Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa báo cáo UBND thành phố tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm cũng những giải pháp trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2015. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 11,2% trong quý IV/2015.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 26-04-2016
- Cập nhật : 26/04/2016
Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn
Chiều 25/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát. Hai bên đã thỏa thuận tăng cường hợp tác và thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Nhấn mạnh tác hại của biến đổi khí hậu mà cụ thể là xâm nhập mặn và hạn hán tại Việt Nam thời gian qua đã gây nên rất nhiều hậu quả nặng nề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thiện chí của Bộ trưởng Thomas Vilsack cũng như Chính phủ Hoa Kỳ trong việc đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, mong muốn Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực, công nghệ; hoạt động kiểm dịch thực phẩm và sản xuất sạch.
Cho rằng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch quốc tế với sự đa dạng và phong phú về văn hóa và ẩm thực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn Bộ trưởng Thomas Vilsack và người dân Hoa Kỳ thường xuyên sang thăm, du lịch và làm việc tại Việt Nam, góp phần tăng cường sự hiểu biết, giao lưu giữa nhân dân hai nước.
Cũng tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ sớm cấp phép nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản, như xoài, vú sữa của Việt Nam; đồng thời xem xét lại chính sách để hỗ trợ việc xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét và bày tỏ tin tưởng Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn Hiệp định TPP trong thời gian sớm nhất, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình, dự án hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.
Chia sẻ với Chính phủ và người dân Việt Nam đang hứng chịu thiệt hại nặng nề bởi hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn, ông Thomas Vilsack cho biết, Chính phủ Hoa Kỳ luôn coi trọng quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Chính phủ Hoa Kỳ rất quan tâm và sẵn sàng cử chuyên gia phối hợp với Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn bởi Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới hứng chịu nặng nề hậu quả từ biến đổi khí hậu. Hoa Kỳ sẵn sàng là đối tác và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam để nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Thomas Vilsack cho biết, Hoa Kỳ cũng có nhiều điều kiện mở rộng thị trường nông sản với Việt Nam, nên thời gian tới, hai nước cần tiếp tục nghiên cứu loại bỏ nhiều hơn nữa những rào cản thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước.
Hà Nội: Phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016 huyện Mỹ Đức
UBND Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016 huyện Mỹ Đức.
Theo đó, kế hoạch sử dụng đất tự nhiên năm 2016 huyện Mỹ Đức là 22.625,08 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 14.549,87 ha, đất phi nông nghiệp 6.677,31ha, đất chưa sử dụng 1.397,90 ha.
Danh mục các công trình, dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của huyện là 45 dự án, cụ thể: 2 dự án đã cắm mốc giới giải phóng mặt bằng, chưa có quyết định giao đất; 25 dự án thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm 2015, chuyển sang thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016; 17 dự án đăng ký mới thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016 và 1 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp.
UBND thành phố yêu cầu, trong năm thực hiện, UBND huyện Mỹ Đức có trách nhiệm rà soát, đánh giá, khả năng thực hiện các dự án trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016, trường hợp cần điều chỉnh hoặc phát sinh yêu cầu sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội quan trọng cấp bách vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, dự án dân sinh bức xúc mà chưa có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016 huyện Mỹ Đức đã được UBND thành phố phê duyệt thì tổng hợp, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình UBND thành phố trước 31/5/2016.
Bên cạnh đó, UBND huyện Mỹ Đức phải tổ chức công bố, công khai kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. Thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; Kiên quyết không quyết định chấp thuận đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với những dự án, công trình không nằm trong danh mục kế hoạch sử dụng đất.
Đồng thời tổ chức kiểm tra thực hiện kế hoạch sử dụng đất; Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm kế hoạch sử dụng đất; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện kế hoạch sử dụng đất đảm bảo tính khả thi của kế hoạch sử dụng đất năm 2016. Tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất, chặt chẽ, đảm bảo các chỉ tiêu sử dụng đất đã được UBND thành phố phê duyệt. Cân đối xác định các nguồn vốn để thực hiện kế hoạch sử dụng đất đảm bảo tính khả thi của kế hoạch sử dụng đất…
Hà Nội: Tín dụng tăng 4,8% trong 4 tháng đầu năm
Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn thành phố tháng 4/2016 ước đạt 1.297 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 4,8% so tháng 12/2015.
Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 746 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,5% tổng dư nợ, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 4,6% so với tháng 12/2015; dư nợ trung và dài hạn tương đương với dư nợ tháng 3 và đạt 551 nghìn tỷ, tăng 5,1% so tháng 12/2015.
Trong tổng dư nợ thì dư nợ cho vay chiếm 75%; đầu tư chiếm 25% và chủ yếu là đầu tư kinh doanh chứng khoán.
