Cứ tưởng ngân hàng đã hết thời và câu chuyện muốn vào được ngân hàng nọ, ngân hàng kia phải “mất bao nhiêu” đã lùi xa vào dĩ vãng, nhưng thực tế câu chuyện ấy vẫn… còn nguyên tính thời sự.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 28-02-2016
- Cập nhật : 28/02/2016
Các ngoại trưởng ASEAN đề nghị không quân sự hóa Biển Đông
Hội nghị hẹp các ngoại trưởng ASEAN - hội nghị đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2016 của Lào - với chủ đề “Đưa tầm nhìn thành hiện thực vì một cộng đồng ASEAN năng động” đã diễn ra tại thủ đô Vientiane ngày 27-2.
Như thường lệ, hội nghị diễn ra hai phần chính, gồm trao đổi các nội dung hợp tác trong Cộng đồng ASEAN và thảo luận các vấn đề khu vực quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, về vấn đề Biển Đông, các ngoại trưởng chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra, trong đó có các hoạt động bồi đắp và các hành động khác, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, không quân sự hóa, kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và đạt tiến triển thực chất trong việc thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Các ngoại trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh khu vực và quốc tế ngày càng chuyển biến phức tạp, tác động nhiều chiều đến ASEAN, ASEAN phải tăng cường vai trò trung tâm, củng cố đoàn kết, thống nhất, lập trường chung, nâng cao trách nhiệm và vai trò chủ đạo trong việc xử lý các vấn đề ở khu vực.
Liên quan đến Cộng đồng ASEAN, các nước thành viên đã trao đổi các biện pháp triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể của 3 cộng đồng, nhất là cộng đồng chính trị - an ninh.
Các nước nhất trí cần xác định các lĩnh vực và biện pháp ưu tiên trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, xây dựng lộ trình triển khai cụ thể, huy động và phân bổ nguồn lực phù hợp cũng như tăng cường các cơ chế giám sát và điều phối ở cả cấp quốc gia và khu vực nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng thực thi.
Các nước đều ủng hộ 8 ưu tiên do Lào đề xuất, nhất trí sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác và liên kết ASEAN trên cả 3 trụ cột với những kết quả thực chất và cụ thể, củng cố đoàn kết, thống nhất của ASEAN, phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực, đẩy mạnh đối thoại, hợp tác, tăng cường lòng tin, hiểu biết và sự tin cậy giữa các nước, nâng cao năng lực của ASEAN nhằm ứng phó kịp thời và hữu hiệu với các thách thức đang và sẽ đặt ra, tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác cũng như tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức ASEAN.
Về quan hệ đối ngoại, các nước nhất trí cần tiếp tục thúc đẩy thực chất quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, khuyến khích các đối tác tham gia, đóng góp xây dựng vào các vấn đề thuộc quan tâm và lợi ích chung ở khu vực cũng như tiếp tục hỗ trợ cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần tăng cường hiệu quả các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực trên cơ sở bảo đảm vai trò và lợi ích của ASEAN.
Nghị sĩ Campuchia xuyên tạc hiệp ước biên giới với Việt Nam xin tại ngoại
Xuất hiện trước tòa hôm qua, Hong Sok Hour cho biết ông cần tại ngoại để điều trị bệnh về huyết áp, dạ dày và cảm lạnh. Ông nói rằng ông bị lây cảm từ tù nhân khác.
"Xin cho tôi tại ngoại. Tôi hứa sẽ không làm gì gây hỗn loạn hay mất an ninh sau khi rời khỏi nhà tù", Phnom Penh Post dẫn lời Sok Hour, nói. Ông này hứa sẽ nộp 5.000 USD cùng hộ chiếu Pháp và Campuchia cho giới chức để đảm bảo.
Sok Hour bị bắt và tống giam vào tháng 8 năm ngoái, vì bị buộc tội giả mạo tài liệu công và gây bất ổn nghiêm trọng, sau khi ông ta đăng trên Facebook tài liệu giả về hiệp ước biên giới giữa Campuchia và Việt Nam năm 1979.
Công tố viên tòa án tối cao Campuchia Nov Monichot từ chối đề nghị xin tại ngoại của Sok Hour, nói rằng do tính chất hình sự của vụ án, bị cáo có thể "gây rối trật tự công cộng" nếu ra tù. Choung Choungy, luật sư biện hộ cho Sok Hour, thì nói rằng với tư cách là một thượng nghị sĩ, Sok Hour phải được miễn trừ và được tại ngoại vì ông này vẫn chưa bị kết án. Tòa tối cao Campuchia dự kiến ra quyết định vào ngày 4/3.
Bộ Tài chính đề xuất chế tài xử phạt doanh nghiệp chây ì giảm cước
Cơ quan quản lý cho biết hiện liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải xây dựng dự thảo thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung để khắc phục những hạn chế trong quản lý giá cước. Trong dự thảo theo Bộ Tài chính sẽ có nhiều điểm mới như kê khai giá bằng phương thức điện tử; nếu kê khai giảm giá được thực hiện ngay và tiếp tục tính toán, điều chỉnh nếu có....
Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định yêu cầu các đơn vị vận tải phải kịp thời giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của chi phí nhiên liệu. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng đơn vị vận tải chậm giảm giá cước khi giá nhiên liệu giảm sâu. Bên cạnh đó, liên Bộ cũng sẽ kiến nghị đơn vị có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung tăng cường chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật về giá và pháp luật liên quan.
Trong thông cáo, cơ quan này vẫn cho rằng đã có nhiều biện pháp hiệu quả để yêu cầu doanh nghiệp giảm giá cước. Cục dẫn ra số liệu cho thấy đến ngày 19/2, các đơn vị vận tải đã giảm giá 1-33,3% giá cước, tùy từng tuyến xe buýt, taxi. "Việc định giá cước khác nhau giữa các đơn vị vận tải ôtô tùy thuộc đặc điểm kinh doanh, quy mô hoạt động... trong đó, xăng dầu là một một trong những chi phí cấu thành lên giá cước vận tải", Cục quản lý giá cho biết.
Lý giải thêm về cách quản lý giá cước, cơ quan của Bộ Tài chính cho hay, taxi, xe vận tải tuyến cố định và xe búyt được tự quy định giá cước nhưng vẫn phải kê khai giá với cơ quan chức năng. Riêng loại hình vận tải theo hợp đồng hoặc bằng xe du lịch và vận tải hàng hóa lại chủ yếu thực hiện giá cước theo hợp đồng thỏa thuận, trong đó có điều khoản điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến giá nhiên liệu và tình hình thị trường.
Mở rộng đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với Sa Pa
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mở rộng đường nối cao tốc Lào Cai với Sapa rất cần thiết. Việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến đường này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước, tiếp tục huy động nguồn đầu tư trong điều kiện vốn Nhà nước khó khăn, đồng thời góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Theo Phó thủ tướng, tuyến đường này phức tạp, đồi núi cao đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, vì thế các nhà thầu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án tốt và an toàn.
Dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với thị trấn Sapa bao gồm mở rộng, nâng cấp quốc lộ 4D và xây dựng mới tỉnh lộ 155 đi qua huyện Sapa, Bát Xát và thành phố Lào Cai. Trong đó, quốc lộ 4D dài 29km, từ km108 đến km137 được mở rộng 4 làn xe với tiêu chuẩn đường cấp 2 miền núi.
Dự án có tổng đầu tư là 2.518 tỷ đồng do nhà đầu tư là Liên danh Cường Thịnh Thi - Phúc Lộc - Xây dựng miền Trung - Khánh An đầu tư, sẽ được triển khai từ quý 1 năm 2016 và hoàn thành trong quý 1 năm 2019. Thời gian thu phí hoàn vốn dự án khoảng 24 năm.
Tỉnh lộ 155 dài 22km được nâng cấp, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi. Các đoạn đi chung nền với quốc lộ 4D được mở rộng mặt cắt ngang phù hợp với từng phân đoạn của quốc lộ 4D, đoạn qua khu vực thị trấn Sapa có mặt đường rộng 15m.
Các phương tiện tham gia giao thông theo hướng Lào Cai - Sa Pa sẽ đi trên quốc lộ 4D, theo hướng Sapa - Lào Cai đi trên tỉnh lộ 155.
Quốc lộ 4D là đường huyết mạch của khu vực Tây Bắc nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng. Hiện cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã thông xe toàn tuyến nên lượng du khách và phương tiện đến Sapa rất lớn. Tuy nhiên, việc lưu thông phương tiện trên quốc lộ 4D từ Lào Cai đến Sapa với đường núi hiểm trở 2 làn xe, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn và ùn tắc giao thông.
Đề nghị chỉ đạo Petrolimex mua xăng dầu Dung Quất
Đó là kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng VN (VEA) gửi Thủ tướng sau khi Tập đoàn Dầu khí (PVN) lên tiếng cảnh báo Nhà máy lọc dầu Dung Quất có nguy cơ không bán được hàng.
Theo VEA, việc các sản phẩm xăng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất khó tiêu thụ được do đang bị áp thuế (20%) cao hơn sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc (10%), do đó đề nghị Chính phủ và các bộ chỉ đạo các khách hàng đặc biệt như Petrolimex tiếp tục ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong thời gian tới.
Tùy tình hình biến động giá xăng dầu thế giới, Dung Quất sẽ điều chỉnh giá phù hợp với giá thị trường để các khách hàng chấp nhận được. Theo ông Trần Viết Ngãi - chủ tịch VEA, cùng một sản phẩm mà doanh nghiệp trong nước phải chịu thuế cao hơn sản phẩm nhập khẩu thì khó lòng cạnh tranh được.