“Thể chế và con người là hai nhân tố quyết định cho phát triển đất nước” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 14-06-2016
- Cập nhật : 14/06/2016
Đồng Nai hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản
Trong 5 tháng đầu năm 2016, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Đồng Nai 10 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 50 triệu USD, chiếm gần 23% tổng số dự án và chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư của các dự án FDI thu hút mới.
Lĩnh vực đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp Nhật Bản là công nghiệp phụ trợ, điện tử, công nghệ cao. Hiện Đồng Nai đang xếp thứ 4 trong cả nước về thu hút đầu tư từ Nhật Bản.
Trong 5 tháng đầu năm 2016, Đồng Nai đã vượt lên và dẫn đầu các địa phương, thu hút được gần 900 triệu USD vốn FDI, chiếm 15% tổng vốn FDI trong cả nước.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Quốc Hùng, mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển, các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng quan tâm và đánh giá cao môi trường đầu tư tại Đồng Nai. Cuối tháng 4-2016, gần 70 doanh nghiệp Nhật Bản đã tham dự Hội nghị doanh nghiệp xúc tiến đầu tư Nhật Bản tại Đồng Nai. Trước đó, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận, tìm kiếm thị trường, đối tác tại Nhật Bản, cũng như quảng bá thị trường Việt Nam đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, giữa tháng 4-2016, đoàn công tác xúc tiến đầu tư và du lịch của Đồng Nai cũng đã đến thăm và làm việc tại Thành phố Osaka và Tokyo của Nhật Bản.
Ông Hùng khẳng định, chính quyền Đồng Nai luôn xác định các doanh nghiệp Nhật Bản là những đối tác lớn, đầy tiềm năng nên tỉnh Đồng Nai đã hình thành riêng các KCN ưu tiên cho doanh nghiệp Nhật Bản như KCN Long Đức, KCN Nhơn Trạch 3. Hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản trong các KCN này đều hoạt động hiệu quả. Chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng đã thành lập “Bàn Kansai” – là bộ phận một cửa thuộc Chính quyền tỉnh Đồng Nai. Trong 3 năm qua, Bàn Kansai đã trở thành nơi tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, đặc biệt là từ vùng Kansai, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác, thuận lợi; là cầu nối giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và cơ quan quản lý Nhà nước ở Đồng Nai.
Mới đây, Cục Hải quan Đồng Nai cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai nhằm mục đích đẩy mạnh và phát triển mối quan hệ đối tác Hải quan – doanh nghiệp. Thông qua nội dung thỏa thuận hợp tác, hai bên mong muốn thiết lập một kênh thông tin trực tiếp giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp để cùng thực hiện tốt các quy định pháp luật liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tăng cường quản lý nhà nước về hải quan.
Tính trong tháng 5-2016, kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt được 322 triệu USD, chiếm 13,4% kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh (2,4 tỷ USD); đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 35 tỷ đồng từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Lũy kế trong 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt trên 1,5 tỷ USD, chiếm 13,6% kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh (11 tỷ USD); đóng góp vào ngân sách Nhà nước 782 tỷ đồng tiền thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chiếm tỷ trọng trên 14% số thu trên địa bàn.
Khách nước ngoài đang mua nhà nhiều hơn
Tính tới nay, đã gần tròn 1 năm kể từ ngày 1-7-2015, khi Luật nhà ở sửa đổi có hiệu lực thi hành từ, trong đó điểm nổi bật nhất là quy định cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Quy định được ghi tại Điều 159 của Luật này đã thổi 1 làn gió mới giúp lên thị trường bất động sản.
Thực tế cho thấy, sự cởi trói từ việc tháo gỡ các điều kiện cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại VN, nhiều người nước ngoài đang để mắt tới thị trường sơ khai đầy tiềm năng này.
Chỉ "để ý" dự án "hot"
Dù tiềm năng của phân khúc nhà ở dành cho khách nước ngoài còn rất lớn nhưng theo nhiều chuyên gia, phân khúc này không dành cho nhiều chủ đầu tư vì người nước ngoài vốn có thói quen sinh hoạt tại các nước tiên tiến nên rất kỹ tính, các dự án phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì mới có khả năng được họ “để ý”.
Trên thực tế, giá cả đối với người nước ngoài có thể không quan trọng nhưng những vấn đề về an ninh, an toàn, các dịch vụ tiện ích, nhất là về trường học và môi trường sống cho con cái luôn được quan tâm hàng đầu và phải đạt chuẩn.
Khách hàng nước ngoài cũng rất chú trọng về văn hóa, không gian sống bên trong căn hộ, các tiện ích phục vụ việc chăm sóc bản thân, giải trí… Để các dự án triển khai đáp ứng được đòi hỏi khắt khe này, chủ đầu tư phải thực sự có uy tín, đủ tiềm lực và am hiểu thị trường.
Quan sát tại các buổi ra mắt và mở bán một số dự án BĐS cao cấp tại Quận 7 như River City, Angia Skyline, Angia Riverside… đều có khách nước ngoài quan tâm và tỷ lệ nhóm khách này đặt mua đạt trên 15%, trong đó chủ yếu là người Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Anh, Mỹ…
Nhiều dự án được đảm bảo uy tín bởi những tên tuổi hàng đầu hoặc có hợp tác với nước ngoài dễ được khách ngoại “gật đầu” khi chọn mua nhà ở VN.
Tại khu căn hộ River City tọa lạc tại 422 Đào Trí, quận 7, TP.HCM đã thu hút hàng trăm khách hàng nước ngoài đến tham quan và đặt mua. Sở dĩ có được điều này vì dự án được hợp tác bởi Phát Đạt - An Gia Investment - Creed Group (Nhật Bản).
Ông Yoshinori Yakabe, phó Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, nhận định với việc tham gia TPP, Việt Nam đã bước vào sân chơi toàn cầu, trở thành quốc gia năng động, tăng trưởng mạnh, thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế đến làm ăn, du lịch, định cư...
Đây là cơ hội vàng để đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt là trong năm 2016.
Trao đổi với chúng tôi, ông Park Sengmuk (người Hàn Quốc) cho biết ông cần một căn hộ với vị trí tốt và tiện ích đầy đủ.
“Tôi chọn các dự án có vị trí ngay trung tâm thành phố, thuận lợi về giao thông, di chuyển nhanh chóng đến khu trung tâm Q.3, Q.1, đáp ứng nhu cầu làm việc và sinh hoạt tại Q.7 và các quận trung tâm. Môi trường trong lành, tiện nghi đầy đủ, cộng đồng cư dân văn minh bởi tôi cần cảm giác thoải mái như đang sống tại chính đất nước của mình, bớt đi cảm giác xa nhà” - ông nói.
Cuối tuần qua ông Park Sengmuk đã chọn mua một căn hộ tại dự án tại River City ở khu quận 7 (TP.HCM).
Trong khi đó ông Chao Chih-Hung (Đài Bắc) lại cho rằng “River City là một dự án đáng để lựa chọn".
"Ở đây, vừa thuận tiện cho công việc với hệ thống giao thông hoàn chỉnh, vừa thoải mái thư giãn sau một ngày làm việc vất vả như tập gym, bơi lội, chạy bộ hay thưởng thức các dịch vụ cao cấp với hàng loạt tiện ích nội khu độc đáo.
Đặc biệt, tôi hoàn toàn bất ngờ khi tại Việt Nam lại có một dự án đẳng cấp, xây dựng hẳn một Biển đảo nhân tạo 1 ha ngay trong khu căn hộ như River City, điều mà ngay tại các nước khác cũng rất hiếm thấy”, ông Chao cho biết.
Đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bá Sáng, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ An Gia Investment, đại diện chủ đầu tư dự án căn hộ River City chia sẻ: “Chúng tôi không bất ngờ khi có một lượng lớn khách hàng nước ngoài mua căn hộ River City. Vì ngay từ khi bắt tay phát triển dự án, chúng tôi luôn chú trọng vào chất lượng căn hộ phải đảm bảo được các tiêu chuẩn quốc tế với mức giá vô cùng hợp lý so với thu nhập của nhóm khách này”.
Ông Sáng cho biết thêm, mọi chi tiết thiết kế được cập nhật theo xu hướng hiện đại, tiện ích nội khu phải đầy đủ và khác biệt tạo nên một môi trường sống văn minh, lý tưởng ngay trung tâm thành phố.
Vị trí dự án cũng là một lợi thế của chúng tôi khi River City đang sở hữu một quỹ đất vô cùng hiếm có với 3 mặt giáp sông Sài Gòn, ngay trung tâm quận 7, cơ sở hạ tầng hiện đại, hoàn thiện, không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước mà còn của khách hàng nước ngoài.
Đặc biệt, bên cạnh uy tín của Phát Đạt và An Gia Investment thì sự tham gia của Quỹ đầu tư của Creed Group đã thu hút được một lượng đáng kể khách hàng người Nhật Bản, vì họ tin tưởng rằng, kinh nghiệm triển khai dự án của Creed Group sẽ mang đến những căn hộ chất lượng và môi trường sống tốt như chính tại quốc gia của họ.(TT)
Xem xét tăng phí phục vụ khách trên chuyến bay nội địa
Cục trưởng cục hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết cơ quan này đang xem xét lại các quy định về phí dịch vụ hàng không trình Bộ Giao thông Vận tải.
