Sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh có sự chuyển dịch tích cực.
Tin trong nước đọc nhanh 05-09-2015
- Cập nhật : 05/09/2015
Nga và Nhật Bản hợp tác khoan thăm dò dầu khí ở Việt Nam
Theo Reuters, ngày 4/9, Tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga Rosneft và Tập đoàn dầu khí Nhật Bản (JDC) đã ký kết một thỏa thuận khoan thăm dò các giếng dầu ở ngoài khơi thềm lục địa của Việt Nam.
Giám đốc điều hành của Rosneft Igor Sechin cho biết: “Chúng tôi hiện đang mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khai thác và sản xuất hydrocarbon thông qua việc thực hiện các hợp đồng không chỉ ở Nga mà ở cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương."
Công ty Rosneft Vietnam B.V thuộc Tập đoàn Rosneft đã ký với công ty Hakuryu 5, một công ty con của JDC thỏa thuận về việc cung cấp và duy trì hoạt động giếng khoan HAKYRYU-5 với mục đích khoan thăm dò các giếng trong khuôn khổ các dự án của Rosneft tại Việt Nam.
Dự kiến Rosneft sẽ khoan hai giếng thuộc lô 06.1 và 05-3/11 tại bồn trũng Nam Côn Sơn ở ngoài khơi Việt Nam vào năm 2016.
Nga và Nhật Bản hợp tác khoan thăm dò dầu khí ở Việt Nam
_________________________________________________
Nâng công suất sân bay Đà Nẵng lên 13 triệu hành khách/năm
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa ký ban hành Quyết định số 3066/QĐ-BGTVT, có hiệu lực kể từ ngày 26/8/2015 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, nội dung quy hoạch điều chỉnh là cấp sân bay 4E theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) và sân bay quân sự cấp I; tính chất sử dụng là sân bay dân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Cụ thể, nội dung quy hoạch Cảng HKQT Đà Nẵng đến năm 2020 với các chỉ tiêu chủ yếu như công suất từ 11 - 13 triệu hành khách/năm, 50.000 tấn hàng hóa/năm; có 22 vị trị đỗ tàu bay; loại máy bay khai thác gồm B747, B777, B787, A320, A321, A350 và tương đường; phương thức tiếp cận hạ cánh theo tieu chuẩn CAT 1.
Cảng HKQT Đà Nẵng sẽ sử dụng 2 đường bay hiện hữu có khả năng tiếp nhận các loại tàu bay code E; sử dụng 1 đường lăn song song và các đường lăn tắt nối, đường lăn thoát nhanh hiện hữu, đồng thời với việc mở rộng sân đỗ cho 22 vị trí đỗ tàu bay.
Đồng thời, quyết định cũng quy hoạch khu hàng không dân dụng với việc cải tạo nhà ga hành khách hiện hữu đạt công suất 9 triệu hành khách/năm, 2 cao trình trên diện tích khu đất 10.000 mét vuông. Xây mới nhà ga hành khách quốc tế công suất 2 – 4 triệu hành khách/năm, 2 cao trình trên diện tích khu đất 21.000 mét vuông. Xây dựng nhà khách VIP trên diện tích khu đất 4.200 mét vuông.
Nhà ga hàng hóa Cảng HKQT Đà Nẵng sử dụng kết hợp xử lý trong nhà ga hành khách. Khu các cơ quan quản lý nhà nước, khu văn phòng, trạm xe ngoại trường, trạm cứu nguy cứu hỏa, khu bảo dưỡng máy bay cũng được quy hoạch xây mới với diện tích từ 3.000 – 18.100 mét vuông. Riêng khu cấp nhiên liệu hàng không được giữ nguyên như hiện tại.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cho biết, đến năm 2030 sẽ tiếp tục nâng cấp Cảng HKQT Đà Nẵng. Các chỉ tiêu quy hoạch của giai đoạn này sẽ được xác định cụ thể sau khi Quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải hàng không Việt Nam đến năm 2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
_________________________________________________
Trưng cầu ý kiến về biểu giá điện bán lẻ
Thông tin trên được Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) – Đinh Thế Phúc cho biết tại buổi họp báo thường kỳ chiều 4/9. Theo ông Phúc, sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương về việc điều chỉnh biểu giá điện bán lẻ điện, cơ quan này đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát để xây dựng cách tính biểu giá mới.
Hiện đề án đã được EVN gấp rút hoành thành và sẽ tiến hành hội thảo ở cả 3 miền trong tháng này để tham vấn ý kiến giới chuyên gia lẫn người dân. “Sau các hội thảo, trong tháng 10, EVN sẽ trình bộ để bộ báo cáo Thủ tướng quyết định trong tháng 11”, ông Phúc nói.
Tại một cuộc họp hồi tháng 7 với ngành điện, sau những bức xúc của dư luận về việc hóa đơn tiền điện tăng cao, Bộ trưởng Công Thương - Vũ Huy Hoàng cho rằng biểu giá và cách chia nhiều bậc thang nhỏ đã không còn hợp lý với tình hình hiện tại và trước mắt nên rút còn khoảng 3 bậc để giảm gánh nặng cho người dân.
Trong khi đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng nhận định biểu giá hiện có nhiều bậc thang khác nhau theo nguyên tắc càng dùng nhiều càng phải trả nhiều tiền là “chưa thực sự thuyết phục người tiêu dùng”. Theo ông Vượng, giá điện bán ra như hiện nay đã cao hơn giá điện sản xuất, tức là có lãi, nên triết lý càng dùng nhiều càng phải trả nhiều không còn phù hợp.
