Vào lúc 6 giờ 50 phút ngày 14-6, máy bay Su 30MK2 mang số hiệu 8585 của Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân làm nhiệm vụ bay huấn luyện đã bị mất liên lạc.
Tin trong nước đọc nhanh 24-01-2016
- Cập nhật : 24/01/2016
Đề xuất hàng rong phải cam kết an toàn thực phẩm
Sở Công thương TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP triển khai việc cam kết chấp hành các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm , thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương.
Đối tượng cam kết bao gồm cả cơ sở thực hiện đăng ký theo hình thức hộ kinh doanh, buôn bán hàng rong, cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt.
Theo Sở Công thương TP, nội dung bản cam kết đã được các quận, huyện, sở ngành liên quan góp ý hoàn chỉnh trong năm 2015.
Tuy nhiên, do chờ Bộ Công thương ban hành thông tư hướng dẫn về điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên chưa TP triển khai.
Hiện nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ muốn có bản cam kết để đủ điều kiện đưa hàng vào các trung tâm thương mại, siêu thị... nên cần thiết phải triển khai cam kết trên.
Công an xã xin doanh nghiệp tiền hỗ trợ Tết
Một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn xã An Đồng (huyện An Dương, TP Hải Phòng) vừa nhận được thông báo của Công an xã về việc giới thiệu người đến "xin ít kinh phí" để phục vụ công tác giữ an ninh trật tự xã hội dịp Tết nguyên đán.
Giấy giới thiệu cử cán bộ Công an xã đến doanh nghiệp xin tiền do trưởng Côn an xã An Đồng ký và đóng dấu
Nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã An Đồng cho biết họ rất bức xúc khi thấy người của công an xã đến xin "hỗ trợ" với mức 1 triệu đồng/ 1 đơn vị. Khi đến doanh nghiệp cán bộ Công an xã đưa ra giấy giới thiệu do ông Nguyễn Hữu Tạo, trưởng Công an xã ký và đóng dấu.
Cụ thể, giấy giới thiệu đến doanh nghiệp xin tiền được ký ngày 20-1. Lý do xin tiền là để Công an xã An Đồng phục vụ công tác giữ an ninh trật tự xã hội dịp tết nguyên đán Bính Thân 2016. Mức kinh phí hỗ trợ được ghi cụ thể là 1 triệu đồng.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo xã An Đồng khẳng định xã không có chủ trương xin tiền các doanh nghiệp để phục vụ công tác giữ an ninh trật tự dịp tết. Đảng ủy xã An Đồng đã yêu cầu ông Tạo giải trình, rút kinh nghiệm về việc ký giấy giới thiệu, cử cán bộ đi xin tiền doanh nghiệp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một phó trưởng Công an huyện An Dương, cho biết lãnh đạo Công an huyện đã nắm được vụ việc và có những phương án xử lý ban đầu. Lãnh đạo Công an huyện không có chủ trương và cũng không cho phép Công an các xã đến doanh nghiệp xin tiền để tổ chức các hoạt động dịp Tết Nguyên đán.
Trong ngày 22-1, Công an huyện An Dương đã về xã kiểm tra vụ việc, yêu cầu thu hồi thông báo, giấy giới thiệu về việc xin tiền các doanh nghiệp và yêu cầu trưởng Công an xã rút kinh nghiệm.
"Đến nay Công an xã chưa thu tiền của đơn vị nào. Công an huyện đã yêu cầu cấp dưới rút kinh nghiệm, kiểm điểm nghiêm túc và trong tháng này đồng chí trưởng Công an xã An Đồng cũng nghỉ hưu theo quy định", vị phó trưởng Công an huyện An Dương nói.(TT)
18 ngày đầu năm 2016, hơn 1.000 chuyến bay trễ giờ
Đó là thông tin về về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp tết Nguyên đán Bính Thân mà Cảng vụ Hàng không miền Nam báo cáo với Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ vào chiều 22-1.
Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng không miền Nam, tính từ ngày 1 đến 18-1 có 4 hãng hàng không chậm 1046 chuyến, tăng 9,76 % so với cùng kỳ tháng trước.
Các hãng chậm chuyến gồm: Vietnam Airlines (366 chuyến), Vietjet Air (326 chuyến), Jetstar Pacific (134 chuyến), Vasco (13 chuyến) và hãng hàng không nước ngoài có số chuyến bay chậm giờ là 207.
Trong số đó, chỉ có 21 chuyến bay trễ giờ vì lý do thời tiết xấu tại Sài Gòn, Vinh, Buôn Mê Thuột, Hà Nội…Ngoài ra, trong tháng kể trên, có 47 chuyến bay phải hủy chuyến.
Theo Cảng vụ Hàng không Miền Nam, dự kiến cuối tháng 1-2016, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đưa vào khai thác bổ sung thêm 4 bến đỗ cho tàu bay, nâng tổng số bến đỗ lên 47.
Cảng vụ Hàng không Miền Nam cũng sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện nghĩa vụ các hãng hàng không đối với hành khách chậm, hủy chuyến nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ trong dịp tết.
Trước đó, chiều cùng ngày, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng tiến hành làm việc với Bến xe Miền Đông về tình hình phục vụ việc đi lại của hành khách dịp tết Bính Thân.
Đề xuất Nhà nước - tư nhân cùng làm đường
Ngày 22-1, Bộ Giao thông vận tải và Sở GTVT TP.HCM tổ chức tọa đàm “Các giải pháp chống ùn tắc giao thông TP.HCM giai đoạn 2016-2020”.
Ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở GTVT TP - cho biết sở sẽ nghiên cứu và triển khai một số chính sách thực hiện kiểm soát xe cá nhân như tăng phí đăng ký xe, thu phí lưu thông vào khu vực trung tâm TP, hạn chế một số loại xe cá nhân lưu thông vào một số tuyến đường khu vực trong các thời điểm nhất định, cấm dừng đậu xe...
Trong khi đó ông Lâm Thiếu Quân - đại biểu HĐND TP.HCM - bày tỏ sự không hài lòng khi vận tải hành khách công cộng TP chỉ đạt tỉ lệ 9,9% nhu cầu hành khách đi lại vào năm 2020 “là quá thấp”. PGS.TS Phạm Xuân Mai (Trường đại học Bách khoa TP.HCM) cho rằng: để tăng tỉ lệ người đi xe buýt, Sở GTVT cần đẩy mạnh phát triển xe buýt nhanh - BRT vì vốn đầu tư thấp, thời gian thi công đường ngắn hơn nhiều so với đầu tư metro.
Về giảm xe cá nhân, TP nói mãi mà không làm được, ông Phạm Xuân Mai cho rằng TP cần xây dựng nhiều bãi đậu xe ngầm hoặc trên cao để người dân có chỗ gửi xe máy, ôtô rồi đi bộ hoặc đi xe buýt vào trung tâm TP và cần xử phạt nặng đậu xe trên vỉa hè để trả lại đường cho người đi bộ. Ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM - cho rằng để hạn chế xe cá nhân cần phải nhanh chóng phát triển vận tải hành khách công cộng.
Ông Lê Đình Thọ - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - cho biết tình trạng ùn tắc giao thông không chỉ xảy ra ở TP.HCM, Hà Nội mà còn ở một số tỉnh và TP khác. Tại TP.HCM chỉ mới có giao thông trên mặt đất mà chưa có giao thông trên cao (đường trên cao) thì đương nhiên xảy ra ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, TP cần bổ sung giải pháp về cơ chế chính sách để thực hiện tốt các giải pháp giảm ùn tắc giao thông vì cấp thẩm quyền đã có nghị quyết cho TP.HCM được thực hiện cơ chế đặc thù. Bên cạnh đó, TP cần huy động thêm nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách như hình thức PPP (Nhà nước và tư nhân hợp tác) để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Bắt đối tượng lừa đảo “chạy" việc vào ngành công an
Sau khi đã nhận 90 triệu đồng để xin việc cho con bà T. vào ngành công an, Nguyễn Văn Cán hẹn bà T. ra quán cà phê để nhận tiếp 10 triệu thì bị bắt quả tang.
Ngày 23-1, nguồn tin Tuổi Trẻ cho biết Cơ quan CSĐT Công tỉnh Cà Mau vẫn đang tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Cán (ngụ xã Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thông tin ban đầu cho biết Cán là đối tượng không nghề nghiệp, thường hay lang thang tại các quán cà phê trên địa bàn Cà Mau và khoe với mọi có mối quen biết rộng, có thể “chạy” hồ sơ cho người nào muốn vào công tác trong ngành công an.
Biết được bà T. (ngụ Bạc Liêu) có nguyện vọng muốn cho con mình vào làm việc trong ngành nên Cán gợi ý bà T. chung tiền để Cán “tiếp khách” lo cho.
Sau khi bà T. đưa nhiều lần với số tiền 90 triệu đồng nhưng vẫn chưa thấy kết quả gì, nghi ngờ Cán lừa đảo nên bà T. âm thầm báo sự việc với công an.
Cách nay vài ngày, khi Cán hẹn bà T. đến quán cà phê trên địa bàn phường 5 (TP Cà Mau) để đưa số tiền chạy việc 10 triệu đồng thì bị cơ quan công an bắt quả tang.