TP.HCM sẽ thu hồi hơn 100ha đất dự án trong năm 2016
“Người Việt dùng hàng Việt nhưng gốc phần lớn từ Trung Quốc”
Malaysia bắt giữ 6 ngư dân Việt Nam
“Hồ sơ Panama” thức tỉnh ngành thuế Việt
Gói 30.000 tỷ đồng còn hơn 8.000 tỷ đồng chưa giải ngân, TP. HCM có “đua” kịp?
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 15-04-2016
- Cập nhật : 15/04/2016
Việt Nam lên tiếng về bình luận Biển Đông của Nga
Bình luận về việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây cho rằng tranh chấp Biển Đông không nên quốc tế hóa, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, đã được nhắc lại nhiều lần.
Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở khu vực này thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) và trên tinh thần của Tuyên bố của các bên (DOC).
Ông Bình lý giải, đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước, Việt Nam theo đuổi biện pháp giải quyết song phương, đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, ví dụ như quần đảo Trường Sa, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà cần có sự tham gia của các bên liên quan.
"Những vấn đề liên quan đến các nước ngoài khu vực, ví dụ như vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, thì phải được bàn bạc, giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và chung mối quan tâm", ông Bình nói.
Trước đó, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc, Nhật Bản và Mông Cổ hôm 12/4, ông Lavrov nói rằng "mọi tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết thông qua đối thoại, và các nỗ lực nhằm quốc tế hóa vấn đề cần phải chấm dứt".
Tại Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc vẫn xúc tiến thảo luận giải quyết bất đồng ở quần đảo Hoàng Sa. Hôm nay, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút ngay các máy bay chiến đấu J-11 mà Trung Quốc triển khai phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một số bên khác cũng tuyên bố chủ quyền như Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hoạt động bồi đắp các đá ở Trường Sa và điều các thiết bị quân sự như chiến đấu cơ, tên lửa ra Hoàng Sa, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước đã lên tiếng phản đối, yêu cầu Bắc Kinh dừng các hoạt động khiêu khích.
Trùm bảo kê Minh Sâm và 9 đồng phạm bị truy tố
Ngày 14/4, VKSND tỉnh Bắc Ninh đã ra cáo trạng truy tố 10 bị can trong băng nhóm do Nguyễn Ngọc Minh (56 tuổi, tức Minh Sâm, Giám đốc Công ty TNHH Đại An) cầm đầu về tội Cưỡng đoạt tài sản và Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Theo cáo trạng, ngày 13/8/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt quả tang đàn em của Minh Sâm là Nguyễn Hữu Hoàng (25 tuổi, nhân viên quản lý chợ gỗ Phù Khê Đông, ở Từ Sơn, Bắc Ninh) có hành vi cưỡng đoạt 1,2 triệu đồng của một lái buôn.
Từ đây, cơ quan điều tra đã làm rõ đường dây tội phạm do Nguyễn Ngọc Minh cầm đầu, thu giữ 6 khẩu súng, 1 quả lựu đạn, khoảng 2.500 m3 gỗ các loại và nhiều xế hộp hạng sang của Maybach, Lexus, BMW…
Năm 2010, Công ty TNHH Đại An do Nguyễn Ngọc Minh làm Giám đốc được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp phép làm chủ đầu tư 2 khu chợ Phù Khê Thượng và Phù Khê Đông, đều thuộc địa bàn thị xã Từ Sơn. Ngoài ra, Minh Sâm còn tự ý biến một phần đất dự án làm chợ Tấn Bào để kinh doanh gỗ.
Người cầm đầu băng nhóm côn đồ ở Từ Sơn tự thành lập Ban quản lý chợ Phù Khê Đông, giao cho có gái và con rể quản lý (hai người này đều là bị can trong vụ án). Còn khu chợ Phù Khê Thượng và chợ Tiến Bào, Minh Sâm giao cho Nguyễn Thành Hưng (63 tuổi, tức Hưng Sóc) điều hành.
Theo quy chế do nhóm này ban hành, xe trọng tải lớn khi vào chợ gỗ Phù Khê phải nộp từ 1–3 triệu đồng/lần lưu bãi. Ôtô không chở hàng khi vào đây cũng phải nộp 50.000 đồng.
