Để giải quyết hạn mặn cần những bước chuẩn bị căn cơ cho tương lai, hơn là để tình trạng đến mức cực đoan rồi mới tìm cách chống đỡ.
Tin trong nước đọc nhanh 23-01-2016
- Cập nhật : 23/01/2016
Dự án cao ốc 5.000 tỷ đồng ở Cầu Giấy lộ nhiều sai phạm
Dự án văn phòng và nhà chung cư cao tầng bán và cho thuê (Discovery Complex 302, Dịch Vọng, Cầu Giấy), do Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Cầu Giấy làm chủ đầu tư được khởi công từ năm 2009. Theo hồ sơ phê duyệt ban đầu, dự án gồm 5 tầng hầm thông nhau, 5 tầng khối đế thông nhau, một tầng cây xanh, khu văn phòng 38 tầng và khu chung cư cao cấp 50 tầng, với tổng diện tích mặt bằng 10.158 m2, mức đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng.
Tọa lạc ở vị trí đắc địa, cách UBND phường Dịch Vọng khoảng 50 m, với 2 mặt tiền trên đường Cầu Giấy và Trần Đăng Ninh, mỗi m2 căn hộ ở dự án này có giá từ 38 triệu đồng trở lên. Khu tổ hợp trung tâm thương mại nhà ở này được giới thiệu có bể bơi 4 mùa trên tầng 8, 4 tầng cây xanh siêu thị, nhà hàng, rạp chiếu phim, phòng tập gym, spa...
Theo quan sát, đến ngày 22/1, hai khối nhà của dự án đã được xây dựng trong đó khối văn phòng đã xong 38 tầng và khối chung cư đang dừng thi công ở tầng 49. Phần khối đế thông nhau giữa các tòa, theo giấy phép xây dựng là 5 tầng, nhưng hiện tại đã xây tới 8 tầng và tăng cả nghìn m2 diện tích sàn thương mại.Ngoài ra, chủ đầu tư đã xây dựng vượt giấy phép từ 360 căn hộ chung cư lên 500 căn trong khi chưa hoàn tất nghĩa vụ đóng thuế đất với nhà nước cho số diện tích sàn tăng thêm.
Với những sai phạm này, dự án đã bị UBND phường Dịch Vọng ra quyết định đình chỉ vào 3/11/2015 và quận Cầu Giấy ban hành quyết định xử phạt hành chính 80 triệu đồng (chủ đầu tư đã tự nộp vào kho bạc).
Ngoài ra, tháng 12/2015 phường Dịch Vọng đã cấm phương tiện chuyên chở vật tư, vật liệu và công nhân vào công trường; đồng thời ra quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng ở công trình này và có công văn nhắc nhở khi chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công.
"Những gì trong thẩm quyền của phường chúng tôi đã làm và lập nhiều biên bản xử lý. Đây là dự án trung tâm thương mại lớn ở địa bàn, trong khi thủ tục hồ sơ pháp lý điều chỉnh phức tạp nên chúng tôi đã có những báo cáo lên quận, đề xuất với Sở Xây Dựng kiểm tra toàn diện dự án", lãnh đạo phường Dịch Vọng (Cầu Giấy) trao đổi với VnExpress.Đại diện phường Dịch Vọng cũng cho hay "với những sai phạm như trên của chủ đầu tư, phường phối hợp với Thanh tra Xây dựng quận đã cắt điện, nước, không cho nhà thầu thi công đưa máy móc, nhân công vào làm việc". Theo ghi nhận, từ ngày 19/1, chủ đầu tư cũng đã dừng thi công tại công trường.
Lý giải về sai phạm xây quá 3 tầng khối đế, tăng hàng trăm căn hộ so với giấy phép ban đầu, ông Lê Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Cầu Giấy (đại diện chủ đầu tư dự án) cho hay, "xây dựng thêm cho phù hợp với công năng cũng như để cân đối với tòa tháp phía trên của tòa nhà".
Theo vị này, việc thay đổi kết cấu, thiết kế của công trình đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chấp thuận cuối năm 2014 và Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây Dựng) chấp thuận tháng 7/2015. "Tuy nhiên do gặp nhiều khó khăn nên hiện nay đơn vị vẫn chưa hoàn thiện được hồ sơ để có giấy phép xây dựng sớm được", ông Hùng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc tăng thêm số tầng, một tòa từ 38 tầng lên 43 tầng, một tòa từ 50 lên 54 tầng và tăng từ 360 lên 500 căn hộ, nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đất phần tăng theo quy định, đại diện chủ đầu tư giải thích rằng "đơn vị đã nhiều có văn bản đề nghị Thành phố xác định rõ, định giá phần diện tích tăng thêm để doanh nghiệp hoàn tất đóng vào ngân sách, tuy nhiên đến nay chưa nhận được hồi âm".
Căn cứ vào kết quả thẩm định của Cục quản lý chất lượng xây dựng, Bộ Xây Dựng vào ngày 31/7/2015, dự án này có thiết kế cơ sở điều chỉnh cơ bản phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch của Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội, các giải pháp thiết kế của dự án đã phù hợp về đảm bảo an toàn xây dựng và bảo vệ môi trường... tuy nhiên các thiết kế điều chỉnh này chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về phòng chống cháy nổ.