Hiện biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đang được chia làm 6 bậc theo hình thức lũy tiến. Từ kW thứ 401 trở lên, mỗi số điện sé có giá gần 2.600 đồng, cao hơn 1.100 đồng so với một kW trong 50 số đầu tiên (chỉ 1.484 đồng).
Việc chia nhiều bậc thang lũy tiến từng được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến tiền điện sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 trong các tháng 5 và 6/2015 và khiến dư luận bức xức.
_________________________________________________
Bộ Công Thương đang xem xét đề xuất bù chênh lệch tỷ giá vào giá điện
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều ngày 4/9, đại diện Cục điều tiết điện lực đã thông tin về đề xuất phân bổ chênh lệch tỷ giá vào giá điện của một số tập đoàn.
Trước đó, tạo cuộc họp giao ban của Bộ Công Thương, đại diện của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết chênh lệch tỷ giá đã khiến tập đoàn này bị lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết đang tính toán cụ thể con số, song dự tính khoản lỗ gấp hơn chục lần so với TKV.
Theo đó, đại diện của các DN kiến nghị bên cạnh biện pháp giãn, giảm thuế và các chính sách hỗ trợ khác, cần phân bổ chênh lệch tỷ giá vào giá điện để đảm bảo tình hình tài chính của các Tập đoàn.
Theo ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, với các DN có hợp đồng vay vốn ngoại tệ để đầu tư và chi phí mua nguyên vật liệu, thì việc điều chỉnh tỷ giá đều bị ảnh hưởng. Do đó, Cục điều tiết điện lực đã yêu cầu các đơn vị phát điện trong đó có EVN và TKV tính toán kỹ tác động tỷ giá.
“Đợt vừa rồi biến động tỷ giá khá mạnh nên chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị báo cáo, để có đề xuất cụ thể. Trường hợp có chênh lệch lớn thì có trao đổi với Bộ Tài chính để có hướng giải quyết. Hiện nay chúng tôi đang nhận thông tin từ DN”, ông Phúc cho biết.
Cũng theo đại diện Cục điều tiết điện lực, chênh lệch tỷ giá có ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất điện, cân đối tài chính của DN. Do đó, trước đề xuất điều chỉnh tăng giá điện bán lẻ, thì cần phải tính toán kỹ lưỡng bởi giá điện có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và sản xuất của DN.
Cũng theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, điện là mặt hàng thiết yếu cho đời sống sản xuất, nên bất cứ có điều chỉnh, thì sẽ được tính toán kỹ lưỡng. Do đó, trong thẩm quyền của Bộ Công Thương, sẽ phối hợp các cơ quan liên quan, có kiến nghị và báo cáo Thủ tướng.
Cũng liên quan đến biểu giá bán lẻ điện được Bộ Công Thương đề xuất rút xuống còn 3 bậc, ông Phúc cho biết đang chỉ đạo EVN trong tháng 9 sẽ tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi của các bên. Từ đó tính toán phương án cơ cấu biểu giá, để tổng hợp lại và hoàn thiện báo cáo đề án Bộ Công Thương trong tháng 10.
_________________________________________________
EVN rót trên 72.000 tỷ đồng vào các dự án trong 8 tháng đầu năm
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 8 tháng đầu năm đã rót 72.835 tỷ đồng vào các dự án, với giá trị giải ngân đạt 55.139 tỷ đồng.
Trong các dự án được EVN triển khai, có các dự án nguồn điện trọng điểm như Thủy điện Trung Sơn, Sông Bung 2, Thác Mơ mở rộng và Nhiệt điện Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 4, Thái Bình.
Cũng trong tháng 8/2015 đã hoàn thành đóng điện 10 công trình lưới điện (gồm 01 công trình 220kV và 09 công trình 110kV). Lũy kế 8 tháng đầu năm hoàn thành đóng điện 121 công trình (4 công trình 500kV, 26 công trình 220kV và 91 công trình 110kV). Đồng thời, khởi công 3 công trình 500 - 220kV trong tháng 8 và tính chung 8 tháng là 28 công trình.
Sản lượng điện toàn hệ thống đạt 14,8 tỷ kWh, tương đương với tháng 7/2015. Sản lượng và công suất cao nhất đạt 524,54 triệu kWh và 25.179 MW vào ngày 18/8. Lũy kế 8 tháng sản lượng toàn hệ thống đạt 108,2 tỷ kWh, tăng 12,96% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN trong tháng ước đạt 14,31 tỷ kWh. Lũy kế 8 tháng năm 2015, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 105,15 tỷ kWh, tăng 11,78% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó thủy điện chiếm 34,95%, nhiệt điện than chiếm 33,64%, tua-bin khí chiếm 29,99%, nhiệt điện dầu chiếm 0,31%, nhập khẩu chiếm 1,11%.
Trong tháng 9, EVN dự kiến phụ tải của hệ thống điện ở mức 461 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất khoảng 23.575 MW, công suất khả dụng khoảng từ 25.700 - 28.780 MW. Như vậy trong tháng 9/2015, hệ thống điện vẫn đáp ứng đủ công suất cho nhu cầu phụ tải và có dự phòng.