UBND tỉnh Quảng Bình vừa công bố danh mục 35 dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch giai đoạn 2015-2020. Tổng số vốn đầu tư dự kiến lên tới hơn 22.900 tỷ đồng, tương đương 1,063 tỷ USD.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 18-06-2016
- Cập nhật : 18/06/2016
Nghị sĩ Đài Loan hối thúc điều tra Formosa và cá chết ở VN
Các nghị sĩ Đài Loan yêu cầu chính quyền Đài Loan điều tra về trách nhiệm liên đới của Formosa trong vụ cá chết hàng loạt ở Việt Nam.
Một người dân chìa ra con cá chết ông nhặt được trên bờ biển ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Dailymail
Theo AFP, yêu cầu này được các nghị sĩ trong cơ quan lập pháp của Đài Loan đưa ra hôm qua, 16-6, trong bối cảnh các nhà hoạt động môi trường cho rằng, việc xả thải công nghiệp từ nhà máy thép của Formosa rất có thể đã gây ra thảm họa môi trường ở miền Trung Việt Nam.
Theo đó, các nghị sĩ khuyến cáo nếu Formosa là nguyên nhân gây ra việc hàng tấn cá chết dạt vào bờ biển miền Trung Việt Nam hai tháng trước sẽ gây ảnh hưởng lớn tới chính sách thúc đẩy đầu tư vào Đông Nam Á để giảm dần lệ thuộc nền kinh tế Đài Loan vào Trung Quốc của bà Thái Anh Văn, tân lãnh đạo Đài Loan.
Nghị sĩ cao cấp Su Chih-feng của đảng Dân Tiến cho rằng, nếu chính phủ mới của Đài Loan không giải quyết một cách thận trọng trước những bức xúc lan rộng của cộng đồng người Việt Nam về sự việc sẽ không thể khép lại những rắc rối này.
Formosa là tập đoàn từng dính đến nhiều vụ bê bối môi trường toàn cầu, từ Texas (Mỹ) cho tới Sihanoukville của Campuchia. Tập đoàn này cũng từng bị cáo buộc gây ô nhiễm ngay tại Đài Loan, trong đó có vụ liên quan tới một tổ hợp nhà máy hóa dầu tại vùng Yunlin phía nam Đài Loan.
Chủ tịch Hội luật gia môi trường Chang Yu-yin cho rằng chính quyền tại Đài Loan cần vào cuộc và buộc Formosa phải tuân thủ “các tiêu chuẩn về lao động, nhân quyền và môi trường theo thông lệ quốc tế”.
Ông Peter Nguyen, một mục sư người Việt Nam cư trú tại Đài Loan, cho rằng chính quyền của bà Thái Anh Văn cần phải đảm bảo rằng nếu thực sự Formosa gây ra vụ việc, họ phải có trách nhiệm giải quyết thảm họa môi trường và đền bù thiệt hại đầy đủ cho những người bị ảnh hưởng tại Việt Nam.
“Việt Nam cần đầu tư nước ngoài nhưng sự đầu tư đó phải có lợi cho cả hai phía. Nếu môi trường và người dân của chúng tôi bị ảnh hưởng, điều đó sẽ tạo ra những thách thức và rắc rối cho các dự án đầu tư khác của Đài Loan vào Việt Nam”, ông Peter Nguyen nói.
Đài Loan và Việt Nam tuy không có các quan hệ ngoại giao chính thức nhưng vẫn là những đối tác thương mại gần gũi của nhau. Hiện có khoảng 250.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Đài Loan, hoặc theo diện kết hôn hoặc theo diện lao động xuất khẩu.(TT)
Hãm đà tăng CPI
Năm 2016 đã qua gần nửa chặng đường. 5 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục tăng. Đã đến lúc cần có các kịch bản để chủ động hãm đà tăng của CPI.
Trong 5 tháng liên tiếp, mặc dù với mức tăng không đáng kể nhưng CPI đã liên tục tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5-2016 tăng 0,54% so với tháng 4-2016. Đây là tháng có tốc độ tăng CPI cao hơn mức tăng cùng kỳ của 5 năm trở lại đây. CPI tháng 5 so với tháng trước của 4 năm gần đây đều có mức tăng thấp. Ví như năm 2012 tăng 0,18%, năm 2013 lại giảm 0,06%, 2014 và 2015 đều tăng thấp ở mức 0,2% và 0,16%.
