Tan nát gia đình vì bị chủ đầu tư lừa
Đề xuất đầu tư một số đoạn đường Hồ Chí Minh quy mô cao tốc
Hà Nội gỡ vướng GPMB, đẩy nhanh thi công đường Lê Trọng Tấn
Giáp Tết, CPI Hà Nội tăng mạnh mặc giá xăng dầu “lao dốc”
Phó phòng ngân hàng tự tử vì nợ 20 tỉ đồng
Cách nào xử lý hạn mặn miền Tây?
- Cập nhật : 02/05/2016
(Thien tai)
Để giải quyết hạn mặn cần những bước chuẩn bị căn cơ cho tương lai, hơn là để tình trạng đến mức cực đoan rồi mới tìm cách chống đỡ.
Nhiều tháng cùng nông dân miền Tây chống chọi với hạn mặn, trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho rằng, cần phải có một quy hoạch tổng thể hợp lý để người dân có thể canh tác tốt trên trong tình trạng hạn mặn. Đồng thời những giải pháp triệt để trong tương lai cũng cần phải thực hiện nhanh chóng, hơn là đưa ra những thông tin mang tính cảnh báo.
- Hệ quả từ hạn mặn đang gây thiệt hại rất lớn cho nông nghiệp ĐBSCL, trên cương vị là một nhà nghiên cứu khoa học chuyên về nông nghiệp, theo ông việc khắc phục tình trạng này cần thực hiện ra sao?
- Vấn đề bây giờ không phải là chống đỡ với hạn mặn trong ngắn hạn, mà cần phải có chiến lược quy hoạch tổng thể và dài hơi hơn.
Đối với doanh nghiệp cần phải xây dựng vùng nguyên liệu ở khu vực an toàn hơn. Trong khi đó những khu vực có nguy cơ xâm nhập mặn cao thì phải có những chương trình canh tác đặc biệt để nâng hiệu quả cũng như mang tính bền vững. Kinh nghiệm từ đợt hạn mặn này cần phải có hành động cụ thể hơn trong những năm tới, chứ không chỉ dừng lại ở việc cảnh báo nguy cơ.
PGS.TS Dương Văn Chín đang giới thiệu giống lúa BN1 được sử dụng canh tác trên vùng hạn mặn. Ảnh: Việt Dũng
- Nếu như vậy thì đâu là phương pháp tối ưu để khắc phục hạn mặn mà vẫn đảm bảo lợi ích cho người nông dân ở khu vự có nguy cơ nhiễm mặn cao?
- Thật ra hiện tượng xâm nhập mặn ở ĐBSCL có mức độ nguy hiểm ở một vài cùng ven biển vào mùa khô, nên việc giải quyết tốt cần phải có phương pháp canh tác hợp lý. Chẳng hạn như đến mùa nắng thì đưa nước mặn vào nuôi tôm, mùa mưa, lũ thì dùng nước mưa đó để rửa mặn để canh tác lúa.
Để thực hiện điều này đòi hỏi kỹ thuật thực hiện phải đảm bảo chính xác để ngăn những hậu quả lâu dài. Cụ thể là khi đưa nước mặn vào nuôi tôm, sau vụ tôm đừng bao giờ để tình trạng cạn nước trong khu vực. Điều này hạn chế việc đóng muối lâu trong đất. Khi mưa xuống thì rửa liên tục để đẩy mặn liên tục ra ngoài và lấy đất để canh tác.
Hiện tại một vài doanh ghiệp cũng thử mô hình này cho những vùng nguyên liệu ở trong khu vực có nguy cơ ngập mặn cao của mình chứ chưa phải là một mô hình quy hoạch tầm cỡ quốc gia.
- Doanh nghiệp đã thử nghiệm thành công, tại sao mô hình này chưa được nhân rộng và áp dụng đại trà cho các vùng có nguy cơ nhập mặn cao?
- Mô hình chuyển đổi lúa tôm là mô hình được tư vấn rất nhiều lần bởi các chuyên gia trong và ngoài nước. Tuy nhiên không biết lý do gì mà vấn đề này không được quan tâm đúng mức từ các cơ quan chức năng, đến khi việc đến mức cực đoan này mới tìm giải pháp chống đỡ.
Trước đến nay, với một diện tích rất lớn mà chúng ta cứ cố đưa nước ngọt vào canh tác ở vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao là điều quá khó khăn. Một vài doanh nghiệp có vùng nguyên liệu rộng lớn hàng đầu khu vực đồng bằng này và cũng áp dụng mô hình này thành công.
Tuy vậy cái dễ của doanh nghiệp là mình áp dụng cho vùng nguyên liệu của mình, vì các hộ canh tác đều được ký hợp đồng bao tiêu. Nhưng đối với các hộ canh tác tự phát không ký hợp đồng thì cũng khó duy trì bền vững, vì nhà nước vẫn chưa có quy hoạch cụ thể nào để hướng dẫn thực thi.
- Nếu đề án này hữu hiệu thì cần làm gì để được nhân rộng và duy trì thưa ông?
- Điều trước mắt vẫn là cần phương án quy hoạch tổng thể cho toàn vùng, cơ cấu mùa vụ ra sao, những khu vực nào cần áp dụng mô hình này nếu nhà nước thực sự quan tâm. Việc canh tác thực nghiệm thì doanh nghiệm cũng đã tiến hành và thu được kết quả tốt. Điều quan trọng nhất là những hộ canh tác phải duy trì mô hình này như là điều kiện sống còn của khu vực.
Nếu quy hoạch được thông qua ở cấp độ quốc gia thì cần có những ràng buộc cụ thể, không để nông dân phá vỡ quy hoạch đó.
Với mô hình này, rất cần tính bền vững cao và thực hiện nhất quán mới mang lại hiệu quả. Nhiều bà con nông dân mặc dù tham gia mô hình nhưng đôi lúc vẫn tiếc, để nước lợ và thả tôm cá xen vào lúa, từ đó nguy cơ về dịch bệnh lạ càng cao. Điều tối quan trọng chính là sự rạch ròi, đồng thời cần lựa chọn những loại giống tối ưu nhất để đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân.
- Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng hạn mặn này có thể xuất hiện trong những năm tới, vì vậy đây được xem như là điều kiện thích hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi không nghĩ việc chuyển đổi cây trồng trong tình trạng hạn mặn không phải là điều giải quyết căn cơ. Bản thân cây lúa là loại cây có độ chịu mặn cao nhất, nếu lúa đã không chịu nổi thì có lẽ sẽ không có cây nào chịu được. Nếu chuyển đổi chỉ nên chuyển mùa vụ một cách hợp lý hơn.
Ví dụ như vùng ven sông Tiền Sông Hậu, với 300.000 ha đất cao thì không nên trồng vụ xuân hè, chỉ nên canh tác hai vụ hè thu và đông xuân thôi. Còn vụ xuân hè có thể chuyển sang trồng màu, nhưng cần phải cơ giới hóa triệt để mới mong đạt kết qua cao.
Đối với những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn thì hoàn toàn không nên trồng lúa vào mùa khô, mà chỉ chờ mưa xuống mới tiến hành. Còn khu vực nào quy hoạch thành mô hình một vụ lúa một vụ tôm thì vẫn phải duy trì triệt để.
- Trước đây ông có đề xuất những đề án về việc bảo vệ nguồn nước của ĐBSCL nhưng vẫn chưa được chấp thuận, đến nay tình trạng hạn mặn diễn ra trầm trọng thì liệu các đề án đó có được tính đến?
- Trước đây tôi có đề xuất làm đê chống lũ cho ĐBSCL nhưng vẫn chưa thể triển khai vì nhiều yếu tố khách quan. Nhiều người cho rằng, việc xây đê bao đó gây cản trở dòng chảy ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên quan điểm của tôi đê bao này hình thành được những vùng kiểm soát lũ là tốt.
Vấn đề là những vùng đó không tách rời khỏi dòng sông mẹ Mê Kông. Nguồn nước của sông chính vẫn phải ra vào trong đó chứ không phải cách lý hoàn toàn.
Điển hình như vào đầu mùa nắng, khi nước dưới sông còn ngọt thì nên dùng các trạm bơm đó vào vùng đê bao, để biến thành những hồ trữ nước ngọt, cung cấp cho các ruộng lúa và không cho mặn xâm nhập. Đây là vấn đề từ trước đến nay không ai quan tâm đến.
- Hiện nay tình trạng biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến việc canh tác nông nghiệp của khu vực, ngoài những đề án trước đây thì ông có những ý tưởng gì mới?
- Với đề xuất cá nhân dựa trên những chuyến khảo sát việc dự trữ nước ngọt ở Israel và Hà Lan, tôi nghĩ Việt Nam cũng nên triển khai. Hiện nay khu vực cửa biển vùng U Minh ở Kiên Giang có rất nhiều đảo nhỏ, việc xây dựng những đường đê nói liền các đảo đó tạo thành một diện tích mặt nước lớn.
Mùa lũ nước dâng rất cao và trữ lượng nước là rất lớn, lúc đó sẽ tiến hành bơm nước ngọt vào đẩy mặn ra, nếu làm liên tục trong vòng 10 -20 năm sẽ có một hồ nước ngọt tương đối lớn để cung cấp cho các tỉnh ven biển trong mùa khô hạn. Đó là những bước chuẩn bị căn cơ cho tương lai hơn là để tình trạng hạn mặn đến mức cực đoan rồi mới tìm cách chống đỡ.