tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh tối 21-02-2016

  • Cập nhật : 21/02/2016

Khởi tố BLĐ Liên kết Việt lừa đảo hơn 45.000 người

Chỉ trong hơn 1 năm hoạt động, ban lãnh đạo (BLĐ) Công ty Liên kết Việt đã lừa đảo hơn 45.000 người với số tiền trên 1.900 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh đa cấp...

Tiến hành điều tra những hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Liên kế sản xuất Thương mại Việt Nam (Liên kết Việt), cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với 7 lãnh đạo và tổng đại lý của công ty này về tội danh trên.

Các bị can bị tạm giam gồm Lê Xuân Giang (Lê Xuân Hà), Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thị Thủy, Lê Văn Tú, đều là Phó tổng giám đốc; Nguyễn Xuân Trường, Vũ Thị Hồng Dung, Lê Thanh Sơn, đều thuộc nhóm quảng bá, tuyên truyền, phát triển hệ thống đa cấp ở các tỉnh; Trịnh Xuân Sáng, phụ trách công nghệ thông tin của công ty này.

Thuê người phát triển hệ thống đa cấp lừa đảo

Bị can Lê Xuân Giang bị xác định là người đứng đầu, lập ra Công ty Liên kết Việt; đồng thời bị can này cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP.

Các mặt hàng kinh doanh của công ty Liên kết Việt khá nghèo nàn, chỉ một số máy làm sạch, máy chăm sóc sức khỏe và thực phẩm chức năng và được thực hiện kinh doanh dưới hình thức bán hàng đa cấp nhằm lừa đảo người tiêu dùng.

Tháng 4/2014, Lê Xuân Giang đã ký hợp đồng với Nguyễn Thị Thủy mang nội dung thuê Nhóm “Quản lý, phát triển, kinh doanh của doanh nghiệp” để nhóm của Thủy thực hiện nhiệm vụ quảng bá bán hàng.

Cụ thể, nhóm này có trách nhiệm tổ chức phát triển hệ thống kinh doanh của Công ty Liên kết Việt, tư vấn thu hút khách hàng, tổ chức sự kiện (chi phí này do Giang chi trả); tư vấn thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, cố vấn chiến lược phát triển, phương pháp kinh doanh...

Để thực hiện những công việc, nhóm của Thủy được cấp mã số đứng đầu toàn bộ hệ thống kinh doanh cộng tác viên. Các cộng tác viên này thực chất là những người đóng tiền mua mã hàng dưới hình thức đa cấp của Liên kết Việt.

Nhóm này còn được độc quyền hệ thống cộng tác viên, được hưởng quyền lợi mãi mãi trong hệ thống. Để thực hiện các nhiệm vụ trên, công ty của bị can Giang phải trả cho nhóm của Thủy 25 triệu đồng/tháng và 300.000 đồng mỗi mã hàng phát sinh trong hệ thống của Công ty Liên kết Việt.

Mạo danh doanh nghiệp Bộ Quốc phòng, đón bằng khen giả

Sau một khoảng thời gian để cho nhóm của Thủy tung hoành phát triển thị trường với mạng lưới cây đa cấp phủ khắp hàng chục tỉnh, thành phố, đến tháng 6/2015, Lê Xuân Giang đã bổ nhiệm Nguyễn Thị Thủy làm Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của công ty.

 

le don bang khen gia do ban lanh dao lien ket viet dung len - anh: lkv.com.vn

Lễ đón bằng khen giả do Ban lãnh đạo Liên kết Việt dựng lên - Ảnh: lkv.com.vn

 

Khi có chức danh, Thủy và các thành viên trong nhóm làm ăn liều mạng hơn khi không e dè, mạo danh là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng, tổ chức rầm rộ việc đón các bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhưng thực chất do các bị can làm giả... nhằm tạo uy tín để lòe người dân.

Bên cạnh đó, Thủy cho thực hiện viết các kịch bản tuyên truyền gồm những chương trình khuyến mại, thi đua như: Hoa hồng đại thắng, Hoa hồng nhân văn, Mã đáo thành công... nhằm khuếch trương việc chi trả tiền hoa hồng ở mức cao kỷ lục, thậm chí còn thưởng nhà, thưởng ôtô... cho đại lý.

Thực chất, những khoản thưởng khổng lồ này chỉ là lấy tiền của người nộp vào hệ thống sau trả hoa hồng cho người nộp tiền trước. Thủy còn xác định thu hút người tham gia vào cây đa cấp của mình với mức chi hoa hồng lên đến 65%, vượt cả mức quy định của Chính phủ là 40%.

 

bi can le thanh son dang quang cao cho cong ty tren truyen hinh

Bị can Lê Thanh Sơn đang quảng cáo cho công ty trên truyền hình

 

Từ những việc khuếch trương này, Thủy tổ chức hàng loạt hội nghị, hội thảo quảng bá và mở rộng mạng lưới đến 21 tỉnh, thành phố trên cả nước, thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia mua mã hàng nộp tiền để chiếm đoạt. Ngoài trụ sở chính tại Hà Nội, công ty còn có 1 chi nhánh tại TP HCM và văn phòng đại diện ở 19 tỉnh thành.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan công an xác định từ tháng 6/2014 đến tháng 7/2015, riêng Thủy và các thành viên trong nhóm là Trịnh Xuân Sáng, Lê Thanh Sơn, Nguyễn Xuân Trường, Vũ Hồng Dung đã phát triển hệ thống đa cấp khổng lồ với hơn 45.000 người tham gia, tổng số tiền thu được trên 1.900 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các cá nhân tham gia mua mã hàng hầu hết đều không nhận hàng mà để tích điểm thưởng nhằm nhận được hoa hồng theo sự chỉ dẫn từ nhóm của Thủy. Thông qua phát triển hệ thống, nhóm này nhận được số tiền thù lao cùng hoa hồng lên đến gần 44 tỷ đồng.

Khi cơ quan điều tra vào cuộc, tổng số dư trong tài khoản của Liên kết Việt chỉ còn hơn 45,5 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định các bị can đã thông qua hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp để lừa đảo số tiền trên 1.900 tỷ đồng.


Nâng mức vay ưu đãi cho học sinh, sinh viên

cac doi tuong chinh sach vay von tai diem giao dich xa tri qua, huyen thuan thanh, tinh bac ninh.

Các đối tượng chính sách vay vốn tại điểm giao dịch xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.


Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định điều chỉnh mức cho vay chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg. Theo đó, vào đúng ngày kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Học sinh, sinh viên Việt Nam 9/1, mức cho vay tối đa đối với mỗi HSSV sẽ chính thức tăng từ 1,1 triệu đồng/tháng lên 1,25 triệu đồng/tháng.

Việc điều chỉnh mức cho vay tối đa đối với HSSV nhằm đảm bảo hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt ở mức hợp lý trên cơ sở lộ trình tăng học phí đã được Chính phủ phê duyệt và giá cả sinh hoạt thay đổi.

Sau gần 9 năm thực hiện chương trình tín dụng mang nhiều ý nghĩa này, nguồn vốn ưu đãi đã giúp cho gần 3,3 triệu lượt HSSV được vay vốn, giảm đáng kể gánh nặng về tài chính cho các hộ gia đình chính sách. Thời điểm có dư nợ đạt cao nhất là năm 2012, dư nợ đạt 35,8 nghìn tỷ đồng, hiện nay dư nợ còn gần 24,7 nghìn tỷ đồng với trên 1,1 triệu hộ gia đình đang có dư nợ tại NHCSXH, cho trên 1,3 triệu HSSV vay vốn đi học, đã có gần 2 triệu HSSV được vay vốn đã tốt nghiệp ra trường.

Đặc biệt, để tạo điều kiện cho gia đình HSSV giảm bớt khó khăn trong việc trả nợ, Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định rõ người vay phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày HSSV kết thúc khóa học. Hiện lãi suất của chương trình là 0,55%/tháng (tương đương 6,6%/năm). Thời hạn cho vay tối đa được xác định theo công thức sau: “Thời hạn cho vay = Thời hạn phát tiền vay + Thời gian ra trường tìm việc làm tối đa là 12 tháng (kể từ ngày kết thúc khóa học) + Thời hạn trả nợ”.

Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo đến một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. Đối với các chương trình đào tạo trên một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay.

