Tìm kiếm giải pháp lâu dài cho biển Đông
TP.HCM bàn cách hạn chế xe cá nhân
Phân hạng chung cư: Nhiều quy định còn rối rắm
TPHCM: Năm 2015 có trên 1.000 trường hợp xây dựng không phép
Chưa Tết đã khóc ròng vì giá dưa hấu rẻ mạt
Tin trong nước đọc nhanh trưa 23-01-2016
- Cập nhật : 23/01/2016
Nhóm người Philippines định ra Trường Sa trong một tháng
"Vào tháng 4, chúng tôi sẽ có một hành trình nữa... Lần này, chúng tôi sẽ dành một tháng để thăm tất cả các đảo chúng tôi chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa", Reuters dẫn lời Vera Joy Ban-eg, phát ngôn viên nhóm Kalayaan Atin Ito, hôm nay nói.
Tháng 12 năm ngoái, khoảng 50 người Philippines, hầu hết là học sinh sinh viên, đã lên đảo Thị Tứ.
Đảo Thị Tứ có diện tích lớn thứ nhì trong số hàng trăm đảo và bãi san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một số quốc gia khác trong tranh chấp Biển Đông cũng đòi chủ quyền đối với đảo Thị Tứ, gồm Trung Quốc, Philippines. Manila hiện kiểm soát đảo này.
Những người biểu tình Philippines chỉ trích chính phủ không làm bất cứ điều gì để ngăn ngư dân Trung Quốc đánh bắt loài trai lớn và dùng thuốc nổ, xyanua đánh bắt cá. Các tàu tuần duyên lớn của Trung Quốc bị cáo buộc xua đuổi ngư dân Philippines khỏi ngư trường truyền thống.
Trung Quốc tháng này đưa máy bay chở khách tới đá Chữ Thập của Việt Nam. Đây là nhóm khách du lịch đầu tiên đặt chân lên Chữ Thập, nơi Trung Quốc cải tạo thành đảo nhân tạo. Việt Nam đã trao công hàm phản đối Trung Quốc đưa máy bay ra đá Chữ Thập và cho rằng đây là hành vi xâm phạm xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực, đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Biển Đông là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên với nguồn dầu khí và thủy sản phong phú, là nơi vận chuyển hàng hóa với giá trị 5.000 tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90% diện tích Biển Đông, gồm cả những vùng gần bờ biển các nước láng giềng Đông Nam Á.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: 'Đổi mới hệ thống chính trị là điều kiện để phát triển'
Kéo dài hơn 16 phút nhưng tham luận của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh với nội dung chính là bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay trước yêu cầu cải cách bức thiết nhận được sự tập trung tuyệt đối của hơn 1.000 đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Đại hội Đảng sáng nay (22/1).
Nhìn lại quá trình đổi mới 30 năm, cũng như hơn 7 thập kỷ sau khi giành độc lập, người đứng đầu ngành kế hoạch & đầu tư cho rằng thành tựu lớn nhất là đưa Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một nước có thu nhập trung bình. Từ 1986 đến nay, thu nhập bình quân đầu người tăng 4 lần, số hộ nghèo từ trên 50% giảm xuống còn dưới 5%.
Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, thực tế Việt Nam hiện nay vẫn còn thua kém nhiều các quốc gia trong khu vực và thế giới. "Ít ai biết rằng đầu thế kỷ XIX, Việt Nam đã có một vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như kinh tế. Lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp 1,5 lần Thái Lan... Thu nhập bình quân ngang bằng thế giới. Nay mức thu nhập của người dân chưa tới một phần năm bình quân toàn cầu và tương đương một phần ba Thái Lan", ông Vinh so sánh.Cho rằng mọi so sánh đều khập khiễng nhưng kết quả có được sau 30 năm tiến hành đổi mới và khoảng 40 năm sống trong hoà bình, tức là tương đương nhiều nước trong khu vực, lại là một điều cần suy ngẫm.
Một nguy cơ khác đối với Việt Nam hiện nay là việc nền kinh tế đang đi gần tới giai đoạn cuối của giai đoạn dân số vàng (dự kiến kết thúc vào khoảng 2020-2025). Trong khi đó, những động lực còn lại như tài nguyên, vốn đầu tư, những thành quả về thể chế của Đổi mới 1986 đã gần như tới hạn. Đất nước lại phải bước ra sân chơi hội nhập, phải chấp nhận cạnh tranh... Trong bối cảnh đó, ông Vinh cho rằng đổi mới hơn nữa và phát triển đất nước là một nhiệm vụ cấp bách.
