tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh tối 22-02-2016

  • Cập nhật : 22/02/2016

43 giờ đường dây nóng của ông Đinh La Thăng nhận 1.200 cuộc gọi, 800 tin nhắn

Sau chưa đầy 2 ngày công bố, đường dây nóng của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã nhận 1.200 cuộc gọi và 800 tin nhắn phản ánh từ người dân.

Tối 21/2, Văn phòng Thành ủy TP HCM cho biết trong vòng 43 giờ (từ 21h00 ngày 19/2 đến 16h ngày 21/2), có gần 1.200 cuộc gọi, hơn 800 tin nhắn từ người dân gửi vào số điện thoại 0888 247 247 của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.

Đa số các cuộc gọi vào đường dây nóng có nội dung phản ánh về lĩnh vực quản lý đô thị (nhất là về ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường), an ninh trật tự, cải cách hành chính, khiếu nại tố cáo.

bi thu thanh uy tp hcm dinh la thang. anh: a.q

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng. Ảnh: A.Q

Văn phòng Thành ủy đã tổng hợp, báo cáo Bí thư Thành ủy, đồng thời chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, tối 19/2 Văn phòng Thành ủy thành phố đã công bố đường dây nóng của Bí thư là 0888 247 247. Số điện thoại này hoạt động 24/24 và suốt 7 ngày trong tuần để tiếp nhận phản ánh của người dân trên địa bàn thành phố về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và dân sinh.

Phương thức hoạt động của đường dây nóng là Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng trực tiếp sử dụng số điện thoại "nóng". Nếu Bí thư bận sẽ có người trực, tiếp nhận tất cả các phản ánh của người dân, sau đó tổng hợp và báo cáo cho Bí thư Thành ủy. Người tiếp nhận thông tin phản ánh sẽ trao đổi cụ thể về thời gian phản hồi với người cung cấp thông tin, tùy theo từng trường hợp.


3 ngư dân mất tích trên biển khi đang đánh bắt tôm

4 ngư dân đang dùng lưới vây bắt tôm cách bờ khoảng 6 km thì bất ngờ gặp sóng lớn đánh chìm thuyền thúng, một người bơi được vào bờ thoát nạn.

Ông Trần Văn Tốt, Chủ tịch UBND xã Bình Nam (Thăng Bình, Quảng Nam), cho biết tối 21/2, người dân phát hiện anh Mai Văn Đông (36 tuổi, xã Duy Hải, Duy Xuyên) đang trôi dạt vào bờ biển xã này trong tình trạng kiệt sức. Người dân lập tức đưa nạn nhân đi cấp cứu tại trạm y tế.

ngu dan quang nam dung thuyen thung hanh nghe ngoai khoi. anh: tien hung.

Ngư dân Quảng Nam dùng thuyền thùng hành nghề ngoài khơi. Ảnh: Tiến Hùng.

Anh Đông kể, anh cùng bố ruột Mai Văn Tư và 2 ngư dân khác cùng trú xã Duy Hải neo tàu cách bờ biển khoảng 6 km để hành nghề. Tối qua, khi 4 người đang dùng 2 thuyền thúng để vây lưới bắt tôm thì bất ngờ gặp sóng to, thuyền thùng của anh Đông bị chìm. Thuyền còn lại cũng bị sóng đánh dạt ra xa.

Anh Đông cố gắng vùng vẫy, bơi hướng vào bờ. Đến sáng nay, sức khỏe của ngư dân này đã ổn định trong khi 3 người còn lại đang mất tích.

“Bộ đội biên phòng cùng ngư dân đang hành nghề trên vùng biển này đã tìm kiếm suốt nhiều giờ nhưng đến nay vẫn chưa có tung tích. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm”, Chủ tịch xã Bình Nam nói.


Xác minh tố cáo giám thị trại giam lừa "chạy việc" 1,5 tỉ

Theo ông K. tố cáo, ông Cao Văn Xuân - phó giám thị trại giam Nghĩa An tỉnh Quảng Trị đã nhận 1,5 tỉ đồng hứa chạy việc cho con cháu ông K. nhưng không làm.

