Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016
Hai sản phẩm X-men cho nam giới bị thu hồi toàn quốc
Không còn nhiều cửa sắm xe công mới
Tỏi mất mùa, nông dân lỗ nặng
Hà Nội xử lý gần 1.300 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Tin trong nước đọc nhanh trưa 28-02-2016
- Cập nhật : 28/02/2016
Quốc lộ 1K tê liệt vì công nhân Công ty Pouchen Việt Nam ngừng việc
Ngày 27-2, công nhân của Công ty Pouchen (100% vốn Đài Loan, chuyên gia công các mặt hàng may mặc, giày dép, đóng tại xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai) lại tiếp tục ngưng làm việc tập thể đến ngày thứ ba.
Công nhân Công ty Pouchen ngưng việc, tụ tập phía ngoài công ty khiến quốc lộ 1K tê liệt. Ảnh: TIẾN DŨNG
Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, trong sáng nay hơn 10.000 công nhân tại Công ty Pouchen vẫn ngừng làm việc và tập trung trước cổng công ty. Họ có thái độ khá ôn hòa. Tuy nhiên, lượng người quá đông tràn ra quốc lộ 1K gây tắc nghẽn giao thông.
Công nhân Công ty Pouchen ngưng việc, tụ tập phía ngoài công ty khiến quốc lộ 1K tê liệt. Ảnh: TIẾN DŨNG
CSGT phải lập chốt trên quốc lộ 1K để điều tiết giao thông và giữ gìn an ninh trật tự. Ảnh: TIẾN DŨNG
CSGT phải lập chốt trên quốc lộ 1K để điều tiết giao thông và giữ gìn an ninh trật tự. Ảnh: TIẾN DŨNG
Để đảm bảo an ninh trật tự và điều tiết giao thông qua khu vực, lực lượng chức năng đã phải triển khai lực lượng đóng nhiều chốt trên quốc lộ 1K, đoạn đi ngang qua khu vực Công ty Pouchen, tính từ phía chân cầu Hóa An lến đến vòng xoay Hóa An để điều tiết lượng xe cộ từ Biên Hòa về Bình Dương và ngược lại phải đi theo các hướng khác.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, trước đó, trưa 25-2, sau bữa ăn trưa17.000/hơn 21.000 công nhân của Công ty Pouchen đã đồng loạt ngừng việc tập thể để đòi quyền lợi. Nguyên nhân được các công nhân đưa ra là công ty áp dụng cách tính trừ lương thưởng quá khắt khe. Trong đó, việc chấm trừ điểm nghỉ phép để xếp loại lao động A, B, C là quá thiệt thòi cho họ.
Sau khi vụ việc xảy ra, UBND TP Biên Hòa, LĐLĐ TP Biên Hòa đã đến làm việc với ban lãnh đạo Công ty Pouchen để vận động công nhân quay trở lại việc nhưng chưa có kết quả. Thậm chí, chiều 26-2 đã có xô xát xảy ra khiến ba công nhân bị thương nhẹ, được đưa vào BV đa khoa Đồng Nai sơ cứu.
Sáng nay, một lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đã có mặt tại Công ty Pouchen để trực tiếp chỉ đạo các lực lượng chức năng giải quyết vụ việc.(Plo)
Giáo sư Hàn Quốc quỳ gối xin lỗi thường dân bị sát hại ở Bình Định
“Nửa thế kỉ trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát Bình An, nhưng niềm đau và nỗi buồn vẫn còn đó. Thật là xấu hổ và tôi sẽ luôn ghi nhớ điều này. Bổn phận của chúng ta, những người còn sống sót là phải ghi nhớ, biết hối cải và nhìn nhận lại bản thân trước những vấn đề lịch sử. Tôi sẽ cố gắng hết mình để sự hy sinh của những người đi trước không trở thành vô nghĩa”.
Chiều 26-2, tại khu chứng tích lịch sử Gò Dài (thôn Gò Dài, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn), UBND tỉnh Bình Định trang trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Bình An (26/2/1966-26/2/2015).
Tại buổi lễ tưởng niệm, nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Hòa bình Hàn-Việt, Liên minh vì hòa bình Châu Á, Hội Y tế Hàn Quốc vì hòa bình Việt Nam, thành viên Hội đồng Quản trị Bảo tàng Hòa Bình Hàn Quốc…, lãnh đạo tỉnh Bình Định, các sở ban ngành, cùng đông đảo nhân dân các vùng từng hứng chịu trong vụ thảm sát đã thành kính dâng hương, hoa tưởng nhớ những nạn nhân.
Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, vùng đất Bình An (nay là 3 xã Tây Vinh, Tây Bình và Tây An, huyện Tây Sơn, Bình Định) - nơi từng hứng chịu vụ thảm sát diễn ra trong nhiều ngày, cướp đi mạng sống của hơn 1.000 người dân vô tội - nay đã hồi sinh, diện mạo thay đổi và bình yên đúng như cái tên vốn có.
Cách đây 50 năm, từ ngày 23-1 đến 26-2-1966, 1.004 người dân vô tội tại xã Bình An cũ (nay thuộc các xã Tây Vinh, Tây Bình, Tây An, huyện Tây Sơn và các xã Nhơn Phúc, Nhơn Mỹ, Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn) đã bị lính Nam Triều Tiên sát hại dưới sự chỉ huy của đế quốc Mỹ. Đau thương hơn, chỉ trong 1 giờ ngày 26-2-1966, hơn 380 dân thường tại Gò Dài bị giết hại, 1.925 ngôi nhà bị phá hủy,… những nạn nhân được chôn chung trong một hố.
Ông Nguyễn Tấn Lân (ở xã Tây Vinh) - nhân chứng sống trong vụ thảm sát, nhớ lại: “Ngày 23 tháng Giêng Xuân Bính Ngọ 1966 là ngày mà tôi và những người dân Tây Vinh sẽ không bao giờ quên. Tiếng súng, tiếng pháo nổ liên hồi, 3 mẹ con tôi cùng người dân trong làng kéo nhau xuống hầm.
Thế nhưng, lính Triều Tiên phát hiện và ra lệnh chúng tôi đi theo chúng. Tại điểm tập trung - đám ruộng Cạnh Buồm (thuộc xóm 1, thôn An Vinh 1), có hơn 20 gia đình ngồi ở đó trong vẻ hãi hùng. Rồi sau một tiếng hét to, chúng đồng loạt nã súng vào người dân. Xác người đổ lên nhau, máu tuôn đỏ ruộng đồng, tiếng la khóc thảm thiết của người dân gọi người thân”.
Đại diện các tổ chức quốc tế, các hội, đoàn thể Hàn Quốc dâng hoa, dâng hương đến những người dân vô tội trong vụ thảm sát năm 1966
Tại buổi lễ, Giáo sư Roh Hwa Wook, Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thành lập Quỹ Hòa bình Hàn-Việt, gửi lời xin lỗi đến thân nhân các gia đình có người tử nạn trong vụ thảm sát.
“Nửa thế kỉ trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát Bình An, nhưng niềm đau và nỗi buồn vẫn còn đó. Thật là xấu hổ và tôi sẽ luôn ghi nhớ điều này. Bổn phận của chúng ta, những người còn sống sót là phải ghi nhớ, biết hối cải và nhìn nhận lại bản thân trước những vấn đề lịch sử. Bởi không có quá khứ sẽ không có tương lai; không biết ăn năn, hối lỗi không thể xây dựng được hòa bình. Tôi sẽ cố gắng hết mình để sự hy sinh của những người đi trước không trở thành vô nghĩa”.
Năm 1990, Bộ Văn hóa công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cho những địa điểm ghi lại tội ác của quân Nam Triều Tiên tàn sát nhân dân từ ngày 23/1 đến ngày 26/2/1966 tại Bình An (huyện Tây Sơn). Ngày 25-2, nhân dân các địa phương chịu đau thương trong vụ sát hại đã tổ chức lễ giỗ tập thể để tưởng nhớ đến các nạn nhân trong vụ thảm sát.
Giáo sư Roh Hwa Wook, Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thành lập Quỹ Hòa bình Hàn-Việt quỳ xuống xin lỗi đến thân nhân của người dân vô tội trong vụ thảm sát
Ngày nay, tại Khu di tích Gò Dài, thế hệ con cháu vẫn có thể hình dung về vụ thảm sát tàn khốc năm nào qua bức tranh bằng gốm phác họa lại vụ thảm sát. Bức tranh mô tả cảnh pháo, máy bay địch đang bắn phá làng mạc, làm nhà cháy, trâu bò chết, ruộng vườn tan hoang; lính Nam Triều Tiên dồn người già, phụ nữ, trẻ em rồi xả súng để giết họ, người chết nằm ngổn ngang đè lên nhau.