Trích lục lại rất rõ trang 99 của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, được thông qua chính tại hội trường này cách đây 5 năm, nêu rõ đổi mới chính trị cần đi đôi với đổi mới kinh tế, bản tham luận tái khẳng định việc thực hiện nhiệm vụ này chính là thước đo cao nhất cho thành công của 30 năm Đổi mới.
Theo Bộ trưởng Vinh, Việt Nam đã tích cực đổi mới thể chế kinh tế, song nhiệm vụ đổi mới chính trị gần như chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn. "Chính vì vậy, công cuộc đổi mới trong 5 năm qua chưa thực sự mang lại kết quả như mong muốn", vị trưởng ngành nhận xét.
Thành tựu lớn nhất của 30 năm qua được nhận định là chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang thị trường. Đây chính là động lực giúp thay đổi cuộc sống của người dân, đưa đất nước phát triển. Trong khi đó, theo phân tích của Bộ trưởng Vinh, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước và các cấp gần như không thay đổi. "Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hoá trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh nay đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường, thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho sự phát triển", ông nhận xét.
Vì vậy, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với nền kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách. "Đảng là lãnh đạo cao nhất của đất nước, cần chủ động và nghiêm khắc nhìn lại mình, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết mà Đại hội đã xác định", ông Vinh nói đồng thời nhận định đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo.
Về đổi mới thể chế kinh tế, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng cần thực hiện trên 3 trụ cột.
Trước hết, việc phát triển kinh tế cần đi đôi với bền vững về môi trường. Theo đó, Việt Nam cần có mức tăng trưởng cao và ổn định trong vòng 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân 7% (tương đương tăng GDP), để đạt mức thu nhập 15.000-18.000 USD một đầu người vào năm 2035.
Trích dẫn câu nói nổi tiếng của nhà kinh tế đoạt giải Nobel - Paul Krugman: "Năng suất không phải tất cả nhưng về lâu dài, nó gần như là tất cả", Bộ trưởng Vinh khẳng định tăng năng suất là con đường duy nhất giúp Việt Nam đạt được mục tiêu nêu trên, bởi năng suất lao động của Việt Nam hiện ở mức rất thấp so với khu vực, sau khi liên tục sụt giảm từ năm 1990 đến nay.
Bên cạnh đó, ông Vinh cho rằng cần tập trung cao độ phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, bởi sức khoẻ của doanh nghiệp nội là sức khoẻ của nền kinh tế. Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực này thông qua hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác lập các quyền bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; thúc đẩy và tạo điều kiện cho khởi nghiệp; xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, khuyến khích doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu khoa học.
Trụ cột thứ 2 được nhắc tới là công bằng và hội nhập xã hội (bình đẳng cho mọi người). Theo phân tích của vị trưởng ngành Kế hoạch, quá trình phát triển, cạnh tranh ở mức cao sẽ khiến khoảng cách giàu nghèo tăng lên. Nhà nước, nhất là nhà nước xã hội chủ nghĩa, khi đó cần thực hiện chức năng, tạo điều kiện cho mọi người dân có khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhất, đảm bảo công bằng trong phát triển.
Trụ cột thứ 3 là nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Điều này là một quá trình phức tạp do lịch sử để lại. Bên cạnh đổi mới ở bộ máy công chức, nguyên tắc thị trường cần được áp dụng đầy đủ hơn, phân biệt khu vực công - tư, bảo vệ quyền tài sản, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quản trị Nhà nước, hoạch định chính sách...
Để đạt được điều này, ông Vinh và các nhà khoa học xác định, Việt Nam cần thực hiện các chuyển đổi lớn, bao gồm: Xây dựng một nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao; Thúc đẩy hiện đại hoá nền kinh tế song hành với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân; Phát triển năng lực sáng tạo, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm; Bảo đảm công bằng xã hội; Phát triển bền vững và môi trường; Tăng cường tính kết nối giữa các vùng kinh tế...
Với những phân tích nêu trên, ông Vinh bày tỏ hy vọng có thể giúp thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Đảng và Nhà nước hoạch định chính sách đúng đắn cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
"Nước ta đang đứng trước bước ngoặt của đổi mới và phát triển. Để đạt được khát vọng hướng tới Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là cải cách các vấn đề nêu trên. Chúng tôi tin tưởng rằng những thế hệ người Việt Nam hiện nay chắc chắn có đủ ý chí, bản lĩnh và năng lực để thực hiện", ông Vinh kỳ vọng
Quân đội kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ về chiến lược
Đó là nhận định của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, khi trình bày tham luận tại Đại hội Đảng XII, sáng 22-1.
Trong tham luận trình bày trước Đại hội, ông Ngô Xuân Lịch đánh giá những năm tới, trên thế giới, hòa bình hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Nhưng tình hình sẽ tiếp tục có biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, bất trắc, khó lường.
Do sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn mà môi trường chiến lược sẽ có nhiều biến động. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á tiếp tục phát triển năng động nhưng đây cũng là nơi cạnh tranh quyết liệt về chiến lược giữa các nước lớn.
Trong nước, chính trị-xã hội sẽ tiếp tục ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng… nhưng sẽ chịu sự chống phá quyết liệt bằng các hoạt động “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vào trong nội bộ ta.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam trình bày tham luận “Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc”. Ảnh: TTXVN
Với đánh giá ấy, đại diện cho đoàn đại biểu Đảng bộ quân đội, ông Ngô Xuân Lịch cho biết quân đội sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước để hoạch định đường lối, hoàn thiện cơ chế, chính sách quốc phòng. Đồng thời sẽ tham mưu để có đối sách phù hợp, xử lý thắng lợi các tình huống, các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ quốc tế, nhất là với các nước láng giềng, kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ về chiến lược...
Nhiệm kỳ tới tiếp tục đẩy mạnh xây dựng quân đội từng bước hiện đại. Quân đội sẽ thực hiện Đề án tổ chức lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, có cơ cấu tổ chức phù hợp, thành phần quân – binh chủng cân đối, hợp lý.
"Quân đội tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Quân đội, lãnh đạo toàn dân hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và dân giao phó", Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói và cho hay, xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngay từ thời bình là kế sách "lo giữ nước từ khi nước chưa nguy".(PLO)
1 triệu USD giúp người kém thị lực tại Cần Thơ, Cà Mau
Dự án được triển khai tại chín huyện ở hai địa phương, theo đó sẽ hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển mạng lưới dịch vụ giúp phát hiện và điều trị sớm các bệnh về mắt cho người dân.
Bà Trần Thị Thanh Hương, Trưởng đại diện tổ chức Orbis tại Việt Nam, cho biết khu vực ĐBSCL hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng dịch vụ chăm sóc mắt dẫn đến tỉ lệ mù lòa cao. Hiện khu vực này mới chỉ chú ý đến việc điều trị đục thủy tinh thể cho người già, còn các bệnh khúc xạ khác, đặc biệt là chăm sóc mắt cho trẻ em thì chưa được quan tâm phát triển. Theo bà, với thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 2018, dự án sẽ cải thiện đáng kể trình độ đội ngũ chuyên ngành và thực hiện việc hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là người nghèo được tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt chất lượng với chi phí hợp lý.
Gần 6.000 trường hợp vi phạm vứt hàng, bỏ trốn
Con số này được Chi cục Thú y TP.HCM đưa ra trong báo cáo tổng kết công tác kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh về TP.HCM năm 2015.
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, hiện nay có tới 85% động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại TP.HCM có nguồn gốc từ các tỉnh. Trong năm 2015 đơn vị tiếp nhận động vật và các sản phẩm động vật từ 34 tỉnh, thành cả nước. Đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện 8.725 vụ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vi phạm.
Tuy nhiên, chỉ có 2.864 trường hợp vi phạm đóng phạt với số tiền trên 6,5 tỉ đồng. 5.861 trường hợp vi phạm còn lại đều không đóng phạt do chủ phương tiện vứt hàng bỏ trốn khi phát hiện cơ quan chức năng kiểm tra.
Năm 2015, Chi cục Thú y TP.HCM triển khai 3 đợt kiểm tra tồn dư chất cấm salbutamol (tạo nạc, tăng trọng) tại 13 cơ sở giết mổ trên địa bàn. Qua đó, phát hiện 33/235 lô heo dương tính với chất cấm, ra quyết định xử phạt 410 triệu đồng.
Các tỉnh có nguồn heo dính chất cấm cao lần lượt gồm Đồng Nai (16 lô), Tiền Giang (7 lô), Long An (5 lô), Bà Rịa - Vũng Tàu (2 lô), Bến Tre (2 lô) và Vĩnh Long (1 lô). Đáng chú ý, có nhiều trường hợp tái phạm từ 2 đến 3 lần.
Theo đánh giá của Chi cục Thú y TP.HCM việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp, đặc biệt sắp tới Luật Thú y ra đời quyết định bỏ khâu kiểm dịch nội tỉnh sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn TP.HCM.