Vàng hết hấp dẫn?
Kiện cơ quan thuế vì thu thuế với người ủy quyền
Hà Nội đề xuất mua xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm
Điều tra sai phạm thuế của Công ty cổ phần du lịch Bông Sen
Phải đảm bảo không gian ven biển phục vụ công cộng
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 14-06-2016
- Cập nhật : 14/06/2016
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2015
Phát biểu khai mạc phiên họp 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 13-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong ngày làm việc thứ ba của phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc xử lý và phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2015.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Truyền hình, phát thanh trực tiếp phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội.
Chưa đưa Hiệp định TPP vào chương trình kỳ họp
Cũng trong phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014.
Các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng sẽ nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng khác trong phiên họp như dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017, việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Báo cáo Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV trong sáng 13-6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến kỳ họp thứ nhất sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 30-7 với một số nội dung chính: Xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của nhà nước; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết hoặc quyết định các vấn đề cần thiết…
Về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp thứ 11, đại biểu Quốc hội khóa XIII đã được tiếp cận với Báo cáo về kết quả đàm phán, ký kết Hiệp định TPP, theo kế hoạch của Chính phủ, sẽ trình Hiệp định để Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chưa có văn bản chính thức về vấn đề này, nên chưa bố trí vào dự kiến chương trình.
Liên quan đến Hiệp định TPP, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, mặc dù Chính phủ đã có chương trình báo cáo Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ nhất nhưng đây là bài toán tổng thể rất quan trọng, nên đề nghị cân nhắc, chưa đưa vào chương trình nội dung này.
Đại biểu sẽ đứng lên trong lễ tuyên thệ
Về công tác nhân sự, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi Quốc hội bầu xong nhân sự, Thường vụ Quốc hội sẽ họp ngay, bầu các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ và các Phó chủ nhiệm ủy ban. Liên quan đến lễ tuyên thệ, theo ông Phúc, dự kiến khi tuyên thệ, các đại biểu Quốc hội sẽ đứng lên, đoàn Chủ tịch đi xuống để nghe lời tuyên thệ.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, chưa nên đưa Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào chương trình kỳ họp cho đến khi có Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa mới.
Kết luận nội dung thảo luận này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Nhất trí thực hiện chương trình nhân sự trước, sau mới triển khai các nội dung khác. Chủ tịch Quốc hội cũng quyết định, truyền hình, phát thanh trực tiếp phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, chưa bàn đến Hiệp định TPP. Chủ tịch Quốc hội đồng tình tất cả đại biểu sẽ đứng lên khi thực hiện nghi thức tuyên thệ. (HQ)
Vay nợ ngân hàng và cái "buông tay" nhiều hệ lụy
Vụ việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và ngân hàng tại chung cư Harmona (TP.HCM) đang làm dấy lên lo ngại về những vụ việc tương tự sẽ xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân cũng như thị trường bất động sản. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Báo Hải quan về vấn đề này.
Thưa ông, vì sao dẫn đến những trường hợp đáng tiếc xảy ra như ở chung cư Harmona vừa qua?
Nhiều hay ít tôi không dám khẳng định, nhưng chắc chắn tại TP. HCM có hàng chục trường hợp tương tự. Trước đây chung cư của một đơn vị thuộc Bộ Xây dựng cũng đã xảy ra tình trạng này. Lý do, theo tôi trong giai đoạn thị trường BĐS khó khăn (từ 2007-2008) nhiều DN “dở sống dở chết”, nhiều DN trắng tay, thậm chí âm vốn trong giai đoạn này. Lãi suất ngân hàng từ 8% lên 28% trong khi hầu hết các DN sử dụng đòn bẩy là vốn vay ở mức gấp 4-5 lần vốn sở hữu. Nhiều DN đã phải dùng tiền, tài sản riêng của DN để cứu DN, tránh phá sản. Thứ hai, nhiều DN đầu tư dàn trải, làm một lúc 2-3 dự án, đến khi thị trường đóng băng thì các dự án không chuyển thành tiền được, trong khi DN phải trả lãi và trả vốn. Mầm mống của đổ vỡ đã có từ 3-4 năm nay. Nhiều DN đã tìm cách bán tài sản để bù lỗ, chấp nhận trắng tay. Có những DN thoát được, nhưng cũng có những DN không thoát được và vẫn nợ ngân hàng. Sau này, giai đoạn 2014-2015 khi thị trường ổn định dần, nhiều DN đã “đi được tới nơi, về tới chốn”, bán được nhà cho khách nhưng món nợ ngân hàng vẫn "treo" lại, chưa có cách nào gỡ được, ngoại trừ những dự án cất đến nóc rồi vẫn chết. Lỗi này về pháp lý hoàn toàn do DN.
