Hai tàu khu trục Nhật sẽ đến Việt Nam
Truy tố 4 người Việt giết đồng hương ở Campuchia
Đề nghị Nhật Bản can thiệp vụ lao động Việt Nam bị bóc lột
Doanh nghiệp Hàn Quốc trồng ớt ở Ninh Thuận
Cảnh báo việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng nước ngọt
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 13-06-2016
- Cập nhật : 13/06/2016
Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo sẽ trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía tây Quảng Bình
BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình vừa công bố quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo có tổng diện tích khoảng 53.923ha bao gồm ranh giới hành chính của 6 xã thuộc huyện Minh Hóa là: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Phúc, Hồng Hóa và Hóa Tiến.
Đây là trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình, là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của tỉnh Quảng Bình với Lào, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng của quốc gia.
Đồ án bố trí các khu chức năng tại KKT Cửa khẩu Cha Lo gồm: Khu phi thuế quan (khoảng 300 ha); Khu dân cư đô thị nông thôn (2.060ha); khu, cụm công nghiệp, dịch vụ (khoảng 240 ha); vùng phát triển nông lâm nghiệp và dự phòng (khoảng 10.000 ha); vùng bảo quản lý bảo tồn cảnh quan thiên nhiên (khoảng hơn 40.000 ha).
Các trục không gian chính của Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo gồm: trục không gian Quốc lộ 12A, Quốc lộ 12C; trục không gian đường Hồ Chí Minh. Đồ án cũng đã định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch xây dựng đợt đầu đến năm 2020.
Cũng theo báo cáo của BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu (bao gồm quá cảnh, phi mậu dịch) đi qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo đạt 146 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 4 triệu USD, nhập khẩu 28 triệu USD, hàng hoá quá cảnh 114 triệu USD.
Gánh nặng nợ nần tại Xi măng Quang Sơn
Nhà máy Xi măng Quang Sơn, tiền thân là Xi măng Thái Nguyên, do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và giao Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (nay là Tổng công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam - Vinaincon, Bộ Công thương) làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, công suất thiết kế 1,51 triệu tấn xi măng/năm. Ngày 22/3/2003, Dự án được khởi công, nhưng đến cuối năm 2009, mới được khánh thành, đưa vào chạy thử. Tháng 7/2011, nhà máy đi vào sản xuất chính thức với nhãn hiệu Xi măng Quang Sơn.
.
Do đi vào hoạt động đúng thời điểm có nhiều nhà máy xi măng cũng ra mắt thị trường, khi nguồn cung đã tiệm cận nhu cầu sử dụng, nên Nhà máy Xi măng Quang Sơn liên tiếp gặp khó về tài chính.
Chỉ sau 1 năm hoạt động, Nhà máy đã bị thua lỗ hơn 70 tỷ đồng, đã từng rơi vào cảnh không có nguồn trả nợ đầu tư, thiếu vốn sản xuất và từng đứng trước nguy cơ lớn về tồn tại hay phá sản.
Vài năm gần đây, tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Xi măng Quang Sơn đã khá lên nhiều. Kết thúc năm 2015, Xi măng Quang Sơn tiêu thụ gần 1,2 triệu tấn sản phẩm (khoảng 80% công suất thiết kế), bao gồm gần 1,1 triệu tấn xi măng, còn lại là clinker. Sản lượng xi măng tiêu thụ đã tăng 20% so với năm 2014.
Tuy sản lượng tiêu thụ đã khá lên, thị trường đã bước đầu ổn định, nhưng bao giờ hoạt động có lợi nhuận dương vẫn đang là bài toán đau đầu với Xi măng Quang Sơn.
Theo số liệu từ Vinaincon, năm 2014, Xi măng Quang Sơn vẫn lỗ kế hoạch tới 240,8 tỷ đồng, lỗ kế hoạch năm 2015 là 210 tỷ đồng và dự kiến năm 2016 lỗ kế hoạch tiếp 282 tỷ đồng.
Như vậy, khoản lỗ của Xi măng Quang Sơn cộng gộp lại kể từ khi đi vào hoạt động đã vượt 1.000 tỷ đồng.
Ông Vũ Toàn Thắng, Trưởng phòng bán hàng Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn cho biết, năm 2016, Xi măng Quang Sơn đặt mục tiêu tiêu thụ 1,3 triệu tấn sản phẩm, tăng so với kết quả thực hiện năm 2015.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Thắng cho biết, tiêu thụ xi măng ngày càng khó khăn do cạnh tranh với các nhà sản xuất khác, có chung địa bàn tiêu thụ. Giá bán xi măng cũng khó tăng, trong khi các chi phí đầu vào như than, điện, trả lương công nhân… đều tăng. Bởi vậy, mục tiêu tiêu thụ 1,3 triệu tấn trong năm 2016 không phải là dễ thực hiện, nếu đạt được thì đây là thành công không nhỏ.
Mặc dù doanh thu bán hàng của Xi măng Quang Sơn đã có sự cải thiện đáng kể, trong những năm gần đây đều vượt hơn 1.000 tỷ đồng/năm, nhưng do quá trình đầu tư, vốn tự có chỉ có khoảng 5%, còn lại 95% là đi vay, nên gánh nặng trả nợ vốn và vay đầu tư quá lớn, khiến thời gian lỗ kế hoạch càng kéo dài.