Ngoài ra, Minh Sâm còn chỉ đạo đàn em ép các phương tiện chở gỗ vào các kho bãi của hộ kinh doanh cá thể phải vào chợ dỡ hàng để thu phí bốc xếp, bến bãi. Trường hợp nào chống đối, họ sẽ bị nhóm côn đồ đe dọa, xử lý.
Bộ Công an xác định có 12 bị hại từng bị Minh Sâm và đàn em cưỡng đoạt tài sản, bắt nộp các loại phí khi vận chuyển gỗ vào các khu chợ do Minh Sâm quản lý, với tổng số tiền 184 triệu đồng.
Khi điều tra về băng nhóm Minh Sâm, cảnh sát đã nhận được đơn của của một số bị hại tố cáo nhóm này đốt xe tải và hành hung nhằm cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan tố tụng cho biết, nội dung tố cáo này được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tách riêng, bàn giao cho công an địa phương điều tra, xử lý theo thầm quyền.
Cơ quan chức năng nhận định, Minh có nhiều mối quan hệ với quan chức cũng như giới giang hồ địa phương. "Để Minh cùng đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội diễn ra trong một thời gian dài là do có sự buông lỏng trong quản lý của các ngành, các cấp sở tại và chính quyền địa phương. Thậm chí có sự tiếp tay của chính quyền cơ sở và một số cá nhân thuộc một số cơ quan chức năng của địa phương", kết luận điều tra nêu rõ.
Trước khi cáo trạng được ban hành, Nguyễn Thành Hưng – đàn em thân cận của Minh Sâm chết do mắc bệnh ung thu nên cơ quan chức năng đã đình chỉ điều tra đối với người đàn ông này về 2 tội Cưỡng đoạt tài sản và Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Đà Nẵng: Môi trường đầu tư tốt, PCI tốt, sao các nhà đầu tư không mặn mà?
“Vì sao Đà Nẵng có môi trường đầu tư tốt, chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhưng các nhà đầu tư lại không mặn mà đến với chúng ta?" - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đặt câu hỏi...
Một thực tế được các đại biểu nêu lên tại hội nghị là trong 3 năm liền (2013 – 2015), Đà Nẵng liên tục dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thế nhưng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đạt thấp và ngày cảng giảm. Năm 2015, cả nước thu hút vốn FDI cam kết và tăng thêm được hơn 24 tỉ USD, nhưng Đà Nẵng chỉ thu hút vỏn vẹn 44,3 triệu USD, xếp thứ 33/53 tỉnh, thành thu hút vốn FDI.
Báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng tại hội nghị còn cho biết thêm, quý 1/2016 tiếp tục chứng kiến đà sụt giảm thu hút vốn FDI vào địa bàn TP, cả về số dự án lẫn quy mô vốn. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, Đà Nẵng chỉ cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 09 dự án FDI với tổng vốn 2,53 triệu USD, giảm 01 dự án và giảm 5,75 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015.
Cũng trong quý 1/2016, có 04 dự án FDI đang hoạt động ở Đà Nẵng tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm 407.500USD, giảm 06 dự án và giảm 6,29 triệu USD so với cùng kỳ. Trong khi đó có 01 dự án giảm vốn đầu tư nhưng với số vốn giảm lên tới 14,36 triệu USD!
Trước tình trạng vắng bóng các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có tầm cỡ vào địa bàn trong bối cảnh Đà Nẵng luôn dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index), thủ tục hành chính được cải cách, đơn giản hóa…, nhiều câu hỏi trăn trở đã được ông Nguyễn Xuân Anh đặt ra với các lãnh đạo chủ chốt của TP và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
“Vì sao chúng ta có môi trường đầu tư tốt, chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhưng các nhà đầu tư lại không mặn mà đến với chúng ta? Có phải là do chính sách ưu đãi đầu tư của chúng ta chưa thật sự có sức cạnh tranh để có thể hấp dẫn các nhà đầu tư?” – ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.
Theo ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, các chính sách ưu đãi tiền thuế, giá thuê đất của Đà Nẵng không bằng các địa phương khác. Hiện KCN Hòa Khánh của Đà Nẵng có mức giá thuê đất bình quân 1 USD/m2/năm. Trong khi đó, KCN Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam) ở gần như liền kề lại có mức giá 0,8 USD/m2/năm.