Theo ông, câu chuyện quản lý ở đây có lỗ hổng không, khi chưa được giải chấp nhưng chủ đầu tư vẫn bán được căn hộ? Trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?
Thực tế, DN và ngân hàng luôn bắt tay nhau, có mối quan hệ riêng. Ngân hàng hiểu hết nỗi khổ của DN, ngay cả chuyện DN bán hết dự án mà chưa trả tiền vay ngân hàng. Nhưng vì sống trên một con thuyền, nếu tung hê lên quá thì DN “chết”, ngân hàng cũng “chết” theo nên ngân hàng phải im lặng, chờ một sự biến đổi của thị trường để DN thu vén dự án, nợ nần để trả tiền cho ngân hàng. Ví dụ, dự án đang trong thời kỳ hoàn thiện, người dân đã nộp 80% tiền nhà, còn 15% nữa, nếu ngân hàng công bố thì DN sẽ không thu được hết tiền để trả nợ. Lúc đó, DN cũng “chết”, dự án sẽ thành một khối bê tông đen sì, và người dân cũng “chết” vì không có nhà để ở. Lúc đó hai bên đều phải cùng nhau im lặng để dân đóng đủ tiền nhà và khi người dân nhận được nhà là lúc đã vượt qua được giai đoạn sinh tử. Sau đó, hai bên hy vọng từng bước gỡ nợ cho nhau, nhưng trường hợp này nợ lớn và quá lâu, không có khả năng trả. Trong trường hợp cụ thể của Harmona, DN phạm 2 lỗi, một là thế chấp dự án này, hai là mang sổ đỏ căn hộ đã bán cho người dân đem đi thế chấp cho ngân hàng một lần nữa, đây là lỗi rất lớn. Đến lúc này có lẽ ngân hàng không đòi được vốn, không thu được lãi nên phải “buông tay” bằng cách công bố thông tin, tạo áp lực buộc DN trả tiền.
Trong vụ việc này, trách nhiệm thuộc về ngân hàng và DN, người dân đứng giữa chịu thiệt thòi. Vậy trong trường hợp tranh chấp như thế này, quyền lợi của người dân sẽ do ai bảo vệ, thưa ông?
Người dân là nạn nhân, vì họ không thể hiểu hết việc dự án có thế chấp hay chưa, đã trả vốn và lãi cho ngân hàng chưa. Tuy nhiên, chắc chắn người dân sẽ không mất nhà, vì người dân là số đông, căn nhà là cả tài sản của họ, không bao giờ pháp luật, dư luận để cho họ mất nhà vì đó là tài sản hợp pháp của họ. Vấn đề là phải khéo léo xử lý bởi ở đây 80% là lỗi của DN, 20% lỗi thuộc về ngân hàng.
Theo ông, cần có cơ chế nào để đảm bảo tính công khai minh bạch của thị trường BĐS? Cơ quan quản lý cần làm gì để tránh được những trường hợp tương tự xảy ra?
Cơ quan quản lý Nhà nước đã dự trù những trường hợp này, do đó đã có quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Nhưng việc bảo lãnh mua bán nhà chưa thực sự đi vào thực tế vì việc thực hiện rất khó. Người dân mua nhà là đánh cược với rủi ro, vì dự án thi công xong móng ngừng không xây dựng nữa dân cũng phải chịu, xây đến tầng 6, tầng 7 ngừng lại dân cũng phải chịu và thậm chí đã cất nóc hoặc đang hoàn thiện nhưng dừng lại thì dân cũng phải chịu. Thậm chí giao nhà, nhận nhà rồi nhưng dự án vướng mắc, không làm được sổ đỏ dân cũng phải chịu. Người dân hầu như “may nhờ rủi chịu” mà thường thì rủi nhiều hơn may. Tìm giải pháp để bảo vệ quyền lợi người dân cũng khó. Nhà nước đã có quy định về bảo lãnh nhà ở, nhưng thực tế ít ngân hàng dám bảo lãnh dự án. Chính quyền cũng đã thấy lỗ hổng này, cũng đo lường được sức khỏe của nhiều DN qua cuộc "trường chinh" vừa rồi, nhưng theo tôi biết, số dự án được bảo lãnh là không nhiều. Cơ chế công khai minh bạch không dễ, người dân không biết dự án DN vay ngân hàng bao nhiêu, quỹ tiền mặt, tài sản của DN là bao nhiêu, Nhà nước cũng chưa có cách gì để tìm hiểu những vấn đề đằng sau câu chuyện này.
