Trái ngược với thị trường sản phẩm chủ yếu nằm trong tay doanh nghiệp ngoại hoặc nhập khẩu thì thị phần phân phối lại nằm trong tay doanh nghiệp nội, chuỗi các cửa hàng mẹ và bé thương hiệu nước ngoài hiện chỉ lác đác với quy mô khá khiêm tốn.
Hàng Việt dè dặt vào Thái
- Cập nhật : 31/05/2018
Nhiều mặt hàng của Việt Nam đang tìm đường vào Thái để lập lại thế cân bằng thương mại giữa hai nước.
Ngay khi vừa có giấy phép xuất khẩu khoai lang, đầu năm 2018, MM Mega Market Việt Nam (thuộc Tập đoàn TCC Thái Lan) đã xuất khẩu ngay lô hàng đầu tiên với 100 tấn khoai sang hệ thống siêu thị Big C ở Thái. Đây là mặt hàng thứ 2 sau thanh long được công ty này xuất đi.
“Người Thái rất thích khoai lang của Việt Nam, chúng tôi đang chuẩn bị cho lô hàng tiếp theo sang Thái vào tháng sau”, ông Phidsanu Phongwatana, Tổng Giám đốc Điều hành của Công ty MM Mega Market Việt Nam, chia sẻ.
Người Thái hài lòng
Trước đó, năm 2016, ngay sau khi hoàn tất mua lại hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam (đổi tên thành MM Mega Market Việt Nam) vào tháng 1.2016, doanh nghiệp này đã đẩy mạnh tìm kiếm các mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh của Việt Nam để xuất sang thị trường Thái Lan. Và lô hàng đầu tiên với hơn 100 tấn thanh long đã được xuất thử vào hệ thống siêu thị Big C của Thái vào năm 2016. Mặc dù Việt Nam và Thái Lan có nét tương đồng về sản phẩm nhưng nông sản Việt Nam rất được người Thái ưa chuộng.
Ông Phidsanu Pongwatana chia sẻ: “Những lô hàng thanh long đầu tiên từ Việt Nam được bán tại hệ thống Big C khiến khách hàng Thái Lan rất hài lòng vì độ tươi ngon. Nhu cầu về mặt hàng này là rất lớn. Tuy nhiên, lô hàng thanh long sang Thái thời điểm đó chủ yếu mang tính thăm dò thị trường. Bởi người Thái cũng dè dặt vì sợ mua phải hàng Trung Quốc. Chinh phục người Thái cần nhiều thời gian.
Chẳng hạn, người Thái thích trái thanh long cỡ vừa nên MM Mega Market Việt Nam đã thành lập những trạm thu mua để hướng dẫn người trồng về chất lượng, kích cỡ khi gieo trồng. Trong khi đó, khoai lang giống Nhật có chất lượng không kém nhưng giá tại Việt Nam lại rẻ hơn rất nhiều khi nhập tại Nhật và Thái Lan lại không trồng được loại này. Sau 2 năm tìm hiểu thị trường, tìm nguồn cung cấp ổn định, đến nay, sản phẩm của công ty này vào Thái đang rất thuận lợi và sản lượng xuất khẩu khá đều.
Thời gian gần đây, MM Mega Market Việt Nam đã xuất khẩu được 12.000 tấn thanh long và 100 tấn khoai lang sang Thái Lan. Khoảng 2 tháng nữa, Công ty sẽ xuất khẩu cua Cà Mau, bưởi da xanh, cam, vú sữa, cá tra phi lê, tôm, sản phẩm đông lạnh của Việt Nam sang thị trường Thái.
Ngoài các đơn đặt hàng ổn định trên 100 tấn mỗi tháng, Công ty cũng đang triển khai xuất khẩu mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh, ước tính trung bình hơn 50 tấn mỗi tháng. “Với hệ thống phân phối hơn 700 siêu thị và đại siêu thị của Big C tại Thái Lan, thì tiềm năng xuất khẩu từ Việt Nam là rất lớn”, ông Phidsanu Pongwatana chia sẻ.
Tháng sau, Công ty sẽ mở thêm một trạm trung chuyển ở Bến Tre để thu mua trái cây tại khu vực miền Tây, trước tiên là phục vụ thị trường trong nước nhưng cũng là giải pháp để thu mua và ổn định được sản lượng đầu vào cho xuất khẩu. Tính đến nay, doanh nghiệp này đã có 4 trạm trung chuyển.
Trạm rau củ tại Đà Lạt, trạm thực phẩm thịt tại Đồng Nai, trạm thủy hải sản tại Cần Thơ và trạm trái cây tại Bến Tre, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Theo ông Phidsanu Pongwatana, Tập đoàn TCC có nhiều công ty ở Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Campuchia... Do đó, việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua Thái Lan chỉ là bước đầu, Tập đoàn sẽ đưa sản phẩm sang các thị trường khác trong khu vực.
Không chỉ có tập đoàn này, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã có hàng bán tại Thái Lan. Chẳng hạn, sản phẩm sấy khô của Vinamit; bánh tráng, bún gạo, miến... của Công ty Bích Chi... nhưng chủ yếu qua trung gian. Thị trường Thái có khá nhiều loại snack nhưng bánh phồng tôm vẫn được người Thái yêu thích vì sản phẩm mang một hương vị mới.
Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Hàng Việt Nam Chất lượng cao (BSA), chia sẻ: “Vừa qua, Trung tâm BSA có gửi thúng, thuyền, rổ rá của Việt Nam qua Thái để chuẩn bị trưng bày trong hội chợ sắp tới mới biết là sản phẩm này của Việt Nam vẫn được xuất khẩu hằng ngày qua Thái”.
Điều này chứng tỏ Thái Lan vẫn nhập khẩu khá nhiều sản phẩm Việt Nam nhưng không qua kênh chính thống. Sau khi Tập đoàn Central Group đưa thông tin xuất cua Cà Mau qua Thái thì nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết đã xuất cua sang Thái từ lâu nhưng chủ yếu qua đường tiểu ngạch.
Người Việt ngại cạnh tranh
Năm 2017, Thái Lan tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nội khối ASEAN với 15,11 tỉ USD, chiếm 30,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với cả khối ASEAN. Việt Nam - Thái Lan đang hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 20 tỉ USD vào năm 2020. Dù có lợi thế nhưng hàng Việt vẫn không thể thắng hàng nhập khẩu ồ ạt từ Thái, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa.
Cách đây mấy ngày, Central Group cũng cử người qua Công ty Vinamit chọn sản phẩm để mang qua Thái Lan trưng bày trong triển lãm sắp tới. Một đoàn người Thái cũng sẽ qua hệ thống Big C Việt Nam để tìm hiểu về những sản phẩm của Vinamit, ông nguyễn Lâm Viên chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Viên cho rằng, thị trường Thái sẽ cạnh tranh hơn các thị trường khác vì nhiều sản phẩm tương đồng. Do họ có công nghệ hỗ trợ tốt nên khá cạnh tranh về giá. Ngoài các sản phẩm Thái Lan khá mạnh như xoài, chuối... thì mận, ổi, mít, thanh long... của Việt Nam cũng được người tiêu dùng Thái ưa thích, ông Viên chia sẻ thêm. Thị trường Thái thích hàng Việt vì sản phẩm Việt giữ được vị tự nhiên và không có chất bảo quản.
Tại gian hàng của Vinamit trong tuần lễ hàng Việt tại Thái Lan năm ngoái, bà Jiratha lần lượt thử các món trái cây sấy dẻo của Vinamit và không ngừng gật gù. Bà nói đã ăn sản phẩm này cách đây nhiều năm trong một lần qua Việt Nam du lịch. “Mít giòn và có mùi tự nhiên, nhưng tại Bangkok tôi không tìm thấy sản phẩm này, thật là tiếc”, bà Jiratha cho biết.
Theo bà Jiratha, ở Thái Lan cũng có những sản phẩm tương tự nhưng một số sản phẩm của Việt Nam lại không quá ngọt, hương vị được giữ nguyên từ trái cây tươi. Theo chia sẻ của ông Viên, sản phẩm của Thái Lan hiện nay có chất hóa học nhiều nên mất vị tự nhiên. Ví dụ, xoài dẻo của Thái có tẩm ướp, nên người Thái khi ăn sản phẩm xoài của Vinamit thấy khác hẳn vì sản phẩm ngọt nhẹ, vẫn giữ hương vị tự nhiên.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp lớn Việt Nam vẫn thích sản phẩm của Vinamit, nhưng hiện Vinamit chưa có nhà phân phối chính thức tại Thái Lan mà vẫn qua trung gian hoặc từ Lào đưa qua. Ngoài các mặt hàng nông sản, nhiều sản phẩm khác như sữa của Vinamilk, đồ dùng học tập của Thiên Long, bóng đèn của Công ty Điện Quang... cũng rất được thị trường Thái Lan ưa chuộng vì chất lượng tốt, giá phải chăng.
Hàng Việt được ưa chuộng là vậy nhưng còn hạn chế tại thị trường Thái. Nguyên nhân là do hầu hết các doanh nghiệp Việt cho rằng hàng hóa Việt khó cạnh tranh với hàng hóa Thái Lan trên sân nhà của họ. “Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại sang Thái Lan chưa được tổ chức nhiều và hiệu quả mang lại chưa như mong muốn”, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương, cho biết.
Thêm vào đó, sản phẩm Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nên chưa khẳng định được tính đặc sắc của nông sản Việt Nam. Cộng thêm yếu tố bao bì chưa thực sự hấp dẫn và tiện lợi cho người tiêu dùng nước ngoài. “Đặc biệt, công tác sơ chế và bảo quản sau thu hoạch còn chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật, Mỹ”, đại diện của Central Group chia sẻ.
Tuy nhiên, theo những doanh nghiệp đã đưa hàng sang Thái như Tập đoàn TCC, Central Group, doanh nghiệp muốn đưa hàng vào Thái thì phải kiên trì. MM Mega Market Việt Nam mặc dù có nguồn gốc Thái Lan cũng phải mất 2 năm tìm hiểu thị trường.
Để bán được hàng, các doanh nghiệp còn phải qua rất nhiều khâu đàm phán, thương lượng. Ngay cả như Bóng đèn Điện Quang dù đã thương lượng đến gần 80% quá trình nhưng vẫn chưa thể đưa hàng lên kệ. Thậm chí, có những doanh nghiệp sau 5 năm hiện diện ở thị trường Thái mới tìm được nhà phân phối chính thức.
Ông Vũ Đào, Giám đốc Công ty Phong Sơn Tiệm, doanh nghiệp xuất khẩu 2 tấn quả vải thiều Bắc Giang sang Thái Lan trong tháng 6 năm ngoái, cho biết vải Việt Nam ngon và ngọt hơn hẳn vải Thái và mùa vụ vải của hai nước cũng gối đầu nhau, nhưng quan trọng là phải chăm chút cho sản phẩm và phải thật kiên trì.
Thanh Hương
Theo Nhipcaudautu.vn