Nếu so với tháng 12 năm trước, CPI tháng 5-2016 tăng 1,88%. Để giữ tốc độ tăng CPI dưới 5% như mục tiêu Quốc hội đề ra, thì con số 1,88% vẫn là chỉ số nằm trong vùng an toàn. Song, nếu nhìn vào thành công của năm 2015 khi CPI chỉ tăng ở mức 0,63% - mức thấp nhất trong 14 năm qua- thì những con số cứ tịnh tiến của 5 tháng đầu năm nay quả đáng lo.
Nguyên nhân tăng chỉ số giá tiêu dùng có nhiều, nhưng mỗi tháng mỗi vẻ. Nhóm lương thực tăng do thương lái thu gom lúa gạo; giá xăng dầu tăng; giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng; dịp lễ, tết… đều khiến CPI nhích lên.
Dư địa tăng của CPI những tháng cuối năm còn nhiều, như: Dịp khai giảng năm học mới; điều chỉnh tăng viện phí chia làm nhiều đợt trong năm, bắt đầu từ tháng 8 tới đây; giá xăng dầu thế giới dự báo trong thời gian tới biến động theo chiều hướng tăng... Các yếu tố này đều là mối nguy khiến CPI tăng.
Với kinh nghiệm điều hành nhiều năm kìm cương khi lạm phát tăng phi mã, ngay từ đầu năm, cơ quan quản lý giá, Bộ Tài chính đã có nhiều kịch bản giữ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo cơ quan quản lý giá, vẫn còn nhiều dư địa trong điều hành để giữ lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Mới đây, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục điều hành giá năng lượng và các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2016.
Việc điều chỉnh giá dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được Chính phủ và các bộ, ngành chức năng quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo vẫn tiếp tục thực hiện theo lộ trình. Trong đó chú trọng đánh giá tác động và cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh thích hợp để tránh gây đột biến tới mặt bằng giá cả thị trường năm 2016.
Lường trước ảnh hưởng của việc tăng giá viện phí, Bộ Y tế đã quyết định tăng viện phí chia thành 5 đợt và mỗi đợt điều chỉnh viện phí sẽ thực hiện ở 8-12 tỉnh, thành phố. Cơ quan này cũng tính toán khi tăng giá dịch vụ y tế chỉ có tác động vào CPI từ nay đến cuối năm ở mức dưới 2%.
Không quá lo ngại, một số chuyên gia kinh tế dự báo CPI năm 2016 sẽ tăng khoảng 4%. Dự báo, nguồn cung đa số các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên thị trường trong nước khá dồi dào, cùng với việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá của các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra biến động đột biến trong thời gian tới.
Giảm phát hay lạm phát đều không có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Theo các chuyên gia, trong cân đối điều hành, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục coi trọng công tác dự báo và kịch bản kiểm soát CPI để chủ động hơn trong điều hành kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng.(HQ)
Vasep lo nhà máy giấy Trung Quốc 'bức tử' sông Hậu
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, thông tin dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee&Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) năm trên cặp bờ sông Hậu (thuộc tỉnh Hậu Giang) sắp đi vào hoạt động đang khiến người dân cũng như doanh nghiệp thủy sản tại đây hoang mang.
Theo Vasep, công nghiệp giấy chủ yếu xả thải xút (NaOH) là nhiều nhất, đứng thứ hai sau cyanuya, thạch tín. Trong khi đó, khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn.
Để ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm có thể xảy ra, mới đây, Vasep đã gửi công văn khẩn cấp tới Quốc hội và Chính phủ đề nghị chỉ đạo gấp việc kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của dự án trên. Theo Vasep, đây là dự án chuyên sản xuất, gia công, mua bán các loại giấy, bao bì bột giấy và sản phẩm từ giấy, diện tích sử dụng là 200ha, nay đã giảm xuống còn khoảng 82,8ha. Trong đó, khoảng 41ha hoạt động sản xuất giấy, còn lại dành cho sản xuất bột giấy.