Để không vướng nợ xấu liên quan đến những vụ việc tranh chấp vừa qua, theo ông, các ngân hàng cần có biện pháp gì để lấp lỗ hổng trong quản lý dòng vốn?
Về nguyên tắc, ngân hàng có nhiều biện pháp, như đánh giá tài sản thế chấp, đánh giá DN, dự án, phương án kinh doanh... nhưng thực tế có khi hai bên "bắt tay" nhau và đã có nhiều dự án cho vay không đúng quy định. Do đó, đã có hàng loạt lãnh đạo ngân hàng từ cấp chi nhánh đến cấp trung ương đã vướng vào lao lý khi cho vay bừa bãi trong thời gian qua. Lỗi chính là ở ngân hàng, họ là người giữ tiền nhưng đã dễ dãi, mở cửa, thậm chí chỉ dẫn cho DN để “rút” tiền từ ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng chịu nhiều áp lực “chỉ định” cho vay, dù hồ sơ không đủ điều kiện, tài sản thế chấp không tương xứng với tiền cho vay, dẫn đến khả năng “vỡ trận” rất lớn. Đây là câu chuyện không mới nhưng báo động tình trạng nợ xấu ngân hàng. Với nợ xấu trong BĐS, có trường hợp không thu hồi được, ví dụ trường hợp Harmona còn nợ ngân hàng hơn 240 tỷ đồng, giả sử Harmona không trả được nợ thì món nợ sẽ vẫn treo ở đó, nhưng ngân hàng không thể đuổi người dân ra khỏi nhà được, tài sản hữu hình (ngôi nhà) vẫn là của họ, chỉ có điều không làm được sổ đỏ, nghĩa là họ bị mất đi tài sản vô hình.
Kinh nghiệm nào cho người dân khi mua nhà sau câu chuyện của Harmona, thưa ông?
Trong trường hợp này, người dân chịu thiệt thòi lớn nhất. Rất may cho họ vì họ đã nhận được nhà, nhiều người mua nhà ở nhiều dự án khác đã không có may mắn này khi dự án đình trệ nhiều năm nay. Câu hỏi người dân cần làm gì để không bị rơi vào trường hợp này là rất khó trả lời, vì có những trường hợp chủ đầu tư lớn cũng bị vướng vào vấn đề này. Nếu theo dự án từ đầu, khi mới xây xong móng, gần như người dân đang mua vé số mà phải 3 năm sau mới biết có nhà hay không. Về phía Nhà nước, nếu ra nhiều quy định quá thì DN không làm được, vì không có DN nào đủ sức đầu tư từ đầu mà không phải vay ngân hàng, sẽ phải lệ thuộc vào lãi suất ngân hàng. Không thể nói là bó tay với tình trạng này, nhưng rất khó để đối phó. Theo tôi, người dân nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ càng để chọn được những dự án của chủ đầu tư uy tín, có tính khả thi, tiến độ thi công nhanh và chắc.
Chủ tịch TP HCM: 'Sẽ xây tổ để mời đại bàng'
Ngày 13/6, làm việc với các doanh nghiệp trẻ thuộc Tổ chức lãnh đạo trẻ Việt Nam (YPO), ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định thành phố cam kết tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào đây. Theo ông Phong, mục tiêu của TP HCM là phấn đấu để trở thành một trung tâm kinh tế thương mại đầu tàu và là động lực kinh tế của cả nước.“Chính vì vậy, tiêu điểm của TP HCM năm tới là nhắm tới phát triển như các thành phố khu vực Đông Á. Nếu đặt tầm nhìn không đúng mức, mọi nỗ lực sẽ không đạt yêu cầu. Hiện nay, vấn đề đặt ra cho lãnh đạo cũng như đội ngũ cán bộ thành phố là xác định tầm nhìn cho mình để tạo sự thay đổi hướng đến mục tiêu. Trong quá trình hướng đến mục tiêu, tôi hy vọng các doanh nghiệp cùng với thành phố bắt tay để xây dựng TP HCM trở thành đầu tàu và động lực phát triển kinh tế của cả nước”, ông Phong chia sẻ.
