Dù lực lượng cảnh sát thành phố Westminster chỉ có 4 sĩ quan nói tiếng Việt, trong những vụ việc cần có sự am hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, vai trò của họ rất quan trọng.
Tin trong nước đọc nhanh 22-02-2016
- Cập nhật : 22/02/2016
Đường dây nóng Bí thư Đinh La Thăng: dân gọi liên tục
24 giờ đầu tiên sau khi công bố số điện thoại đường dây nóng của Bí thư Đinh La Thăng là khoảng thời gian hết sức bận rộn của các cán bộ trực đường dây nóng Văn phòng Thành ủy.
Sự kỳ vọng, hào hứng của người dân làm cho đường dây nóng 0888247247 luôn trong tình trạng kết nối cuộc gọi.
19g40 tối 20-2, sau khoảng 50 lần kết nối, phóng viên báo Tuổi Trẻ mới gọi vào được đường dây nóng 0888247247.
Một cán bộ nam trực đường dây nóng bắt đầu bằng câu chào: “Đường dây nóng nhận thông tin trực tiếp từ người dân gửi đến Bí thư Thành ủy xin nghe!”.
Cán bộ này cho biết từ khi công bố số đường dây nóng thì cuộc gọi đến liên tục, không có thời gian ngưng.
Người dân TP.HCM gọi đến cung cấp, chia sẻ, bày tỏ rất nhiều vấn đề đời sống dân sinh và cả sự bày tỏ, kỳ vọng vào những chỉ đạo của Bí thư Thành ủy.
Để đáp ứng được yêu cầu công việc, Văn phòng Thành ủy TP.HCM cử nhiều cán bộ thay phiên nhau trực đường dây nóng 24/24 nhằm đảm bảo người dân nào nối máy thành công vào số đường dây nóng cũng sẽ có người tiếp nhận thông tin.
Về quy trình tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng, cán bộ này cho biết: sau khi tiếp nhận vấn đề của người dân gọi đến, thông tin sẽ được chuyển qua cho bộ phận công nghệ thông tin để tiến hành tổng hợp, phân loại thông tin.
Sau đó, lập báo cáo tổng hợp và chuyển đến Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.
Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, đường dây nóng 0888247247 chỉ là số điện thoại tạm thời, trong thời gian chờ đợi thiết lập một tổng đài có đầu số ngắn gọn, dễ nhớ.
Đề nghị di dời nhà máy phân bón Sao Nông gây ô nhiễm
Theo người dân, hàng ngày Nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông đều thải khói đen ngòm khiến không khí có mùi tanh hôi, nhiều người dân bị tức ngực khó thở.
Người dân tập trung trước Nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông (ngày 19-2) để phản đối hoạt động sản xuất gây ô nhiễm - Ảnh: H.Đồng
Tại buổi làm việc với ông Đào Trọng Quy - chủ tịch UBND TP Thanh Hóa - cùng các cơ quan chức năng liên quan vào sáng 20-2, nhiều người dân xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa) kiến nghị chính quyền địa phương chỉ đạo di dời Nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông (thuộc Công ty CP sản xuất và thương mại tổng hợp Cường Phát) ra khỏi địa bàn.
Lý do di dời vì nhà máy này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo nhiều người dân địa phương, do chỉ cách khu dân cư hơn 100m nên sau khi nhà máy này được đưa vào hoạt động cách nay ba tháng, cuộc sống của người dân địa phương bị đảo lộn, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là người già, trẻ em.
“Hằng ngày, nhà máy sản xuất phân bón này thải ra lượng khói lớn có màu đen ngòm, làm không khí quanh khu vực này có mùi tanh hôi. Người dân xung quanh hít vào đều bị tức ngực, khó thở...” - một người dân cho biết.
Trước đó ngày 18-2, sau khi kiểm tra tại nhà máy này, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Sở Tài nguyên - môi trường, Phòng cảnh sát môi trường và phòng chức năng của UBND TP Thanh Hóa kết luận nhà máy chưa thực hiện đầy đủ giải pháp xử lý bụi, không báo cáo về việc vận hành thử nghiệm dây chuyền trước khi đưa vào hoạt động...
Đồng thời, đoàn kiểm tra đã đề nghị nhà máy tạm ngừng hoạt động để khắc phục.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Bắc - phó chủ tịch UBND xã Đông Vinh - cho biết người dân phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường từ trước Tết Bính Thân 2016.
Ngay sau đó, chính quyền xã đã có văn bản đề nghị công ty chủ quản nhà máy này tạm dừng sản xuất để từng bước giải quyết những kiến nghị của nhân dân. Nhưng ngày 12-2 nhà máy lại tiếp tục hoạt động, gây bức xúc trong nhân dân.
Phát hiện nhiều sư giả đi khất thực mùa lễ hội
Ba người giả sư để xin tiền quanh khu vực chùa Bà tại P.Phú Cường, TPThủ Dầu Một (Bình Dương) bị phát hiện, trong đó có một "sư nữ" giả.
Một đối tượng giả sư bị phát hiện sáng 20-2 tại khu vực chùa Bà tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương viết cam kết không tái phạm - Ảnh: BÁ SƠN.
