Lương của người Singapore cao gấp sáu lần người Việt
Cát Bi thành sân bay quốc tế
Lương ngân hàng đang rất hấp dẫn
126 triệu USD phát triển môi trường, hạ tầng để ứng phó với biến đổi khí hậu
Hơn 1.800 tỷ đồng cho dự án chỉnh trị sông Trà Khúc (Quảng Ngãi)
Biển sâu dậy sóng
- Cập nhật : 26/04/2016
(Thien tai)
Con người đang tàn phá biển cả. Và giờ đây, chúng ta đang phải nhận lại những gì mình gây ra cho biển cả.
Theo số liệu của Economist, khoảng 3 tỷ người đang sống trong vòng bán kính 160 km tính từ bờ biển và con số được dự báo sẽ tăng lên gấp đôi trong 10 năm nữa, khi nhiều người đổ xô tới sống ở các thành phố ven biển. Biển tạo ra 3 nghìn tỷ USD hàng hóa và dịch vụ mỗi năm và những giá trị không thể đong đếm cho hệ sinh thái của trái đất. Sự sống không thể tồn tại nếu thiếu biển và biển đang trở nên ngày càng quan trọng với con người.
Nhưng con người đang tàn phá các đại dương. Băng ở Bắc cực đang tan ra trong mùa hè và những dải san hô thì đang chết dần. Ngày nay, những tác động của việc biển bị hủy hoại đã lan sang đất liền. Thái Lan là một ví dụ sống động. Trong thập niên 1990, nước này đã chặt các bãi rừng đước ven biển để lấy chỗ nuôi tôm. Không còn bị cản trở bởi rừng cây, cơn bão năm 2011 đã tràn vào và làm ngập lụt cả thủ đô Bangkok, gây ra thiệt hại hàng tỷ USD cho nước này.
Cha chung không ai khóc
Biển là điển hình của tình trạng “cha chung không ai khóc”, khi các cá nhân sử dụng tài nguyên biển một cách vô độ, và tự làm tổn hại đến lợi ích của chính mình trong dài hạn. Trong hàng thập kỷ, các nhà khoa học đã cảnh báo hạn ngạch đánh cá của Liên minh Châu Âu là quá cao. Nhưng các nhà vận động hành lang đã tìm cách thuyết phục các chính trị gia giữ nguyên hạn ngạch này. Giờ thì cái gì phải đến cũng đã đến. 3/4 số cá ở các vùng biển ở Châu Âu đã bị khai thác quá mức và một số nơi gần như cạn kiệt. Vấn đề là những người làm tổn hại đến hệ thống lại không phải trả giá cho hậu quả họ gây ra.
Tuy nhiên, không phải là không có cơ chế pháp lý để quản lý biển trên phạm vi quốc tế. Hầu hết các nước trên thế giới đã phê chuẩn Công ước về luật biển Liên hiệp quốc (UNCLOS). Công ước này được lập ra để quản lý các quy định từ hoạt động quân sự và tranh chấp lãnh thổ trên biển cho đến hàng hải, khai thác tài nguyên biển và đánh cá. Dẫu vậy. mặc dù có hiệu lực từ năm 1994, UNCLOS vẫn có những thiếu sót lớn. Nội dung của công ước không mạnh về bảo vệ môi trường biển và không có chế tài để thực thi quy định hoặc trừng phạt các bên vi phạm.
Một số tổ chức chuyên môn đã được lập nên để giảm sát các nội dung của công ước như Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế, tổ chức quản lý hoạt động khai thác tài nguyên dưới đáy biển. Nhưng phần lớn nội dung của UNCLOS được giảm sát và thực thi bởi các nước thành viên và các tổ chức hiện hành. Kết quả là sự chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan và các nước đã khiến cho việc thực thi công ước trở nên thiếu hiệu quả.
Các giải pháp
Đứng trước thực trạng đáng buồn trên, các áp lực kêu gọi thay đổi trong hoạt động quản lý biển đang trở nên lớn hơn. Theo David Miliband, cựu bộ trưởng ngoại giao của Anh, nay là đồng chủ tịch của Ủy ban đại dương toàn cầu nói: “Chúng ta cần một cách tiếp cận mới để quản lý biển”.
Sự thay đổi này có thể diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau. Các nhà môi trường học muốn tình trạng đánh bắt cá quá mức ở các vùng biển quốc tế phải được chấm dứt. Các quốc gia sẽ phải đánh giá tác động trước khi cấp giấy phép đánh bắt cá. Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cho rằng các nước giàu phải ngừng trợ cấp 35 tỷ USD mỗi năm cho hoạt động đánh bắt cá ở các vùng biển quốc tế (thông qua trợ giá nhiên liệu và bao tiêu sản phẩm) và tạo ra các vùng dự trữ sinh vật biển, giống như các khu bảo tồn động vật trên cạn.
Một giải pháp khác là cải cách pháp lý. Liên minh Châu Âu đã đề xuất một thỏa thuận thực thi mới nhằm củng cố các quy định về môi trường và bảo tồn biển của UNCLOS. Các chuyên gia cho rằng cần tập trung vào cải tiến các cơ quan quản lý biển quốc tế, bằng cách cấp nhiều vốn và quyền thực thi hơn cho các tổ chức này. Tuy nhiên, những thay đổi trong quản lý biển sẽ không có tác dụng nếu hoạt động gây ô nhiễm biển từ đất liền vẫn cứ tiếp diễn.