Trong tổng dư nợ cho vay thì tỷ lệ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 42,2%; cho vay xuất khẩu chiếm 9,9%; cho vay tiêu dùng chiếm 9,1%; cho vay bất động sản chiếm 8,6%; cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 7,1%.
Về hoạt động huy động vốn, Cục Thống kê Hà Nội cho biết, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn thành phố tháng 4 ước đạt 1.490 nghìn tỷ đồng, tăng 93% so tháng trước và 1% so tháng 12 năm trước (trong đó, vốn huy động từ 12 tháng trở lên chiếm 30,5% trong tổng nguồn vốn huy động và đạt 454 nghìn tỷ).
Trong đó, tiền gửi chiếm 94,2% trong tổng nguồn vốn huy động, tăng 3,2% so tháng trước và tăng 1,4% so tháng 12 (tiền gửi tiết kiệm tăng 1,1% và tăng 5,8%; tiền gửi thanh toán tăng 4,7% và giảm 1,3%); phát hành giấy tờ có giá chiếm 5,8%, tăng 0,2% so tháng trước và giảm 5,1% so tháng 12.
Trong tổng nguồn vốn huy động thì huy động bằng đồng Việt Nam chiếm 75,6%.
Ủy ban Giám sát Tài chính cần tăng năng lực dự báo phân tích kinh tế vĩ mô
Chiều 25/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG).
Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những cố gắng của Ủy ban trong nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp về điều hành kinh tế vĩ mô, giám sát chung thị trường tài chính; xây dựng hệ thống các chỉ tiêu giám sát trên cơ sở kết hợp các tiêu chí an toàn tài chính của các cơ quan giám sát chuyên ngành và các chuẩn mực, thông lệ quốc tế phù hợp với Việt Nam.
UBGSTCQG đã hình thành Kho dữ liệu khá đồng bộ và hoàn chỉnh về toàn cảnh thị trường tài chính; nghiên cứu và áp dụng các mô hình, phương pháp phân tích, tổng hợp để nâng cao giám sát chung thị trường tài chính.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng lưu ý UBGSTCQG một số hạn chế cần sớm khắc phục: Đến nay các quy định về thực hiện chức năng điều phối, giám sát thị trường tài chính và giám sát chung thị trường tài chính vẫn chưa được ban hành, tiến độ báo cáo và chất lượng báo cáo giám sát của Ủy ban còn chậm so với quy định. Chất lượng báo cáo giám sát và việc điều phối hoạt động giám sát còn hạn chế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu UBGSTCQG cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô, chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong phản ứng chính sách kịp thời, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Trong đó, riêng năm 2016 này, Ủy ban cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu cho Chính phủ hoạch định, triển khai hệ thống các giải pháp thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016- 2020; đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định vĩ mô và hệ thống tài chính quốc gia.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu UBGSTCQG phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tham mưu chính sách về bảo đảm an toàn nợ công, tái cơ cấu DNNN, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), phát hành trái phiếu Chính phủ trong cân đối với chính sách tiền tệ, định hướng tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm; định hướng hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu UBGSTCQG đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về điều phối giám sát và giám sát chung thị trường tài chính, làm rõ mối quan hệ giữa cơ quan chung và cơ quan giám sát chuyên ngành, vai trò của từng cơ quan trong giám sát an toàn vĩ mô của hệ thống tài chính.
Ủy ban cần phân tích và đánh giá sâu hơn về thị trường chứng khoán, bảo hiểm và các dòng vốn chu chuyển giữa các khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; đề xuất các công cụ xác định rủi ro hệ thống đối với thị trường tài chính và rủi ro an toàn vĩ mô, các chỉ tiêu đánh giá an toàn hệ thống tài chính, từ đó đề xuất hoàn thiện cơ chế giám sát chung và và giám sát chuyên ngành phù hợp với điều kiện Việt Nam, hướng dần theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, UBGSTCQG cần chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trong cung cấp, chia sẻ thông tin về thị trường tài chính; kiến nghị, đề xuất ban hành, sửa đổi chính sách, quy định của các Bộ, cơ quan giám sát chuyên ngành để có phản ứng chính sách hoặc xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và phối hợp đánh giá các điều kiện cấp phép trong ba lĩnh vực này.
Đồng thời cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về hệ thống tài chính quốc gia, bảo đảm độ tin cậy, đề xuất cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan giám sát chuyên ngành để phát huy tối đa hệ thống cơ sở dữ liệu...
Sở Xây dựng Hà Nội điểm mặt 6 chung cư dùng nước sinh hoạt “bẩn”