Hà Nội tiếp tục công khai danh tính 131 đơn vị nợ thuế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu quản lý chặt các dự án đầu tư công
Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền: NHNN đang rà soát thông tin liên quan đến Hồ sơ Panama
Chính phủ phê duyệt Nghị định thư về Cơ chế một cửa ASEAN
Hải quan Hải Phòng lên tiếng vụ doanh nghiệp “tố” về giá tính thuế
Đừng để Trung Quốc thao túng du lịch
- Cập nhật : 12/06/2016
Chính quyền các địa phương cần siết chặt quản lý, đồng thời doanh nghiệp kinh doanh lữ hành liên kết chặt với nhau, không để người Trung Quốc thao túng thị trường du lịch.
“Chúng tôi không chấp nhận cách làm “ăn xổi ở thì”, để người Trung Quốc (TQ) núp bóng, điều hành du lịch ở tỉnh nhà. Làm như thế, chúng ta chỉ có lợi trước mắt, sau đó mất hết” - ông Võ Thanh Minh, Giám đốc Công ty TNHH Paradise Bay (tỉnh Khánh Hòa), phản ứng trước tình trạng công ty du lịch nước ngoài hoạt động “chui” tại Việt Nam.
“Mượn đầu heo nấu cháo”
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có 40 doanh nghiệp (DN) kinh doanh lữ hành quốc tế, cùng với 7 chi nhánh, 11 văn phòng đại điện của các công ty lữ hành quốc tế, tập trung khai thác 2 thị trường lớn là Nga và TQ. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế của các DN trong nước còn hạn chế khi chưa chủ động trong việc xây dựng chiến lược xúc tiến tại các thị trường nước ngoài một cách bài bản. Thay vào đó, chỉ tổ chức phục vụ khách du lịch nước ngoài khi đã vào Việt Nam theo hình thức hợp đồng ủy quyền của các DN lữ hành quốc tế ở TP. HCM, Hà Nội…
Đồng tình với đánh giá trên, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang, cho rằng DN trong nước thua trên “sân nhà” là vì không liên kết, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh với nhau. Đơn cử như giá mỗi phòng khách sạn đáng ra là 1,5 triệu đồng, DN lại bán 750.000 đồng vì sợ tụt công suất phòng, sợ mất khách. Cũng theo ông Thành, rất ít DN đủ lực để vươn ra thị trường nước ngoài. Chỉ một số hãng như Hoàng Trà, Vietravel, Vietnamtourism-Hanoi có các hoạt động đón, liên hệ trực tiếp với khách ở TQ từ các TP lớn như Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô; còn lại chỉ nhận khách khi họ đến Nha Trang.
Từ thực tiễn và trường hợp của Công ty Silent Bay “hợp tác” với một công ty du lịch TQ mà Báo Người Lao Động thông tin trong những ngày qua, ông Võ Thanh Minh nêu thực trạng vì lợi nhuận, nhiều DN buộc phải chọn hợp tác với các công ty lữ hành nước ngoài theo kiểu nối tour. Tức là họ đưa khách qua Việt Nam rồi mình nhận, bố trí ăn ở, đưa tour đến các điểm tham quan.
Theo ông Minh, chính cách làm này đã buộc DN trong nước nhường sân chơi cho công ty lữ hành nước ngoài mà trường hợp của Công ty Silent Bay là một điển hình. “Người TQ muốn ăn cả nên yêu cầu góp vốn hoặc núp bóng mình để đưa người của họ vào điều hành; đổi lại, mỗi tháng họ chỉ chi cho DN một khoản phí nhất định. “Cái kiểu “mượn đầu heo nấu cháo” như thế là phạm luật và du lịch của mình sẽ mất hết. Với chúng tôi, thà cho công ty nghỉ chứ nhất quyết không chấp nhận kiểu làm ăn như thế” - ông Minh bày tỏ.
Không sớm liên kết sẽ bị “Trung Quốc hóa”
Ông Đồ Xuân Tạo, chủ khách sạn Paris - Nha Trang, cho biết ông từng ở TQ nhiều năm và khách sạn thường xuyên đón tiếp các khách TQ nên hiểu được cách thức làm ăn của các công ty kinh doanh du lịch nước này. Theo ông, khi dẫn khách từ TQ qua Việt Nam, DN thu từ 2.800-3.000 nhân dân tệ/người (khoảng 9,5-10,1 triệu đồng), bao gồm tiền khách sạn 3-4 sao, vé máy bay, mua lại các dịch vụ ở Việt Nam… Như vậy, với mỗi khách, các công ty của TQ thường lỗ từ 1-2 triệu đồng. Để bù các khoản lỗ này, họ sẽ bán lại các dịch vụ khác như tour biển đảo, picnic, nhà hàng, hàng lưu niệm… với giá cao. “Thậm chí, nhiều công ty của TQ đưa khách ra nước ngoài mà không thu tiền nhưng họ sẽ bù lại bằng các dịch vụ đi kèm. Đây chính là lý do vì sao công ty TQ muốn đứng ra điều hành các tour dẫn khách nội địa” - ông Tạo lý giải.
Ông Nguyễn Văn Thành cho rằng để tránh bị người nước ngoài thao túng, ngành du lịch cần có đối sách phù hợp. “Các hãng lữ hành quốc tế trong nước cần liên kết chặt chẽ với nhau trong kinh doanh dịch vụ, bảo đảm giá thành đúng với chất lượng, khi đó mới tránh bị người nước ngoài thao túng” - ông Thành nói.
Theo đại tá Trần Nhân Nghĩa, Trưởng Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa, nhiều khách sạn, nhà hàng về danh nghĩa thì của người Việt Nam nhưng thực tế là do người TQ làm chủ, đứng sau điều hành. “Ngành du lịch và bản thân các DN phải chấn chỉnh lại cách làm. Nếu không làm ngay từ bây giờ thì sẽ bị các ông chủ TQ thôn tính hết. Lúc đó, du lịch cũng sẽ bị TQ hóa” - đại tá Nghĩa khuyến cáo.
Đà Nẵng mạnh tay với du lịch “chui”
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, hiện nay, khách du lịch TQ và Hàn Quốc lần lượt đứng thứ nhất và thứ hai trong tốp 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng. Cụ thể, tổng lượng khách TQ đến TP trong năm 2015 ước đạt 261.523 lượt (tăng 72% so với năm 2014), khách Hàn Quốc 180.382 lượt (tăng 69%). Tuy nhiên, sự tăng trưởng quá nhanh của những thị trường này đã dẫn đến tình trạng các công ty lữ hành TQ, Hàn Quốc tự ý tổ chức hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch trái phép. Trong 5 tháng đầu năm 2016, Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã xử phạt 10 cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trái phép trên địa bàn với số tiền 185 triệu đồng.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết tới đây, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hiệu quả hiện tượng làm du lịch “chui” trên địa bàn.
H.Dũng - C.Khanh
Ý KIẾN
Ông Trần Sơn Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa:
Kiểm tra việc lưu trú của người nước ngoài
Định hướng du lịch của Khánh Hòa là phục vụ khách trong nước và quốc tế có chi tiêu cao. Tức là tạo ra các sản phẩm du lịch cao cấp để phục vụ khách có nhu cầu. Vì vậy, về lâu dài, ngành du lịch tỉnh cần tập trung các thị trường khách cao cấp để khai thác, xúc tiến thị trường.
Để chấn chỉnh tình trạng kinh doanh du lịch “chui” như thời gian qua, UBND tỉnh giao Cục Thuế và Sở Tài chính lập kế hoạch thanh tra và kiểm tra thường xuyên đối với lĩnh vực lưu trú, lữ hành và các cửa hàng dịch vụ chuyên phục vụ cho khách nước ngoài. Công an tỉnh rà soát thủ tục đăng ký khách lưu trú tại khách sạn, nhà cho người nước ngoài thuê; tăng cường kiểm tra việc đăng ký tạm trú, tạm vắng cho người nước ngoài. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vào Việt Nam làm việc không có giấy phép lao động; tập trung vào một số địa chỉ chuyên phục vụ người nước ngoài.
Ông Phạm Cao Thái, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch:
Nâng cao đạo đức kinh doanh
Để chấn chỉnh tình trạng DN nước ngoài làm du lịch “chui” thì phải giải quyết đồng bộ một số giải pháp. Về cơ chế chính sách, ngành du lịch cần sớm có những hướng dẫn về ký kết hợp đồng lữ hành. Về quản lý, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đặc biệt xử lý nghiêm những DN lữ hành vi phạm. Tuy nhiên, các DN lữ hành Việt Nam cũng phải nâng cao đạo đức kinh doanh và tuân thủ nghiêm pháp luật.
Ông Vũ Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch:
Xóa bỏ “chăn dắt” khách
Những trường hợp liên kết bắt tay với người nước ngoài mà Báo Người Lao Động nêu, chúng tôi đã làm việc với cơ quan công an và chỉ đạo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, vi phạm đến đâu xử lý đến đó, nếu cần thì rút giấy phép, kiên quyết không để xảy ra tình trạng DN nội tiếp tay cho người nước ngoài.
Thị trường TQ, Hàn Quốc cũng như một số thị trường châu Á khác có đặc thù là các công ty du lịch dùng shopping để bù lại giá thành tour. Từ đó, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, ép khách sử dụng dịch vụ giá cao để bù đắp giảm giá tour. Mọi thứ đều xuất phát từ cạnh tranh giá cả, tạo ra những công nghệ để “chăn dắt” khách. Phải chấn chỉnh, quản lý chặt, làm mạnh tay thì mới xóa được hiện tượng này.
K.Nam - H.Ánh - Y.Anh ghi
Theo Báo Người Lao Động