Như vậy nếu HSSV học đại học 4 năm thì thời hạn cho vay tối đa là 9 năm, nếu gặp khó khăn được gia hạn nợ tối đa bằng ½ thời hạn trả nợ, thêm 2 năm nữa thì tổng cộng thời gian cho vay là 11 năm. Trong khi đó nguồn trả nợ được trích từ thu nhập của hộ vay và thu nhập của sinh viên khi đi làm, số tiền cho vay được phân kỳ trả nợ tối đa 6 tháng 1 lần; phù hợp với khả năng trả nợ của người vay do ngân hàng và người vay thỏa thuận.

Trường hợp nếu HSSV vay vốn mà bị mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau thường xuyên, mắc bệnh tâm thần, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt không nơi nương tựa, chết, mất tích hoặc bị tuyên bố là chết, mất tích mà không còn tài sản để trả nợ, không có người thừa kế hoặc người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho khách hàng thì có thể xem xét khoanh nợ hoặc xóa nợ.

Đến nay, chương trình tín dụng HSSV đã hết một chu kỳ cho vay và đang trong thời gian thu hồi nợ. Hiện, tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình tín dụng ưu đãi đối với HSSV chỉ chiếm 0,54% tổng dư nợ chương trình. Từ kết quả trên cho thấy người vay trả nợ đúng kỳ hạn như đã thỏa thuận, ngoài ra NHCSXH triển khai thực hiện tốt chính sách giảm lãi tiền vay đối với người vay trả nợ trước hạn, đã tạo ý thức tự nguyện, động lực kích thích trả nợ của người vay dẫn đến việc thu hồi nợ đến hạn đạt kết quả cao.

Kết quả đạt được cho thấy chính sách tín dụng đối với HSSV là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Điều đó khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ về tín dụng đối với HSSV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của xã hội.

 

Cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh

cai cach the che de nang cao nang luc canh tranh - anh: vgp/le anh

Cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh - Ảnh: VGP/Lê Anh


Thể chế tạo ra khung khổ cho DN hoạt động. Thể chế tốt bảo đảm tính công khai, minh bạch, môi trường chính sách ổn định và có tính cạnh tranh cao, giúp DN xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn.

Đây là chia sẻ của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Cố vấn cho Chính phủ về đàm phán hội nhập quốc tế tại hội thảo “Cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam khi Hiệp định TPP có hiệu lực” do Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh quốc tế ( Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức ngày 19/2 tại TPHCM.

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng tham gia TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội, kèm với đó là những thách thức. Tuy nhiên, cơ hội không tự biến thành lợi ích và thành sức mạnh trên thị trường. Thách thức tuy là sức ép trực tiếp nhưng mức độ tùy thuộc vào đối sách của chủ thể (Nhà nước và DN).

Theo ông Trương Đình Tuyển, Nhà nước và DN là những chủ thể quyết định sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, Nhà nước có vai trò quyết định, bởi Nhà nước là chủ thể tạo ra năng lực cạnh tranh vĩ mô, trong đó có sức cạnh tranh về thể chế, yếu tố quyết định nhất cho phát triển bền vững.

Thể chế tạo ra khung khổ cho DN hoạt động. Thể chế tốt bảo đảm tính công khai, minh bạch và môi trường chính sách ổn định và có tính cạnh tranh cao, giúp DN xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn.

Cải cách thể chế là gốc, nó tạo khuôn khổ, định ra giới hạn cho cải thiện môi trường kinh doanh. Mặt khác, kết quả của cải cách thể chế phải chuyển thành sự cải thiện môi trường kinh doanh.

Chính vì vậy, “điểm khởi đầu” của việc cải cách thể chế là định vị đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và DN. Trong đó, Nhà nước thực hiện chức năng kiến tạo phát triển mà nội hàm là bảo đảm ổn định  vĩ mô, xây dựng khung khổ thể chế để bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh công bằng, bảo vệ nhà đầu tư; bằng quy hoạch, chính sách và nguồn nhân lực Nhà nước thực hiện chiến lược tăng trưởng bao trùm; cung cấp các dịch vụ công thiết yếu mà các thành phần khác không làm hoặc chưa có khả năng làm.

Với những vấn đề liên quan đến TPP, TS. Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho rằng cần tuyên truyền đến tất cả các ngành, lĩnh vực về TPP.

Bên cạnh đó, cần rà soát, hệ thống hóa hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến nội dung 30 chương của TPP, từ đó có kiến nghị, loại bỏ các quy định hết hiệu lực, còn hiệu lực nhưng phải sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết theo hướng phát triển và nâng cao tinh thần phục vụ DN.

Còn theo PGS.TS Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN), trong quá trình hội nhập, để đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thì các DN phải xem xét, rà soát lại sự cạnh tranh với hàng hóa cùng loại của các nước khác, xem họ đang ở trình độ nào, chất lượng ra sao, giá thành, thông tin về sản phẩm hàng hóa như thế nào. Đi cùng với đó là thông tin về công nghệ mà các nước đang sử dụng để cho ra sản phẩm đó. Trên cơ sở đó, DN sẽ phải có quyết định cho chiến lược sản xuất kinh doanh của mình.

Cùng với đó, các nhà khoa học, công nghệ, các tổ chức KH&CN phải bám sát, đồng hành với DN trong vấn đề này; đồng thời với việc tư vấn cho DN trong việc lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại để nhập khẩu, làm chủ công nghệ nhập khẩu và tiến tới sáng tạo ra công nghệ mới ở trong nước.


Xâm nhập mặn nghiêm trọng, nhiều diện tích lúa có thể mất trắng

ruong lua cua ong danh coi, ngu xa binh son, huyen hon dat gio de nan moc vi da gieo sa ca vu he thu va dong xuan deu chet do nang han, man xam nhap. (anh: le sen/ttxvn)

Ruộng lúa của ông Danh Coi, ngụ xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất giờ để năn mọc vì đã gieo sạ cả vụ Hè Thu và Đông Xuân đều chết do nắng hạn, mặn xâm nhập. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)


Hạn hán, xâm nhập mặn đang khiến hàng triệu người dân các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang… bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều diện tích lúa, hoa màu có nguy cơ mất trắng vì thiếu nước tưới và ngập mặn.

Các địa phương đang nỗ lực nạo vét kênh mương, ngăn mặn trữ ngọt điều tiết nước tưới và nước sinh hoạt cho người dân. Biến đổi khí hậu đang trở nên gay gắt.

Vượt rào xuống giống

Tính đến ngày 17/2, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có hơn 300.000ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại; trong đó có hơn 100.000ha bị ảnh hưởng nghiêm trọng có thể giảm năng suất từ 30%-70%. Vườn cây ăn trái, hoa màu ở các tỉnh này cũng lâm vào tình trạng phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn để tưới, báo hiệu năng suất thấp trong vụ lúatới.

Mặc dù đã được cảnh báo những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới từ đầu tháng 1, nhưng nhiều hộ nông dân vẫn xuống giống nhằm vớt vát được chút nào hay chút ấy. Đến khi các cơ quan chức năng phát hiện các trà lúa này thì đã muộn. Chính vì vậy, đến khi nguồn nước nhiễm mặn, các trà lúa được 1 tháng đang ngậm sữa bị héo dần, khô và chết.

Địa phương chịu thiệt hại nặng nhất do xâm nhập mặn gồm: Kiên Giang với hơn 34.000ha lúa Đông Xuân bị mất trắng; Cà Mau hơn 10.000ha, Hậu Giang thiệt hại hoàn toàn hơn 700ha và 300ha bị nước tràn đê có nguy cơ giảm năng suất... Tỉnh Bến Tre cũng mất trắng hơn 10.000ha và 4.000ha lúa đang trong vùng bị ảnh hưởng.

Theo ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, với tình trạng xâm mặn hiện nay, nếu không có giải pháp cấp bách, tức thời thì mức độ thiệt hại sẽ còn tăng cao. Trà lúa của các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Hậu Giang cũng sẽ rơi vào tình trạng như Kiên Giang, Cà Mau; thậm chí vụ lúa Hè Thu cũng sẽ không xuống giống được hoặc xuống giống cũng sẽ chết như lúa Đông Xuân.

Khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy các trà lúa Đông Xuân tại 2 huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre khô héo, cháy lá và ruộng nứt nẻ vì thiếu nước ngọt, người dân chán nản nên bỏ ruộng ngay từ khi lúa chỉ được 1 tháng.

Thế nhưng có nhiều hộ "tiếc của" cố gắng theo kiểu còn nước còn tát, bón phân, bơm nước ngọt nhưng chính nguồn nước này cũng bị nhiễm mặn đến 2,9 phần nghìn, trong khi cây lúa chỉ chịu được ngưỡng thấp hơn 2 phần nghìn. Do đó, với các hộ từ bỏ sớm thì thiệt hại ít mà càng cố gắng lại thiệt hại càng nhiều.

Anh Hồ Thanh Tân, trú tại tại ấp 7, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, Bến Tre cho biết, ruộng của gia đình anh ở trong vùng canh tác và cả vùng được cảnh báo không được canh tác. Nhưng vì gia đình tiếc ruộng nên cố gắng xuống giống cả hai nơi. Kết quả cuối cùng khi xuống giống được 20 ngày thì ruộng trong vùng cảnh báo hoàn toàn không có nước tưới và ruộng có thể canh tác lại chết dần do nước nhiễm mặn mà anh vẫn cố gắng bơm vào.

Tính đến ngày 17/2, độ mặn trong kênh Trục 418, kênh nước chính phục vụ cho tưới ruộng, hoa màu và sinh hoạt của người dân các xã trong huyện Ba Tri đạt 5 phần nghìn, đến cả cây cỏ còn chết thì cây lúa khó mà sống nổi.

Tôm, hoa màu cũng khó cầm cự

Xâm nhập mặn năm nay mang tính lịch sử và được dự báo sẽ kéo dài ít nhất 6 tháng, thậm chí những đợt xâm mặn này có nguy cơ xảy ra thường xuyên hơn, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Ngoài những trà lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng thì các vườn cây ăn trái, hoa màu, thủy sản cũng nằm trong mối nguy cơ đe dọa từ giảm năng suất đến thiệt hại hoàn toàn.

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, nếu mặn cứ kéo dài và các hệ thống cống ngăn mặn chưa hoàn thiện, hoặc chỉ hoàn thiện một nửa cũng không đủ sức ngăn mặn và giúp nông dân trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, nuôi tôm.

Đến thời điểm này, hơn 18.000ha lúa tôm và 40.000ha lúa Đông Xuân đang bị ảnh hưởng mặn. Nếu mặn kéo dài và chưa có biện pháp cấp tốc thì toàn bộ diện tích nuôi tôm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ mất trắng.

Vườn cây ăn trái ở nhiều tỉnh bị nước mặn xâm nhập sẽ có nguy cơ giảm năng suất, nhiều nơi mất trắng. Vườn cam gần 2 ha của ông Nguyễn Văn Hiến tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đang được gia đình cố gắng cứu vớt bằng cách khi thủy triều xuống thấp lấy nước ngọt trong các kênh rạch tưới rửa mặn.

Nhưng nhiều vườn diện tích lớn, nước dự trữ không đủ sức tưới, một số hộ phải mở cửa cống để lấy nước ngọt nhưng lại lấy nhầm con nước mặn. Tình thế cấp bách buộc họ phải sử dụng nước giếng khoan để pha loãng nước mặn trong các liếp vườn mới tưới cam được.

Ông Hiến than thở, triều cường tiếp tục dâng cao, qua ngày 17 tháng Giêng âm lịch mới bắt đầu rút xuống, mà lượng nước ngọt thì cạn dần, chưa biết vườn cam sẽ như thế nào.

Cây lúa chịu ngưỡng mặn đạt dưới 2 phần nghìn thì các loại hoa màu như bầu, bí, cỏ có thể chịu được nước mặn đạt ngưỡng 4 phần nghìn. Với ngưỡng mặn hiện nay, các loại hoa màu có thể chịu được, nhưng trong 1 tuần tới, độ mặn tăng cao thì các vườn hoa màu cũng khó cầm cự.

Tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang vẫn còn nhiều diện tích trồng hoa màu mà người dân phải sử dụng nước mặn ngưỡng 2,4 phần nghìn để tưới.

Chị Nguyễn Thị Hương, trú tại tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông trồng gần 1ha bầu chia sẻ, đây là lần đầu tiên trong 20 năm qua các con kênh trong xã này bị nhiễm mặn. Nước mặn tràn về, lúa thì chết mà vườn bầu của chị cũng khó cầm cự trong 1 tuần tới, khi triều lên cao. Hơn nữa, các giếng khoan xung quanh cũng bị nhiễm mặn, chị chưa biết làm cách nào để lấy nước tưới các liếp bầu.

Vấn đề xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên trong những năm gần đây, tỉnh Tiền Giang vận động người dân giảm bớt một vụ lúa để chuyển sang các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, việc chuyển vụ còn nhiều khó khăn, do vướng đầu ra nên chưa xác định được nên chuyển loại cây, con gì.

Việc sản xuất các loại cây họ đậu, ngô phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng không hấp dẫn người dân, doanh nghiệp do giá thành cao hơn so với giá nhập khẩu. Hệ thống thủy lợi đê bao, ngăn mặn của tỉnh phục vụ cho 10.000ha cây ăn trái và 2.000ha hoa màu.

Hệ thống này với 365 điểm bơm nước 2 cấp đã bơm nước ngọt trước 1 tháng để ứng phó với tình trạng xâm mặn cực đoan hiện nay. Riêng huyện Gò Công Đông sau nhiều lần chuyển đổi cây trồng, chỉ còn cây lúa đóng vai trò chủ lực, diện tích hoa màu chiếm tỉ lệ thấp nhưng với tình hình mặn cực đoan hiện nay đã không đủ nước ngọt tưới cho lúa và hoa màu , ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết.

Với hiện trạng mặn sâu và cực đoan như hiện nay, chính quyền địa phương các tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rốt ráo đưa ra nhiều giải pháp phòng chống mặn cấp bách và lâu dài để giải quyết vấn đề nước ngọt cho ăn uống, sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh và phục vụ sản xuất cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long


Giá thành sản xuất lúa tại Hậu Giang thấp nhất khu vực ĐBSCL

nong dan su dung may gat dap lien hop vao thu hoach lua vu mua. (anh: ngoc ha/ttxvn)

Nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa vụ mùa. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)


Theo công bố của Bộ Tài chính về giá thành sản xuất lúa Đông Xuân 2015-2016 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang đứng ở vị trí thấp nhất, với 2.802 đồng/kg; cao nhất là tỉnh Đồng Tháp với 4.044 đồng/kg.

Đây là năm đầu tiên người trồng lúa tỉnh này giảm được chi phí sản xuất xuống thấp nhất khu vực.

Có được kết quả trên là nhờ những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân sản xuất theo phương pháp tiết giảm đầu vào, chuyển đổi giống chất lượng, nâng cao năng suất, giá trị hạt lúa.

Tỉnh tập trung đầu tư kiện toàn cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, trang bị máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất; đầu tư kiện toàn cơ sở hạ tầng, cống đập, ô đê bao, kênh thủy lợi, thủy nông nội đồng...

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ số liệu tính toán cho thấy giá thành chi phí sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2015-2016 của tỉnh giảm đến 25% so với trước đây. Cụ thể, khâu đầu tư cơ giới hóa sản xuất giảm 15% chi phí; áp dụng kỹ thuật canh tác "3 phải 3 tăng," "1 phải 5 giảm" và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giảm được 10%; kiện toàn hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng là 5%.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, đạt được kết quả trên là nỗ lực rất lớn của tỉnh Hậu Giang, bởi địa phương nhận thấy giá thành lúa nguyên liệu trên thị trường những năm qua luôn đứng ở mức thấp, trong khi sản lượng lúa sản xuất ngày một tăng, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh.

Trong khi chờ những giải pháp mang tính vĩ mô, tầm cỡ quốc gia để nâng cao giá trị hạt lúa, giải pháp trước mắt là “tự mình cứu mình” bằng cách giảm giá thành đầu vào để người dân sản xuất có lãi, sống được bằng nghề nông. Do đó, chỉ trong vòng 2 năm, từ một tỉnh có giá thành sản xuất lúa cao nhất khu vực thì nay, Hậu Giang có giá thành sản xuất lúa ở mức thấp nhất vùng.

Nhiều nhà nông cho biết tuy năng suất lúa vụ Đông Xuân năm nay không cao hơn mọi năm, nhưng nhờ giảm được giá thành sản xuất mà họ còn lãi hơn 20 triệu đồng/ha.

Vụ lúa Đông Xuân 2015-2016, tỉnh Hậu Giang xuống giống gần 80.000ha. Đến nay, bà con đã thu hoạch được hơn 5.000ha, năng suất bình quân 7 tấn/ha./.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục