tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

DN khóc vì trên “thảm”, dưới “đinh”

  • Cập nhật : 13/06/2016

TS. Lê Hồng Sơn - Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, chuyên gia tại Bộ Tư pháp cho hay, đây là thực tế môi trường hoạt động mà DN đang phải chịu. 

 
ts. le hong son

TS. Lê Hồng Sơn

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Lê Hồng Sơn nói:

Những chiếc “đinh” đó tập trung ở các bộ, các tỉnh. Các quy định này mang tính lợi ích nhóm, lợi ích ngành dưới các tiêu chuẩn ngành, văn bản dưới luật, từ đó có lợi cho bộ, ngành, có lợi cho người thực thi.

Ông có thể chỉ ra một vài chiếc “đinh” đó không?

Đơn cử như hiện tượng “bia tỉnh ta”, “xi măng tỉnh ta”, là hai trường hợp UBND tỉnh chỉ đạo chung tay góp sức tiêu thụ bia, xi măng sản xuất trên địa bàn tỉnh là vi phạm luật cạnh tranh, là bất bình đẳng, gây khó cho DN ngoại tỉnh. 

Đó là Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định quy chuẩn Mỹ thuật quốc gia về môi trường, yêu cầu chất lượng nước thải chăn nuôi phải đáp ứng loại A, tương đương nước mà  người có thể uống được, gây tốn kém, bất khả thi trên thực tế. Có thể dẫn đến tiêu cực trong kiểm tra hoạt động của DN.

Hay quy định của địa phương về điều kiện số lượng xe tối thiểu trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách quy định thuộc hình thức kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện về số lượng xe tối thiểu (20 xe – 10 xe). Điều kiện kinh doanh taxi ở Hà Nội phải có trên 50 xe và phải xin logo “Taxi Hà Nội”.

Đôi khi “đinh” có ngay trong văn bản cấp Chính phủ như nghị định của quy định về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, quy định hạn chế tỷ lệ học sinh của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

muon ho tro dn, dau tien phai tao ra the che dung va du

Muốn hỗ trợ DN, đầu tiên phải tạo ra thể chế đúng và đủ

Ông nói rằng, những chiếc “đinh” này là vì lợi ích nhóm, lợi ích ngành, cụ thể là như thế nào, thưa ông?

Nhìn vào là thấy ngay. Một bộ phận người có vị trí, có quyền đã không vì uy tín của cơ quan, của tổ chức mình đại diện mà chỉ nghĩ đến làm cách nào để thu nên đã lợi dụng vị trí, quyền hạn “đóng” những chiếc “đinh” đó.

Cho nên, trước hết, phải làm sao để không cho người ta đưa quy định mang tính chất lợi ích nhóm, lợi ích ngành vào các văn bản mang tính chất tiêu chuẩn ngành, văn bản dưới luật. Điểm nữa là chọn người thực thi phải là người tử tế và liêm chính. Chính phủ cũng phải liêm chính, công chức hành xử phục vụ DN cũng phải là người tử tế. Cứ thấy DN đến mà nghĩ ngay tới ép DN phải có khoản ABC bôi trơn này nọ là không chấp nhận được. Cái đó là tham nhũng vặt mà hiện nay tương đối phổ biến.

Vậy nhổ những chiếc “đinh” này cần phải thế nào?

Trước hết, phải thực hiện nghiêm các quy định trong quá trình soạn thảo, xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Không chỉ là nghiên cứu khảo sát, hoạch định chính sách mà còn phải lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nội dung văn bản dự thảo.

Sau đó, phải phát huy cơ chế hậu kiểm, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Việc kiểm tra này sẽ phát hiện và xử lý kịp thời các văn bản trái pháp luật. Nếu những văn bản, quy định trái với các quy định mới hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội thì phải bãi bỏ ngay.

Và nếu ai ban hành các văn bản có “đinh”, các quy định pháp luật tồi thì phải bị xử lý. Vừa rồi Chính phủ đã có ý là phải xem xét xử lý tình trạng này chứ không thể để như hiện nay được. Để xử lý một cách triệt để, phải có cơ chế không tái bổ nhiệm và cần có cơ chế người ra quy định có “đinh” phải bị cách chức. Có như thế mới nghiêm.

Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, cần hỗ trợ các DN nhất là DN nhỏ và vừa những gì?

Về hỗ trợ DN, DN nhỏ và vừa, đầu tiên phải là thể chế, tạo ra được thể chế đúng, đủ cho DN. Thể chế, quy định càng mù mờ, càng chung chung thì càng tạo điều kiện cho tiêu cực. Liên quan sát sườn nhưng tôi thấy các DN đang rất thờ ơ góp ý xây dựng văn bản luật. Đến khi “thành án” rồi thì anh lại nhảy dựng lên. Hay như hành động DN đưa hối lộ là đồng phạm. Vậy anh có dám dũng cảm nhận lỗi không?

Còn hỗ trợ DN ở những khía cạnh khác thì cũng phải có một chuẩn chung cho tất cả các DN. Không phải cứ là DN nhỏ và vừa thì lấy cớ để được vượt ra ngoài chuẩn chung đó.

Xin cảm ơn ông!

Không để tham nhũng vặt thành hội chứng

Để chống tham nhũng vặt thì phải có cách để những DN tiếp xúc với thủ tục hành chính có thể thông tin trở lại, phản hồi về cách ứng xử của cán bộ công quyền. Đây là một cách hay. Nhưng DN phản hồi rồi thì phải xử lý và xử lý thế nào cho hợp lý chứ không phải phản ánh rồi cứ để đó. Tình trạng rút kinh nghiệm đang trở thành một hội chứng không thể chấp nhận được.

 


Tri Nhân thực hiện
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục