Chính phủ vay vượt kế hoạch trái phiếu 5 năm
Nhà thầu Trung Quốc khiến Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông không hẹn ngày về đích
Thừa Thiên Huế: Cấp phép đầu tư nhà máy viên nén năng lượng 106 tỷ đồng
Giá đất bồi thường đường ven Hồ Tây hơn 31,4 triệu đồng/m2
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 13-06-2016
- Cập nhật : 13/06/2016
Giáo sư Nga nói về lý do Việt Nam không có xung đột
Theo Viện Quốc tế về hòa bình, mức độ an ninh trên thế giới đang sụt giảm, hiện chỉ có mười nước được xem là hoàn toàn không có xung đột trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vậy yếu tố nào đã giúp Việt Nam lọt vào danh sách trên?
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Sputnik, Giáo sư Việt Nam học nổi tiếng, Tiến sỹ Khoa học Vladimir Kolotov cho biết ngoài việc tồn tại nhiều nhóm tôn giáo khác nhau, Việt Nam còn phải đối mặt các dự án địa chính trị được tạo ra ở nước ngoài nhưng có liên quan đến Việt Nam như "Kampuchea Krom" do các thế lực phản động ở Campuchia đề ra yêu cầu (phi pháp) công nhận phần đất đồng bằng sông Cửu Long là của Campuchia.
Thậm chí, còn có cả dự án (phi pháp) lập ra cái gọi là "Tin Lành Đề Ga" ở miền núi, một điểm nóng ly khai kiểu Kosovo ở Đông Nam Á, bằng cách tách ra 14 tỉnh miền núi của Việt Nam và một số tỉnh của Campuchia và Lào.
Điều đó có nghĩa ở Việt Nam có sẵn cơ sở hạ tầng cho các cuộc xung đột, nhưng chính quyền đã nỗ lực ngăn chặn các tình huống như vậy và giải quyết các vấn đề xung đột thông qua các biện pháp đàm phán, các quy định pháp lý, một cách hòa bình.
Theo Tiến sỹ Kolotov, “hoạt động của các cơ quan chính quyền Việt Nam về quản lý xung đột để ngăn chặn các thế lực bên ngoài làm trầm trọng thêm tình hình là rất thú vị và hữu ích trong thời đại chúng ta. Bởi vì hiện nay, chúng ta thấy nhiều trường hợp khi tại một khu vực bình yên và ổn định đột nhiên bùng nổ những cuộc đụng độ và xung đột đẫm máu — ví dụ như ở Ukraine”.
“Đất nước này xứng đáng nhận được sự tôn trọng. Hoạt động của các cơ quan chính quyền đảm bảo không có xung đột đã tạo ra các điều kiện cơ bản cho sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài", Tiến sỹ Kolotov nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị Vĩnh Long tập trung cho hội nhập kinh tế quốc tế
Chiều 11/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long để đánh giá kết quả khắc phục hậu quả tình trạng xâm nhập mặn và việc tái cơ cấu sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.
Vĩnh Long là địa phương thuần nông, nguồn thu thấp, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh rất lớn. Do đó, hàng năm tỉnh còn nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương.
Vĩnh Long cũng là địa phương chịu tác động nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn. 6 tháng đầu năm 2016, do diễn biến của hạn kéo dài, xâm nhập mặn sớm, sâu và độ mặn cao; năng suất, sản lượng lúa giảm (giảm 10,6%); sản lượng cá tra giảm 8,3% so với cùng kỳ... Ước giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 9.442 tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ; trong đó, ngành nông nghiệp giảm 3,8%, ngành thủy sản giảm 2,9%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Vĩnh Long, ước 6 tháng đầu năm 2016 đạt gần 2.850 tỷ đồng, đạt hơn 56% so với dự toán và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, thu nội địa trên 1.590 tỷ đồng, đạt 53%, tăng hơn 31% so với cùng kỳ.
Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, Vĩnh Long đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững. Toàn tỉnh đã xây dựng được tổng diện tích cánh đồng mẫu lên đến trên 13.540 ha; giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tỉnh tăng trưởng hàng năm bình quân gần 2,7%; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,92 lần so với năm 2010. Ngành chăn nuôi có sự tăng trưởng khá trong những năm gần đây. Vĩnh Long chủ trương chuyển vụ sản xuất ở một số vùng sản xuất (2 vụ lúa 1 vụ màu), chuyển đổi giống cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái, xây dựng và ứng dụng công nghệ trong sản xuất được triển khai và đạt kết quả. Tuy nhiên, việc triển khai một số nội dung trên còn chậm, hiệu quả chưa cao, nguồn lực thực hiện còn hạn chế.
Để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn, mặn về lâu dài đảm bảo phục vụ sản xuất ổn định và bền vững, Vĩnh Long đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét chấp thuận hỗ trợ nguồn vốn đầu tư các công trình thủy lợi cấp bách để ứng phó với thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh như: Xây dựng Dự án Hệ thống thủy lợi ngăn mặn giữ ngọt Bắc Vũng Liêm; Dự án Hệ thống thủy lợi cồn Lục Sỹ, huyện Trà Ồn; Dự án Hệ thống thủy lợi ngăn mặn tiếp ngọt huyện Vũng Liêm...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần đoàn kết nhất trí của tập thể lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, nhờ đó, đã phấn đấu đạt kết quả khá tốt về phát triển kinh tế-xã hội; công tác khắc phục hậu quả xâm nhập mặn và công tác tái cơ cấu nông nghiệp đạt kết quả bước đầu; đời sống người dân ngày càng được nâng cao hơn.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số điểm hạn chế mà tỉnh cần khắc phục như: Việc giải ngân vốn đầu tư còn chậm; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn hạn chế; một số chỉ tiêu như tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; tái cơ cấu nông nghiệp chưa thực sự đạt yêu cầu đề ra...
Thủ tướng yêu cầu Vĩnh Long tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 2 nội dung lớn liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế và phòng tránh thiên tai.
Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần chuẩn bị tốt cho việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, nhất là Hiệp định TPP. Nội dung này cần được quán triệt, triển khai thực hiện tốt ở cấp ủy, chính quyền các cấp đến từng người dân trong tỉnh, đặc biệt là cần thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp đáp ứng với tình hình mới.
Vĩnh Long cần chủ động, sáng tạo trong phòng chống thiên tai trong trường hợp hiện tượng El Nino tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, nhất là về cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu áp dụng các loại cây giống, con giống thích ứng với môi trường nước mặn; sao cho giảm thiểu thiệt hại nếu thiên tai xảy ra.
Thủ tướng đề nghị Vĩnh Long cần làm tốt công tác quy hoạch đô thị, nông thôn trên cơ sở có cái nhìn tổng quát về tam giác phát triển: Kinh tế - xã hội - môi trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động; tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cả bằng biện pháp công trình và phi công trình phù hợp với định hướng phát triển bền vững.
