Việt Nam kêu gọi quốc tế hỗ trợ khẩn 48,5 triệu USD ứng phó thiên tai
Nhiều địa phương cố tình dự báo thấp các nguồn thu
Một người Việt bị bắt ở Thái Lan vì trộm túi xách
Ông Đinh La Thăng truy trách nhiệm Giám đốc Sở Y tế TP HCM
Quảng Bình cấp 500 tấn gạo cho ngư dân ảnh hưởng cá chết
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 26-04-2016
- Cập nhật : 26/04/2016
Ưu tiên triển khai tốt Hiệp định Hợp tác Việt Nam-Lào
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith. (Ảnh: Quang Hiếu - VGP)
Chiều 25/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith đang thăm hữu nghị chính thức nước ta.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch Bounnhang Vorachith dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước CHDCND Lào thăm hữu nghị chính thức Việt Nam; nhấn mạnh chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra trong bối cảnh hai bên vừa có ban lãnh đạo mới, khẳng định quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.
Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong thời gian gần đây. Hai bên đã phối hợp đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong Chiến lược về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật Việt Nam-Lào giai đoạn 2011-2020, đặc biệt là hoàn thành thắng lợi Hiệp định Hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2011-2015.
Thông báo một số nét nổi bật về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục làm hết sức mình, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Lào để vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống tốt đẹp sẵn có phát triển ngày càng sâu sắc, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Đặc biệt là thực hiện có hiệu quả các cơ chế hợp tác mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thông qua cũng như các kết quả đạt được tại Kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban Liên Chính phủ, trong đó ưu tiên triển khai tốt Hiệp định Hợp tác song phương Việt Nam-Lào năm 2016 và Hiệp định Hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2016-2020. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào, phối hợp đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai Chiến lược hợp tác tại hai tỉnh Houaphan và Xiengkhuang, sớm hoàn thành việc xây dựng Đề án về kết nối hai nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Lào và Việt Nam tại các diễn đàn đa phương. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, Thủ tướng đề nghị hai bên cần tăng cường đoàn kết, tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN; phấn đấu góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; duy trì lập trường và tiếng nói chung của ASEAN trong các vấn đề quan trọng thiết yếu đối với khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và vấn đề quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mekong.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào nguyện làm hết sức mình để cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào phát triển lên tầm cao mới. Đồng thời đề nghị Chính phủ hai nước tăng cường phối hợp, chỉ đạo triển khai có hiệu quả các dự án hợp tác nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, tương xứng với mối quan hệ chính trị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith cũng bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã luôn dành cho Lào sự ủng hộ, giúp đỡ chân thành, có hiệu quả trong những năm qua. (CP)
CPI Hà Nội tháng 4: Nhóm giao thông, xăng dầu tăng cao nhất trong kỳ
Trong đó, nhóm giao thông có chỉ số tăng cao nhất do trong những kỳ lấy giá vừa qua, giá xăng dầu đã điều chỉnh tăng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng nhẹ do tình trạng khô hạn kéo dài tại một số vùng sản xuất lương thực, thực phẩm bị ảnh hưởng đã làm giảm nguồn cung ra thị trường dẫn tới giá lương thực và thực phẩm tăng.
Cục Thống kê Hà Nội cho biết, hiện nay do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino khiến cho vựa lúa lớn nhất cả nước là đồng bằng Sông Cửu Long bị nhiễm mặn khiến nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá lúa lên cao, giá các loại gạo nếp, gạo tẻ đều tăng. Cũng trong thời gian này, dự báo với thời tiết nắng nóng kéo dài trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến mùa vụ khiến giá gạo cũng không giữ được sự ổn định.
Đáng chú ý, giá mặt hàng thực phẩm trong tháng này cũng tăng so với tháng trước do giá thịt lợn và một số loại rau củ tăng. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thịt lợn tăng giá do trong thời gian vừa qua, thương lái thu mua lợn xuất bán sang Trung Quốc loại lợn to xuất chuồng khoảng 110 – 120 kg khiến nguồn cung bị khan hiếm.
Giá một số loại rau củ tăng từ 5 – 20% so với tháng trước, do đây là thời kỳ vụ Đông kết thúc và bước vào vụ Xuân Hè. Các loại rau vụ Đông như bắp cải, su hào, súp lơ đều đã hết vụ và phụ thuộc vào lượng rau từ Sapa đưa về. Các vùng rau tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam,... cũng bắt đầu vào vụ mới.
Giá mặt hàng tiêu dùng nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có chỉ số tăng. Nguyên nhân khiến nhóm này tăng do giá gas, giá sắt thép tăng trong thời gian vừa qua.
Trong những ngày đầu tháng 4 do giá xăng trên thị trường thế giới đã tăng mạnh khiến giá xăng trong nước cũng được điều chỉnh tăng 520đ/lít đối với xăng A92, A95, giá các mặt hàng dầu được giữ nguyên so với kỳ điều chỉnh trước đó.(BĐT)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để giấy phép con cản trở sản xuất kinh doanh
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần cải cách, đổi mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, giải phóng sức sản xuất, ủng hộ và bảo vệ quyền kinh doanh.
"Không để có các giấy phép con, tạo thêm các điều kiện, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh", Thủ tướng nêu rõ.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu gắn việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng lưu ý tăng cường vai trò của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; đội ngũ cán bộ, công chức phải phát huy tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.
“Chúng ta có cải cách thủ tục hành chính tốt mà cán bộ thực hiện không tốt thì sẽ gây cản trở phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh, “Chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao thì hai Luật này mới đi vào cuộc sống đúng thời gian, không để khoảng trống pháp lý”.
Thủ tướng đã đồng ý ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 2 Luật trên theo quy trình rút gọn (dùng 1 nghị định sửa nhiều nghị định), kiên quyết xong trước 1/7/2016; đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai xây dựng nghị định này.
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 bước đầu mang lại kết quả tích cực. Thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp giảm xuống còn 2,9 ngày đối với đăng ký thành lập mới, 2,7 ngày đối với đăng ký thay đổi, nhờ đó giảm hơn nửa triệu ngày chờ đợi cho doanh nghiệp. Chỉ số PCI 2015 cũng ghi nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp có bước tiến lớn nhất và có điểm số cao nhất trong vòng 11 năm điều tra PCI.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực tế còn không ít vướng mắc, phát sinh trong thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, như sự không tương thích, không phù hợp giữa quy định của Luật Đầu tư và một số văn bản luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư; chưa ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 15/16 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện thủ tục, nghiệp vụ chấp thuận chủ trương, đăng ký dự án đầu tư và đăng ký doanh nghiệp.(BĐT)
Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT: Chất cấm trong chăn nuôi đã được khống chế
Phát biểu tại Hội thảo “Quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và các vấn đề đặt ra” sáng nay (25/4), ông Nguyễn Văn Việt cho hay, với hàng loạt cuộc thanh, kiểm tra diễn ra trên cả nước, với sự vào cuộc của C49 – Bộ Công an trong vòng 7-8 tháng qua, đến nay, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được khống chế.
Cụ thể, trong năm 2015, việc sử dụng chất cấm được phát hiện ở hầu hết các lĩnh vực: thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và trong các cơ sở chăn nuôi trang trại lớn… Điển hình là khu vực các tỉnh phía Nam trong 10 tháng đầu năm 2015: Đồng Nai đã phát hiện 109/654 mẫu nước tiểu lợn dương tính với chất Salbutamol (chiếm 16,7%), TP. HCM 95/516 (chiếm 18,4 %), (Đăk Nông 3/54 (5,6 %), Tây Ninh 5/9 (55,5 %), Tiền Giang 35/525 (chiếm 6,7 %) và Vĩnh Long 6/68 mẫu (chiếm 8,8 %)… Nồng độ chất Salbutamol trong các mẫu nước tiểu vật nuôi rất cao, đa số là trên 200 ppb, có mẫu lên tới 665ppb.
Tuy nhiên, sau các đợt kiểm tra cao điểm, số trường hợp vi phạm đã giảm hẳn. Cụ thể, đến cuối năm 2015, số cơ sở thức ăn chăn nuôi vi phạm chỉ còn 1,3 % so với 5,3% các tháng đầu năm; số mẫu nước tiểu vi phạm chỉ còn 6,1 % so với 16,2% các tháng đầu năm.
Đặc biệt, sang các tháng đầu năm 2016, chưa phát hiện được cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có chất cấm và phần lớn các địa phương ở khu vực phía Bắc và miền Trung là không phát hiện được các mẫu nước tiểu, mẫu thịt dương tính. Ở phía Nam cũng đã có chuyển biến tốt, số lượng các mẫu nước tiểu dương tính phát hiện tại Đồng Nai chỉ có 2/128 (1,56%) mẫu dương tính, tương tự Thành phố HCM trong tháng 3 cũng chỉ phát hiện được 1,5% số mẫu nước tiểu có dương tính với chất cấm trong các lò mổ. Rõ ràng là vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được kiểm soát tốt.
Riêng trong tháng 4/2016, cơ quan thanh kiểm tra chỉ mới phát hiện duy nhất một trường hợp vi phạm ở Tiền Giang và đã tiến hành tiêu hủy (đây là trường hợp đã vi phạm lần thứ ba), cho thấy mức độ cứng rắn của cơ quan chức năng.
Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho rằng, từ 1/7 tới đây, khi Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực, việc sử dụng chất cấm sẽ bị khởi tố hình sự, tình trạng sử dụng chất cấm sẽ giảm mạnh. Bởi nếu bị phát hiện, người dân, doanh nghiệpkhông chỉ bị phá sản mà còn dính vào vòng lao lý.
Được biết, sau khi triệt tiêu chất cấm, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tấn công mạnh vào thuốc kháng sinh trong thủy sản, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm ngăn chặn thực phẩm bẩn
Thịt không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đang được đưa lên xe tải. Ảnh minh họa. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng với 80% lượng thực phẩm nhập từ các địa phương khác, việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là bài toán khó đối với các ngành chức năng Thành phố Hồ Chí Minh.
Chưa bao giờ vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn lại nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng như hiện nay. Những vụ việc liên quan đến thực phẩm không rõ nguồn gốc liên tục bị phát hiện, bắt giữ đã gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng.
Nhức nhối thực phẩm bẩn
Tháng Ba vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành lưu động, chốt chặn tại các đầu nút giao thông dẫn vào thành phố như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành và tuyến đường từ Tây Ninh về Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố cho biết trong đợt kiểm tra này, nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn đã bị phát hiện, hàng hóa bị thu giữ và tiêu hủy. Điển hình như rạng sáng 24/3 vừa qua, đoàn kiểm tra phối hợp với Đội cảnh sát giao thông Cát Lái chốt chặn trên các tuyến đường ra vào thành phố, phát hiện nhiều xe vi phạm, trong đó có xe tải biển kiểm soát 60C-062.94 chở 650kg thịt lợn không giấy chứng nhận kiểm dịch chạy từ Đồng Nai về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Đêm 26/3, đoàn kiểm tra tiếp tục bắt giữ xe tải biển kiểm soát 64H-6797 chở 37 con lợn nái từ Bình Thuận vào Thành phố Hồ Chí Minh; kết quả xét nghiệm cho thấy có nhiều con mắc bệnh lở mồm long móng. Trong đêm 29, rạng sáng 30/3, đoàn tiếp tục chốt chặn trên đường dẫn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành, phát hiện hàng loạt xe tải chở gia súc, gia cầm vi phạm.
Tổng cộng, từ ngày 22-30/3, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 23 trường hợp xe tải chở gia súc, gia cầm, thủy sản; trong đó có hơn 500 con heo, 6.504 con gà, 17.610 con vịt, tôm giống 140.000 con và 670kg thịt lợn vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, số tiền phạt hành chính là gần 90 triệu đồng. Các lỗi điển hình là không giấy chứng nhận kiểm dịch, trốn tránh kiểm dịch tại các địa phương đi qua, phương tiện vận chuyển không đảm bảo...
Trước đó, sáng 7/1 vừa qua, lực lượng chức năng thành phố phát hiện một cơ sở ở xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn) đang có hành vi biến thịt trâu thành thịt bò bằng cách nhúng hóa chất tẩy trắng. Trong 74 thùng carton và kho lạnh chứa khoảng 3 tấn thịt trâu, ngoài ra còn có 2 bịch hóa chất màu trắng, trọng lượng gần 50kg. Chủ cơ sở khai số thịt trâu này được nhập khẩu từ Ấn Độ, còn hóa chất mua ở Chợ Lớn với giá 20.000 đồng/kg.
Theo lời khai của chủ cơ sở, số thịt trâu sau khi ngâm hóa chất sẽ có màu giống thịt bò, được mang đi bán cho các nhà hàng, quán ăn chế biến món bò kho.
Ngày 3/2 vừa qua, Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan chức năng Quận 3 bất ngờ kiểm tra cửa hàng buôn bán thịt sạch thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bính Hạnh (đường Lê Văn Sỹ, phường 13, quận 3), phát hiện các nhân viên tại đây đang ngâm thịt lợn nái với hóa chất và huyết bò để biến thành thịt bò. Đoàn kiểm tra còn phát hiện hơn 2 tấn thịt lợn nái đựng trong tủ đông và bên ngoài để chuẩn bị “hô biến” thành thịt bò trước khi bán ra thị trường.
Theo Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm nay, Chi cục phối hợp kiểm tra liên ngành về chất lượng thực phẩm đã phát hiện 746 vụ vi phạm; trong đó có hơn 400 vụ vi phạm về kiểm dịch, 218 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; đã tịch thu 17 tấn thịt gia súc gia cầm, 605 con lợn, bò, 8.527 con gia cầm và hơn 39.000 trứng gia cầm.
Quản lý thực phẩm từ gốc
Theo Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố không phát hiện trường hợp nào nuôi lợn sử dụng chất cấm hay lợn bị bơm nước…, nhưng nguồn thịt từ các tỉnh khác đổ về thì vẫn có tình trạng này. Không chỉ vậy, một số sản phẩm thịt từ các tỉnh đưa về thành phố còn gần hết hạn sử dụng. Thậm chí, để lợn, trâu, bò đã bị bơm nước vận chuyển vào thành phố không bị sốc và chết, một số hộ kinh doanh còn tiêm thuốc an thần cho vật nuôi.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong kiểm soát sản phẩm chăn nuôi từ gốc. Hơn 70% hộ chăn nuôi trong nước vẫn chọn phương thức sản xuất nhỏ lẻ, chăn nuôi nông hộ. Do vậy, tình trạng thu gom vẫn phổ biến, nhiều lô hàng không truy xuất được nguồn gốc. Việc kiểm soát sản phẩm chăn nuôi đang được thực hiện qua từng công đoạn, theo từng địa phương và có những khoảng hở.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, giải pháp về các tỉnh để kiểm tra chất lượng hàng thực phẩm nhập vào thành phố là khó thực hiện do bị vướng về địa giới và hành chính.
Bên cạnh các thỏa thuận phối hợp đã ký với các tỉnh, giải pháp hữu ích nhất chính là tăng cường kiểm soát tại các chợ đầu mối bằng các hàng rào kỹ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời thực hiện nhiều hơn các test để sàng lọc, cơ quan chức năng kiểm soát từng lô hàng đưa vào chợ.
“Chúng ta không quản lý được các cơ sở ở các tỉnh bằng con đường chính thống, phải quản lý bằng hàng rào kỹ thuật do chúng ta lập ra. Người tiêu dùng có quyền đòi hỏi chất lượng hàng hóa đáp ứng được các điều kiện. Chúng ta có quyền đến kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chăn nuôi của các địa phương khác theo hợp đồng riêng, chính quyền địa phương nơi đó chỉ hỗ trợ nếu có yêu cầu,” bà Mai cho biết.
Một trong những giải pháp đã được Thành phố Hồ Chí Minh triển khai từ năm 2013 và nhận được sự đồng tình của người dân là Đề án chuỗi thực phẩm an toàn. Đến nay, Ban Quản lý Đề án chuỗi thực phẩm an toàn của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã công nhận 46 doanh nghiệp với 76 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn (một doanh nghiệp có nhiều chi nhánh, cơ sở).
Các doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chuỗi thực phẩm an toàn phải được Ban Quản lý đề án cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia “chuỗi thực phẩm an toàn,” đồng thời được cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu “chuỗi thực phẩm an toàn” cho sản phẩm đã tham gia.
Sản phẩm tham gia chuỗi được quản lý theo mô hình khép kín từ trang trại đến bàn ăn, từ khâu nuôi trồng cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng
Sản phẩm được kiểm soát chặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Các nguyên liệu đầu vào của quá trình nuôi trồng sẽ được giám sát chất lượng như cây và con giống, thức ăn, nguồn nước, việc sử dụng thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật, quy trình nuôi trồng, quy trình thu hoạch, sơ chế, bảo quản... Các sản phẩm chế biến muốn tham gia chuỗi cũng được kiểm duyệt ở tất cả các khâu. Các nguyên liệu đưa vào chế biến phải là các sản phẩm thuộc chuỗi, quy trình chế biến, việc sử dụng phụ gia, chất bảo quản phải theo đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Chính phủ thành lập một cơ quan chuyên ngành về an toàn thực phẩm trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố, tập hợp các nhân sự chuyên ngành có đủ năng lực về thực phẩm, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, phân tích, kiểm nghiệm...
Cơ quan này sẽ hỗ trợ tích cực cho các cơ quan chuyên ngành trong việc giải quyết mọi vấn đề từ lò giết mổ, từ các chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ hóa chất và quản lý được thực phẩm trong chuỗi thực phẩm an toàn để thực phẩm đến được tay người dân là thực phẩm an toàn.
Để ngăn chặn triệt để đường tiêu thụ của thực phẩm bẩn, Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ có những ký kết, thỏa thuận với các tỉnh theo nhiều cấp độ như thành phố, sở, các cơ quan dưới Sở để trao đổi thông tin kịp thời đối với các lô hàng, mặt hàng nghi ngờ mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã nhập về thành phố hoặc đã tẩu tán, di chuyển sang các địa phương khác; tăng cường chốt chặn tại cửa khẩu, phối hợp với công an, liên ngành xử lý nghiêm, thông tin cho người dân biết các thực phẩm không đạt yêu cầu chất lượng vệ sinh.
Hy vọng, với các giải pháp bao vây, phong tỏa, ngăn chặn và quyết tâm của cả hệ thống chính trị của Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ từng bước được hạn chế. Tuy nhiên, để thực phẩm bẩn không còn "đất sống," người tiêu dùng cũng cần “khó tính” hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho bản thân và gia đình./. (TTXVN)