Theo TS Huỳnh Thế Du, bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt ra những vấn đề hết sức quan trọng đúng thời điểm, khi khả năng cao Việt Nam sẽ đạt GDP bình quân đầu người theo ngang bằng sức mua khoảng 10.000 - 15.000 USD trong 5-10 năm tới.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 22-02-2016
- Cập nhật : 22/02/2016
Đổ xô sang Lào mưu sinh
Kéo nhau sang Lào làm ăn, nhiều người ở Nghệ An đã “phất” lên nhưng cũng không ít người phải bỏ mạng nơi đất khách và gia đình vẫn sống trong nghèo túng
Phòng Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Nghệ An những ngày sau Tết luôn tấp nập người chen chúc làm giấy thông hành để sang Lào làm ăn. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, mỗi năm, Nghệ An có gần 30.000 lượt người làm giấy thông hành để sang Lào.
Đại tá Trần Xuân Vinh, Trưởng Phòng Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Nghệ An, cho biết: “Sau Tết Nguyên đán, lượng người đến làm giấy thông hành để sang Lào rất đông. Chúng tôi phải bố trí thêm bàn và nhân viên phục vụ để đáp ứng nhu cầu của người dân”.
Người lao động sang Lào làm đủ nghề như buôn bán, cắt tóc, thợ hồ, khai thác gỗ, thợ cơ khí... Anh Trần Thế Long (ngụ xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) bày tỏ: “Ở quê không có việc làm, nghe nhiều người rủ sang Lào phụ hồ nên tôi cũng đi. Làm việc vất vả, nay đây mai đó nhưng mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu đồng gửi về nuôi con”.
Người dân Nghệ An sang Lào làm việc theo kiểu thời vụ, nay đây mai đó nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không ít người đã phải bỏ mạng trong lúc mưu sinh tại Lào. Mới đây nhất, vào tháng 9-2015, trong lúc bán hàng tạp hóa, chị Nguyễn Thị Hương (34 tuổi; ngụ xã Đức Thành, huyện Yên Thành) bị sát hại tại Lào. Thi thể chị được phát hiện trong một chiếc bao tải vứt dưới giếng sâu bên rừng.
Vào tháng 5-2015, ông Nguyễn Giang Sỹ (40 tuổi; ngụ xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu) đã bị một kẻ lạ mặt dùng dao đâm chết trong đêm tối. Trước đó, vào tháng 12-2014, ô tô khách chở một nhóm người Nghệ An đang làm việc tại Lào thì bị lật ở tỉnh Bolykhamxay làm 1 người chết, 7 người bị thương. Xót xa hơn, vào tháng 12-2012, khi 15 người quê huyện Nam Đàn sang Lào phụ hồ tại tỉnh Champasack thì ô tô bị tai nạn làm chết 9 người, trọng thương 6 người...
Anh Lê Văn Công (ngụ huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) cho biết: “Đa phần lao động sang Lào làm công ăn lương theo ngày, làm ngày nào biết ngày đó. Nếu không may xảy ra tai nạn, chủ thuê hỗ trợ được đồng nào thì cảm ơn chứ chẳng có hợp đồng hay giao kết gì cả”.
Thế nhưng, bên cạnh những rủi ro, nguy hiểm thì cũng có không ít người đã “phất” lên từ công việc ở Lào. Xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu trước đây vốn là một xã nghèo. Khoảng 20 năm trước, nhiều người dân ở xã này rủ nhau sang Lào kiếm sống. Đến nay, xã này có trên 1.400 lao động đang làm ăn, sinh sống tại Lào. Nhờ sang Lào làm ăn mà đời sống người dân ở đây khá giả hẳn, Diễn Tháp trở thành một trong những xã giàu nhất xứ Nghệ.
Ông Nguyễn Sỹ Cường, ngụ xã Diễn Tháp, khẳng định: “Ở xã này, gia đình nào cũng có người làm ăn ở Lào. Nhờ sang Lào buôn bán nên người dân Diễn Tháp mới có cuộc sống sung túc. Cả xã toàn nhà lầu, hơn 400 ô tô, nhiều chiếc giá đến vài tỉ đồng”.
Nhiều người dân ở các xã tại huyện Yên Thành như Đô Thành, Phú Thành, Tăng Thành... cũng khá giả nhờ công việc buôn bán ở Lào. Hiện có hàng ngàn người dân của xã này thường xuyên sang Lào làm ăn.
Hạn hán đe dọa Tây Nguyên
Khu vực Tây Nguyên mới bước vào mùa khô nhưng một số hồ, đập thủy lợi đã trơ đáy khiến nhiều diện tích cây trồng của người dân bị thiếu nước trầm trọng, nguy cơ mất mùa tăng cao.
Theo báo cáo của các tỉnh khu vực Tây Nguyên, hiện nhiều nơi đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới cho vụ mùa Đông - Xuân (2015-2016).
Giảm diện tích trồng lúa vì thiếu nước
Bà Phan Thị Thu Hiền - Chánh văn phòng Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, cho biết khoảng 35% trong số 599 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn không đạt mực nước dâng bình thường. Trong đó, có 20% hồ chỉ đạt dưới 50% dung tích thiết kế.
Bà Hiền thông tin thêm, địa phương có 244.971 ha cây trồng và 245 ha nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, tổng diện tích đảm bảo tưới từ công trình thủy lợi chỉ 75.639 ha. Như vậy, 169.332 ha sẽ bị thiếu nước trầm trọng.
"Để đối phó với việc thiếu nước, vụ Đông - Xuân khả năng cả tỉnh phải cắt giảm gần 1.100 ha diện tích trồng lúa", bà Hiền nói.
Nhiều hồ thủy lợi tại các huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song (Đắk Nông) đang trong tình trạng trơ đáy, một số khác đang nằm dưới mực nước chết.
Gia Lai: 32.000 ha cây trồng thiếu nước
Theo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, địa phương chỉ có 8/12 hồ chứa tích đủ nước, số còn lại thiếu nước nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng đến gần 32.000 ha cây trồng trên địa bàn.
Theo ông Hồ Sơn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư Jút, khoảng 20 ngày tới nếu trời không mưa, hàng trăm hecta hoa màu, cây công nghiệp của địa phương sẽ mất trắng. Trong đó, khoảng 255 ha cà phê và tiêu tại hai xã Nam Dong và Tâm Thắng sẽ bị chết.
Còn tại hồ Đắk Ken, xã Đắk Lao (Đắk Song) có dung tích khoảng 1,5 triệu m3, phục vụ cho gần 2.000 ha cà phê nhưng đến thời điểm này rất nhiều hộ dân chưa tưới xong đợt một do nước đã cạn. Để cứu vườn nhiều hộ dân đã khoan giếng sâu hàng trăm mét nhưng vẫn không có nước.
Sông suối trơ đáy
Từ khi Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4A đi vào hoạt động đã chắn ngang dòng, khiến gần 20 km đoạn chảy qua các xã Ea Wer, Ea Huar và Krông Ana (huyện Buôn Đôn) luôn khô cạn làm ảnh hưởng đến khu du lịch sinh thái của địa phương.
Anh Nguyễn Quang (42 tuổi, du khách) cho biết, trước đây không khí mát mẻ dễ chịu, khung cảnh đẹp. Nhưng bây giờ, trời nắng nóng, cây cối chết khô, các thác nước cũng trơ đáy. “Gia đình đi vào du lịch, tránh nắng nhưng nước các dòng sông không còn, chắc không bao giờ trở lại”, anh Quang nói.
Một lãnh đạo Trung tâm du lịch Buôn Đôn cho biết đã gần 3 năm nay, các sông suối chảy qua khu du lịch gần như khô cạn. Lượng du khách giảm rõ rệt so với các năm trước bởi thời tiết nắng nóng, nhiều cảnh quan tự nhiên đã bị phá hủy.