Ông Nguyễn Tấn Lân (ở xã Tây Vinh) - nhân chứng sống trong vụ thảm sát không bao giờ quên được giây phút kinh hoàng đó.
Những cụ già ở Tây Vinh chẳng bao giờ quên giây phút bị lính chư hầu Nam Triều Tiên thảm sát người thân mình
Khởi công xây mới Bệnh viện Quân y 175 với 1.000 giường
Sáng 27-2, nhân kỉ niệm 61 năm Ngày Thầy thuốc VN 27-2, Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM (thuộc Bộ Quốc phòng) khởi công xây mới Bệnh viện Quân y 175 tại số 786 Nguyễn Kiệm, Gò Vấp.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Quốc hội, Bệnh viện Quân y 175 bấm nút khởi công công trình. Ảnh: L.TH.H.
Tham dự lễ khởi công có ông Huỳnh Ngọc Sơn - phó chủ tịch Quốc hội, trung tướng Trần Đơn - thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, cùng nhiều tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng và các cán bộ lãnh đạo đến từ nhiều cơ quan, đơn vị.
Theo thiếu tướng PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn - giám đốc Bệnh viện Quân y 175, xây mới bệnh viện là khát khao mong muốn của nhiều thế hệ y bác sĩ của bệnh viện.
Tháng 5-2015 vừa qua, bệnh viện đã khởi công Viện Chấn thương chỉnh hình 500 giường có vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng và hôm nay khởi công bệnh viện 1.000 giường với vốn đầu tư 2.500 tỉ đồng. Chỉ 5 năm nữa bệnh viện sẽ trở thành cụm quần thể bệnh viện 1.500 giường và nhanh chóng trở thành bệnh viện hạng đặc biệt.
"Chúng tôi sẽ nỗ lực phấn đấu làm việc hết sức mình để đưa bệnh viện trở thành trung tâm y học quân sự chính qui, uy tín phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cán bộ chiến sĩ trong quân đội và nhân dân một cách tốt nhất" - thiếu tướng Hồng Sơn nói.
Theo Bệnh viện Quân y 175, bệnh viện mới có diện tích đất sử dụng tổng thể gần 70.300m2, với tổng vốn đầu tư 2.500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Bộ Quốc phòng.
Bệnh viện có qui mô 1.000 giường với hệ thống trang thiết bị đồng bộ và hiện đại trong chẩn đoán và điều trị nhằm xây dựng cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần giảm tải các bệnh viện trung ương và tuyến cuối tại TP.HCM.
Công nhân Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) sẵn sàng bước vào thi công xây mới Bệnh viện Quân y 175 - Ảnh: L.TH.H.
Khi đi vào hoạt động, bệnh viện có tòa nhà chính có khối đế 5 tầng và ba khối tháp 9 tầng, có hành lang giao thông kết nối các tháp trên từng tầng. Tổng diện tích sàn xây dựng là 119.720m2 (tầng hầm 17.273m2, tầng nổi 102.448m2), với 820 giường bệnh.
Riêng tòa nhà khu tâm thần, khoa truyền nhiễm, khoa lao-bệnh phổi có qui mô 5 tầng, tổng diện tích sàn 8.460m2 với 180 giường bệnh.
Đơn vị thi công xây lắp công trình Bệnh viện Quân y 175 là Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) cam kết thi công chất lượng, đúng tiến độ kế hoạch. Dự kiến năm 2018 công trình sẽ hoàn thành.
Đăng kiểm tàu xe giao cho doanh nghiệp
Thủ tướng vừa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, giai đoạn 2016 - 2017 chuyển 11 trung tâm đăng kiểm từ Cục Đăng kiểm sang doanh nghiệp quản lý, trong đó có 5 trung tâm đăng kiểm TP.HCM, 4 trung tâm đăng kiểm Hà Nội.
Như vậy, các trung tâm đăng kiểm hiện nay đang từ đơn vị sự nghiệp công lập trở thành doanh nghiệp sẽ góp phần xóa bỏ sự can thiệp và bao cấp của Nhà nước và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đồng thời, Thủ tướng cho phép thành lập một doanh nghiệp đăng kiểm phương tiện đường sắt; thành lập một doanh nghiệp đăng kiểm phương tiện thủy và công trình dầu khí trên biển.
Đến giai đoạn năm 2021 - 2023, Cục Đăng kiểm VN chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các dịch vụ đăng kiểm sẽ chuyển cho doanh nghiệp đảm nhận.
Viêm não mô cầu đặc biệt nguy hiểm
Bệnh nhiễm khuẩn cấp tính viêm não mô cầu xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ nó có thể lan rộng, thậm chí bùng phát thành dịch
Rất ít ca “bỗng dưng” phát bệnh
Bệnh nhân mới nhất được ghi nhận là một nữ sinh lớp 12 ở tỉnh Hải Dương. Nữ sinh này đã tử vong sau 2 ngày có biểu hiện bệnh. Khoảng 50 trường hợp khác từng tiếp xúc với nạn nhân đã được cách ly.
Theo gia đình nữ sinh này, sáng 20-2, em có biểu hiện sốt, đau đầu. Tối cùng ngày, gia đình đưa em đến khám, điều trị tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hải Dương. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến BV 108 (Hà Nội) trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, rối loạn đông máu. Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não mủ do não mô cầu. Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân đã tử vong.
Trước đó, năm 2015, một thai phụ 22 tuổi ở TP HCM cũng tử vong do mắc bệnh viêm não mô cầu. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết trong năm 2015, BV này ghi nhận một số ca mắc bệnh viêm não mô cầu, trong đó có những bệnh nhân rất trẻ.
“Dù tỉ lệ dân số mang vi khuẩn gây viêm não mô cầu khá cao nhưng chỉ rất ít ca “bỗng dưng” phát bệnh. Tuy nhiên, khi đã phát bệnh, vi khuẩn có độc lực mạnh sẽ lây sang người khác qua đường hô hấp” - bác sĩ Cấp giải thích.
Dễ lây qua tiếp xúc gần
Theo bác sĩ Cấp, khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhập cơ thể sẽ gây viêm họng. Với những người có cơ địa yếu, vi khuẩn tiếp tục lan vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Trường hợp diễn tiến cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.
Viêm não mô cầu có thể xuất hiện ở bất kỳ ai nhưng nguy cơ cao ở trẻ em và người già do sức đề kháng kém. Vì có ban hoại tử trên da nên viêm não mô cầu dễ nhầm với bệnh liên cầu khuẩn. Thể bệnh này sẽ đặc biệt nguy hiểm vì bệnh nhân có thể sốc đa phủ tạng ngay lập tức, thậm chí bác sĩ cũng “bó tay”. Bệnh khó phát hiện sớm vì biểu hiện ban đầu như viêm họng thông thường, thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày.
“Khi phát bệnh, người bệnh thường có các biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc sốc nhiễm khuẩn... Đáng nói, bệnh thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch” - bác sĩ Cấp lo ngại.
PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 650 trường hợp viêm màng não mủ do vi khuẩn, trong đó vi khuẩn não mô cầu chiếm khoảng 14%. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỉ lệ 10%-20%. Tỉ lệ tử vong có thể từ 10%-15%. Đáng lo ngại là trong cộng đồng, tỉ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (còn gọi là người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng từ 5%-25%.
“Đây là bệnh lý nguy hiểm, dễ lây lan do vi khuẩn não mô cầu nằm ở dịch mũi họng. Chỉ cần dính chút dịch mũi họng của người phát bệnh là có thể nhiễm theo. Do vậy, khi có trường hợp mắc bệnh não mô cầu cần nhanh chóng cách ly người bệnh. Khi tiếp xúc, hai bên phải đeo khẩu trang, không dùng chung các dụng cụ sinh hoạt, kể cả những vật dụng mà người bệnh đã cầm nắm” - PGS-TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Chủ động ngừa bệnh bằng vắc-xin
PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết viêm não mô cầu có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc-xin. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vắc-xin phòng bệnh não mô cầu nhóm A, B và C. Vắc-xin này có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, chỉ với 1 liều. Khi có các biểu hiện như sốt, đau họng, cổ cứng, xuất hiện tử ban trên da (ban màu tím, thâm đen), nôn, đau đầu dữ dội…, người dân cần đến ngay cơ sở y tế.