tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 03-05-2016

  • Cập nhật : 03/05/2016

Standard&Poor’s duy trì triển vọng ổn định của Việt Nam

Ngày 29-4, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor’s (S&P) khẳng định mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB-/B, triển vọng ổn định, không thay đổi so với mức xếp hạng do S&P đã công bố vào tháng 3-2015.

Triển vọng ổn định phản ánh tăng trưởng kinh tế và các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam được cơ quan này cũng như cộng đồng các nhà đầu tư đánh giá tốt, có triển vọng cải thiện.

Các yếu tố được S&P đánh giá tích cực, góp phần duy trì mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam bao gồm: Việt Nam là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nhưng nền kinh tế tương đối đa dạng và có tính linh hoạt; thu nhập bình quân đầu người ước tính là 2.200 USD vào năm 2016.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định ở mức tương đối cao là yếu tố tác động tích cực tới xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong 2 năm qua, các kế hoạch, chính sách về phát triển kinh tế xã hội là phù hợp nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả ở mức thấp.

Tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn kiều hối ổn định và có xu hướng tăng cũng nhưn lợi thế so sánh về chi phí nhân công so với các nước trong khu vực tiếp tục là những nhân tố giúp cải thiện cán cân thanh toán và sức cạnh tranh của nền kinh tế.  

Một số yếu tố mà S&P cho rằng cần có sự quan tâm trong thời gian tới là: kiểm soát bội chi ngân sách, tốc độ gia tăng nợ công mặc dù mức độ nợ công của Việt Nam là không lớn và vấn đề nợ xấu của khu vực ngân hàng.

Đây cũng chính là những vấn đề mà Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã nhìn nhận và có kế hoạch cải thiện trong giai đoạn từ nay đến 2020, trong đó đặt mục tiêu và có giải pháp để kiểm soát và đưa bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 4% GDP, kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công để đảm bảo trong giới hạn trần 65% GDP.


Đầu tư 24.510 tỷ đồng cho đường xuyên Á trên sông Hồng

Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức hợp đồng BOO có tổng mức đầu tư lên tới 24.510 tỷ đồng.
du an giao thong thuy xuyen a tren song hong (doan viet tri - lao cai) se mang lai loi ich ve giao thong, dien khi hoa va la dong luc chinh de phat trien kinh te xa hoi

Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng (đoạn Việt Trì - Lào Cai) sẽ mang lại lợi ích về giao thông, điện khí hóa và là động lực chính để phát triển kinh tế xã hội

Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO.

Siêu công trình do Công ty TNHH Xuân Thiện thuộc Tập đoàn kinh tế Xuân Thành đề xuất.

Theo đó, Dự án có mục tiêu kép là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc sông Hồng trên cơ sở kết nối 2 tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng – Việt Trì và Hà Nội – Lạch Giang; cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỷ Kwh/năm.

Để đạt được 2 mục tiêu nói trên, nhà đầu tư sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.

Tính toán sơ bộ của Xuân Thiện cho thấy, Dự án này cần tới 24.510 tỷ đồng, trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại. Với nguồn thu chính là phí luồng tuyến (đoạn Việt Trì – Yên Bái thu từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/tấn; đoạn Yên Bái thu 40.000 đồng – 45.000 đồng/tấn); bán điện (giá bán điện khởi đầu là 1.900 đồng/Kwh và có lộ trình tăng giá lên tới 3.560 đồng/Kwh)… nhà đầu tư kỳ vọng hoàn vốn Dự án trong vòng 25 năm.

Nếu triển khai thành công, Dự án sẽ mở ra 1 tuyến vận tải hàng hóa chi phí thấp, tiện lợi với khối lượng lớn đủ sức thay đổi diện mạo giao thông khu vực phía Bắc.


Xuất cấp 800 tấn gạo hỗ trợ ngư dân Quảng Bình, Quảng Trị

Nhằm hỗ trợ kịp thời ngư dân 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị bị ảnh hưởng bởi tình trạng cá chết bất thường, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Dự trữ nhà nước xuất cấp ngay (trong phạm vị quy định thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính)  cho  mỗi tỉnh 100 tấn gạo. Ngoài ra còn  xuất tạm ứng cho tỉnh Quảng Bình 400 tấn, tỉnh Quảng Trị 200 tấn.
gao do nha nuoc ho tro da kip thoi giao tan tay ba con quang binh.

Gạo do Nhà nước hỗ trợ đã kịp thời giao tận tay bà con Quảng Bình.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ nhà nước đã  khẩn trương chỉ đạo Cục Dự trữ nhà nước khu vực Bình Trị Thiên ( đơn vị chịu trách nhiệm quản lý dự trữ khu vực Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên – Huế) tổ chức mở kho xuất cấp ngay cho địa phương hai tỉnh Quảng Bình và Quảng trị. Ngay trong 2 ngày 27 và 28-4-2016, nhân dân tỉnh Quảng Bình đã nhận được gạo hỗ trợ của Chính phủ và ngày 28 và 29-4, nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng đã nhận đủ số lượng gạo nói trên.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình và UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính xuất gạo Dự trữ quốc gia hỗ trợ nhân dân hai tỉnh bị ảnh hưởng bởi tình trạng cá chết bất thường

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Lê Văn Thời, để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt vừa qua, Bộ Tài chính đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và đã được chấp thuận về việc, với các trường hợp có đề nghị của UBND các tỉnh về hỗ trợ gạo cho ngư dân các địa phương bị ảnh hưởng của tình trạng cá chết bất thường, Bộ Tài chính sẽ chủ động cấp phát gạo dự trữ quốc gia theo đúng thẩm quyền  và sẽ cấp tạm ứng để bảo đảm đáp ứng ngay nhu cầu của các địa phương.

Sau đó Bộ Tài chính, UBND các tỉnh và các Bộ, ngành có liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện thủ tục cấp hàng dự trữ quốc gia theo đúng quy định. Bộ Tài chỉnh bảo đảm đủ gạo dự trữ Quốc gia để hỗ trợ nhân dân, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng là tuyệt đối không để người dân bị đói do ảnh hưởng của tình trạng cá chết bất thường.


Hành động để đạt mục tiêu Chiến lược Tài chính đến 2020

Sau khi hoàn thành 2 Kế hoạch hành động trung hạn 2014-2016 và 2015-2017, Bộ Tài chính vừa chính thức ban hành Kế hoạch hành động trung hạn giai đoạn 2016-2018 để tiếp tục đưa ra những giải pháp cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính đến 2020.

tu 2016, giam thoi gian hoan thanh thu tuc xk xuong duoi 10 ngay, nk xuong duoi 12 ngay. (anh: h.v​​​)

Từ 2016, giảm thời gian hoàn thành thủ tục XK xuống dưới 10 ngày, NK xuống dưới 12 ngày. (Ảnh: H.V​​​)

Tháng 4-2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Tài chính đến 2020, trong đó đề ra mục tiêu tổng quát và các nhiệm vụ cụ thể và 8 nhóm giải pháp để thực hiện cho ngành Tài chính trong giai đoạn 2011-2020. Ngày 30-1-2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phê duyệt Chương trình hành động của ngành Tài chính cụ thể hóa thành 82 đề án để triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính đến 2020. Trong đó, các đề án được chia thành 2 giai đoạn thực hiện là 2011-2015 và 2016-2020.

Để triển khai Chương trình hành động một cách có hiệu quả, với sự hỗ trợ của Dự án Quỹ Tín thác Đa biên giai đoạn 2 (MDTF2), Bộ Tài chính đã xây dựng Kế hoạch hành động trung hạn giai đoạn 2014 - 2016 của ngành Tài chính triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính đến 2020. Kế hoạch này được cập nhật, bổ sung hàng năm theo hình thức “cuốn chiếu” cho giai đoạn 3 năm. Vì vậy, tiếp theo Kế hoạch giai đoạn 2015 - 2017, Bộ Tài chính đã xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2018.


Tiếp đà thắng lợi của 2 kế hoạch trung hạn trước, Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2018 thực hiện Chiến lược Tài chính đến 2020 tập trung vào xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng; cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện; đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính.

 

Việc xác định các hoạt động trọng tâm trong Kế hoạch lần này ngoài đảm bảo 8 nhóm giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Chiến lược, một căn cứ quan trọng được Bộ Tài chính bám sát là các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đặt ra trong các nghị quyết, kết luận, thông báo và chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các Nghị quyết, quyết định, chỉ thị được ban hành để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

Để thực hiện các mục tiêu này, Bộ Tài chính đã xác định được những nhiệm vụ cụ thể cần làm để triển khai các nhóm giải pháp chung của Chiến lược Tài chính đến 2020 trong giai đoạn 2016-2018.

Thực hiện nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế và có khả năng huy động đầy đủ, chủ động, hợp lý nguồn thu cho NSNN. Cùng với đó là mở rộng cơ sở tính thuế, duy trì mức thuế suất hợp lý, đảm bảo công bằng, bình đẳng về thuế giữa các đối tượng nộp thuế; tạo động lực khuyến khích sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời bảo hộ hợp lý và có chọn lọc theo mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Về quản lý thuế, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, chống thất thoát, gian lận thuế được cho là trọng tâm bên cạnh việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực; phát triển công nghệ thông tin gắn với hiện đại hóa ngành thuế. Dự kiến, nguồn thu NSNN sẽ được cơ cấu lại với tỷ lệ thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu; tỷ lệ huy động thu NSNN giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 20 - 21% GDP; tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí khoảng 19 - 20% GDP.

Trong nhóm nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia, mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội được Bộ Tài chính đặt lên đầu. Đặc biệt là tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN và thực hiện tái cấu trúc đầu tư công, tăng cường đầu tư phát triển con người; cải cách cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công; cải cách tiền lương; củng cố hệ thống an sinh xã hội. Theo đó, mức bội chi NSNN sẽ được giảm xuống tương đương 4% GDP vào giai đoạn 2016 – 2020.

Bộ Tài chính cũng phấn đấu hoàn thành việc giao quyền tự chủ toàn diện cho khu vực sự nghiệp công lập cùng với đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công. Trong buổi làm việc với Bộ Tài chính ngày 21-4-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức giao Bộ Tài chính chủ trì dự thảo trình Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết riêng về nội dung này để công tác chỉ đạo thực hiện được bài bản, chặt chẽ hơn trên toàn quốc. Với “đòn bẩy” này, những mục tiêu Bộ Tài chính đặt ra sẽ có động lực để hoàn tất sớm trong giai đoạn tới.

Trong nhóm giải pháp cải cách hành chính, mục tiêu đặt ra là từ năm 2016, cải cách hành chính thuế đạt mức ASEAN-4 đối với 3 nhóm chỉ tiêu mới (kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế) và giảm thời gian hoàn thành thủ tục XK xuống dưới 10 ngày, NK xuống dưới 12 ngày,…

Với mục tiêu, nhiệm vụ, đề án cụ thể được đề ra trong Kế hoạch trung hạn 2016-2018, Bộ Tài chính đang tiến những bước vững chắc đến những mục tiêu đã được phê duyệt trong Chiến lược Tài chính đến 2020.

Để thực sự hoàn thành nhiệm vụ và đạt được mục tiêu đề ra, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Tài chính về nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết XII của Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đề nghị toàn Ngành tiếp tục đoàn kết, thống nhất, học tập và hành động với quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách giai đoạn 2016-2020, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.(BHQ)


Đầu tư công nghệ là mấu chốt để tăng năng suất lao động

Vấn đề năng suất lao động (NSLĐ) được Chính phủ và toàn xã hội đặc biệt quan tâm do đây là yếu tố tác động quan trọng tới năng lực cạnh tranh quốc gia và mức sống của người dân. Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đối với TS Nguyễn Anh Tuấn (ảnh), Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam về vấn đề này.

Lao động Việt Nam luôn được đánh giá chăm chỉ, cần cù, nhưng NSLĐ của người Việt lại luôn ở mức thấp.

Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Việt Nam là một trong ba nước có NSLĐ thấp nhất khu vực ASEAN. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam có sự cải tiến năng suất đáng kể, tăng hơn 3%/năm, tăng mạnh nhất ở khu vực công nghiệp và xây dựng. Khoảng cách NSLĐ Việt Nam so với các nước trong khu vực ASEAN đang được thu hẹp dần. Tuy nhiên, khoảng cách về NSLĐ của Việt Nam so với các nước phát triển còn khá xa.

Các khảo sát đều chỉ ra rằng, các DN đánh giá kỹ năng, kỹ thuật của người lao động không phải là thấp, mà cái yếu là kỹ năng nhận thức và hành vi. Điều mà người lao động đang “thiếu” so với nhu cầu của DN đó là khả năng thích nghi với môi trường làm việc; khả năng giao tiếp, tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp; khả năng tương tác làm việc nhóm; khả năng tư duy logic và các kỹ năng mềm khác trong xử lý công việc.

Vậy đâu là vấn đề mấu chốt khiến cho NSLĐ lại thấp như vậy?

Có rất nhiều yếu tố tác động đến NSLĐ của Việt Nam. Đầu tiên là khoa học và công nghệ, thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến và nâng cao giải pháp quản lý NSLĐ mới được nâng cao. Đồng thời NSLĐ ở Việt Nam còn bị chi phối bởi trình độ và kỹ năng của người lao động, môi trường làm việc... Vấn đề về thị trường cũng tác động làm năng suất giảm. Có những ngành nghề, nguồn đầu ra không ổn định, "được mùa, mất giá". Sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ được, nhiều trường hợp thua lỗ. Chính điều này dẫn đến NSLĐ thấp khi chia cho những ngành nghề, lĩnh vực có năng suất, hiệu quả thấp khi nguồn nhân lực cao.

Đặc biệt còn có nguyên nhân từ vấn đề thủ tục hành chính. Nhiều thủ tục còn chưa tập trung vào giúp DN, tạo điều kiện tối đa cho sản xuất kinh doanh của DN.

Ngoài ra, cũng phải thừa nhận, năng suất thấp là trách nhiệm của cả phía DN và người lao động, trong đó DN phải chia sẻ lợi ích với người lao động. Người lao động cần được trang bị công cụ, trang thiết bị tiên tiến, công nghệ cao. Có nhiều DN vùi dập thành quả cải tiến của người lao động, cho rằng quyết định của mình là trên hết, không tạo được động lực cho người lao động phát triển những sáng tạo cải tiến. Nếu giữ cách làm này thì không thể phát triển và tăng NSLĐ được.

Làm thế nào để cải thiện NSLĐ của Việt Nam, thưa ông?

Để cải thiện NSLĐ thì Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: Vốn, khoa học công nghệ và con người. Việt Nam là nước đang phát triển nên ở giai đoạn này, tăng cường vốn đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Nếu chúng ta có nhiều ngành nghề năng suất thấp, sử dụng lao động nhiều, giá trị làm ra thấp thì chắc chắn NSLĐ của toàn xã hội thấp. Vì vậy, phải tăng cường vốn đầu tư cho những thiết bị có năng suất cao và nâng cao trình độ quản lý, thúc đẩy hoạt động cải tiến trong DN.

Quan trọng nhất, để phát triển kinh tế một cách bền vững và đảm bảo bắt kịp các nước đã phát triển thì Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào thúc đẩy tăng năng suất thông qua phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật.

Cần học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước phát triển trên thế giới về tăng NSLĐ. Câu chuyện của Nhật Bản có thể giúp Việt Nam nhiều bài học về hoạt động nâng cao năng suất chất lượng rất thành công. Lấy ví dụ, những năm 1950, các sản phẩm của Nhật Bản có chất lượng không cao như hiện nay. Nhưng người Nhật Bản đã chọn Mỹ là mô hình học hỏi, chia sẻ để nâng cao năng suất chất lượng. Các chuyên gia Nhật Bản đã đúc kết và đưa ra được các mô hình cải tiến năng suất chất lượng mà Việt Nam đang áp dụng, ví dụ: Chương trình 5s, mô hình Kaizen...

Chúng ta phải học hỏi Nhật Bản một nguyên tắc: Nâng cao NSLĐ đi cùng sự chia sẻ thành quả nâng cao NSLĐ. Khi người lao động được tăng lương, tăng các chế độ phúc lợi xã hội thì lúc đó mới có thể thu hút được người lao động.

Việc áp dụng khoa học và công nghệ là mấu chốt để tăng NSLĐ. Nhưng đây sẽ là khó khăn với DN nhỏ và vừa, đặc biệt là vốn, cơ chế chính sách. Phải làm gì để thay đổi điều này trong thời gian tới?

Muốn thay đổi phải từ tự thân DN. DN cần xác định đâu là vấn đề khoa học và công nghệ để tập trung đầu tư. DN phải tính được, đầu tư 1 đồng cho công nghệ, lãi được bao nhiêu. Đó là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ nhất để DN đầu tư cho khoa học và công nghệ. Có những DN nói rằng, nếu đầu tư bán được hàng, họ sẵn sàng bán nhà để đầu tư. Còn không, nếu đầu tư không bán được hàng, Nhà nước có hỗ trợ một nửa, họ cũng không dám đầu tư.

Qua các nghiên cứu cho thấy, hầu hết các DN còn rất “lơ mơ” trong vấn đề đầu tư khoa học. Để triển khai được các chương trình cải tiến, nâng cao NSLĐ, ngay từ đầu DN phải xác định được đâu là nhu cầu của DN, của khách hàng và của thị trường bởi DN chỉ làm những gì mà khách hàng và thị trường trả tiền vào. Từ đó DN mới xem xét tất cả quá trình để đáp ứng nhu cầu một cách tối ưu.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục