Việt Nam chào đón nhà đầu tư ASEAN
Xây dựng 281 trạm cảnh báo sóng thần tại 7 tỉnh thành miền Trung
6 cán bộ câu kết doanh nghiệp ‘rút ruột’ trường học ở Sơn La
Dấu mốc quan hệ VN - Malaysia
Dự án cấp thoát nước ì ạch vì bán thầu
Người Việt muốn yêu hàng Việt cũng...rất khó!
- Cập nhật : 26/09/2015
(Tin Kinh Te)
Nếu hàng Việt chất lượng tốt, giá rẻ, uy tín chẳng ai dại gì bỏ tiền mua hàng ngoại, nhưng đáng tiếc hiện nay muốn yêu hàng Việt cũng khó.
TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSSCL) nhận xét như vậy khi trao đổi về việc vì sao người Việt khó yêu hàng Việt.
Muốn bỏ tiền để yêu cũng khó!
Theo TS Lê Văn Bảnh, cá nhân ông hay bất kỳ người tiêu dùng nào khác khi mua hàng đều quan tâm đến chất lượng mặt hàng đó có tốt không, giá cả cạnh tranh không và phải có thương hiệu đảm bảo uy tín. Bởi thế, nếu hàng Việt thoả mãn ba điều kiện này chẳng tội gì người Việt Nam mua hàng ngoại. Thế nhưng thực tế hiện nay cho thấy hàng Việt khó mà có đủ các điều kiện trên.
Nhiều hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao đã được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá hàng Việt đến tay người tiêu dùng
Ông Bảnh dẫn chứng một câu chuyện nhỏ: Một nhà hàng mới mở ra đồ ăn rất ngon, giá cả phải chăng, thế nhưng một thời gian sau khi khách đến đông, chất lượng đồ ăn ở đây kém hẳn đi. Điều đó cho thấy nhà hàng đó đã làm mất uy tín, mất lòng tin của khách hàng và đây lại không phải trường hợp hiếm. Thế nên dù ủng hộ hàng Việt thì người tiêu dùng cũng khó mà chấp nhận được trong trường hợp này.
Một vấn đề khác được ông Bảnh chỉ ra, đó là ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ được coi là vấn đề cạnh tranh sống còn đối với doanh nghiệp. Thế nhưng, chính sách của Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế rất nhiều. Từ khi mới mở cửa, đa số doanh nghiệp Việt Nam đã nhập về máy móc chất lượng kém, công nghệ lạc hậu, ngay cả bảo dưỡng, bảo trì cũng khó. Thành ra, cứ khuyến cáo doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng chất lượng, tăng năng suất, giảm giá thành nhưng thực tế lại đổi mới quá chậm, công nghệ lạc hậu, máy móc không đảm bảo chất lượng dẫn đến sức cạnh tranh kém.
"Bài học trước đây ngành mía đường từng mắc phải là chương trình 1 triệu tấn đường, tỉnh nào cũng có nhà máy mía đường và đều sang Trung Quốc mua máy móc. Hệ quả là tiền mất tật mạng vì công nghệ lạc hậu, sửa chữa tốn kém, đẩy giá thành sản phẩm lên cao.
Ở nhiều nước, khi chế biến mía đường họ không bỏ đi bất cứ phụ phẩm nào, tất cả đều được tận dụng để 'hái ra tiền', sản phẩm có chất lượng cao mà giá thành lại rẻ. Đó là lý do vì sao đường trong nước bị lép vế trước đường nhập khẩu. Hàng hoá của chúng ta không cạnh tranh được trước hết là vì khoa học kỹ thuật, công nghệ quá lạc hậu.
Tương tự, ngành lúa gạo cũng ít áp dụng khoa học kỹ thuật. Chúng ta tự hào là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, thế giới nể phục Việt Nam về nông nghiệp nhưng sản phẩm hầu hết là xuất thô, gạo xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gạo trắng ít qua chế biến. Thế nên dù muốn yêu hàng nội lắm nhưng thực sự rất khó yêu", ông Bảnh cho biết.
Doanh nghiệp đau đầu
Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL tâm sự, ông gặp gỡ nhiều doanh nghiệp và họ bày tỏ sự "ghen tỵ" khi cho rằng, người làm khoa học sướng, còn doanh nghiệp suốt ngày phải đau đầu vì phải lo lắng vấn đề sống còn trong khi chất lượng máy móc kém, đủ các chi phí lót tay..., đẩy giá thành sản phẩm tăng lên khiến sức cạnh tranh giảm sút.
"Doanh nghiệp Việt đang phải chịu nhiều áp lực: áp lực đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ... Họ lại phải gánh gánh trên vai nhiều khoản thuế phí, trong đó có những khoản rất vô lý nhưng khó bỏ bởi khi các cơ quan chức năng đưa ra bàn bạc, người muốn bỏ, người không; cải cách hành chính lại chậm chạp.
Một vấn đề nữa cần lưu ý là năng suất lao động của Việt Nam thấp. Nếu có máy móc, công nghệ tốt thì năng suất lao động sẽ tăng lên nhưng khâu đào tạo còn rất nhiều vấn đề. Trước đây, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để hưởng giá nhân công rẻ nhưng thực tế cho thấy, nhân công Việt Nam rẻ nhưng "bèo" - trình độ thấp. Chúng ta xuất khẩu chủ yếu là lao động phổ thông trong khi lao động kỹ thuật thì nhỏ và yếu, thế nên mới có chuyện một số dự án nhà đầu tư Trung Quốc mượn cớ đó để đưa lao động Trung Quốc sang. Ngoài cải cách hành chính, Việt Nam phải chú trọng khâu đào tạo nâng cao chất lượng, năng suất lao động thì mới hạ được giá thành sản phẩm, có được những sản phẩm tốt.
Một lần nữa, TS Bảnh cho rằng, muốn người Việt yêu hàng Việt không cần phải "trống dong cờ mở", nếu hàng Việt tốt thực sự người tiêu dùng sẽ tìm đến. Vấn đề ở chỗ. Nhà nước phải có sự điều chỉnh về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao công nghệ, giảm bớt các loại thuế phí không cần thiết, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho hàng Việt.
Minh Thái
Theo Báo Đất Việt