Với quỹ đất hạn chế, Đà Nẵng chưa có quy hoạch chi tiết đối với các ngành dịch vụ để kêu gọi đầu tư xây dựng chung cư cho công nhân, trường học, trạm y tế, logictics, tài chính – ngân hàng … Thực tế cho thấy phần lớn các quy hoạch được lập một cách bị động, dựa vào đề xuất của các nhà đầu tư.
Quỹ đất sạch có sẵn không nhiều, lại chưa được công khai, minh bạch khiến nhà đầu tư mất nhiều thời gian tìm kiếm. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục như đánh giá tác động môi trường, thời gian cấp giấy phép đầu tư … vẫn còn tốn quá nhiều thời gian, thủ tục hành chính rườm rà gây phiền phức cho nhà đầu tư.
Công tác xúc tiến đầu tư chưa tập trung một đầu mối, thông tin cung cấp nhà đầu tư chưa thực sự nhất quán. Đồng thời sự phối hợp giữa các ngành trong tiếp nhận, cấp phép đầu tư chưa tốt. Cơ quan xúc tiến phụ thuộc nhiều vào các ngành hưu quan trong việc giới thiệu địa điểm, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất… Thời gian từ khi xác định địa điểm đến khi thực hiện quyền đấu giá sử dụng đất thường kéo dài.
Cục trưởng Cục thuế Đà Nẵng Trần Văn Miên cho rằng, để tạo cú hích phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách thì cần có nhiều cơ chế ưu đãi hơn nữa để thu hút cho được vài dự án đầu tư trọng điểm, từ đó kéo theo các dự án khác. Tuy nhiên theo ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng, để có nhà đầu tư tầm cỡ nhảy vào thì TP phải giải quyết tốt 3 vấn đề mà họ cần. Đó là chính sách thu hút đầu tư, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu và công nghiệp phụ trợ đi kèm. Do vậy, TP cần xác định lĩnh vực ưu tiên để tăng chính sách ưu đãi.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Xuân Anh yêu cầu cấp bách rà soát môi trường đầu tư của Đà Nẵng. Nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2016 của TP là thực hiện tốt các đề án phát triển doanh nghiệp, tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020. Qua đó tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, phát huy hiệu quả hoạt động của Vườn ươm doanh nghiệp, Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Ông Nguyễn Xuân Anh cũng yêu cầu đẩy nhanh đầu tư hạ tầng và xúc tiến kêu gọi đầu tư vào khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Đồng thời, có giải pháp tích cực hỗ trợ thúc đẩy tiến độ ác dự án chậm triển khai, kiên quyết thu hồi các trường hợp không thực hiện theo cam kết để bố trí cho doanh nghiệp có nhu cầu.
Bên cạnh đó, TP cũng chú trọng thực hiện chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016”, tập trung đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động của mỗi người dân. Xử lý quyết liệt các điểm nóng ô nhiễm môi trường, tình trạng lang thang xin ăn biến tướng, bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch.
Cùng với thực hiện mục tiêu “5 không – 3 có”, ông Nguyễn Xuân Anh cũng yêu cầu các cấp, ngành huy động cả hệ thống chính trị thực hiện “4 an” – an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội. Tất cả những điều này, theo ông Nguyễn Xuân Anh, là nhằm tạo môi tường thông thoáng, thân thiện và an tâm cho nhà đầu tư khi đến với TP Đà Nẵng.(InfoNet)
Gần 200 người ở Đắk Lắk bị Liên Kết Việt lừa đảo
140 người dân tại Đắk Lắk chỉ cần bỏ ra số tiền hơn 8 triệu đồng mua một “mã” sản phẩm của Công ty Liên kết Việt và để trở thành mắt xích trong chuỗi bán hàng đa cấp.
Ngày 14/4, đại tá Cao Thành Vinh - Trưởng phòng PC46 (Công an tỉnh Đắk Lắk) cho biết qua xác minh ban đầu số nạn nhân bị Liên kết Việt lừa đảo tại địa phương là gần 200 người. Trong đó, 140 người đã nộp tiền cho công ty này, nhưng chưa thể biết chính xác là bao nhiêu.
Theo đại tá Vinh, người dân tại Đắk Lắk tham gia vào Liên kết Việt chỉ cần bỏ ra số tiền hơn 8 triệu đồng mua một “mã” sản phẩm (thực phẩm chức năng đông trùng hạ thảo, máy khử độc Ozone, thuốc bổ xương khớp…) sẽ được ký hợp đồng.
