Chuyên gia trong và ngoài nước phát đi thông điệp, các thể chế hiện tại đã bộc lộ những nhược điểm. Nếu những thể chế đó không được xử lý quyết đoán, kịp thời, Việt Nam có thể tụt hậu.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 05-05-2016
- Cập nhật : 05/05/2016
Đề nghị giảm thuế ngay trong năm 2016
Dự thảo Nghị quyết có đề nghị Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội về các phương án giảm thuế cho doanh nghiệp ngay trong năm 2016.
Các loại thuế được đề nghị giảm gồm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm đầu tiên đối với doanh nghiệp mới thành lập; không phạt chậm nộp thuế 1 năm đối với doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; giảm thuế suất 2-3% so với thuế thu nhập thu nhập doanh nghiệp phổ thông đối với doanh nghiệp nhỏ; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực: ứng dụng nghiên cứu khoa học, thử nghiệm sản xuất kinh doanh, công nghệ thông tin...
Phần việc này đang được dự thảo Nghị quyết giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu.
Bộ Tài chính cũng đang được đề nghị nghiên cứu sửa đổi các quy định về các mô hình quỹ đầu tư để thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, trình Chính phủ ngay trong quý III năm 2016 tới.
Yêu cầu rà soát, nghiên cứu các quy định về các loại thuế, quản lý thuế để sửa đổi theo hướng giảm thủ tục, giảm chi phí, giảm thời gian thực hiện nộp thuế, bỏ thuế khoán chuyển sang thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí môn bài; rà soát, sửa đổi các loại phí, lệ phí theo hướng chuyển các loại phí thành giá dịch vụ như: phí BOT, phí dịch vụ công…. Và rà soát, nghiên cứu sửa đổi các quy định về quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa… cũng được đặt ra.
Đặc biệt, Dự thảo Nghị quyết cũng đề cập tới yêu cầu sửa đổi Nghị định 218 về quy định chi tiết Luật thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng mở rộng chi phí được giảm trừ cho doanh nghiệp về các hoạt động nâng cao năng lực, tư vấn hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội, khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp,…
Các nội dung này nếu được các thành viên Chính phủ thống nhất thì Bộ Tài chính sẽ phải hoàn tất để trình Chính phủ cho ý kiến trong tháng 6/2016.
Trước đó, trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã xếp kiến nghị giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp lên hàng đầu tiên.
Theo tính toán của VCCI, các khoản thuế, phí ở Việt Nam hiện đã chiếm tới 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là mức huy động thuộc loại cao nhất trong khu vực ASEAN.
“Chính phủ phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức”được cho doanh nghiệp”, ông Lộc kiến nghị tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 vừa diễn ra ngày 29/4 tại TPHCM.
VietinBank chưa dừng "chinh phạt" M&A
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, thời gian tới, xu hướng M&A trong ngành ngân hàng sẽ diễn ra sôi động và VietinBank không những sẽ duy trì thứ hạng của mình, mà có thể thực hiện các thương vụ M&A khác để tiếp tục củng cố vị thế.
Nói thêm về vấn đề này, người đứng đầu VietinBank cho rằng, M&A là cơ hội để VietinBank tăng quy mô và vị thế. Hơn nữa, khi nhận sáp nhập các ngân hàng khác, VietinBank cũng tận dụng được các lợi thế của họ để phục vụ chiến lược phát triển chung của mình. “Ngoài PGBank, trong tương lai, rất có thể VietinBank sẽ tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A các ngân hàng khác nếu thấy phù hợp”, ông Thắng tiết lộ.
Thương vụ nhận sáp nhập PGBank cũng là một ví dụ được VietinBank đưa ra khi cho rằng, cuộc “hôn nhân” này phù hợp với định hướng phát triển hệ thống ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng, do PGBank có mạng lưới gồm 16 chi nhánh, 63 phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, lại được tận dụng hệ thống của cổ đông lớn Petrolimex.
Trong thương vụ nhận sáp nhập PGBank, lãnh đạo VietinBank cho biết, dự kiến đến tháng 9/2016 sẽ hoàn tất. Đây là thương vụ đã được bắt tay triển khai từ năm 2015, 2 bên đã ký kết hồ sơ sáp nhập, nhưng kéo dài khá lâu. Theo đại diện VietinBank, thời gian qua đã có sự thay đổi văn bản pháp lý về M&A ngân hàng. Theo đó, một số nội dung của đề án này phải được 2 bên sửa đổi và cập nhật.