Tháng 3/2015, dự án nhà máy giấy Lee &Man Việt Nam đã chính thức khởi công và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 8/2016 tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Khi hoạt động, Vasep cho rằng công trình này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là thải ra khoảng 28.500 tấn xút (NaOH) một năm xuống sông Hậu. "Với công suất khổng lồ, nhà máy này có nguy cơ gây "bức tử" dòng sông Hậu", Hiệp hội này nhận định.
Nhà máy này được đặt ở vùng trũng nhất khu vực nên theo Vasep, rất khó rửa trôi một khối lượng xút lớn (để sản xuất 1 tấn giấy hoặc bột giấy cần 50kg xút làm chất tẩy). Vì vậy, nếu lượng xút này đổ ra sông Hậu và biển, sẽ hủy hoại nguồn lợi thủy sản ở sông và biển, đồng thời ảnh hưởng lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trước đó, năm 2007, sau khi biết thông tin dự án xây dựng nhà máy giấy và bột giấy Lee&Man đang xin cấp phép thành lập tại Cụm công nghiệp Nam Sông Hậu, Vasep đã gửi văn bản báo cáo tới Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị Bộ có ý kiến với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan về việc này.
Sau khi nhận được kiến nghị của Vasep và được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 6/9/2007, Cục Lâm nghiệp đã có công văn trả lời về vụ việc trên. Trong đó, Cục nêu rõ theo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” thì không quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang và theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực chiếm trên 70% diện tích thủy sản, 40% sản lượng nuôi trồng và 60% sản lượng xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Hàng giả, hàng nhái vào VN đều từ Trung Quốc
Phần lớn các sản phẩm giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng đều có xuất xứ từ Trung Quốc, được đưa vào VN bằng đường chính ngạch lẫn buôn lậu qua các cửa khẩu.
Tại hội thảo “Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam - nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và giải pháp” do Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức tại TP.HCM ngày 16-6, báo cáo của Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho biết mỗi năm cơ quan này phát hiện khoảng 700 vụ việc liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó phần lớn là hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng.
Phần lớn các sản phẩm này đều có xuất xứ từ Trung Quốc, được đưa vào VN bằng đường chính ngạch lẫn buôn lậu qua các cửa khẩu. Nhiều loại hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng quốc tế thậm chí còn được bày bán công khai trong các siêu thị.
Theo các chuyên gia, ngoài việc điều chỉnh và hoàn thiện khung pháp lý, bản thân các doanh nghiệp phải nâng cao ý thức bảo vệ giá trị nhãn hiệu và cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý vi phạm.
Vay tiêu dùng, đừng để lọt vào “danh sách đen”
Có nhiều trường hợp người chị bảo lãnh cho em vay mua xe máy, em quên đóng tiền, chị bị ghi nợ xấu, sau này khó khăn, khi tiếp cận các tổ chức tài chính mới vỡ lẽ.
Tại buổi tọa đàm “Điểm tín dụng cá nhân trong vay tiêu dùng” do Thời Báo Ngân Hàng phối hợp với Home Credit tổ chức ngày 16-6, ông Cao Văn Bình, phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC), cho biết nếu đã lọt vào “danh sách đen” của CIC, dù đã thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ nhưng lịch sử tín dụng vẫn còn lưu và các tổ chức tín dụng khác đều có thể xem được lịch sử này. “Một khi vào “danh sách đen”, 5 năm sau mới bị xóa đi” - ông Bình khuyến cáo.
Theo ông Bình, có nhiều trường hợp người chị bảo lãnh cho em vay mua xe máy, em quên đóng tiền, chị bị ghi nợ xấu, sau này khó khăn, khi tiếp cận các tổ chức tài chính mới vỡ lẽ. Hoặc có trường hợp bị lợi dụng giả mạo giấy tờ, phải có tòa án can thiệp thì thông tin trên CIC mới được chỉnh sửa. “Các sinh viên vay chương trình hỗ trợ nếu không trả cũng bị ghi nhận vào hồ sơ tín dụng và khi đi xin việc sẽ bị ảnh hưởng” - ông Bình nói thêm.(TT)