Với vai trò đầu tàu của cả nước, đầu cầu hội nhập khu vực, TP.HCM cần chú ý vai trò liên kết vùng, chủ động đón thời cơ để hội nhập sâu rộng, thành công.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 01-09-2015
- Cập nhật : 01/09/2015
Việt Nam đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do mới
Đặc biệt, giai đoạn từ 2013 đến nay có thể coi là giai đoạn cao điểm trong đàm phán ký kết các FTA. Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành đàm phán 3 FTA song phương với các đối tác quan trọng của Việt Nam gồm: Hàn Quốc, Khối Liên minh Kinh tế Á - Âu, và Liên minh châu Âu.
Theo Bộ Công Thương, tổng cộng đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 11 FTA khu vực và song phương. Về cơ bản, các FTA đã đóng góp tích cực vào quá trình thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao hiệu quả nhập khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ trong nước.
“Việt Nam đang triển khai tham gia đàm phán 4 FTA khác, bao gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA ASEAN – Hồng Kông (Trung Quốc), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA). Cùng đó cũng đang nghiên cứu tính khả thi của việc triển khai một số FTA mới”, Bộ Công Thương cho biết.
Thủ tướng cho phép tính lại GDP địa phương
Thông tin trên được Văn phòng Chính phủ phát đi ngày 31/8. Theo đó, Tổng cục Thống kê sẽ phải chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu báo cáo này.
Trước đó, GRDP (GDP địa phương) là cơ sở để Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng, miền, địa phương, bảo đảm cân đối chung cả nước. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, kết quả tính toán chỉ tiêu này thường gấp trên 1,5-2 lần so với tốc độ tăng GDP của cả nước, khiến nhiều lãnh đạo, chuyên gia không khỏi lo ngại về độ chính xác của số liệu do địa phương báo cáo lên.
Để làm rõ thực hư của tình trạng này, năm 2013, Tổng cục Thống kê đã cử 5 đoàn công tác đến Hà Nội, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai và Lâm Đồng để rà soát số liệu GRDP của năm 2011, kết quả là GRDP của 5 địa phương này sau khi được tính lại đều thấp hơn 2-5,5% so với số liệu đã báo cáo.
Bởi vậy, tháng 5/2015, Thủ tướng đã phê duyệt đề án Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, năm 2015, nhiệm vụ tính toán GRDP tiếp tục giao cho các địa phương, nhưng đến năm 2016, Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tính toán số liệu này và từ năm 2017, Tổng cục sẽ là đầu mối duy nhất thực hiện tính toán và công bố số liệu GRDP.
Kinh hoàng chất cấm trong heo cao hơn mức cho phép...650 lần
Theo cán bộ thú y, hàm lượng tồn dư chất cấm trong lô heo vượt ngưỡng cho phép trên 650 lần xuất phát từ cơ sở chăn nuôi Hoàng Văn Quý (huyện Thống Nhất, Đồng Nai).
Ngày 31-8, Chi cục Thú y TP.HCM cho biết đã gửi công văn đề nghị phối hợp kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tới chi cục thú y sáu tỉnh gồm Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Long An.
Đây là sáu tỉnh có các lô heo dương tính với chất cấm salbutamol (chất tạo nạc, tăng trọng) trong đợt thanh tra tồn dư chất cấm đợt 2 bắt đầu từ ngày 18-8.
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, đến nay đoàn thanh tra đã kiểm tra đột xuất trên 61 lô heo tại 10 lò giết mổ ở TP.HCM. Kết quả cho thấy có 12 lô heo dương tính với chất cấm tập trung.
Trong đó Đồng Nai dẫn đầu với 5 lô dương tính với chất cấm. Ngoài ra, có 3 thương lái tái phạm sử dụng chất cấm lần 2, đều có heo xuất phát từ Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo một cán bộ thú y, điều đáng chú ý là hàm lượng tồn dư chất cấm trong heo đợt này tăng báo động, có trường hợp vượt ngưỡng cho phép trên 650 lần. Theo cán bộ này, lô heo vượt ngưỡng cho phép trên 650 lần xuất phát từ cơ sở chăn nuôi Hoàng Văn Quý (huyện Thống Nhất, Đồng Nai).
* Tại cuộc họp báo chiều 31-8 về kết quả đợt thanh tra đặc biệt liên quan đến sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ông Phạm Tiến Dũng, thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi rất đáng báo động.
Đồng thời dù liên tục đề nghị xử lý mạnh và thông báo việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên báo đài nhưng tình hình không giảm.
Chặt phá rừng, bao chiếm đất rừng vẫn diễn ra ở Phú Quốc
Nguyên nhân chính do giá đất trên địa bàn tăng gấp 3-4 lần. Nhiều nhà đầu tư ngoài tỉnh mua đất nhưng không tìm hiểu kỹ về nguồn gốc nên mua cả đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất nhà nước quản lý (không có giấy); từ đó tạo điều kiện cho một số đối tượng lén lút phát dọn sau đó mua bán đất trái phép.
UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo cơ quan chức năng giữ nguyên hiện trạng đất rừng và bảo vệ đất rừng không để mất; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xử lý chống chặt phá rừng. Cơ quan công an lập chuyên án theo dõi những “cò” mua bán đất để xử lý theo quy định.
Chiều 31-8, ông Phạm Tuân, Trạm phó Trạm Kiểm lâm Trà Sư (An Giang), cho biết đến trưa 31-8, đám cháy tại lô 4b, khoảnh 4, Tiểu khu 7, Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư đã được dập tắt hoàn toàn. Trước đó, kiểm lâm viên của trạm phát hiện đám cháy đang thiêu rụi gần 20 ha rừng trồng và thảm thực vật; trong đó có 10 ha đất cỏ, 10 ha đất rừng trồng năm 1989. Sau hơn hai giờ, đám cháy đã được khống chế và dập tắt. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người dân đi đốt tổ ong lấy mật gây ra.
Theo dõi sát diễn biến ‘sức khỏe’ kinh tế Trung Quốc
Theo đó, cơ quan này cho rằng tình hình lạm phát hiện đang thấp và ổn định. Dựa trên kỳ vọng của thị trường, NFSC đánh giá hai lần điều chỉnh tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tháng 8 làm lạm phát có thể tăng thêm xấp xỉ 0,2 điểm %, là mức tăng không đáng kể. Do đó, cơ quan giám sát tài chính giữ nguyên dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3%.
NFSC cũng cho rằng động thái điều chỉnh tỉ giá của NHNN được coi là nhanh nhạy, tạo hiệu ứng tích cực hỗ trợ cho cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam cũng như hỗ trợ tâm lý cho thị trường. Với mức độ điều chỉnh tỉ giá nhân dân tệ của Trung Quốc (TQ) vừa qua và nếu từ nay tới cuối năm nhân dân tệ không bị phá giá mạnh hơn nữa thì không trực tiếp ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiền tệ, kinh tế Việt Nam.
“Vấn đề là sức khỏe của nền kinh tế TQ ra sao, số liệu thống kê của TQ và cam kết của chính phủ TQ có minh bạch, chính xác để củng cố lòng tin của thị trường. Do vậy, Việt Nam chưa nên có những điều chỉnh chính sách lớn và điều chỉnh kế hoạch kinh tế-xã hội. Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến sức khỏe của kinh tế TQ cũng như chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ của TQ để có phản ứng chính sách thích hợp” - NFSC nhận định.
NFSC cũng khuyến nghị các cơ quan hoạch định chính sách cần xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó để tránh thụ động.