Thời gian gần đây, tại Bình Dương xuất hiện nhiều người giả sư để đi khất thực, đặc biệt vào dịp lễ hội đầu năm.
Trước vấn nạn trên, ngày 20-2 ban trị sự Thành hội Phật giáo TP Thủ Dầu Một, Bình Dương với sự giúp đỡ của các “hiệp sĩ” đã đi kiểm tra phát hiện được ba người giả sư đi xin tiền quanh khu vực chùa Bà.
Đại đức Thích Mỹ Ý (đại diện ban trị sự Thành hội Phật giáo TP Thủ Dầu Một) cho biết mặc dù mấy người này cũng cạo tóc, mặc đồ tu hành nhưng chỉ là để mạo danh để đi xin tiền khất thực.
Do chỉ là sư giả nên chỉ cần hỏi vài câu sẽ lộ ngay chân tướng do không biết gì về kiến thức Phật giáo.
Trong ngày 20-2, sau khi được ban trị sự Thành hội Phật giáo TPThủ Dầu Một mời làm việc, cả ba người giả sư bị phát hiện đều thừa nhận mình là sư giả.
Đối tượng Trần Văn Khanh (39 tuổi) lúc đầu tự nhận là một nhà sư ngụ tại huyện Củ Chi, TP.HCM qua Bình Dương khất thực. Tuy nhiên, sau khi gặp các vị sư thật, Khanh thừa nhận trước đây làm công nhân sản xuất giày tại TP.HCM quen biết nhiều người ở trọ cùng giả sư nên sau này Khanh học theo.
Nhưng khi mặc đồ tu đi khất thực ở TP.HCM được một thời gian thì Khanh bị phát hiện nên sau đó đi khất thực ở các tỉnh lân cận.
Một "sư nữ" giả ngụ P.Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một khi bị phát hiện cũng thừa nhận mình giả sư. Đối tượng này lấy lý do đã ly dị chồng, phải nuôi nhỏ nên mua áo nhà sư và bát để giả sư khất thực…
Nhưng sư giả này bị phát hiện sáng 20-2. Sau khi làm cam kết không tái phạm, họ đã được cho về nhà.
Đại diện ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương cho biết mặc dù khất thực là một hoạt động tín ngưỡng tôn giáo nhưng hiện nay ở Bình Dương gần như không có nhà sư nào đi khất thực. Vì vậy, người dân cần tỉnh táo với những đối tượng giả danh để đi xin tiền.
Như mọi năm, lễ hội chùa Bà tại Bình Dương năm nay diễn ra ngày rằm tháng giêng (ngày 22-2). Do có tới hàng trăm ngàn người từ khắp nơi tới dự hội nên tỉnh Bình Dương tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động để phân luồng giao thông và giữ gìn an ninh trật tự quanh khu vực lễ hội chùa Bà.
Nhiễm mặn đe dọa nguồn nước uống ở Sài Gòn
Sở NN&PTNT TP.HCM vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng nhiễm mặn trên sông Sài Gòn – Đồng Nai và yêu cầu các đơn vị liên quan đến hoạt động cấp nước, thủy lợi phải chủ động ứng phó với tình trạng này.
Sở NN&PTNN TP.HCM, cho biết kết quả khảo sát do Viện khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện cho thấy, độ mặn tuần đầu tháng 2- 2016 trên sông Sài Gòn – Đồng Nai tăng so với độ mặn tuần cuối tháng 1- 2016. Độ mặn vào thời điểm này cũng cao hơn so với mặn cùng tuần năm 2015. Dự báo, tới đây, nồng độ mặn vẫn sẽ tiếp tục tăng.
Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu – tình trạng nhiễm mặn trên sông Sài Gòn – Đồng Nai tăng cao nên hoạt động cấp nước cho địa bàn TP.HCM cũng gặp không ít khó khăn.
Hoạt động lấy nước thô trên sông Sài Gòn – ĐồngNai đã từng có lúc phải dừng lại do nước sông nhiễm mặn cao. (Trong ảnh: Khu vực lấy nước thô trên sông Đồng Nai của nhà máy nước Thủ Đức – TP.HCM). Ảnh: K.B
Các số liệu quan trắc cho thấy một số chỉ tiêu nước thô lấy từ sông Sài Gòn – Đồng Nai nhiều thời điểm không còn đáp ứng được theo quy chuẩn cấp nước (độ mặn vượt quá 25 mg/lít). Do đó, có lúc hoạt động cấp nước phải ngưng trệ vị nguồn nước thô nhiễm mặn quá cao, không xử lý được.
Hiện Sawaco đang tính toán xây hồ chứa nước ngọt tại địa bàn huyện Củ Chi để tìm nguồn ước thay thế trong trường hợp nước sông Sài Gòn – Đồng Nai nhiễm mặn quá cao.
Bí thư xã mời dân lên 'xin trả tiền' để rút đơn tố cáo
UBND xã mua đất của bà Út giá 500 triệu đồng nhưng lại thanh toán 625 triệu đồng. Sau khi phát hiện, bà Út gởi đơn tố cáo lên công an.