Còn tại khu du lịch Thanh Hà (buôn N’Drếch, Ea Huar, Buôn Đôn) ngay dưới đập thủy điện Sêrêpốk 4A, tình cảnh còn khó khăn hơn. Mặc dù thời điểm này lượng khách đến đây rất đông nhưng nhiều người cũng chỉ “dạo một vòng rồi về”.
Bà Lê Thị Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Bản Đôn (đơn vị quản lý khu du lịch Thanh Hà) cho biết từ khi thủy điện Sêrêpốk 4A đưa vào hoạt động thì tình hình kinh doanh của đơn vị giảm 40-50%.
“Để cứu khu du lịch, đơn vị đã dùng đá, bao tải dẫn nước chảy qua khu cầu treo nhưng chỉ đủ để nuôi sống những cây si giữa dòng. Còn nước sông dưới cầu treo vẫn trơ đáy, khiến khách du lịch mất hứng thú”, bà Hà thông tin.
Hạn hán ở Tây Nguyên sẽ đạt kỷ lục
Ông Trần Trung Thành - Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, cho biết do mùa mưa năm 2015 kết thúc sớm hơn khoảng 20 ngày và lượng mưa chỉ đạt 60-70%, cộng với năm 2016, các tỉnh Tây nguyên chịu ảnh hưởng của El Nino nên từ tháng 3 - 4 hạn hán sẽ đạt kỷ lục như các năm 1998 và 2004.
Ngoài ra, 4 tháng nay Tây Nguyên không có mưa dẫn đến các hồ chứa nước khô cạn. Đầu tháng 3, Tây Nguyên bắt đầu vào mùa khô nên các cây cà phê, hồ tiêu sẽ thiếu nước nghiêm trọng nên dẫn đến thiệt hại nặng nề.
Không giấy phép vẫn bán điện
500 hộ dân tại khu đô thị mới Hưng Phú - phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ nhiều năm nay vẫn phải sử dụng lưới điện tạm bợ, trả tiền điện mà không được nhận hóa đơn.
Công ty CP Đầu tư và xây dựng số 8 (CIC8) mua điện từ Điện lực Cái Răng (TP Cần Thơ) rồi bán lại cho 500 hộ dân sống tại khu đô thị mới Hưng Phú (phường Hưng Phú, quận Cái Răng, do công ty này làm chủ đầu tư) trong nhiều năm qua, dù không có giấy phép, lưới điện tạm bợ không an toàn, mất điện thường xảy ra...
Chị Nguyễn Thị Hiền (nhà ở đường 26) cho biết ký hợp đồng mua điện với CIC8, hằng tháng nhân viên của công ty đi thu tiền nhưng không có hóa đơn. Muốn mua điện trực tiếp từ điện lực nhưng không được vì CIC8 chưa bàn giao lưới điện.
Theo thiết kế hạ tầng kỹ thuật điện trung - hạ thế thì 4 khu của dự án đều ngầm hóa, nhưng chỉ có một khu điện được đi ngầm, những khu còn lại lưới điện nổi, nhiều trụ điện nghiêng có nguy cơ đổ vào nhà dân.
Một lãnh đạo Điện lực Cái Răng cho biết chỉ bán điện cho CIC8 đến tuyến trung thế, nhưng công ty này tự kéo đường dây hạ thế để bán cho dân.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã đi kiểm tra nhiều lần, yêu cầu CIC8 phải khắc phục tình trạng mất an toàn điện, thực hiện theo đúng quy hoạch và bàn giao lưới điện cho điện lực quản lý nhưng đến nay CIC8 vẫn chưa thực hiện.
Trả lời câu hỏi vì sao chưa bàn giao lưới điện cho điện lực quản lý, đại diện bộ phận chăm sóc khách hàng CIC8 chi nhánh TP Cần Thơ cho rằng dự án chưa xong, hệ thống điện chỉ là tạm nên chưa bàn giao.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đến nay chủ đầu tư đã bán 1.491/1.719 căn nhà và đất nền nên không thể nói dự án chưa xong.
Ông Nguyễn Minh Toại, giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết đã thanh tra việc chấp hành quy định về xây dựng hạ tầng kỹ thuật điện và hoạt động điện lực đối với CIC8, đồng thời kiến nghị UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp nhận các hạng mục công trình đã hoàn thành và đưa vào khai thác.
Xử phạt CIC8 hành vi thiết kế, lắp đặt và đưa vào vận hành lưới điện không đáp ứng được các quy định về kỹ thuật an toàn điện và hoạt động điện lực mà không có giấy phép hoạt động điện lực (mua bán điện).
Tạo môi trường kinh doanh tốt cho nhà đầu tư
Chiều 21-2, UBND tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Bính Thân 2016.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao kết quả thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội cho rằng Việt Nam đã tạo được những thuận lợi về mặt luật pháp, tạo được môi trường tốt hơn, bình đẳng cho các nhà đầu tư. Thể chế, chính sách pháp luật được xây dựng đầy đủ, vận hành tốt; hiệu lực phục vụ đối với doanh nghiệp, với nhân dân cũng cao hơn. Những điều kiện này đang tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư và các doanh nghiệp phát triển.
UBND tỉnh Nghệ An trao tặng bằng khen cho các doanh nghiệp có nhiều đóng góp phát triển kinh tế ở địa phương Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Nghệ An đã hội đủ những điều kiện về hạ tầng, dịch vụ, luật pháp, cơ chế, chính sách, vị trí, địa lý. Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế đã đến địa phương đầu tư, đạt được hiệu quả cao. Tỉnh Nghệ An đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng, chính sách thông thoáng, ủng hộ cao đối với các nhà đầu tư, sẵn sàng mời gọi, đồng hành với các doanh nghiệp.
Dịp này, tỉnh Nghệ An đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án với tổng mức vốn 3.566 tỉ đồng. BIDV với vai trò là đơn vị tài trợ cũng đã ký 5 hợp đồng nguyên tắc cung cấp tín dụng với tổng trị giá 13.432 tỉ đồng. Ngoài ra, 5 thỏa thuận đầu tư khác với tổng giá trị 61.531 tỉ đồng cũng đã được ký giữa UBND tỉnh Nghệ An với các nhà đầu tư.
Bệnh viện gần 3.000 tỉ đồng phải tạm ngừng thi công
Hiện gói thầu san lấp mặt bằng và làm phần móng của công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang đã phải tạm ngưng thi công hơn tháng nay vì có hơn 30 cọc bê tông bị nghiêng.
Ngày 21-2, ông Mai Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, xác nhận rằng trong quá trình các đơn vị tiến hành ép cọc bê tông tại công trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang đã xảy ra sự cố làm hơn 30 cọc bê tông đã bị nghiêng.
Công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang phải tạm ngừng thi công vì có hơn 30 cọc bê tông bị nghiêng.
Sau khi sự cố xảy ra, Cục Kỹ thuật công trình thuộc Bộ Xây dựng đã xuống lấy mẫu để phân tích tìm nguyên nhân và đề xuất phương án khắc phục.
Gói thầu san lấp mặt bằng và làm phần móng của công trình có trị giá hơn 70 tỉ đồng do liên doanh công ty TNHH Trường Phát và Công ty CPTV khảo sát thiết kế xây dựng Hà Nội thi công.
Được biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công xây dựng vào ngày 28-4-2015. Công trình này do Sở Y tế tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư, tư vấn thiết kế gồm công ty Azusa Sekkei – Nhật Bản là nhà thầu chính và Công ty TNHH Nhà tương lai là nhà thầu phụ.
Theo thiết kế, Bệnh viện này có quy mô 1.200 giường với tổng mức đầu tư hơn 2.929 tỉ đồng và được xây dựng kiên cố với chiều cao 45m, gồm 9 tầng, diện tích xây dựng hơn 17.400 m2. Đặc biệt, ở tầng sân thượng có bố trí bãi đáp cho máy bay trực thăng.