Ngày 21-2, ông N.Đ.K. (trú tại thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết trại giam Nghĩa An (thuộc Tổng cục Trại giam - Bộ Công an, đóng tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) vừa cử cán bộ đến gặp ông để xác minh nội dung đơn thư tố cáo việc ông Cao Văn Xuân, phó giám thị trại giam Nghĩa An, lừa “chạy” việc cho con cháu ông K. để chiếm đoạt 1,5 tỉ đồng.

Ông K. cũng cho biết ông đã cung cấp cho cán bộ này tất cả 40 file ghi âm những cuộc trao đổi qua điện thoại của ông và ông Xuân liên quan đến sự việc nói trên.

Theo đơn tố cáo khi nhận tiền, ông Xuân viết cho ông K. một tờ giấy có nội dung số tiền đã nhận. Phía dưới tờ giấy là chữ ký của ông Xuân. Sau gần một năm, ông Xuân vẫn không lo được việc và cũng không trả lại tiền nên ông K. nghi ngờ ông Xuân lừa đảo và tố cáo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Thanh Tâm - giám thị trại giam Nghĩa An - xác nhận đã nhận đơn tố cáo của ông K.. Sau đó ban chỉ huy trại giam đã làm việc với ông Xuân.

Tại buổi làm việc, ông Xuân cho rằng đó chỉ là việc vay mượn tiền, do không có tài sản thế chấp nên phải làm như thế.

Ông Tâm cũng nói: “Chắc là mượn tiền thôi. Tôi là giám thị còn chưa biết chỉ tiêu này nọ huống chi phó giám thị”.

Ông Tâm khẳng định nếu sau khi điều tra xác minh đúng là có việc ông Xuân lừa “chạy” việc để nhận tiền thì sẽ báo cáo với cấp trên và xử lý theo pháp luật.


Vinpearl Safari phủ nhận thông tin cả ngàn thú quý hiếm chết

Trước thông tin từ một số trang mạng cho rằng có hàng ngàn động vật quý hiếm tại công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Safari (Phú Quốc, Kiên Giang) đã chết, trưởng Bệnh viện thú y Safari Phú Quốc nói gì?

loai linh duong bongo (chau phi) vua moi sinh con tai vuon thu - anh: duy khanh

Loài linh dương Bongo (châu Phi) vừa mới sinh con tại vườn thú - Ảnh: Duy Khánh

Trước thông tin từ một số trang mạng cho rằng có hàng ngàn động vật quý hiếm tại công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Safari (Phú Quốc, Kiên Giang) đã chết, ngày 21-2 trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thirumurugan Rajarathanam - trưởng Bệnh viện thú y Safari Phú Quốc - đã phủ nhận.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại vườn thú này ngày 21-2 có hàng ngàn khách tham quan, so với cách đây hai tháng, các loài động vật tỏ ra khá dạn dĩ.

Một số loài như hổ, sư tử, hươu cao cổ, tê giác... hai tháng trước còn e dè khi có khách tham quan, nay đã lại gần hàng rào cách ly để du khách chiêm ngưỡng.

Cũng theo thông tin từ các trang mạng, hươu cao cổ do không thích nghi được với môi trường đã chết hàng loạt, tuy nhiên khi đến khu vực dành cho loài thú này, 12 con hươu cao cổ vẫn nhởn nhơ ăn lá trên những thân cây.

Ông Phạm Tuấn Linh, quản lý vườn thú, cho biết: “12 con hươu cao cổ nhập về từ châu Phi đều thích nghi tốt với môi trường tại đây, không hề có con nào chết như các trang mạng đưa tin”.

Theo ông Thirumurugan Rajarathanam, vừa qua sau một thời gian đi vào vận hành, có hơn 100 con chim, thú bị chết do ảnh hưởng của quá trình vận chuyển dài, bị giảm sút sức khỏe, chưa thích nghi được với môi trường, thổ nhưỡng và khí hậu...

“Số lượng động vật chết tại vườn thú đến nay dưới 5% là bình thường của một vườn thú khi mới hình thành” - ông Thirumurugan Rajarathanam nói.

Còn về số lượng thất thoát động vật, ông Thirumurugan Rajarathanam cho rằng: “Thực tế chỉ có 135 con khỉ nhỏ (nguồn gốc Việt Nam, mỗi con có trọng lượng từ 150-200gr) đã thoát khỏi các chuồng khỉ do thiết kế ô lưới dự kiến dành cho các loài khỉ to hơn.

Đây là loài khỉ bản địa phân bổ tự nhiên tại Phú Quốc. Hằng ngày đàn khỉ này vẫn về ăn tại vườn thú và khi ăn no lại vào rừng. Ngoài khỉ thì không có bất cứ loài thú nào chạy ra khỏi Vinpearl Safari”.

Về vấn đề với các chuyên gia nước ngoài, theo ông Phạm Tuấn Linh, có tổng cộng 10 chuyên gia nước ngoài làm việc tại Bệnh viện Safari Phú Quốc.

Trong đó, 2 chuyên gia đến từ Úc và Anh đã hết hạn hợp đồng vào tháng 1-2016. Còn 8 chuyên gia gồm 5 người đến từ Ấn Độ và 3 người còn lại đến từ Pháp, Singapore, Thái Lan vẫn làm việc tại đây.


Ngư dân bức xúc vì bị thu phí vô tội vạ

 Ngày 21-2, nhiều ngư dân tiếp tục phản đối việc Ban Quản lý (BQL) cảng cá Phú Lạc (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên) thu nhiều loại phí vô lý đối với tàu thuyền ra vào cảng và các hoạt động của ngư dân tại cảng này.

Ông Trần Tá (phường 6, TP Tuy Hòa, chủ tàu cá PY 96252 TS) nói: “Tôi đưa tàu vào cập cảng Phú Lạc thì phải đóng phí vào cảng 40.000 đồng/lượt. Sau đó, tôi đưa tàu ra đậu bên ngoài cảng nhưng khi tàu vào lại cảng để bơm dầu thì bị BQL đòi phí lưu cảng 20.000 đồng/ngày. Tôi làm nghề đi biển từ nhỏ đến giờ nhưng chưa thấy nơi nào thu phí lưu cảng vô lý thế. Tôi thắc mắc, không chịu đóng thì họ không cho tàu của tôi xuất bến”.

Được biết do cửa biển Đà Diễn bị bồi lấp, tàu thuyền không vào các cảng cá phường 6, Đông Tác (TP Tuy Hòa) nên hầu hết chuyển sang cảng Phú Lạc và đều bị thu phí như trên.

Theo ông Trịnh Ngăn, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn bốc vác cảng cá Đông Tác, cảng Phú Lạc, do không đủ nhân lực nên Nghiệp đoàn bốc vác cảng cá Đông Tác phải vào cảng Phú Lạc để bốc vác hải sản, đá lạnh cho các tàu kịp chuyến biển. Thế nhưng BQL cảng này lại thu 15% tiền công bốc vác của nhân công. Ngoài ra, mỗi xe tải chở đá lạnh vào cảng cũng bị thu 40.000 đồng/lượt. “Điều vô lý là các khoản thu này đều không có biên lai. Khi chúng tôi yêu cầu thì họ đưa một tờ giấy biên nhận không có con dấu, chữ ký” - ngư dân Nguyễn Văn Lai (phường Phú Đông, Tuy Hòa) bức xúc.

Trả lời PV, ông Võ Ngọc Hòa, Quyền Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho rằng huyện thu các khoản phí trên theo quyết định của UBND tỉnh ban hành cách đây 10 năm. “Chuyện này là bình thường nhưng anh em làm chưa chỉn chu, chưa công khai, minh bạch” - ông Hòa nói. Khi được hỏi việc thu các khoản phí có bất hợp lý không, ông Hòa nói không thể trả lời và cũng không thể có ý kiến vì đó là quy định của tỉnh.

Ông Hòa thừa nhận việc “chặt” % tiền bốc vác của nhân công từ nơi khác đến làm thuê là để đội bốc vác tại cảng Phú Lạc làm phí quản lý nhưng nó không nằm trong quyết định của tỉnh, không có hóa đơn. Tuy vậy, ông Hòa nói huyện không can thiệp vào chuyện này vì đó là thỏa thuận giữa chủ tàu và đội bốc vác.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết Sở sẽ cử người nắm tình hình rồi đề nghị tỉnh xem xét, rà soát lại các khoản thu phí trên. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục