Hà Nội: Lên kế hoạch diệt trừ nạn sách nhiễu, cửa quyền
Chánh án TAND tối cao thăm và tặng quà Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân
Ông Vũ Quốc Doanh giữ chức vụ quyền Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM
Phớt lờ lệnh đình chỉ, "nhà hàng đuổi khách" vẫn mở cửa
Vietsovpetro chuẩn bị phương án cắt giảm 2.000 nhân sự
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 09-04-2016
- Cập nhật : 09/04/2016
Hà Nội sẽ có thêm khu chức năng đô thị mới với gần 1.900 căn hộ
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án khu chức năng đô thị hai bên tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đi khu đô thị mới Thượng Thanh, quận Long Biên.
Mục tiêu dự án nhằm xây dựng khu chức năng đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, tạo điểm nhấn về kiến trúc, mỹ quan đô thị; đồng thời là dự án đối ứng để khai thác thu hồi vốn đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh theo hình thức hợp đồng BT.
Theo đó, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công trình kiến trúc tại 21 ô đất thuộc Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường từ Ngọc Thụy đi khu đô thị mới Thượng Thanh được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 1716/QĐ-UBND ngày 25/4/2012, trong đó:
Xây dựng công trình nhà ở thấp tầng với diện tích đất khoảng 20.762m2; xây dựng công trình ở nhà cao tầng (để tái định cư cho các hộ nằm trong diện GPMB trong dự án) với tổng diện tích đất khoảng 25.616m2; xây dựng công trình hỗn hợp với tổng diện tích đất khoảng 62.150m2; xây dựng công trình công cộng đô thị với tổng diện tích đất khoảng 191.976m2 bao gồm các chức năng bệnh viện đa khoa, khu thương mại, dịch vụ, khách sạn, khu thương mại, văn phòng, bãi đỗ xe tập trung...
Tổng số căn hộ của dự án khoảng 1.867 căn, trong đó, Nhà biệt thự khoảng 80 căn, nhà chung cư khoảng 1.787 căn. Diện tích sử dụng đất khoảng 380.084m2. Tổng mức đầu tư dự kiến 2.954,6 tỷ đồng.
Giai đoạn chuẩn bị đầu tư: Từ quý I/2016 đến quý II/2016. Trong đó, dự kiến khởi công đồng bộ với Dự án BT tuyến đường 40m trong tháng 6/2016. Giai đoạn thực hiện dự án: Từ quý III/2016 đến quý IV/2019
KCN Hà Nội-Đài Tư được chuyển đổi chức năng thành Khu đô thị
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương chuyển đổi chức năng Khu công nghiệp (KCN) Hà Nội - Đài Tư thành Khu đô thị tại quận Long Biên, Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội lập Đề án và trình duyệt theo quy định; sau khi Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc điều chỉnh các quy hoạch liên quan theo thẩm quyền và quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
KCN Hà Nội - Đài Tư được hình thành từ năm 1997, thời điểm đó vị trí KCN thuộc khu vực ngoại thành. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của đô thị, vị trí KCN đến nay đã nằm trong khu đô thị trung tâm.
Trong nhiều năm triển khai theo quy hoạch đã được phê duyệt, KCN Hà Nội - Đài Tư không thu hút được các DN phát triển theo hướng công nghiệp sạch và công nghệ cao, thể hiện ở tình trạng hoạt động hiện nay (tỷ lệ lấp đầy chiếm khoảng 36,1% đất công nghiệp).
Như vậy, quá trình triển khai thực hiện quy hoạch không khả thi, có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, do vậy việc di dời các cơ sở công nghiệp thuộc danh mục ngành nghề gây ô nhiễm và điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi chức năng của KCN Hà Nội - Đài Tư là cần thiết.
Hơn 3.200 tỷ đồng xây đường 991 từ QL51 đến hạ lưu cảng Cái Mép
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư Dự án đường 991 từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng và đầu tư công, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
Dự án đường 991B từ quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép có chiều dài 9,73km, điểm đầu tuyến giao với quốc lộ 51, điểm cuối tuyến giao với đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải. Dự án có tổng mức đầu tư 3.232 tỷ đồng.
VNPT thoái vốn tại 50 doanh nghiệp và có vốn điều lệ trên 72.000 tỷ đồng
Theo Nghị định 25/2016/NĐ-CP về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa được Chính phủ ban hành, VNPT sẽ thoái vốn tại 50 công ty, quỹ, ngân hàng.
Các công ty, quỹ, ngân hàng mà VNPT thoái vốn như Công ty cổ phần Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT Land); Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT); Công ty cổ phần Đầu tư Viễn thông và Hạ tầng đô thị (ITC); Công ty cổ phần viễn thông VTC; Quỹ đầu tư Việt Nam (BVIM); Quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 (SFA2); Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam; Công ty Tài chính Bưu điện (PTF);....
VNPT có 71 đơn vị trực thuộc; 2 công ty con do VNPT sở hữu 100% vốn điều lệ: Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) và Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT - Vinaphone); 5 công ty con khác và 3 đơn vị sự nghiệp của VNPT (Bệnh viện Bưu điện (tại TP Hà Nội); Bệnh viện Đa khoa Bưu điện (tại TP Hồ Chí Minh); Bệnh viện Phục hồi chức năng Bưu điện (tại TP Hải Phòng);...
VNPT có vốn điều lệ 72.237 tỷ đồng
Vốn điều lệ của VNPT là 72.237 tỷ đồng. Nhà nước là chủ sở hữu của VNPT. Chính phủ trực tiếp thực hiện hoặc phân công cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ có liên quan, Hội đồng thành viên VNPT thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với VNPT theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.
Cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của VNPT gồm: Hội đồng thành viên; Tổng Giám đốc; Kiểm soát viên; các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng; bộ máy giúp việc: Văn phòng và các Ban tham mưu.
Hội đồng thành viên VNPT có 7 thành viên. Các thành viên Hội đồng thành viên cùng chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu nhà nước, trước pháp luật về mọi hoạt động của VNPT và về các quyết định của Hội đồng thành viên gây thiệt hại cho VNPT và chủ sở hữu nhà nước, trừ thành viên biểu quyết không tán thành quyết định này; thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Điều lệ này, Luật Doanh nghiệp và pháp luật.
Ngành nghề kinh doanh chính của VNPT là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện; tư vấn, khảo sát, thiết kế, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện.
9 tiêu chí công nhận huyện nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020
Theo đó, huyện được công nhận là huyện nông thôn mới phải có: 100% số xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 9 tiêu chí sau đạt chuẩn theo quy định gồm: 1- Quy hoạch; 2- Giao thông; 3- Thủy lợi; 4- Điện; 5- Y tế - Văn hóa - Giáo dục; 6- Sản xuất; 7- Môi trường; 8- An ninh, trật tự xã hội ; 9- Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, với tiêu chí Y tế - Văn hóa - Giáo dục, Bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 3; Trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia; Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đạt chuẩn, có nhiều hoạt động văn hóa - thể thao kết nối với các xã có hiệu quả; tỷ lệ trường Trung học phổ thông đạt chuẩn ≥ 60%.
Còn về tiêu chí sản xuất, phải hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; hoặc có mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện.
Về tiêu chí môi trường, hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn; 100% cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.
Quyết định cũng nêu rõ, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020 phải có 100% số xã trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn và tiêu chuẩn chuyên ngành đối với Tiêu chí huyện nông thôn mới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn chung.
Các Tiêu chí và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ban hành tại Quyết định này, các địa phương áp dụng trong đánh giá, xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020.
Đối với các huyện hiện nay đang được xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2015 áp dụng theo quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 /4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.