Cụ thể, 2 ngân hàng phải cập nhật tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh, phương án kinh doanh dự kiến 3 năm sau sáp nhập, đánh giá tác động phương án xử lý của việc sáp nhập, việc tuân thủ các quy định pháp luật về tỷ lệ an toàn vốn sau sáp nhập… Tương tự, Hợp đồng sáp nhập cũng phải được sửa đổi liên quan đến điều khoản quy định các hành vi bị cấm đối với các bên tham gia sáp nhập.
Thực tế đã nảy sinh một số vấn đề khiến 2 bên phải cân đối lại lợi ích của cổ đông 2 ngân hàng. Năm 2015, VietinBank đã chia cổ tức năm 2014, do đó, đến hết năm 2015, sau khi cập nhật lại các số liệu tài chính 2 bên, để không làm thay đổi giá trị cổ phiếu của mỗi bên, cả VietinBank và PGBank đều cam kết không chia cổ tức trước khi việc sáp nhập hoàn tất.
Ngoài việc nhận sáp nhập PGBank có thể coi đã ngã ngũ, chuyện tiếp theo mà các nhà đầu tư quan tâm là “điểm ngắm” tới đây trong cuộc “trường chinh” M&A của VietinBank là ngân hàng nào?
Dù đã hé lộ khả năng tiếp tục M&A một hoặc một số ngân hàng khác, nhưng VietinBank vẫn khá kín tiếng về thời điểm và đối tác cụ thể. Cả 2 ngân hàng mà VietinBank đang dìu dắt khá chu đáo thời gian gần đây là Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) cũng chưa được bất cứ nguồn tin nào xác nhận có thể sẽ là đối tác M&A của VietinBank.
Được biết, Ocean Bank và GP Bank là các ngân hàng từng gặp khó khăn, thậm chí có nguy cơ mất thanh khoản. Thời gian qua, VietinBank đã hỗ trợ các ngân hàng này bằng nhiều hình thức như tư vấn nghiệp vụ, rà soát lại hệ thống quản trị rủi ro, thu hồi và xử lý nợ… Đến nay, các ngân hàng này đã hoạt động ổn định, tình hình tài chính tương đối lành mạnh.
Kiểm toán Nhà nước nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán nhà nước (KTNN) luôn được chú trọng, tăng cường, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước nói chung và hành vi tham nhũng nói riêng.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN chủ yếu phát huy hiệu quả phòng ngừa, việc phát hiện tham nhũng còn hạn chế: Số vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển sang cơ quan điều tra còn ít, một số vụ việc KTNN chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra chưa đầy đủ căn cứ xử lý theo kết luận, kiến nghị của KTNN; Tinh thần, thái độ, trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời thực hiện Thông báo số 11-TB/BCĐTW ngày 20/4/2016 Kết luận của Tổng Bí thư – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu:
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN: Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị về đạo đức nghề nghiệp, quy chế hoạt động, trách nhiệm công chức; về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; đặc biệt về vai trò và trách nhiệm của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán theo Luật KTNN, Luật phòng, chống tham nhũng.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/BCSĐ ngày 14/10/2015 của Ban Cán sự Đảng KTNN về “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần III Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của KTNN”.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc KTNN cần chỉ đạo quyết liệt, chủ động cụ thể hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán: Tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí, bám sát kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng kiểm toán. Tăng cường quản lý Kiểm toán viên nhà nước, duy trì chế độ báo cáo kết quả kiểm toán, kiên quyết xử lý những trường hợp cán bộ làm công tác kiểm toán vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho hoạt động đơn vị kiểm toán.
Trường hợp ở đơn vị nếu có cán bộ vi phạm không phải do đơn vị đó tự phát hiện xử lý thì thủ trưởng đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm. Trong công tác theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN cần chú trọng kết quả thực hiện kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán. Tranh thủ sự lãnh đạo của Ban thường vụ thành ủy, tỉnh ủy, thường trực HĐND và thủ trưởng các Bộ, ngành Trung ương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán tại địa phương, đơn vị và thực hiện kết luận kiểm toán.
Khi phát hiện những vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong quá trình kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán phải kịp thời báo cáo thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán để đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Ủy ban kiểm tra, Viện Kiểm sát nhân dân xem xét, xử lý theo quy định. Kết quả kiểm toán phải nêu rõ hành vi có dấu hiệu tội phạm, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra và các thông tin có liên quan khác; đồng thời thu thập đầy đủ tài liệu, bằng chứng kiểm toán làm căn cứ chuyển hồ sơ.
Tổng Kiểm toán nhà nước giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Vụ tham mưu:
Vụ Tổng hợp có trách nhiệm chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc KTNN trong việc tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện Chỉ thị và hàng quý có báo cáo định kỳ kết quả tổng hợp.
Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm đảm bảo chất lượng của báo cáo kiểm toán, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của kết luận và kiến nghị kiểm toán; tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước hoàn thiện hệ thống chuẩn mực KTNN phù hợp với thực tiễn phát triển hoạt động kiểm toán của KTNN, đáp ứng chuẩn mực kiểm toán quốc tế
Vụ Pháp chế tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức xây dựng và ban hành kịp thời các quy định, quy trình, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật KTNN năm 2015; phối hợp Thanh tra KTNN khẩn trương thực hiện rà soát Hướng dẫn số 165/HD-KTNN ngày 6/3/2008 của KTNN hướng dẫn kết luận về trách nhiệm và kiến nghị xử lý vi phạm theo kết quả kiểm toán để tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thanh tra KTNN tăng cường công tác thanh tra đối với hoạt động kiểm toán để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện và xử lý các dấu hiệu, hành vi tham nhũng trong hoạt động kiểm toán.
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu KTNN tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Ban cán sự Đảng KTNN với Ủy ban kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tích cực phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa KTNN và Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Công an trong kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
VEC làm chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn trị giá 388 triệu USD
Theo đó, Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng (Km1+800 – Km44 + 749,67) vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) sẽ do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ dự án.
Theo đó, Dự án sẽ vay khoảng 385,5 triệu USD từ ADB, trong tổng mức đầu tư là 387,9 triệu USD (tương đương 8.744 tỷ đồng đã bao gồm dự phòng phí) để xây dựng 44 km đường cao tốc trong đó giai đoạn 1 đầu tư nền đường 22m, mặt đường 15,5m; giai đoạn 2 đầu tư nền đường 22m, mặt đường 20,5m. Nếu được thông qua, Dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2016 – 2019.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế tài chính cho Dự án bao gồm việc cho vay lại hay cấp phát đối với vốn vay ưu đãi từ ADB phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng; Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định năng lực tài chính, khả năng trả nợ của chủ dự án. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn sẽ góp phần giải quyết nhu cầu giao thông đường bộ của các tỉnh phía Bắc và giao thươngkinh tế Việt Nam - Trung Quốc, tạo đà cho quá trình phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Đông Bắc Bộ.
Hiện nay, các đoạn cao tốc trong tuyến đường là Hà Nội - Bắc Giang và Bắc Giang - Lạng Sơn đã được đầu tư theo hình thức BOT nên việc tiếp tục bố trí vốn cho đoạn tuyến còn lại Km 1 + 800 - Km45 +100 để có thể triển khai đồng bộ toàn tuyến đường là rất cần thiết.
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kêu lỗ 700-1.000 đồng/lít
Số liệu được cập nhập trên website của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến ngày 3/5, giá bán lẻ mặt hàng xăng RON 92 tại Singapore - thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam - ở mức 54,08 USD/thùng, dầu diesel là 52,38 USD/thùng, cao hơn 3,8-4 USD USD/thùng so với ngày 20/4, thời điểm giá bán lẻ xăng dầu trong nước điều chỉnh.
Tuy vậy, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh ra sao còn tùy thuộc diễn biến của giá quốc tế hôm nay và phiên ngày mai.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tại miền Bắc, hiện doanh nghiệp đang bị lỗ khoảng 700 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu. Vì vậy, ngày mai giá các mặt hàng này sẽ điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, mức tăng có thể sẽ thấp hơn số lỗ trên bởi do lạm phát đang có xu hướng tăng, nên để kiềm chế lạm phát, cơ quan quản lý có thể sẽ điều chỉnh tăng giá một phần, còn lại là thực hiện điều hành qua xả quỹ bình ổn giá xăng dầu. Vì thế, “ngày mai giá xăng dầu có thể tăng 500-600 đồng/lít”, lãnh đạo trên dự báo.
Trong lần điều chỉnh gần đây nhất vào hôm 20/4, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng 500 đồng/lít dầu diesel 0,05S, lên mức tối đa 10.373 đồng/lít; tăng 335 đồng/kg dầu mazut, lên không cao hơn 7.560 đồng/kg. Với các mặt hàng xăng, dầu hỏa, doanh nghiệp giữ ổn định giá. Cụ thể, giá dầu hỏa vẫn ở mức tối đa 8.905 đồng/lít; giá xăng RON92 và xăng E5 lần lượt là 14.940 đồng/lít và 14.442 đồng/lít.