Từ đó, người này trở thành một “mắt xích” trong chuỗi bán hàng đa cấpcủa Công ty Liên Kết Việt.
“Công ty này quảng cáo với số tiền trên, chỉ sau 5 năm sẽ được hưởng 449 triệu đồng tiền hoa hồng, lãi và thưởng. Nếu mời thêm được một người tham gia, công ty sẽ trả hoa hồng 8%, càng nhiều người tham gia, số tiền càng lớn hơn. Do thấy lợi nhuận lớn nên nhiều người đã tin theo mà đóng tiền cho đơn vị này”, vị đại tá thông tin.
Vị trưởng phòng cho biết thêm, hiện có 5 người gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Công ty Liên kết Việt chi nhánh Đắk Lắk. Trong đó, người bị lừa nhiều nhất là hơn 100 triệu đồng.
Một số người do ngại hoặc tìm cách tránh né cơ quan điều tra vì họ đã lỡ mua sản phẩm của công ty và biết đã bị lừa nên không muốn gặp rắc rối.
“Trụ sở chi nhánh của Liên kết Việt tại Đắk Lắk đóng trên đường Thăng Long, TP Buôn Ma Thuột nhưng đã giải thể từ năm 2015. Qua truyền thông, Cơ quan điều tra đề nghị những ai đã nộp tiền vào Liên kết Việt thì đến trình báo với cơ quan điều tra để được giải quyết”, vị trưởng phòng nói.
Trước đó, Công ty Liên kết Việt được Sở Công Thương Hà Nội cấp Giấy chứng nhận thực hiện bán hàng đa cấp vào ngày 10/2/ 2014.
Ngày 21/10/2014, Liên kết Việt nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, trước khi bắt đầu thực hiện hàng loạt hoạt động lừa đảo,chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Trong vòng 1 năm, công ty này đã lừa đảo số tiền 1.900 tỷ đồng của hơn 60.000 bị hại trên 27 tỉnh thành.
Ngày 28/2, Bộ Công Thương mới công khai kết quả tiến hành điều tra việc cạnh tranh của công ty này, đồng thời ban hành quyết định xử phạt 570 triệu đồng do vi phạm các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Số tiền phạt được đại diện Cục quản lý cạnh tranh đánh giá là "rất lớn", nhưng không thể so với số tiền doanh nghiệp này đã lừa đảo người dân
Phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 23 nghìn tỷ đồng
Theo Thanh tra Chính phủ, 3 tháng đầu năm 2016 toàn ngành Thanh tra đã đã triển khai tới 1.553 cuộc thanh tra hành chính và 33.927 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 23.351 tỷ đồng và hơn 1.973 ha đất.
Các vụ việc tham nhũng những tháng đầu năm xảy ra tại Trung tâm tư vấn đầu tư dịch vụ việc làm thuộc BQL kinh tế Chân Mây, Lăng cô,Thừa Thiên Huế liên quan đến vi phạm cố ý làm trái quy định về kinh tế; tại Trung tâm phát triển quỹ đất Đam Rông (Lâm Đồng) sai phạm trong công tác tài chính, bồi thường dự án; vụ việc ở xã Ngọc Định, Ngọc Quán, Đồng Nai có dấu hiệu tham ô trong công tác tài chính kế toán; cơ quan thanh tra cũng phát hiện vi phạm trong việc đào đập, dồn điền đổi thửa ở xã Đội Bình, Ứng Hòa, Hà Tây (Hà Nội).
Tổng số tiền vi phạm tham nhũng phát hiện là 3,1 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi Nhà nước 196 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 3 cá nhân, xử lý hình sự 3 vụ, 5 đối tượng. Qua điều tra tội phạm, cơ quan chức năng khởi tố 24 vụ, 39 đối tượng có hành vi tham nhũng.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cũng đã kiểm tra 806 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 2 đơn vị vi phạm; tiến hành 232 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 14 vụ việc vi phạm, xử lý 3 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 1,8 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm toàn ngành Thanh tra đã triển khai tới 1.553 cuộc thanh tra hành chính và 33.927 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 23.351 tỷ đồng và hơn 1.973 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 731,5 tỷ đồng và 335,6 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 22.619 tỷ đồng, hơn 1.637 ha đất; ban hành 60.661 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 642,7 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 156 tập thể, 34 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 6 vụ việc, 5 đối tượng.