thiết bị, không nên cào bằng như quy định hiện hành. Chỉ căn cứ vào thời gian sử dụng đối với thiết bị nhập khẩu một cách máy móc sẽ làm tăng chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
 
Để nâng cao chất lượng doanh nghiệp thành lập mới trong nền kinh tế Việt Nam, đề nghị Chính phủ có Chương trình quốc gia về khởi nghiệp. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và chia sẻ rủi ro cho các doanh nghiệp và dự án kinh doanh được thành lập trên cơ sở đổi mới sáng tạo. Mô hình các vườn ươm doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần… nên được nghiên cứu triển khai rộng khắp để hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp đặc biệt là trong lớp trẻ, đưa Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp.
 
– Năm 2016 được xem là một năm đầy “sức nóng” hội nhập đối với cộng đồng doanh nghiệp khi Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do FTA cũng như việc đàm phán thành công Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Vậy VCCI đã có những hành động gì để thúc đẩy điều này, thưa ông?
 
Một vấn đề đặc thù cho năm 2016 là việc cung cấp thông tin kịp thời và hướng dẫn thực thi với cách thức phù hợp các hiệp định thương mại tư do mới cho doanh nghiệp. Phải triển khai cụ thể tới từng ngành hàng và lĩnh vực kinh doanh với sự phối hợp chặt chẽ của VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ. Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đang tích cực xây dựng đề án này và rất mong có sự chỉ đạo của Chính phủ và hợp tác của các bộ ngành.
 
Để thúc đẩy hội nhập, VCCI đang trao đổi, thống nhất với các Phòng thương mại công nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước hình thành các liên minh doanh nghiệp để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong nước vào các chuỗi giá trị của các tập đoàn xuyên quốc gia và các FDI. Đề nghị Chính phủ đẩy mạnh chính sách khuyến khích hỗ trợ theo chuỗi sản phẩm, ngành hàng thay cho chính sách hỗ trợ đơn lẻ hiện hành để tiếp sức cho doanh nghiệp trong những nỗ lực liên kết.
 
– Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Hồ Hường/enternews.vn/Vinanet
Trở về

Bài cùng chuyên mục