Chủ tịch TP HCM cho biết để hướng tới mục tiêu, thành phố đang phối hợp với các viện kinh tế và chuyên gia trình Trung ương cơ chế thúc đẩy thành phố phát triển. Bên cạnh đó, ông kêu gọi các doanh nghiệp tạo ra sự chuyển biến đột phá mang tính chất khởi nghiệp.
“Khởi nghiệp ở đây không phải là chập chững bước vào thương trường mà khởi nghiệp là chuyển biến đổi mới để vững vàng cạnh tranh với các thương hiệu lớn, với những sản phẩm chất lượng. Khi chúng ta gia nhập TPP, hàng rào thuế quan đã được gỡ bỏ thì các doanh nghiệp phải có sự chuyển biến mang tính đột phá để cạnh tranh. Sự đổi mới không chỉ riêng doanh nghiệp, đội ngũ quản lý cũng phải đổi mới để bắt tay cùng doanh nghiệp tạo một môi trường cạnh tranh năng động”, ông Phong giải thích, đồng thời khẳng định, mối quan tâm lớn của TP HCM là hạ tầng đô thị và môi trường đầu tư kinh doanh. Người đứng đầu thành phố kêu gọi mọi người chia sẻ đồng hành để xây dựng TP HCM trở thành trung tâm phát triển dịch vụ giá trị gia tăng cao, là trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm của những tập đoàn lớn trên thế giới.
“TP HCM sẽ xây tổ để mời đại bàng”, ông Phong ví von.
Sự chân tình của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khiến các lãnh đạo doanh nghiệp hồ hởi đóng góp ý kiến. Ông Don Lâm, Tổng giám đốc VinaCapital Group cho rằng thành phố nên có sẵn “sản phẩm” để các nhà đầu tư có thể mua và bán, cụ thể như trái phiếu hay các công ty cổ phần. Để thu hút những nhà đầu tư hạ tầng, cần chuẩn bị sẵn để họ đầu tư, bởi các nhà đầu tư rất ngại việc sẽ mất 3-4 năm trời để đàm phán.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty AA Corporation góp ý thành phố cần có trung tâm triển lãm tầm cỡ. Hiện TP HCM mới chỉ có nhà triển lãm với diện tích khiêm tốn 20.000 m2 ở quận 7, trong khi Singapore đã có trung tâm 200.000 m2, Quảng Châu sở hữu trung tâm 800.000 m2. “Cần có trung tâm triển lãm rộng lớn để tập trung lôi kéo doanh nghiệp đến thúc đẩy giá trị gia tăng”, ông Khanh hiến kế.
Lấy Thủ Thiêm làm tâm điểm cho phát triển thành phố, ông Võ Sỹ Nhân, Tổng giám đốc NP Capital Partner Limited cho rằng, TP HCM có cơ hội phát triển Thủ Thiêm rất lớn nhưng hiện tại chỉ mới phát triển phần cứng còn phần mềm chưa được quan tâm.
“Thủ Thiêm cần những tuyến metro, những cây cầu để kết nối, tuy nhiên, để trở thành trung tâm tài chính thương mại, dịch vụ cao cấp thì cần phải có những phần mềm. Đó là những chính sách khác biệt để thu hút các nhà đầu tư về phía Đông thành phố. Để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, những quỹ đầu tư và định chế tài chính lớn, Thủ Thiêm cần có những phần mềm như chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, tạo điều kiện làm visa…”, ông Nhân khiến nghị, đồng thời không quên góp ý thành phố cần chấn chỉnh lại bộ mặt của sân bay Tân Sơn Nhất - cửa ngõ đón khách quốc tế.
“Cách sắp xếp đưa đón của taxi trong nhà ga rất lộn xộn cần sắp xếp lại vì đây là hình ảnh đầu tiên của chúng ta đối với cộng đồng quốc tế khi đặt chân xuống TP HCM”, ông Nhân trăn trở.