Giống như không ít dự án xi măng khác đầu tư vào giai đoạn trước đó, Xi măng Quang Sơn được Chính phủ cho phép thực hiện nhiều cơ chế hỗ trợ như cho vay lãi suất ưu đãi, bảo lãnh vay vốn nước ngoài, vay quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài của Bộ Tài chính và vay thương mại lên tới 95% tổng mức đầu tư.
Nhưng do thời gian xây dựng lên tới 7 năm mới hoàn thành, chậm tiến độ hơn 60 tháng, các ngân hàng đồng tài trợ không thu xếp được đủ vốn như cam kết ban đầu, buộc dự án phải chuyển sang vay một phần từ nước ngoài dưới sự bảo lãnh của Chính phủ.
Chưa hết, ngành xi măng trong nước đang trong tình trạng cung lớn hơn cầu, nhiều doanh nghiệp xi măng lớn còn chật vật trong việc tiêu thụ sản phẩm, thì các nhà máy xi măng công suất nhỏ, xi măng địa phương còn vất vả hơn nhiều, Xi măng Quang Sơn không phải là ngoại lệ.
Được biết, để gia tăng hiệu quả sản xuất, thời gian qua, Xi măng Quang Sơn đã tập trung thực hiện hàng loạt giải pháp như thực hiện tốt công tác quản lý, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị, giữ chất lượng sản phẩm ổn định, giảm tối đa các định mức tiêu hao vật tư, nguyên liệu, điện..., nhưng rõ ràng, với một dự án xi măng, ngay từ thời điểm đầu tư, khả năng tài chính có hạn, sản phẩm ra thị trường đúng thời điểm suy giảm kinh tế, nợ lớn… thì khó khăn và lỗ kế hoạch vẫn còn là câu chuyện dài.(BĐT)
Không tạo bất bình đẳng cho doanh nghiệp
Theo Thứ trưởng, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Tuy vậy, lâu nay, khu vực doanh nghiệp này ở tình trạng “yếu và thiếu đủ thứ”. Công tác hỗ trợ đã có những chưa thực sự hiệu quả.
Thực tế, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đã bắt đầu triển khai từ năm 2001, với sự ra đời của Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (đã được thay thế bởi Nghị định số 56/2009/NĐ-CP). Nhiều kế hoạch, chương trình, dự án hỗ trợ khu vực này đã được ban hành và triển khai, đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng tác động chưa rõ rệt.
Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hơn 80% chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vùa không có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động. Một số chương trình mới dừng ở mức ước tính tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia, thậm chí có chương trình không thể đánh giá được mức độ tham gia của các doanh nghiệp.
Nhiều chính sách mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích và chung chung, chưa có những quy định hỗ trợ rõ ràng (như hỗ trợ mặt bằng sản xuất, tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công), kết quả hỗ trợ còn hạn chế… Đây là lý do nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ hầu như không biết và không tiếp cận được tới các chính sách này.
Thêm nữa, sự phân tán quản lý và thực thi ở nhiều bộ, ngành trong thực thi các chính sách liên quan khiến tục tiếp cận hỗ trợ mang nặng tính xin - cho, doanh nghiệp nhiều khi không có đủ lực để theo đến cùng.
“Luật hóa việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy có chậm so với đòi hỏi của thực tiễn, nhưng chậm còn hơn là không”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh. Mục tiêu là đưa ra các biện pháp hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia nhằm tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực doanh nghiệp này. Đặc biệt, dự luật này sẽ xác định rõ trách nhiệm và vai trò của Chính phủ, cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, củng cố hệ thống triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Trung ương đến địa phương và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân.
Tuy vậy, cũng có quan ngại rằng, dự luật này có khả năng trái với những cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do. Về câu hỏi này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định, Ban soạn thảo đã nghiên cứu rất kỹ vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được đề cập trong dự thảo luật, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết thêm, những sự hỗ trợ này không tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cụ thể, trong dự thảo luật phân chia các nhóm doanh nghiệp được hỗ trợ với các mức khác nhau chứ không cào bằng, không tạo ra sự bao cấp cho các doanh nghiệp thiếu năng lực, không có khả năng phát triển, có nguy cơ cao phải giải thể, phá sản.(BĐT)
Hà Nội: Giải ngân vốn đầu tư đạt gần 20%
Tính đến hết tháng 5-2016, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hà Nội đã giải ngân vốn xây dựng cơ bản từ nguồn vốn Trung ương là 1.229 tỷ đồng, đạt trên 18% kế hoạch, vốn ngân sách thành phố 1.618 tỷ đồng, đạt gần 19% kế hoạch.
Theo Giám đốc KBNN Hà Nội Đào Thái Phúc, hệ thống Kho bạc sẽ tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh giải ngân vốn theo kế hoạch; chủ động đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương thu hồi tạm ứng theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và KBNN Trung ương.
KBNN Hà Nội cam kết đảm bảo nguồn tiền để đáp ứng chi trả kịp thời cho dự án có đủ hồ sơ, chứng từ. Đối với những trường hợp do nhu cầu cấp bách, cần giải quyết kịp thời để đảm bảo tiến độ, KBNN Hà Nội đã chủ động xin ý kiến KBNN và UBND thành phố để hướng dẫn đơn vị thực hiện đúng chế độ chi tiêu quy định, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán của các đơn vị sử dụng ngân sách, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ các khoản chi NSNN.