Ngừng kinh doanh không thông báo có thể lĩnh phạt đến 2 triệu đồng
Ngân hàng muốn thoái bớt vốn nhà nước
Bảo hiểm cơ giới lo "thu không đủ chi"
Lập Ủy ban về Cơ chế một cửa: Thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 11-06-2016
- Cập nhật : 11/06/2016
Lãi suất tín dụng đầu tư sẽ dựa trên chi phí huy động vốn, có tính đến yếu tố ưu đãi
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về việc ban hành Nghị định của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Ngân hàng Phát triển Việt Nam khẩn trương tiếp thu các ý kiến của các Bộ, cơ quan và ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp để hoàn thiện lại dự thảo Nghị định về tín dụng đầu tư của Nhà nước; trong đó nghiên cứu, bổ sung nội dung về chính sách tín dụng xuất khẩu theo hướng hỗ trợ các dự án đầu tư hoặc doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và không vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Đồng thời lấy ý kiến tham gia của các Bộ, cơ quan về danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư, trên cơ sở đó tổng hợp, hoàn thiện lại danh mục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, các dự án ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn có điều kiện khó khăn, các dự án mà tư nhân không thực hiện..., bảo đảm đúng đối tượng, không mở rộng quá nhiều và phù hợp với lộ trình phát triển về năng lực tài chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Phó Thủ tướng đồng ý nguyên tắc xác định lãi suất cho vay tín dụng đầu tư dựa trên chi phí huy động vốn và có tính đến yếu tố ưu đãi của tín dụng đầu tư.
Nghiên cứu, quy định cụ thể về nội dung và thẩm quyền trích lập quỹ dự phòng rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng và pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để Ngân hàng Phát triển Việt Nam xử lý hiệu quả nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động theo nguyên tắc thị trường.
Hoàn thiện và quy định rõ nội dung bảo đảm tiền vay theo hướng tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng đầu tư để triển khai hiệu quả dự án đầu tư, nhất là những dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn. Rà soát các quy định cụ thể về đồng tiền cho vay, bảo đảm phù hợp với quy định của Pháp lệnh ngoại hối và pháp luật có liên quan.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan thẩm định lại dự thảo Nghị định nêu trên trước khi Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát và đánh giá tình hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, mạng lưới hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đề xuất, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường kỷ luật, từng bước thực hiện phân cấp, phân quyền và trách nhiệm cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam gắn với cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát, bảo đảm hoạt động từng bước theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với quy định của WTO; đồng thời sớm tổng kết, đánh giá mô hình hoạt động để kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.(TBNH)
Mặt bằng lãi suất hiện khá hợp lý
Mặt bằng lãi suất hiện nay khá hợp lý cho thị trường, nhất là với những DN có phương án kinh doanh khả thi, cân đối được nguồn trả nợ. Cái khó nhất đối với NH là làm sao để tìm được DN có phương án tổ chức sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank cho biết, ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay và đang tiếp tục nỗ lực giảm chi phí đầu vào vì dư địa giảm lãi suất huy động khá nhỏ.
Vậy ông có thể cho biết cụ thể hiện DN vay vốn của VietinBank với lãi suất thế nào?
Mức lãi suất DN vay tại VietinBank phụ thuộc vào xếp hạng tín nhiệm và tính khả thi của phương án kinh doanh. Nếu tài chính DN tốt, vốn tự có lớn, phương án kinh doanh khả thi chắc chắn được NH cho vay với lãi suất thấp. Cụ thể, vay vốn lưu động, khách hàng chỉ phải vay với mức lãi suất 5-6%/năm, còn vay trung dài hạn cũng chỉ cỡ 7 – 8%/năm. Khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh không thuộc nhóm các lĩnh vực ưu tiên nhưng nếu có phương án kinh doanh tốt, NH sẽ cho vay vốn lưu động với mức lãi suất 7-8%/năm và 8-9%/năm vốn trung, dài hạn.
Theo tôi, nhìn chung, mặt bằng lãi suất hiện nay khá hợp lý cho thị trường, nhất là với những DN có phương án kinh doanh khả thi, cân đối được nguồn trả nợ. Cái khó nhất đối với NH là làm sao để tìm được DN có phương án tổ chức sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả.
Nhưng Thủ tướng Chính phủ vẫn đang yêu cầu các NH cố gắng tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay. Theo ông, nhiệm vụ trên có khả thi khi sức ép lạm phát ngày càng cao?
Đúng là áp lực lạm phát cao hơn nên dư địa giảm lãi suất huy động là khá nhỏ. Vì thế, chúng tôi đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để giảm chi phí đầu vào thay vì giảm lãi suất huy động như: cố gắng mở thêm kênh huy động mới, đưa ra các sản phẩm dịch vụ tiện ích, thuận lợi cho khách hàng DN, cá nhân nhằm thu hút tối đa nguồn vốn xã hội với chi phí hợp lý.