10 tỷ đồng dành cho bắn pháo hoa ở Hà Nội
UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa Tết Bính Thân 2016. Theo đó, sẽ có 30 điểm bắn (31 trận địa), với 6 điểm tầm cao và 25 điểm tầm thấp.
Các điểm bắn tầm cao gồm: trước Bưu điện Hà Nội (hồ Hoàn Kiếm); Công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng); vườn hoa Nguyễn Hoàng Tôn (Tây Hồ); hồ Văn Quán (Hà Đông); sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) và thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây).
Ngoài điểm bắn tầm cao trước Bưu điện Hà Nội, khu vực hồ Hoàn Kiếm còn có điểm bắn tầm thấp trước trụ sở báo Hà Nội mới. 24 điểm pháo hoa tầm thấp được tổ chức ở 24 quận, huyện còn lại, vị trí do từng đơn vị xác định.
Tổng số pháo hoa tầm cao bắn lần này là 3.100 quả, mỗi trận địa 500 quả, riêng sân vận động Mỹ Đình 600 quả. Pháo hoa tầm thấp có 2.250 giàn (mỗi trận địa 90 giàn). Thời gian bắn kéo dài từ 0h đến 0h15 ngày 8/2 (tức đêm giao thừa Tết Bính thân).
Theo thành phố Hà Nội, kinh phí dự tính cho việc bắn pháo hoa là 10 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Trước đó, thành phố đã có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và đơn vị liên quan thực hiện theo quy định huy động các tổ chức, doanh nghiệp tự nguyện đóng góp, đảm bảo nguồn kinh phí (xã hội hóa) tổ chức bắn pháo hoa phục vụ Tết Bính Thân năm 2016.
Giới kiến trúc: 'Hà Nội được trang trí theo kiểu trọc phú'
Chia sẻ với VnExpress về diện mạo trang trí thủ đô những năm qua, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Xây dựng nhận định, đang có sự lạm dụng màu sắc. Trong khi các nước phương Tây ít dùng đèn màu trang trí đô thị thì Hà Nội lại được khoác lên chiếc áo lòe loẹt với đủ màu xanh, đỏ... Pano quảng cáo treo khắp các phố cũng rực màu không kém.
"Cách trang trí đó là theo kiểu phú trọc, khoe có nhiều đèn led, bảng điện tử mà thiếu đi hiểu biết thẩm mỹ. Đành rằng nên sử dụng phương tiện hiện đại nhưng phải làm sao cho phù hợp với văn hóa, cảnh quan", TS Liêm nói và dẫn chứng về dàn hoa hồng trang trí trước khu vực Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chủ Minh quá rực rỡ, không phù hợp với nơi tôn nghiêm.Nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc lạm dụng đèn led trong trang trí ở Hà Nội gây ô nhiễm màu sắc, làm đảo lộn tiêu chuẩn về cái đẹp và dung tục hóa thẩm mỹ.
TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Xây cho rằng Hà Nội đang quá lạm dụng màu sắc trong trang trí đô thị, như kiểu phú trọc nên gây phản cảm, lộn xộn, ô nhiễm ánh sáng. Ảnh: Giang Huy.
Nhiều năm du học tại Đức, kiến trúc sư, họa sĩ Lý Trực Dũng đánh giá cách trang trí diện mạo của Hà Nội những năm gần đây "chắp vá, tùy tiện, xấu về hình, màu sắc quá sặc sỡ, gây phản cảm". "Thủ đô của một nước ngàn năm văn hiến lại ngang nhiên tồn tại kiểu trang trí rẻ tiền, thiếu giá trị thẩm mỹ. Nó na ná thứ trang trí mà tôi đã thấy ở một vài thành phố hẻo lánh vùng Tây Bắc Trung Quốc cách đây vài năm", ông Dũng chia sẻ.
Dàn hoa hồng gắn dọc đường Hùng Vương trước nhà Quốc hội và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa được kiến trúc sư đưa ra làm minh chứng cho sự lòe loẹt, quá xấu.
Nguyên nhân của những tồn tại trong trang trí thủ đô nói trên, theo TS Liêm và KTS Dũng, là thành phố "thiếu một cái đầu tổng quan" và người đứng đầu chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác thiết kế, trang trí đô thị. Việc giao khoán cho một đơn vị nào đó (trước là Sở Xây dựng, nay là Sở Văn hóa) mà không có sự giám sát là không đúng, gây lãng phí tiền.
Phó viện trưởng Kiến trúc Quốc gia, PGS.TS Phạm Thúy Loan thì chỉ ra lý do công tác trang hoàng đô thị ở Hà Nội (cũng như nhiều thành phố khác) không được công chúng đón nhận vì "chưa chuẩn" các nguyên tắc cơ bản và kinh điển về thẩm mỹ, cảm thụ thị giác, chiếu sáng đô thị như: tính thống nhất tổng thể, ý tưởng chủ đạo, tỷ lệ tương quan, hiệu ứng chính - phụ, hòa sắc và độ chói…Việc trang trí đáng lý chỉ là bổ khuyết, nhấn nhá, chứ không lấn át, che khuất các khung cảnh thực của thành phố, đặc biệt ở những nơi cảnh đã rất đẹp, in đậm trong tâm khảm cộng đồng. Cách sử dụng "đồ giả" thống trị không gian đô thị trong trang trí; trang hoàng hỗn loạn không có chọn lọc tuyến phố chính - phụ... cũng là điều gây mệt mỏi, khó chịu cho người dân khi nhìn vào.
Dàn hoa hồng gắn dọc đường Hùng Vương (đối diện lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tòa nhà Quốc hội) bị chê là lòe loẹt, không phù hợp với nơi tôn nghiêm. Ảnh: Tuấn Anh.
Các chuyên gia đề xuất, cần có nhận thức và đầu tư đúng tầm hơn cho công tác thiết kế, trang trí thủ đô. Công tác này, theo KTS Lý Trực Dũng, nên do một ủy ban độc lập gồm cả: kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch, giao thông, chiếu sáng, đại diện cơ quan bảo tồn bảo tàng… đảm nhiệm. "Một bộ máy như thế mới đủ năng lực tư vấn cho UBND Hà Nội chỉ đạo thực hiện. Tại các thành phố lớn ở Đức, Áo... đều có ủy ban thiết kế trang trí đô thị và Hà Nội cần học tập", ông Dũng nói.
Trước đó, đầu năm 2016 Hà Nội cho lắp đặt một số công trình trang trí như đài hoa quanh đài phun nước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đèn hoa ở một số tuyến phố chính... và gặp nhiều phản ứng trái chiều.
Ngày 19/1, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, đơn vị thực thi công tác trang hoàng thủ đô đã thừa nhận một số mẫu trang trí "có phần chưa chặt chẽ". Nguyên nhân là chưa thi tuyển, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân.
Lãnh đạo Sở chia sẻ, đã xác định từ trước khi mang ra phục vụ người dân sẽ phải điều chỉnh nên sẽ chủ động và vui vẻ sửa sai đến khi người dân hài lòng mới thôi. Ông Động, cũng thừa nhận đơn vị mình có trách nhiệm trong định hướng thẩm mỹ nhưng ngành còn lúng túng. “Tôi là Giám đốc thấy đẹp nhưng Phó giám đốc có thể thấy chưa đẹp”, ông Động nói.
Hiện một số trang trí như đài hoa ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, dàn hồng trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tháo dỡ.(Vnexpress)
Anh phát hiện hầm trồng cần sa 200.000 USD của người Việt
Cảnh sát tịch thu các trang thiết bị của trang trại cần sa ở thị trấn South Shields. Ảnh: Shields gazette
Theo Shields gazette, công ty điện lực Miền Bắc ở thị trấn South Shields nhận thấy nguồn cung cấp điện tại một cửa hàng bỏ không trên đường Dean Road bị can thiệp vào tối 18/1. Họ đã gọi cho cảnh sát sau khi ngửi thấy mùi cần sa nồng nặc từ trong cửa hàng.
Tại đây, cảnh sát phát hiện một đường hầm bên dưới tầng hầm, dẫn trực tiếp đến căn hộ bên cạnh, nơi có khu trồng 275 cây cần sa.
Cảnh sát ập vào căn hộ thông qua đường hầm và bắt giữ một người đàn ông Việt Nam tại hiện trường.
Hôm 20/1, Thuan Le đã ra hầu tòa với tội danh sản xuất ma túy. Nghi phạm này 29 tuổi, không có nơi cư trú ổn định.
Le đã sử dụng nguồn điện của cửa hàng bên cạnh để giữ ấm cho khu trồng cần sa trên của mình. Số cây cần sa trị giá 150.000 bảng (200.000 USD). Cửa hàng cung cấp điện cũng là nơi một khu trồng cần sa nhỏ bị phát hiện hai tháng trước.
Vụ án đã được chuyển lên tòa án cấp cao hơn để xét xử vào ngày 17/2 tới.
Indonesia trao trả 10 ngư dân Việt Nam
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn (thứ hai từ phải sang) và các ngư dân được về nước trong đợt này. Ảnh: Vietnam+
Theo TTXVN, đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn đã cùng cán bộ sứ quán tiễn các ngư dân tại sân bay quốc tế Sukarno Hatta.
Trước đó, ngày 20/1, có 3 ngư dân được về nước trong đợt trao trả đầu tiên của năm và đây là đợt thứ hai.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn cho biết sứ quán đã nỗ lực để các ngư dân Việt Nam bị bắt ở Indonesia được trở về nhà trong thời gian sớm nhất.
"Thời hạn ở tù của các ngư dân là khác nhau tùy theo vị trí làm việc của họ trên tàu. So với ngư dân một số nước khác trong khu vực cũng bị phía Indonesia bắt giữ, thì ngư dân Việt Nam được trao trả nhanh hơn", ông Tuấn nói.
Từ nay đến trước Tết Nguyên đán, sẽ có ít nhất 3 đợt ngư dân Việt Nam được Indonesia trao trả về nước với số lượng khoảng 30 người.