Trong đó có việc thay đổi phí phục vụ hành khách đi trên các chuyến bay quốc nội ở một số sân bay.
Ông Thanh cho biết trước đó, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) có văn bản trình bộ GTVT về kế hoạch đầu tư dự án giai đoạn 2016-2020 của ACV, trong đó đề cập đến việc tăng mức phí phục vụ hành khách.
Ông Thanh cho biết việc thay đổi mức phí này là theo quy định của Luật hàng không và mức thu phí dịch vụ hiện nay của các hãng hàng không ở một số sân bay địa phương đang ở mức thấp (4,5-5 triệu đồng/chuyến bay) không đủ chi phí hoạt động.
Tình trạng này đã xảy ra việc nguồn thu của các sân bay lớn phải chia sẻ bù lỗ cho một số sân bay địa phương. Trong khi tốc độ phát triển của hàng không nội địa đang ngày càng tăng, áp lực kinh doanh và tái đầu tư hạ tầng sân bay là rất lớn nhưng chưa cân đối được nguồn tài chính.
Theo ông Thanh, trong tháng 6-2016, Cục hàng không phải trình Bộ GTVT đề nghị thay đổi các mức phí dịch vụ này, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá vé máy bay.
Theo đó, mức trần vé hàng không nội địa vẫn sẽ do nhà nước kiểm soát, còn các dải giá bên dưới, các hãng hàng không sẽ tự cân đối sau khi tính các mức phí dịch vụ hàng không mới
Nhiệt điện Sông Hậu 1 và Long Phú 1 chậm tiến độ
Đoàn công tác Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa đến kiểm tra tiến độ dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 (tỉnh Hậu Giang) và dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (tỉnh Sóc Trăng).
Chủ tịch HĐTV PVN Nguyễn Quốc Khánh kiểm tra tiến độ dự án tại công trường Nhà máy Nhiệt Điện Sông Hậu 1.
Đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) Điện lực Dầu khí (ĐLDK) Sông Hậu 1 cho biết, đến nay công tác thiết kế của dự án đạt 25,19%, công tác lựa chọn nhà thầu, mua sắm, chế tạo đạt 18,89% và công tác thi công xây lắp đạt 5,94%. Tổng tiến độ lũy kế của dự án đến hết tháng 5-2016 đạt 12,12%, chậm 1,11% so với kế hoạch.
Theo đó, công tác thiết kế phần công nghệ đã cơ bản được kiểm soát theo tiến độ, tuy nhiên một số hạng mục còn chậm do quá trình lựa chọn nhà thầu phụ và thay đổi giải pháp thiết kế theo hướng tối ưu bị kéo dài.
Tiến độ thi công ép cọc và thi công móng lò hơi, tuabin, máy phát đang chậm so với tiến độ, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng bởi thời tiết và tiến độ sản xuất cọc vận chuyển về công trường còn chậm.
Theo nhận định của Chủ tịch HĐTV PVN Nguyễn Quốc Khánh, trong thời điểm hiện tại, dự án NMNĐ Sông Hậu 1 bị chậm tiến độ hơn so với dự kiến một phần do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa Ban QLDA và Tổng thầu LILAMA trong phương pháp quản lý điều hành.
Ông Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh: Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 là công trình lớn, mang tính trọng điểm của quốc gia, vì vậy, các bên liên quan phải có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau để dự án được triển khai theo đúng tiến độ đã đề ra.
Đối với dự án Long Phú 1, Ban QLDA cho biết, công tác thiết kế, mua sắm, chế tạo lò hơi, tuabin, máy phát... cơ bản đáp ứng được yêu cầu, còn lại tiến độ thiết kế bị chậm 7% do sự điều phối công việc giữa các nhà thầu chưa tốt.
Ban QLDA đã yêu cầu các nhà thầu có giải pháp bù lại tiến độ chậm trễ và các nhà thầu cũng cam kết sẽ lấy lại tiến độ đã chậm trước 31-8-2016.
Công tác thi công xây dựng, lắp đặt do Tổng công ty Kỹ thuật dich vụ Dầu khí (PTSC) và các nhà thầu phụ thực hiện đáp ứng được bản tiến độ dự án, tuy nhiên công tác lắp đặt kết cấu thép lò hơi có nguy cơ chậm trễ do tiến độ cung cấp vật tư đến công trường bị chậm so với kế hoạch.
Chủ tịch Nguyễn Quốc Khánh cũng đặc biệt nhấn mạnh về sự tương tác, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa chủ đầu tư, Liên danh tổng thầu và các nhà thầu phụ là vấn đề cốt lõi để thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã đề ra.