Khi nhu cầu sử dụng dịch vụ nhất là sản phẩm thanh toán được thuận lợi nhanh chóng, khách hàng duy trì nguồn vốn tại NH để thanh toán hàng hóa, gửi tiền nhàn rỗi tạm thời... NH sẽ có thêm nguồn vốn với giá rẻ hơn. Ngoài ra, việc tiếp tục tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng hoạt động, kiểm soát chất lượng tín dụng để hạn chế phát sinh nợ xấu… cũng sẽ giúp NH có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho DN. Mặt khác, lãi suất cho vay cũng là công cụ để các NH cạnh tranh khách hàng, đẩy mạnh TTTD.
Với những giải pháp đồng bộ như vậy, tôi nghĩ rằng, chúng tôi sẽ có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với những dự án tốt, có tính khả thi.
Thông tư 06 NHNN vừa ban hành vẫn giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 60% đến cuối năm 2016, điều này sẽ hỗ trợ thế nào đối với NH?
Tôi nghĩ, đây là tín hiệu tích cực, vơi đi nỗi lo cho cả DN và NHTM. DN có thể tự tin tiếp tục với các kế hoạch kinh doanh của mình. Còn NHTM có thể yên tâm trong hoạt động đầu tư cho vay đối với các DN. Qua đó hỗ trợ các NH TTTD tốt hơn.
Đến thời điểm này, tín dụng của VietinBank tăng trưởng ra sao, thưa ông?
Tín dụng VietinBank tăng trưởng tốt. So với cuối năm trước, tín dụng của VietinBank tăng trưởng 6%. Chỉ tiêu NHNN giao cho NH là 18%. Với đặc thù TTTD tại Việt Nam theo mùa vụ, chủ yếu tập trung vào quý III, quý IV nên chúng tôi hoàn toàn có thể đạt được chỉ tiêu trên. Tùy theo diễn biến, nhu cầu thực tế thị trường, nếu cần thiết phải điều chỉnh mục tiêu NH sẽ báo cáo đề xuất NHNN.
Hầu hết các phân khúc khách hàng của VietinBank đều tăng trưởng tốt như DNNVV, DN lớn, DN FDI, vay tiêu dùng, khách hàng cá nhân… nhưng phân khúc khách hàng DNNVV tăng tốt nhất. Thời gian qua, nhiều DNNVV mới thành lập, trong khi các DN cũ cơ cấu lại hoạt động hiệu quả hơn, cộng với việc tình hình kinh tế có chút cải thiện nên nhu cầu vốn sẽ tăng lên để phục vụ tiêu dùng trong nước, xuất khẩu.(TBNH)
TP.HCM chấp thuận một số dự án nhà ở và Trung tâm thương mại
UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Thương mại Sài gòn thực hiện dự án Trung tâm Thương mại và Siêu thị tại khu đất số 1466 đường Võ Văn Kiệt, phường 3, quận 6.
UBND quận 6 được giao làm chủ đầu tư dự án mở đường dự phóng số 6 và dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ 20 căn nhà phía đường Gia Phú, 4 thửa đất (gồm 3 căn nhà và 1 trạm biến áp) thuộc mặt tiền khu vực giao lộ giữa đường Võ Văn Kiệt với đường Mai Xuân Thưởng và 1 thửa đất thuộc góc đường Võ Văn Kiệt với đường dự phóng số 6.
* UBND thành phố cũng chấp thuận đầu tư dự án Khu nhà ở Minh Thông tại phường An Phú, quận 2 do Công ty TNHH Kinh doanh Địa ốc Minh Thông làm chủ đầu tư. Công trình gồm 1 lô nhà ở thấp tầng, khu chung cư cao tầng và công trình thương mại, dịch vụ văn phòng cao 22 tầng. Tổng mức đầu tư khoảng 709 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong 4 năm
Hà Nội: Điều chỉnh giá đất bồi thường, tái định cư một số vị trí ở quận Tây Hồ
UBND Hà Nội vừa phê duyệt hệ số điều chỉnh, giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện xây dựng đường Văn Cao - Hồ Tây (quận Tây Hồ).
Theo quyết định, hệ số, đơn giá đất ở làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng vị trí 3 và 4 đường Ven Hồ Tây đã được đầu tư hạ tầng, hệ số điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường giải phóng mặt bằng là 1,83 lần so với giá đất ở cùng vị trí quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND thành phố; giá đất cụ thể là 31.402.800 đồng/m2.
Vị trí 3 và 4 đường Thụy Khuê (đoạn từ dốc Tam Đa đến cuối đường) hệ số điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường giải phóng mặt bằng là 1,83 lần so với giá đất ở cùng vị trí quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND thành phố Hà Nội; giá đất cụ thể là 31.402.800 đồng/m2.
Vị trí 3 và 4 đường Hoàng Hoa Thám (đoạn từ dốc Tam Đa đến đường Bưởi) hệ số điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường giải phóng mặt bằng là 1,83 lần so với giá đất ở cùng vị trí quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND thành phố; giá đất cụ thể là 31.402.800 đồng/m2.