tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 26-04-2016

  • Cập nhật : 26/04/2016

Tịch thu 3 container thuốc lá XK giả mạo chỉ dẫn xuất xứ

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính 50 triệu đồng, đồng thời tịch thu 3 container thuốc lá xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Thuốc lá C.L.

thuoc la lau do cuc hai quan tp.hcm bat giu. anh: t.h

Thuốc lá lậu do Cục Hải quan TP.HCM bắt giữ. Ảnh: T.H

Vụ việc trên do Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện vào tháng 7-2015 khi làm thủ tục xuất khẩu 3 container thuốc lá  trị giá trên 4,2 tỷ đồng đi Hồng Kông của Công ty TNHH MTV Thuốc lá C.L. 

Khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp khai báo hàng xuất khẩu gồm 3 container (loại 40 feet) thuốc lá nhãn hiệu Master, được đóng trong 2.820 thùng carton, thuế suất thuế xuất khẩu 0%. Qua thông tin nghi vấn, Đội Thủ tục hàng hóa xuất khẩu đã phối hợp với Tổ Kiểm soát của Chi cục thực hiện kiểm tra, phát hiện hàng hóa đúng khai báo hải quan về tên hàng, số lượng. Tuy nhiên, trên bao bì gói thuốc và tút thuốc đều thể hiện Made in Armenia, trong khi hàng được sản xuất tại Việt Nam. 

Căn cứ Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, trường hợp trên, doanh nghiệp có hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, nên đã lập biên bản vi phạm và chuyển cho cơ quan Cảnh sát Điều tra- Công an TP.HCM. 

Sau khi cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP.HCM  trả hồ sơ, không khởi tố vụ xuất khẩu 3 container thuốc lá điếu khai sai chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ trên bao bì, do không đủ yếu tố cấu thành“Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”, Cục Hải quan TP.HCM đã chuyển hồ sơ vụ việc cho UBND TP.HCM xử lý theo thẩm quyền. 

Theo đó, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH MTV Thuốc lá C.L. 50 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp bổ sung là tịch thu toàn bộ 3 container thuốc lá xuất khẩu do có  hành vi buôn bán hàng có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa và nơi sản xuất hàng hóa (Khoản 2 Điều 4 và điểm g Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013). 


Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp có hệ thống thải khí, nước

Ngày 24/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tới Hà Tĩnh thăm hỏi bà con ngư dân, kiểm tra tình trạng nuôi trồng thủy sản lồng bè tại xã Kỳ Hà, kiểm tra thiệt hại và việc nuôi thả tôm tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh.
pho thu tuong trinh dinh dung chia se voi ngu dan ve nhung thiet hai vua qua, dong thoi de nghi ba con tich cuc phoi hop voi co quan chuc nang de xac dinh nguyen nhan, som khoi phuc san xuat (anh: vgp/xuan tuyen)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ với ngư dân về những thiệt hại vừa qua, đồng thời đề nghị bà con tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để xác định nguyên nhân, sớm khôi phục sản xuất (Ảnh: VGP/Xuân Tuyến)

Sau khi kiểm tra thực địa, Phó Thủ tướng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ khó khăn, thiệt hại với bà con ngư dân Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung do cá chết bất thường trong những ngày qua. Theo Phó Thủ tướng, ngoài thiệt hại kinh tế, sự việc còn tạo ra sự bất ổn trong sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của ngư dân, gây ra tâm lý hoang mang trong việc tiếp tục sản xuất, tiêu thụ hải sản.

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận sự nỗ lực, vào cuộc nhanh chóng của lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành Trung ương.

Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận còn có sự lúng túng, bị động trong việc ứng phó, xác định nguyên nhân, khắc phục hậu quả của các cơ quan chức năng. Có nguyên nhân khách quan đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết bất thường trên diện rộng. Cũng có nguyên nhân hạn chế về kinh nghiệm, trang thiết bị, đặc biệt là hệ thống quan trắc còn thiếu, việc kiểm soát môi trường ở các cơ sở sản xuất còn khó khăn.

Để sớm khắc phục hậu quả, ổn định và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân trên cơ sở khoa học, thận trọng nhưng phải nhanh nhất, sớm nhất theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng gợi ý các bộ, ngành có thể hợp tác với các chuyên gia quốc tế, các đơn vị uy tín, có nhiều kinh nghiệm để sớm xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt.