Đại diện cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nhân Trần Văn Trọng đề nghị thành phố cần nghiên cứu chỗ cho những doanh nghiệp này vì quy mô và vốn của họ không đủ để dời đi quá xa trung tâm thành phố, thậm chí phải dời qua các tỉnh khác. Địa điểm phù hợp theo ông Trọng gợi ý là Thủ Thiêm.
Trả lời về các bất cập trong sân bay, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thẳng thắn chia sẻ: “Tôi nhiều lần không đi theo tiêu chuẩn phòng VIP mà đi hạng bình thường nên đã chứng kiến được sự lộn xộn ở sân bay Tân Sơn Nhất và đã có kiến nghị lên Cục Hàng không rồi. Vì vấn đề trong sân bay Tân Sơn Nhất không thuộc thẩm quyền của thành phố”.
Còn với việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chủ tịch Phong cho biết thành phố đang phối hợp với Đại học Kinh tế TP HCM làm đề án giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tận dụng diện tích nhỏ để sản xuất sản phẩm. Tuy nhiên, đất Thủ Thiêm không có, nên thành phố đã dành 80ha đất ở Hiệp Phước cho các doanh nghiệp này.
"Tôi thấy ở Nhật Bản có doanh nghiệp chỉ cần 50 đến 100 m2 mà vẫn tiến hành sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ xuất khẩu toàn cầu. Hiện nay, thành phố đã xây nhà xưởng như vậy trong khu chế xuất Tân Thuận với tòa nhà 7 tầng và đã được thuê hết”. Về trung tâm triển lãm, ông Phong cho biết đang chỉ định một đơn vị nghiên cứu xây dựng trung tâm triển lãm 17ha tại TP HCM.
Nguyên Bộ trưởng Công thương bị hỏi việc con trai “nhảy cóc” làm lãnh đạo
Nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nhận được thư chất vấn của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính về việc Bộ Công thương dưới thời ông làm bộ trưởng đã bổ nhiệm con trai ông là Vũ Quang Hải làm lãnh đạo Sabeco.
Cụ thể, trong văn bản vừa được công bố ngày 13-6, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã hỏi hàng loạt vấn đề về nhân sự tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), doanh nghiệp lớn hàng đầu TP.HCM.
Văn bản gửi ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương (quyết định bổ nhiệm con trai ông Hoàng do bà Hồ Thị Kim Thoa ký).
Tại văn bản, VAFI cho biết, năm 2015, ông Vũ Quang Hải (con trai ông Vũ Huy Hoàng) khi đó 28 tuổi đã được lãnh đạo Bộ Công Thương điều động về Sabeco ở vị thế hàm Phó vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là Thành viên HĐQT, đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc.
Báo chí trước đây cũng đã nêu nhiều về việc năm 2011, ông Vũ Quang Hải từng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí VN (PVFI - trong ngành công thương do ông Vũ Huy Hoàng phụ trách).
Trong hai năm mà ông Hải trực tiếp điều hành, theo VAFI, công ty có vốn điều lệ hơn 300 tỉ đồng này đã lỗ liên tiếp hai năm liền. Năm 2011 lỗ 155 tỉ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỉ đồng.
VAFI đưa ra hàng loạt câu hỏi: Việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải khi mới 25 tuổi làm Tổng giám đốc PVFI là đúng hay sai, ai chịu trách nhiệm gánh hậu quả làm mất vốn nhà nước và vốn của 4.700 cổ đông?
VAFI nêu rõ sau khi doanh nghiệp lỗ, ông Vũ Quang Hải được điều động về Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương do ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng). Và thực tế, ông này đã nhanh chóng thăng tiến rất nhanh.
VAFI cũng đặt câu hỏi: Cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải lên chức danh Phó vụ trưởng, người mới chỉ làm công chức được 1 năm, không biết hoạch định chính sách, lại làm doanh nghiệp thua lỗ 2 năm?
VAFI cũng đặt câu hỏi, cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐTQ và Phó tổng giám đốc của Sabeco?
Ngày 13-6, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên tục gọi điện vào số điện thoại nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng từng dùng khi làm Bộ trưởng để hỏi về việc bị chất vấn cũng như việc tiếp nhận, bổ nhiệm và cho luân chuyển lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), tuy nhiên, sau khi đổ chuông, điện thoại luôn được tắt, không ai nghe máy.