Cơ bản tán thành các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng c hỉ đạo Vĩnh Long tập trung triển khai tốt việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, Thủ tướng cũng đề nghị Vĩnh Long quyết liệt hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đi liền với tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và chú ý tạo điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp. Tỉnh cần lưu tâm đến nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện và không ngừng nâng cao chất lượng bộ máy hành chính theo hướng phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương, dâng hoa tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tại xã Long Phước, Long Hồ, Vĩnh Long. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng tới dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại ấp Phong Thới, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm đúng vào ngày giỗ lần thứ 8 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tưởng nhớ Thủ tướng Võ Văn Kiệt; tham quan di vật, tư liệu, hình ảnh về người Cộng sản kiên trung mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xúc động viết lưu niệm: Tưởng nhớ đồng chí Sáu Dân, người lãnh đạo cao cấp, tận tụy, gương mẫu, suốt đời lo việc dân việc nước. Đồng chí là tấm gương sáng cho thế hệ chúng tôi học tập noi theo.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đã tới thăm hỏi, tặng quà và động viên Mẹ Việt Nam Anh Hùng Phan Thị Hồng tại Phường I, Thành phố Vĩnh Long, đã có con duy nhất hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; thăm hỏi ông Nguyễn Văn Quân, Nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi đời sống, sinh hoạt và lao động của công nhân, người lao động tại Công Ty TNHH Tỷ Xuân (Vinh Long Footwear), nằm trong Khu Công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long. Đây là doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài (Đài Loan) – chuyên sản xuất giày lưu hóa, giày da, giày thể thao xuất khẩu với dây chuyền kỹ thuật công nghệ hiện đại, đã có hơn 10 năm hoạt động tại Việt Nam với 18.400 lao động, kim ngạch xuất khẩu 160 triệu USD. Công ty cũng thành lập được Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam; thành lập Tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Tham quan nhà xưởng, trực tiếp thăm hỏi đời sống người lao động, công nhân tại các phân xưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Ban Lãnh đạo Công ty phát triển hơn nữa quy mô, thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh ; tiếp tục nâng cao thu nhập cho công nhân, người lao động, chấp hành tốt pháp luật của Việt Nam. Ngoài chú trọng hoạt động sản xuất, xuất khẩu, Công ty cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống của công nhân, giữ gìn vệ sinh, môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn. Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền tỉnh Vĩnh Long tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trong đó có Công ty Tỷ Xuân. (TTXVN)
“Cởi trói” tín dụng cho lúa gạo, cà phê
Tác động tới hàng triệu hộ nông dân
TS Cao Thăng Bình - chuyên gia cao cấp ngành nông nghiệp chia sẻ: “Các cô, bác, chú, dì của tôi có rất nhiều người đang sản xuất lúa ở ĐBSCL nhưng họ làm cả 1ha mỗi vụ cũng chẳng lãi được 10 triệu đồng thì làm sao đủ chi phí cho cuộc sống và nuôi con ăn học. Không chỉ người thân của tôi, khảo sát còn cho thấy có tới 70% nông dân ở ĐBSCL có diện tích dưới 1ha. Vì vậy đang có khoảng 1 triệu nông dân gặp khó khăn nếu chỉ trông chờ vào sản xuất lúa” - ông Bình nói.
Sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL sẽ được hỗ trợ tín dụng theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần tăng thêm lợi nhuận 30%. ảnh:T.L
Theo ông Bình, không chỉ lúa gạo, đối với cà phê, chỉ có 1/3 diện tích ở Tây Nguyên là đảm bảo được nước tưới. Phần còn lại tỷ lệ sử dụng nước ngầm ngày càng nhiều dẫn tới có nơi bị sụt lún sâu 3m. Cùng với việc sản xuất cà phê có năng suất thấp, chất lượng không đồng đều, đặc biệt là khâu bảo quản, chế biến chưa tốt… nên thu nhập của người trồng cà phê thấp. “Dự án VnSAT sẽ mang đến một sinh kế mới cho đời sống của người dân trồng lúa, cà phê” - ông Bình khẳng định.
Đối với khu vực ĐBSCL, VnSAT sẽ hỗ trợ trực tiếp khoảng 140.000 hộ nông dân trồng lúa ở 8 tỉnh (Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng), giúp họ tiếp cận, áp dụng công nghệ tiên tiến và liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha dự kiến sẽ tăng thêm 30%.
Tại Tây Nguyên, có khoảng 63.000 hộ nông dân tại 5 tỉnh (Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai và Kon Tum) sẽ được tiếp cận, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững, tái canh cà phê và tăng thu nhập khoảng 20%.
Nhu cầu vốn cho tam nông rất lớn
Ông Phan Đức Tú – Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, BIDV được Chính phủ lựa chọn làm ngân hàng bán buôn, quản lý và cho vay lại số vốn tín dụng tương đương 105 triệu USD trong tổng số vốn vay của dự án. Số tiền này sẽ được BIDV giải ngân, thông qua các ngân hàng được lựa chọn, để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cấp công nghệ và thiết bị chế biến gạo ở ĐBSCL, và nông dân tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên.
Đại diện cho các nhà thầu phụ, bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết: Agribank tiếp tục được lựa chọn là đơn vị tham gia cấu phần tín dụng Dự án VnSAT trị giá 105 triệu USD trong đợt này. “Agribank sẽ nỗ lực triển khai hiệu quả VnSAT, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình ở hai vùng sản xuất lúa gạo, cà phê chủ lực của Việt Nam” - bà Phượng nhấn mạnh.
Đánh giá về dự án này, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn là lĩnh vực rộng và có nhu nhu cầu tài chính rất lớn, dù đã có nhiều chính sách tín dụng cho tam nông nhưng đến nay vẫn chưa đủ. VnSAT thực sự là dự án cần thiết tác động tới hơn 70% đời sống của nông dân ở khu vực nông thôn, giúp họ tiếp cận được tín dụng dễ dàng hơn trong thời gian tới.(DV)
Phó Chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đi xe Lexus gắn biển xanh: Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an làm rõ
Chuyện Công an tỉnh Hậu Giang cấp biển xanh cho xe Lexus trị giá khoảng 5,7 tỷ đồng được ông Trịnh Xuân Thanh-Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sử dụng suốt thời gian dài gây bức xúc dư luận thời gian qua
Trước đó, một tờ báo đăng bài “Xe tư nhân gắn biển số xanh và “di sản” của Phó Chủ tịch Hậu Giang”, phản ánh việc ông Trịnh Xuân Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sử dụng xe cá nhân gắn biển số xanh và việc trong khi kết luận về trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh với vai trò là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) liên quan đến khoản thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng chưa được công bố công khai nhưng vẫn được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Về việc này, Phó Thủ tướng Trịnh Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo thẩm quyền khẩn trương kiểm tra, làm rõ những nội dung bài báo nêu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/6.
Trao đổi với PV Dân trí trước đó, Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho rằng, Công an tỉnh Hậu Giang cấp biển xanh cho xe ô tô Lexus LX570 mà ông Trịnh Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sử dụng suốt thời gian dài là sai quy định. Sau khi dư luận phản ứng dữ dội, chiếc xe Lexus LX570 đã “lột” biển xanh để trở lại BKS 29A-790.93 được Công an Hà Nội cấp ban đầu càng thể hiện việc làm sai và cần phải xử lý nghiêm đối với cơ quan đăng ký, cấp biển số xe.
Trong khi đó, "di sản" của ông Trịnh Xuân Thanh để lại trong thời gian lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) là khoản lỗ lũy kế đến cuối năm 2013 lên tới trên 3.262 tỷ đồng.
Trước thực trạng PVC thua lỗ như vậy nhưng vào tháng 9/2013 ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rời khỏi doanh nghiệp này và được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng.
Đến ngày 25/1/2014, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 49/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nêu rõ: “Yêu cầu Tập đoàn kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Báo cáo Bộ Công Thương và yêu cầu Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Không rõ việc xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được tiến hành đến đâu, nhưng sau đó không lâu, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Công thương bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương. Đến tháng 5/2015, ông Thanh được luân chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Theo kết quả mới được Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố chiều qua (9/6), ông Trịnh Xuân Thanh đã trúng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang với tỷ lệ 75,28% phiếu tán thành.
Sau khi báo chí phản ánh về việc sử dụng xe tư gắn biển xanh và những “di sản” của Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh khi lãnh đạo PVC gây thua lỗ lớn, ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban cán sự đảng các bộ Công Thương, Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo chí đã nêu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là “việc cần làm ngay” và báo cáo kết quả với Ban Bí thư.