“Nếu nguyên nhân được xác định là do các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân gây ra, thì sẽ tiến hành điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo pháp luật, không loại trừ bất kỳ trường hợp nào”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Về phía ngành NN&PTNT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu sớm nghiên cứu, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ để người dân khôi phục và phát triển sản xuất.

“Trong khi chờ xác định nguyên nhân, Bộ NN&PTNT dựa trên tình hình thực tế và trách nhiệm chuyên môn, hướng dẫn các hộ sản xuất, bà con ngư dân phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các tỉnh thống kê đầy đủ, chính xác mức độ thiệt hại của người dân, thiệt hại đối với sản xuất; chủ động, kịp thời thăm hỏi bà con, hỗ trợ những gia đình khó khăn, hộ nghèo, gia đình chính sách để bà con ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ TN&MT, NN&PTNT để xác định nguyên nhân, thống nhất thời điểm để người dân tiếp tục sản xuất. Mặt khác, cũng cần tăng cường kiểm soát môi trường, yêu cầu các doanh nghiệp, các hộ sản xuất trên địa bàn, mọi người dân phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, chấp hành các quy định về xả thải ra môi trường.

“Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải chủ động phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng, cơ quan điều tra trong việc thanh kiểm tra. Chủ động, tự giác thông báo với cơ quan chức năng về việc vi phạm quy định về môi trường”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ, đột xuất các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, đặc biệt các doanh nghiệp có hệ thống thải khí, nước ra môi trường. Xây dựng hệ thống quan trắc độc lập để kiểm soát, kịp thời phát hiện các vi phạm môi trường.

Đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin của các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng trong vụ việc này, báo chí đã vào cuộc sớm, tích cực góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần đưa tin một cách đầy đủ, chính xác, khách quan để không vô tình gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.


Quảng Nam cất cánh cùng Sân bay Chu Lai

Tọa lạc ở một vùng đất lý tưởng, Sân bay Chu Lai đang được tỉnh Quảng Nam tính toán hướng chiến lược lâu dài để xây dựng thành trung tâm đào tạo, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay; sân bay trung chuyển hàng hóa của Việt Nam và khu vực.

Nằm giữa Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) và Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), cũng đồng thời là 2 địa phương có phát triển với tốc độ khá cao, Sân bay Chu Lai đang đóng vai trò là “đường băng” cho hai vùng đất, hai khu kinh tế lớn từ hai phía cất cánh.

Tháng 3/2005, Quảng Nam ghi dấu ấn trên bản đồ ngành hàng không Việt Nam bằng chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống Sân bay Chu Lai. Từ đó đến nay, có những lúc, cả ba hãng hàng không là Vietnam Airlines; VietJet Airlines và Jetstar Pacific mở đường bay đi và đến sân bay này với các chặng bay: Chu Lai - TP. HCM; Chu Lai-Hà Nội.

nhieu hang hang khong da mo duong bay noi chu lai voi cac thanh pho lon

Nhiều hãng hàng không đã mở đường bay nối Chu Lai với các thành phố lớn

Dù số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không không ngừng tăng qua các năm và bên cạnh là Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã và đang được nâng cấp, công suất 13 triệu lượt hành khách đã khiến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam dần tính toán, chuyển trọng tâm kêu gọi đầu tư vào Sân bay Chu Lai theo hướng thành trung tâm đào tạo, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay; sân bay trung chuyển hàng hóa của Việt Nam và khu vực theo “đặc sản” riêng của mình.

Giải pháp ban đầu được lãnh đạo tỉnh đưa ra là tạo những dự án động lực, làm tiền đề cho phát triển sân bay. Tổng thể nhóm dự án thuộc chương trình phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với Sân bay Chu Lai gồm Trường đào tạo phi công, duy tu sữa chữa tàu bay và sản xuất công nghiệp chuyển phát nhanh với quy mô khoảng 3.300 ha, bao gồm Sân bay Chu Lai 2.300 ha và 1.000 ha khu vực xung quanh gắn với sân bay gồm khu đô thị và khu công nghiệp dịch vụ Tam Nghĩa – Tam Quang.

Vào năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương xúc tiến Dự án đầu tư Trung tâm dịch vụ duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay tại Khu kinh tế mở Chu Lai và đưa Sân bay Chu Lai vào Danh mục dự án khuyến khích đầu tư bằng hình thức BOT hoặc BT.

Ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, sau 3 năm, Dự án xây dựng Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa máy bay đã nhận được quan tâm và đề xuất hỗ trợ kinh phí làm tư vấn của một số đối tác. Hiện Vietjet Air đang phối hợp với Công ty Parsons (Hoa Kỳ) khảo sát và đề xuất nghiên cứu đầu tư theo hình thức PPP.

Cũng mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân (Thien Tan Group - Quảng Ngãi) đã nhận được đề xuất hợp tác của Jk & D Intrernational, Ltd (Hoa   Kỳ) cùng tham gia Dự án nâng cấp, mở rộng Sân bay Chu Lai. Theo ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT Thiên Tân Group, dự kiến số vốn đầu tư cho nâng cấp, mở rộng khoảng 1 tỷ USD.

Hiện Bộ Giao thông - Vận tải đã thống nhất về chủ trương để Thiên Tân Group khảo sát, nghiên cứu lập Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Sân bay Chu Lai theo hình thức BOT. Việc nâng cấp, mở rộng sân bay Chu Lai dự kiến sẽ tăng thêm 1.500 ha nữa về phía nam sân bay, tức là sang phía tỉnh Quảng Ngãi.

Ngoài ra, Sân bay Chu Lai đang đón nhận những cơ hội để vững vàng cất, sải cánh bay cao hơn, dài hơn và rộng hơn. Cơ quan Hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USTDA) cũng đã chấp thuận hỗ trợ nguồn vốn ODA để nghiên cứu lập quy hoạch, đầu tư phát triển Sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế cấp 4F theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO.

Với những tiềm năng và điều kiện thuận lợi đó, tin tưởng rằng trong thời gian không xa nữa, Sân bay Chu Lai sẽ phát triển mạnh mẽ để đến năm 2025 đạt 5 triệu tấn hàng hóa và 4,1 triệu hành khách/năm như phê duyệt của Chính phủ.


Ông Trương Gia Bình tái đắc cử chức Chủ tịch Hiệp hội phần mềm Việt

Tại Đại hội Hiệp hội ​phần mềm và ​dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) lần thứ IV diễn ra từ ngày 23-24/4, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đã tái đắc cử chức vụ chèo lái Vinasa trong giai đoạn 2016-2020 với số phiếu ủng hộ 100%.

Trợ giúp cho ông Bình là 10 Phó Chủ tịch và bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký Hiệp hội.

Trong bài phát biểu của mình, ông Bình cho biết tại phiên Đại hội nội bộ diễn ra ngày 23/4, các thành viên VINASA đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có sáng kiến tổ chức diễn đàn khởi nghiệp thường niên nhằm đóng góp ý kiến xây dựng môi trường khởi nghiệp thuận lợi.

Ghi nhận thành tựu của ngành trong thời gian qua, ông Bình nhấn mạnh trong 5 năm tới, VINASA sẽ tiếp tục thu hút, mở rộng tập hợp các doanh nghiệp trong ngành; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên và với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ quốc tế; tích cực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành đạt trên 20%; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong nước, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và bằng công nghệ thông tin…

ong truong gia binh (cam co) tiep tuc chiu trach nhiem cheo lai vinasa trong giai doan toi. anh: trung hien/vietnam+

Ông Trương Gia Bình (cầm cờ) tiếp tục chịu trách nhiệm chèo lái VINASA trong giai đoạn tới. Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+

Hiện nay, VINASA có 323 hội viên và mục tiêu là 500 hội viên trong giai đoạn tới.

Từ năm 2016 tới 2020, VINASA sẽ tập trung 5 chương trình, hoạt động là: Xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường trong nước; Phát triển thị trường quốc tế; Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực các doanh nghiệp; Công tác hội viên. Đặc biệt, chương trình công tác chính sách phát triển ngành sẽ được VINASA đặt trọng tâm nhằm tạo sự phát triển đột phá trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương VINASA đã có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển của ngành phần mềm, công nghệ thông tin Việt Nam và cho các doanh nghiệp hội viên.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo VINASA cần phát huy kết quả của nhiệm kỳ vừa qua như công tác tư vấn, phản biện chính sách cho Chính phủ, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành để trình Chính phủ, sát cánh cùng Chính phủ trong xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách mới để phát triển ngành và đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng đã trao Huân chương lao động hạng Nhì cho VINASA./


Tăng thêm 21.903 đại biểu HĐND, ngân sách lo khoảng 1.461 tỷ đồng/năm

Sáng 25-4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì khai mạc phiên họp 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

chu tich quoc hoi nguyen thi kim ngan khai mac phien hop 47 cua uy ban thuong vu quoc hoi. anh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên họp 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV; thảo luận và cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân.
 
Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính, Nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và việc nhập chia điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, Nghị quyết về phân loại đô thị và cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với một số nội dung liên quan đến hoạt động của ngành Tòa án, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2019 tại một số nước. 
 
Sau lời phát biểu khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND).
 
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, mức tiền hoạt động phí đã được điều chỉnh tăng theo mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) từ 290.000 đồng/tháng (năm 2003 - PV) lên 1.150.000 đồng/tháng hiện nay, tăng thêm 296,5%. Ngân sách nhà nước chi tiền hoạt động phí năm 2015 là 1.292,6 tỉ đồng cho 302.648 đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
 
Dự kiến tổng số đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là khoảng 324.551 đại biểu (tăng 21.903 đại biểu so với nhiệm kỳ 2011 - 2016 do tổ chức lại HĐND ở huyện, quận, phường của 10 tỉnh, thành và do tăng dân số), trong đó có 3.842 đại biểu cấp tỉnh, 25.140 đại biểu cấp huyện và 295.569 đại biểu cấp xã.
 
Ông Tân tính toán, khi điều chỉnh mức lương cơ sở lên 1.210.000 đồng/tháng (từ tháng 5-2016 theo quyết định của Quốc hội tại kỳ họp 10 Quốc hội khóa XIII – PV), quỹ hoạt động phí cũng tăng tương ứng. Như vậy, dự toán ngân sách nhà nước chi cho hoạt động phí của 324.551 đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 khoảng 1.461,4 tỷ đồng/năm (tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng).
 
Để bảo đảm tương quan với mức phụ cấp trách nhiệm cấp ủy viên, Chính phủ đề nghị giữ nguyên mức hoạt động phí hiện hành tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11. Theo đó, đại biểu HĐND (bao gồm cả đại biểu hoạt động chuyên trách và hoạt động không chuyên trách) được hưởng hoạt động phí hàng tháng theo mức: cấp xã hệ số 0,3 mức lương cơ sở; cấp huyện hệ số 0,4 mức lương cơ sở; cấp tỉnh hệ số 0,5 mức lương cơ sở.
 
Thảo luận về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, nếu giữ nguyên mức hoạt động phí như hơn 10 năm trước như vậy sẽ chưa thực sự khuyến khích đại biểu HĐND hoạt động tích cực, hiệu quả. Song cũng nhiều ý kiến băn khoăn vì ngân sách Nhà nước phải bố trí tăng thêm khoảng 471,2 tỷ đồng/năm và mức hoạt động phí của đại biểu HĐND sẽ phát sinh bất hợp lý cao hơn với mức phụ cấp trách nhiệm của cấp ủy viên tại Quy định số 169-QĐ/TW ngày 24-6-2008 của Ban Bí thư Trung ương.
 
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, để tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, yếu tố quan trọng là con người. “Có một thực tế, cán bộ không bố trí được vào đâu nữa thì đưa vào HĐND. Điều này mới là vấn đề cần quan tâm, phải làm sao để đưa người có năng lực vào HĐND. Hơn nữa, dự toán ngân sách đã ban hành, nếu quyết định tăng hệ số mức hoạt động phí đối với đại biểu HĐND làm tăng ngân sách là không đúng” – Chủ tịch Quốc hội nói. 
 
Sau khi thảo luận, cân nhắc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định đồng ý với phương án trình của Chính phủ, tức là giữ nguyên mức hoạt động phí đối với đại biểu HĐND các cấp như 10 năm trước. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu và sẽ xem xét lại sau khi rà soát chính sách, thực hiện cải cách tiền lương.(HQ)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục