Cuối tuần trước, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có công văn gửi Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị dừng toàn bộ hoạt động của các xe Grabtaxi, Uber tại VN với lý do không tem, mào, hoạt động tự do không theo luật và tự định giá cước...
Nhà thầu Trung Quốc gian dối ở cao tốc
- Cập nhật : 14/06/2016
Quản lý thi công người Trung Quốc của nhà thầu Giang Tô bị đuổi do nhiều lần vi phạm về quản lý chất lượng thi công ở tuyến cao tốc hơn 1.300 tỉ đồng.
“Chúng tôi đã “đuổi” giám đốc thi công nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) vì làm ăn gian dối”. Ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thuộc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC), xác nhận với Pháp Luật TP.HCM.
Lấy đất xấu, lẫn rễ cây đắp nền
Nhà thầu Giang Tô phụ trách thi công gói thầu A3 qua huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Theo phản ánh của một số người dân, trong quá trình thi công, nhà thầu Giang Tô sử dụng đất, cát không đạt chất lượng. Nhiều đoạn còn dùng đất đen, đá to tại nơi dự án không cho sử dụng. Quá trình bốc phong hóa (bốc lớp đất bùn mặt trước khi đổ đất lên) chỉ làm lấy lệ. Tại Km 106+800 và khu vực Bàu Sen, nhà thầu Giang Tô còn để nguyên cây cối rồi đổ cát lấp lên. Ngoài ra, nhà thầu này còn sử dụng đất ở mỏ mà trước đó BQL dự án thí nghiệm không đạt chất lượng, không cho sử dụng.
Ông Phạm Tấn L. (huyện Bình Sơn) cho biết ông từng làm bảo vệ cho nhà thầu Giang Tô nên phát hiện nhiều thủ đoạn gian dối của họ. “Lẽ ra nhà thầu phải bốc lớp trên bề mặt đi nhưng họ chỉ ủi sơ rồi lấp đất, cát lên. Do thiếu đất đắp nền nên họ lấy thêm từ các mỏ đất xấu, lẫn lộn rễ cây để đắp nền”.
Liên quan đến vụ việc này, đơn vị tư vấn giám sát dự án cũng có văn bản gửi VEC và nhà thầu Giang Tô đề nghị bốc vật liệu đắp nền đường không đạt ra khỏi công trường và từ chối quản lý của đội thi công, gói thầu A3. Nguyên do trước đó, tư vấn giám sát phát hiện những sai phạm của nhà thầu như đổ, san gạt đất đắp nền đường lẫn nhiều rễ cây và hàm lượng hữu cơ cao. Với vật liệu này, chỉ bằng mắt thường đã nhận thấy không đạt tiêu chuẩn. Mặt khác, đất này nhà thầu tự ý đào lấy tại Km 102+980 (bên trái) là không được phép vì gây mất ổn định ta-luy nền đường...
Quản lý thi công nhiều lần vi phạm
Từ các phát hiện trên, tư vấn giám sát đề nghị nhà thầu di dời toàn bộ vật liệu không đạt tại Km 102+900 đến Km 103+00 ra khỏi công trường. Vật liệu đã vận chuyển về Km 105+650 thì phải loại bỏ hết đá to và thí nghiệm lại đất, nếu không đạt thì phải loại bỏ. Ngoài ra, nhân sự phụ trách thi công tại đoạn này là ông Guo Li Ping (quản lý thi công) đã nhiều lần vi phạm nên bị chủ đầu tư và tư vấn giám sát từ chối tiếp tục tham gia dự án.
Trong một diễn biến khác, tư vấn giám sát còn đem các mẫu vật liệu tại Km 101+460 đến Km 101+740 thí nghiệm và cho thấy chúng không đạt. Tư vấn giám sát khẳng định vật liệu này ảnh hưởng xấu đến chất lượng thi công, xử lý nền đất yếu nên phải lập tức tạm thời dừng thi công tại những vị trí trên cho đến khi loại bỏ và thay thế vật liệu đạt chuẩn. Tư vấn giám sát cũng ra cảnh báo lần cuối đối với ông Nguyễn Phú Ân, Giám đốc quản lý chất lượng của nhà thầu Giang Tô, về sự cẩu thả, đặc biệt việc quản lý chất lượng vật liệu. Nếu sự cố còn xảy ra lần nữa, tư vấn sẽ kiến nghị chủ đầu tư sa thải ông Ân khỏi dự án.
Ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc BQL dự án, xác nhận đã nhận được đơn thư tố cáo của người dân và chủ đầu tư đã trả lời và giải trình với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước. “Phần lớn các nội dung phản ánh này đã được tư vấn giám sát xử lý xong. Trong đó, BQL dự án và tư vấn giám sát cũng yêu cầu nhà thầu khắc phục” - ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, toàn bộ dự án (dài hơn 139 km) đều có tư vấn giám sát thường xuyên kiểm soát chất lượng. Tuy nhà thầu có lúc làm dối nhưng đã bị tư vấn giám sát và chủ đầu tư phát hiện, yêu cầu khắc phục ngay. “Trường hợp nào làm ăn gian dối thì phải chịu trách nhiệm. Mới đây, VEC đã làm việc với tư vấn giám sát và nhà thầu để thông báo mọi việc làm của các anh trên công trường đều có sự giám sát của người dân” - ông Hưng nhấn mạnh.
Về nguồn gốc, chất lượng vật liệu dùng để thi công tuyến cao tốc trên, ông Hưng nói BQL chỉ giám sát về chất lượng còn nguồn gốc thì nhà thầu phải tự chịu trách nhiệm. Sắp tới, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ vào kiểm tra thực tế công trình.
Gói thầu A3 của tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 10,6 km do nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) phụ trách thi công. Tổng giá trị gói thầu này khoảng 1.360 tỉ đồng, thực hiện từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong các lần kiểm tra thực địa, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu VEC phải kiểm soát chặt chẽ đầu vào vật liệu để đảm bảo chất lượng thi công, đồng thời xử lý nhà thầu nào không tuân thủ hoặc sử dụng nguồn đất, cát trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng để thi công.
LỆ THỦY
Theo Plo.vn