tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 29-02-2016

  • Cập nhật : 29/02/2016

Việt Nam lần đầu có ứng cử viên vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế

Đại sứ Việt Nam tại  Kuwait Nguyễn Hồng Thao đang chạy đua vào một trong 7 vị trí thành viên của Ủy ban Luật pháp Quốc tế được phân bổ cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
pho giao su, tien si, dai su nguyen hong thao. anh: vietnamembassy-kuwait

Phó giáo sư, tiến sĩ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao. Ảnh: Vietnamembassy-kuwait

Theo TTXVN, chiến dịch vận động cho phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao ứng cử vào vị trí trên chính thức được khởi động vào tháng 2/2016 sau khi phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và những tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ, gửi công hàm giới thiệu ông tới phái đoàn các nước. Cuộc bầu cử dự kiến diễn ra tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cuối năm nay.

Ủy ban Luật pháp Quốc tế là một cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc, với 34 thành viên, được bầu ra 5 năm một lần. Các chuyên gia tham gia ủy ban hoạt động độc lập với quốc gia giới thiệu họ.

Đây là một diễn đàn pháp lý có uy tín, cơ quan chuyên soạn thảo những công ước quốc tế quan trọng, trong đó có các Công ước Luật biển năm 1958. Ủy ban còn nghiên cứu về những vấn đề lớn của luật pháp quốc tế, luật về quan hệ giữa các quốc gia.

Thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế đa phần là các giáo sư, nhà ngoại giao, luật gia nổi tiếng, có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và thực hành luật pháp quốc tế.

Tính cạnh tranh trong bầu cử Ủy ban Luật pháp Quốc tế thường rất cao. Thành viên hiện tại của Ủy ban Luật pháp Quốc tế đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến từ 6 nước, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là một chuyên gia về luật pháp quốc tế. Ông từng giữ cương vị phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, trưởng đoàn đàm phán các hiệp định biên giới với những nước láng giềng của Việt Nam, cố vấn pháp lý cho dự thảo Luật biển Việt Nam năm 2012...

Ông có 40 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành ngoại giao, từng là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia từ năm 2011 đến 2014 và nay là Đại sứ tại Kuwait.


Vụ 'Thám hiểm' thác Datanla, 3 du khách tử nạn: Lộ nhiều kẽ hở trong quản lý

dai su anh giles lever den thi sat hien truong 3 du khach thiet mang - anh: lam vien

Đại sứ Anh Giles Lever đến thị sát hiện trường 3 du khách thiệt mạng - Ảnh: Lâm Viên


Hôm qua 27.2, Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng họp khẩn với tất cả các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, thể thao mạo hiểm... để chấn chỉnh các hoạt động.
Tham dự cuộc họp có đại diện Công an tỉnh Lâm Đồng và Công an TP.Đà Lạt. Cả hai đơn vị này đều chưa cho biết nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 du khách người Anh. Tuy nhiên, thượng tá Phan Tất Chí, Phó trưởng công an TP.Đà Lạt, cho biết trách nhiệm chính dẫn đến vụ việc đáng tiếc này là Công ty TNHH dịch vụ du lịch Đam Mê - Đà Lạt (Công ty du lịch Đam Mê); liên đới còn có Công ty CP du lịch Lâm Đồng (Dalat Tourist) vì đơn vị này được giao nhiệm vụ quản lý và tổ chức các tour du lịch mạo hiểm tại thác Datanla nhưng không quản lý được khách ra vào thác.
Cũng theo thượng tá Chí, khi làm việc với hướng dẫn viên Đặng Văn Sĩ (26 tuổi), cơ quan chức năng nhận thấy anh này tỏ ra thiếu tính chuyên nghiệp; không ngăn được 3 du khách nước ngoài đùa giỡn dưới thác nước nguy hiểm. Theo vé mà hai du khách nữ mua của Công ty du lịch Đam Mê là tour đi bộ xuyên rừng chứ không phải tour trượt thác hoặc đu dây vượt thác.
Có mặt tại cuộc họp, trung tá Lê Quang Đại, Phó trưởng phòng Xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Lâm Đồng), cho biết khi vụ tai nạn xảy ra, việc xác minh quốc tịch của 3 du khách bị nạn rất khó khăn, vì Công ty Đam Mê đưa khách đi thám hiểm không ký hợp đồng, chỉ bán vé, lại không đi vào đường chính thống là khu du lịch (KDL) Datanla mà đưa khách băng rừng xuống thác. Chưa kể, chủ khách sạn không đăng ký lưu trú cho nam du khách. Qua đây cho thấy việc quản lý du lịch thiếu chặt chẽ.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hồng Nhạn, Tổng giám đốc Dalat Tourist, đơn vị chủ quản KDL thác Datanla, phân trần: “Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng giao Dalat Tourist tổ chức các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm tại thác Datanla. Từ ngày 13.7.2015 các đơn vị du lịch thể thao, mạo hiểm đã ký văn bản cam kết hợp tác, mỗi khi có du khách thám hiểm thác Datanla sẽ thông qua dịch vụ của KDL để đảm bảo an toàn cho du khách. Thế nhưng, không lâu sau đó các đơn vị này tự ý đưa khách vào khu vực thác mà không qua dịch vụ của KDL Datanla, nên chúng tôi không quản lý được”. Cũng theo bà Nhạn, Dalat Tourist đã từng có báo cáo gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng và TP.Đà Lạt về tình trạng các đơn vị du lịch thể thao, thám hiểm tùy tiện đưa khách vào khu vực thác và đề nghị phối hợp ngăn chặn. Dalat Tourist cũng khuyến cáo nếu các đơn vị không hợp tác sẽ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của du khách nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH-TT-DL, chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp với Công an tỉnh và Thanh tra Sở GTVT… tổ chức ngay đoàn kiểm tra, rà soát lại tất cả các công ty kinh doanh loại hình du lịch dã ngoại, thể thao, thám hiểm, nếu không đảm bảo các thủ tục mà Sở đã nhiều lần hướng dẫn, và các thiết bị, phương tiện không đảm bảo an toàn thì phải đình chỉ hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh. Trước mắt, Sở sẽ ra quyết định đình chỉ hoạt động của Công ty Đam Mê.
 
Đại sứ Anh thị sát khu vực 3 du khách bị nạn
Chiều 27.2, ngài Giles Lever, Đại sứ Anh tại VN, đã đến Đà Lạt để thị sát trực tiếp khu vực 3 du khách Anh bị tai nạn. Cuối buổi chiều, ngài đại sứ có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng và các ban ngành liên quan.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thông qua ngài đại sứ chuyển lời chia buồn sâu sắc đến 3 gia đình nạn nhân du khách Anh bị tử vong. Đáp lại, ngài Giles Lever bày tỏ sự trân trọng và biết ơn đối với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đã nhanh chóng chỉ đạo việc tìm thi thể 3 nạn nhân trong một địa hình đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Ngài đại sứ cũng mong muốn tỉnh Lâm Đồng sớm cung cấp thông tin chính thức và đầy đủ về vụ tai nạn của 3 du khách Anh.

 


Đề nghị truy tố cán bộ phường "bảo kê" xây nhà trái phép

Bùi Đức Thọ (nguyên cán bộ quản lý đô thị P.12) và chủ thầu Lê Văn Hiệu bị đề nghị truy tố tội “môi giới hối lộ” liên quan việc nhận tiền để “lo” cho xây nhà trái phép.

bui duc tho bi cong an tp vung tau bat chieu 23-9 - anh: d.ha

Bùi Đức Thọ bị công an TP Vũng Tàu bắt chiều 23-9 - Ảnh: Đ.Hà

Ngày 27-2, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết vừa có kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND TP Vũng Tàu truy tố Bùi Đức Thọ và Lê Văn Hiệu như trên.

Trước đó, tháng 8-2015, sau khi được anh Hoàng Văn Hóa (P.12) liên lạc nhờ lo lót và bao luôn xây nhà tại mảnh đất nông nghiệp trên đường Đô Lương, Hiệu đã điện thoại cho Thọ và được cán bộ đô thị này ra giá 30 triệu đồng.

Ngày 21-8-2015, sau khi lấy 27 triệu đồng từ anh Hóa, Hiệu đã gặp và đưa số tiền này cho Thọ.

Tuy nhiên khi Hiệu đang xây nhà cho anh Hóa thì bị cán bộ đô thị P.12 đến lập biên bản và sau đó 
bị UBND phường ra quyết định đình chỉ thi công.

Thấy không lo được, vài ngày sau Thọ hẹn Hiệu ra để trả lại 27 triệu đồng nhưng anh Hóa đã làm đơn tố cáo hành vi của Thọ và Hiệu ra cơ quan công an.

Quá trình điều tra cho thấy ngoài căn nhà của anh Hóa, Thọ còn nhận tiền của sáu hộ khác để “bảo kê” xây nhà trái phép và Thọ biết có 16 căn nhà trái phép trên đã được xây dựng nhờ có sự “chung chi” của chủ nhà cho cán bộ đô thị và lãnh đạo phường.

Trên thực tế, hơn 20 căn nhà hiện đang tồn tại. Tuy nhiên khi làm việc, những chủ căn nhà này không thừa nhận đã đưa tiền cho cán bộ chức năng và lãnh đạo phường, chỉ một hộ thừa nhận có chung chi 10 triệu đồng nhưng không nhớ đưa cán bộ nào.

Cơ quan công an đã làm việc với các cán bộ có liên quan trong lời khai của Thọ nhưng tất cả đều không thừa nhận.


Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 27.2, tại Lào Cai, Ủy ban Dân tộc và UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhiệm kỳ 2011 - 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016.
Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử; lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các bộ ngành T.Ư và 31 tỉnh thành trực thuộc T.Ư...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta.
Do vậy, vấn đề hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức quan trọng.
Đề cập về những hạn chế của công tác dân tộc, chính sách dân tộc hiện nay, Phó thủ tướng cho rằng còn có những chính sách chồng chéo, nhiều chính sách không phù hợp, không mang tính chất đặc thù, sự phối hợp chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập. Phó thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, cần nâng cao trách nhiệm và tình cảm của các bộ ngành T.Ư, địa phương về công tác dân tộc để thực hiện hiệu quả...

Cách chức hiệu trưởng một trường tiểu học vì đánh bài ăn tiền

 Ông Lý Văn Trắng đã bị cách chức hiệu trưởng Trưởng Tiểu học 3 Khánh Bình - huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau.

Ngày 28-2, một lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cho biết đã triển khai quyết định kỷ luật trên với ông Lý Văn Trắng.

Ông Thắng bị kỷ luật vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao, không gương mẫu, tham gia đánh bài mang tính chất cờ bạc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư cách, đạo đức nhà giáo…

Ngoài ra, ông Trắng còn mắc sai phạm trong nguyên tắc tài chính: lấy tiền văn phòng phẩm chi công tác phí cho cán bộ, giáo viên; lấy tiền bảo hiểm y tế (được bảo hiểm xã hội trích lại cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học) đi tiếp khách…


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục