Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội chậm tiến độ không chỉ khiến các hộ sống lân cận dự án khổ sở vì ô nhiễm tiếng ồn và bụi, mà còn thường xuyên gây ra phiền toái cho người tham gia giao thông vì cảnh ùn tắc xảy ra như cơm bữa
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 19-06-2016
- Cập nhật : 19/06/2016
Chỉ 30% người Hà Nội tin vào các chứng nhận thực phẩm
Theo nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp PTNT Nguyễn Thị Hồng Minh, kết quả kiểm nghiệm có thể mua; các chứng nhận sạch, an toàn, GAP không cần kiểm mẫu… có thể xin được.
Bà Minh cho hay, một cuộc khảo sát nhỏ cho thấy, nếu như tại TP HCM có khoảng hơn 70% người tiêu dùng tin vào các chứng nhận thực phẩm sạch thì tại Hà Nội chỉ hơn 30% tin. Nguyên nhân do các cơ quan cấp chứng nhận không quản lý, giám sát những sản phẩm được chứng nhận.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Công ty luật NhQuang & cộng sự cho rằng, thực phẩm hiện chịu quản lý của 3 bộ (Công Thương, Y tế, Nông nghiệp), tưởng sẽ chặt chẽ nhưng lại chẳng có mấy người tiêu dùng tin vào hệ thống kiểm soát của nhà nước này. Không ít vụ việc cơ quan quản lý lấy mẫu kiểm nghiệm, nhưng khi có kết quả bên nói độc hại, bên lại nói an toàn, người tiêu dùng chẳng biết tin ai còn nhà sản xuất phải chịu thiệt hại.
Trong khi đó, việc cấp phép chứng nhận các tiêu chuẩn sạch, an toàn chỉ chú trọng hình thức, nhiều đơn vị phấn đấu, cam kết đủ điều để được cấp chứng nhận sạch, an toàn, khi có chứng nhận rồi họ đều bỏ những cam kết ban đầu. Họ chủ yếu sử dụng chứng nhận như thứ “bùa hộ mệnh” để bán sản phẩm của mình.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho hay, do mất niềm tin vào thực phẩm, xã hội trở lại xu hướng tự cung tự cấp, tự trồng rau, chăn nuôi tại nhà. Nhưng các hộ gia đình chẳng thể nào tự cung tự cấp toàn bộ các loại thực phẩm. Họ vẫn phải tìm đến các nguồn cung khác của thị trường, nên không còn cách nào khác là làm cho thực phẩm trên thị trường minh bạch hơn.(Zing)
Hơn 4 triệu hộ thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi
Chiều 16-6, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Cùng dự buổi làm việc có Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Theo báo cáo của NHCSXH, đến ngày 31-5-2016, tổng dư nợ của đơn vị đạt 147.819 tỷ đồng, với gần 6,8 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Trong hơn 13 năm qua đã có hơn 28,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, với tổng doanh số cho vay đạt trên 356 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 3,2 triệu lao động, trong đó trên 107 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, NHCSXH thực sự là điểm sáng trong thực hiện chính sách giảm nghèo và các chính sách xã hội khác, không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội mà còn ổn định chính trị, tạo niềm tin vào Đảng, Chính phủ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, người nghèo, đối tượng chính sách. Liên quan đến kiến nghị của đại diện các bộ, ngành, hội đoàn thể, Phó Thủ tướng đề nghị: Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc NHCSXH cần đẩy mạnh hoạt động của NHCSXH hài hòa mục tiêu xã hội và thị trường đồng thời phát huy được tính chủ động sáng tạo. NHCSXH cần có cơ chế chính sách sao cho huy động được nguồn lực xã hội, giảm áp lực cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan hữu trách rà soát lại cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện hoạt động của NHCSXH trong giai đoạn mới.
Cũng tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trao Quyết định bổ nhiệm Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH thay ông Nguyễn Văn Bình đã nhận công tác khác.(HNM)
Chi phí quảng bá du lịch Việt Nam quá “khiêm tốn”
So với nước láng giềng Thái Lan, chi phí quảng bá du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế chỉ bằng 2,9%.
Tạp chí Forbes cho hay, Việt Nam chi 2 triệu USD/năm cho việc quảng bá du lịch trên thị trường quốc tế. Con số này chỉ bằng một lượng nhỏ so với các quốc gia khác đang dẫn đầu về du lịch trong khu vực như Thái Lan, Singapore và Malaysia.
Theo Forbes, ngành du lịch của Việt Nam đang phát triển nhanh hơn các nước láng giềng cùng khu vực, trong khi chi phí đầu tư cho việc quảng bá du lịch đến với các du khách quốc tế hiện ở mức quá “khiêm tốn”.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, ngân sách quảng bá du lịch hàng năm của Việt Nam chỉ ở mức 2 triệu USD. Forbes cho rằng, với con số vô cùng nhỏ này thì Việt Nam sẽ rất khó khăn trong việc quảng bá du lịch trên phương diện quốc tế. Tờ báo này còn lưu ý, mức chi phí 2 triệu USD/năm là không đủ để quảng cáo thường xuyên trên những tờ báo quốc tế nổi tiếng như CNN.
Forbes nhận định, hiện tại du lịch đã và đang trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Lĩnh vực này cũng đã được Ngân hàng Thế giới (World Bank) xác định là mảng quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020.
Đến thời điểm này, các quốc gia dẫn đầu về lượng khách du lịch quốc tế trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Singapore và Malaysia bởi họ đầu tư rất lớn vào quảng bá du lịch trên thị trường thế giới.
Forbes cho biết, khoản ngân sách 2 triệu USD/năm của Việt Nam dành cho việc xúc tiến du lịch trên thị trường quốc tế chỉ bằng 2,9% ngân sách chi cho quảng bá du lịch của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí mà Malaysia đã bỏ ra ttrong việc tiếp thị du lịch quốc gia. Vì vậy, tờ tạp chí uy tín này đánh giá, ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với các quốc gia láng giềng chịu “đầu tư”.
Tuy nhiên, lĩnh vực du lịch của Việt Nam không hẳn là suy giảm, ngành công nghiệp này đã liên tục tăng trưởng trung bình khoảng 6,5% trong vòng 5 năm qua và sẽ tiếp tục tăng trưởng, Forbes nhận định.
Dù vậy, ngành du lịch Thái Lan và Singapore đã tăng lần lượt là 12% và 10% so với cùng kỳ. Thậm chí, lĩnh vực du lịch của Lào cũng đã tăng 15% - gấp đôi tốc độ tăng trưởng của du lịch Việt Nam.
Vì vậy, Forbes nhận định, nếu Việt Nam không thể tận dụng lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên đẹp, và đầu tư nhiều hơn cho việc quảng bá du lịch trên thị trường quốc tế, ngành du lịch của Việt Nam sẽ bị các nước láng giềng trong khu vực “vượt mặt”
Thống nhất thiết kế làm cầu đường sắt vượt sông Hồng
UBND Hà Nội đã thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về phương án thiết kế cầu đường sắt vượt sông Hồng thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi là dầm - vòm thép kết hợp.
UBND Hà Nội đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo tư vấn tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đảm bảo sự hài hòa, phù hợp về kiến trúc với cảnh quan của sông Hồng và khu vực phố cổ, đặc biệt là sự hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của cầu Long Biên và các công trình hiện có với thiết kế hiện đại của cây cầu mới.
Thiết kế phải đảm bảo kết cấu dầm, vòm dạng thanh thoát, nhẹ nhàng, chiều cao thấp để hạn chế che chắn tầm nhìn từ phía thượng lưu đối với cầu Long Biên hiện có. Bên cạnh đó cần nghiên cứu các giải pháp về màu sắc, vật liệu, chiếu sáng trang trí cầu.
Về thiết kế kiến trúc cầu cạn đường dẫn 2 đầu cầu, cần nghiên cứu áp dụng kết cấu công nghệ hiện đại, thanh mảnh nhẹ nhàng, hạn chế tối đa chiều cao dầm cầu cạn. Thành phố Hà Nội đặc biệt yêu cầu bổ sung nghiên cứu giải pháp chống ồn khi thi công cầu qua Khu phố cổ đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng đến khu vực dân cư dọc hai bên tuyến.
Cầu đường sắt vượt sông Hồng là công trình giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên địa bàn Thành phố, thuộc tuyến đường sắt Quốc gia và đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1). Đây là tuyến ưu tiên số 1 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2020.
Vị trí cầu cách cầu Long Biên hiện có 75m về phía thượng lưu đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc tại công văn số 100/TTg-KTN ngày 09/11/2015, hiện đã được cập nhật thống nhất vào đồ án Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016(TBNH)