Quản lý thi công người Trung Quốc của nhà thầu Giang Tô bị đuổi do nhiều lần vi phạm về quản lý chất lượng thi công ở tuyến cao tốc hơn 1.300 tỉ đồng.
Loạn xe công, loạn xe ông
- Cập nhật : 13/06/2016
(Kinh te)
Có lẽ chưa có thời điểm nào, việc mua sắm, sử dụng xe "biển xanh" lại bừa bãi, coi thường kỷ cương, pháp chế nhà nước như thời điểm này. Ngày từ đầu năm, báo chí dường như cũng đã phát chán với việc phản ánh xe công đi lễ chùa, lễ hội, xe công đi sân golf, xe công đưa vợ đi chợ...
Có một "nét mới" hơn trong cái sự vô lối sử dụng xe công, đó là lãnh đạo, cán bộ, công chức nhiều địa phương còn sử dụng xe công sai trái một cách không thể ngang ngược hơn: Kéo bè, kết cánh, rồng rắn đi ăn nhậu, chơi bời giữa thanh thiên bạch nhật, thậm chí đi cả trong giờ làm việc.
Như Dân trí và nhiều tờ báo cuối tuần qua đã đồng loạt đưa tin: Hầu như toàn bộ cán bộ, công chức Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh trong giờ làm việc chiều ngày 10/6 đã kéo đến dinh thự của tân Giám đốc Sở để ăn tiệc. Số lượng xe biển xanh đi đến xếp hàng dài (có báo đếm được 51 chiếc), mặc cho người dân xung quanh bàn tán, dị nghị.
Nhưng đó cũng chưa phải là trường hợp đầu tiên. Đầu năm nay, tháng 1/2016, chỉ một đám giỗ nhà người thân Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cũng đã có một đoàn dài xe biển xanh đi ăn giỗ. Văn phòng tỉnh uỷ Sóc Trăng cũng thừa nhận chuyện này, nhưng xử lý, kỷ luật ai thì đến giờ, cũng chưa thông tin nào được công bố.
Ở nhiều sân golf, người ta hàng ngày vẫn có thể thấy các xe biển xanh chở cán bộ, công chức lên đánh golf trong giờ làm việc. Việc báo chí, người dân chụp ảnh đưa lên báo hay mạng xã hội về những chuyện xe biển xanh đi chơi, đi công chuyện gia đình như vậy đã trở thành chuyện... nhạt.
Ngay cả cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chung về việc mua sắm, sử dụng xe công toàn quốc là Bộ Tài chính, với đơn vị được trực tiếp thực thi vai trò này là Cục Quản lý công sản dường như cũng bó tay với tình trạng này.
Từ đầu năm nay đến nay, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp lại toàn bộ số lượng xe công ở từng nơi. Kết quả cho thấy sự lộn xộn trong mua sắm, quản lý xe công hiện nay có thể nói vô cùng tệ hại.
Tại một số cơ quan, ban ngành trung ương như Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, qua rà soát hệ thống công đoàn, thấy dư thừa tới... 82 chiếc. Bộ Công Thương qua rà soát cũng thấy so với định mức xe ô tô dùng cho công tác chung (135 xe) cũng đã thừa tới 57 xe.
"Siêu bộ" Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng "siêu" dư thừa xe công: theo tiêu chuẩn, định mức về xe phục vụ công tác chung, Bộ này đã có số xe công rất lớn: 276 xe. Nhưng qua đối chiếu, Bộ Tài chính khẳng định "siêu bộ" này thừa 176 xe.
Đó là chưa nói đến các xe phục vụ riêng các lãnh đạo cao cấp, xe chuyên dùng. Nhưng dù dư thừa, nhiều cơ quan vẫn đề nghị mua mới. Mỗi nơi đề nghị mua thêm hàng chục chiếc.
Còn ở cấp địa phương, như Dân trí đã phản ánh trong loạt bài về sự lỏng lẻo trong mua sắm, quản lý xe công vừa qua, hầu như kiểm tra, đối chiếu với tỉnh, thành phố nào, Bộ Tài chính cũng phải yêu cầu chấn chỉnh, sắp xếp lại vì tỉnh nào cũng dư thừa xe công so với định mức, tiêu chuẩn theo Quyết định 32/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức mua sắm, sử dụng xe công ở các ngành, các cấp.
Sóc Trăng, Bình Thuận, Quảng Ninh... kiểm tra nơi nào là nơi đó vi phạm, vượt chuẩn. Định mức với các tổ chức chính trị-xã hội, các ban chỉ đạo là một thì các tỉnh thường cho hai. Người không đủ tiêu chuẩn vẫn cấp. Xe chưa đến hạn đã cho thanh lý.
Một thực trạng quản lý, mua sắm xe bát nháo, loạn xạ như vậy, thực tế đã diễn ra trong nhiều năm và nguyên nhân chính là do cơ chế quản lý còn quá lỏng lẻo, kỷ luật hầu như không thấy nói đến, người sử dụng xe vi phạm, không thấy nói bị xử phạt, kỷ luật như thế nào.
Chính vì sự lỏng lẻo đến mức gần như không còn có kỷ cương ấy, ở nhiều nơi, người ta đã trắng trợn vi phạm, không còn coi dư luận ra gì nữa: Như ở Sóc Trăng hay ở TP Hồ Chí Minh nơi có lãnh đạo rất kiên quyết như Bí thư Đinh La Thăng, người ta cũng vi phạm tập thể: Đi xe công cả đoàn để ăn nhậu trong giờ làm việc.
Chính bởi sự vô phép, vô thiên ấy, mới có những Phó Chủ tịch tỉnh như ông Trịnh Xuân Thanh, nghiễm nhiên cho rằng, lấy xe tư giá trị cả 4-5 tỷ đồng, đeo xe biển xanh, ngông nghênh đi lại mà vẫn cho là mình đúng, thậm chí còn nói: "Lẽ ra phải được khuyến khích" (!). Rồi việc Công an tỉnh cho Tỉnh ủy mượn xe hàng tỷ đồng, khi trả lời báo chí, người ta cũng nói là "chuyện thường".
Theo như Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đã công bố, cả nước hiện có khoảng 40.000 chiếc xe công và chi phí nuôi số xe công này có thể lên tới 12.800 tỷ đồng/năm. Nhưng ông Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Quốc hội khoá XIII (mới tái cử khoá XIV) cho biết, chi phí thực tế có thể lớn hơn rất nhiều với số tiền chi phí "nuôi xe": Xăng xe, chi phí cầu đường, lương lái xe... lên tới hàng chục triệu đồng/tháng.
Chính vì thế, người được sử dụng xe công không muốn áp dụng chế độ khoán, dù có nơi khoán 10 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, đi xe biển xanh, được phục vụ đến tận nơi, giải quyết được cả "khâu oai" với bạn bè, bà con lối phố.
Cho nên, chỉ nhìn vào thực trạng quản lý xe công, có lẽ, hàng triệu người dân cũng đã suy giảm rất nhiều lòng tin vào cung cách quản lý của bộ máy nhà nước. Siết chặt việc mua sắm, sử dụng xe công, nâng cao mức xử lý kỷ luật, đưa vào tiêu chí đánh giá cán bộ để xử lý nghiêm người vi phạm, không xem xét bổ nhiệm người vi phạm cùng với việc nghiên cứu, áp dụng cơ chế khoa học, phù hợp để quản lý chặt chẽ xe công, giảm chi ngân sách cho lĩnh vực này mới có thể phần nào đem lại niềm tin cho người dân vào bộ máy.