tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 21-06-2016

  • Cập nhật : 21/06/2016

Nguồn lực nào triển khai chương trình nhà ở xã hội lãi suất 4,8%?

Thủ tướng Chính phủ mới ký Quyết định số 1013/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách đối với các đối tượng quy định tại Nghị định sẽ là 4,8%/năm, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Quyết định này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2016 và được áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016. Như vậy, song song với quyết định kéo dài thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng tới cuối năm 2016 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố thì những người lao động có thu nhập thấp sẽ có thêm sự lựa chọn vay vốn tại Ngân hàng Chính sách với mức lãi suất thấp hơn gói vay 30.000 tỷ đồng ở các ngân hàng thương mại là 0,2%/năm.
Tuy nhiên vẫn còn không ít băn khoăn vì thời gian áp dụng mức lãi suất này chỉ trong khoảng 6 tháng.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc Chính phủ sẽ cấp vốn như thế nào cho Ngân hàng Chính sách để cho người dân vay, bởi các Bộ, ngành liên quan đang gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ này.
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã có công văn chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xây dựng quy trình, quy chế cho vay. Tuy nhiên, qua theo dõi quá trình thực hiện chương trình này thì thấy một vấn đề vướng mắc lớn là nguồn lực để Ngân hàng Chính sách triển khai vấn đề này.
"Tới đây Bộ Tài chính cũng như các Bộ ngành sẽ tập trung bàn và tìm giải pháp về vốn để triển khai thí điểm trong 6 tháng cuối năm", ông Đông cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Quyết định số 1013/QĐ-TTg là quyết định đúng đắn, kịp thời tạo ra niềm tin cho người dân, tạo sự kết nối chính sách đồng bộ, liên tục.
Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng, cái khó hiện nay là nguồn vốn vì hiện phát hành trái phiếu chính phủ cũng đến giới hạn, không thể tùy tiện in tiền để Ngân hàng Chính sách cho vay ra được.
Điều đó cũng có cơ sở khi Bộ Tài chính cho biết, dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA, mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với mức lãi suất cao. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi, hoặc tăng lãi suất lên từ 2%-3,5%. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm tới là rất lớn.
Dưới góc độ của người mua nhà, chị Nguyễn Bích Trâm (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, cuối năm 2015, gia đình chị quyết định tìm mua nhà tại dự án nhà ở xã hội ở Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên), tuy nhiên đến đầu năm 2016 thì gói tín dụng này kết thúc, trong khi gia đình chị chưa hoàn tất được thủ tục mua nhà và vay tiền. Với mức thu nhập của hai vợ chồng trẻ, chị Trâm cho biết sẽ không mua được nhà nếu phải vay ngân hàng với lãi suất thương mại, vì thế chị đang rất mong ngóng gói tín dụng ưu đãi mới của Nhà nước để sớm mua được nhà, ổn định cuộc sống.
Nhận thấy nhà ở xã hội là rất cấp thiết và cấp bách bởi những người mua nhà ở xã hội là những đối tượng có nhu cầu thật. Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội nhấn mạnh: Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chuẩn bị tinh thần, nhân lực và xây dựng các quy trình nội bộ sẵn sàng thực hiện chương trình nhà ở xã hội theo ngay sau khi được Nhà Nước bố trí nguồn vốn.
Cũng trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách đã làm tốt công tác cho vay nhà ở xã hội trên toàn quốc như chương trình mua nhà ở trả chậm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (theo Quyết định 105), nhà ở cho người nghèo (theo Quyết định 167) và cho vay nhà phòng, tránh bão, lụt ở khu vực miền Trung cho hộ nghèo (theo Quyết định 48).
Theo một chuyên gia ngân hàng, hiện nay nhiều người dân đang trông chờ và kỳ vọng vào các gói tín dụng mới này, vì vậy, dù ít hay nhiều, chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội nếu được thực hiện tốt sẽ phát huy tác dụng lớn đối với đời sống xã hội cũng như góp phần giúp cho thị trường bất động sản ổn định. Do đó, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy để chính sách tín dụng ưu đãi mới cho lĩnh vực nhà ở xã hội sớm được triển khai kịp thời.(VN+)

Bình Định: Thu hồi 4 dự án đầu tư du lịch chậm triển khai

Từ đầu năm tới nay, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định thu hồi 4 dự án đầu tư phát triển du lịch do các chủ đầu tư chậm triển khai theo cam kết.
ubnd tinh binh dinh da thu hoi du an khu du lich nghi duong va dich vu cham soc suc khoe suoi nuoc nong hoi van, phu cat.

UBND tỉnh Bình Định đã thu hồi dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe suối nước nóng Hội Vân, Phú Cát.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bình Định, dự án bị thu hồi gồm khu du lịch nghỉ dưỡng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe suối nước nóng Hội Vân, Phù Cát của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại khoáng sản Tấn Phát, dự án Tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ hỗn hợp tại số 01 Ngô Mây - Quy Nhơn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thành Châu.
Hai dự án này UBND tỉnh giao lại cho Tập đoàn Hoa Sen khảo sát nghiên cứu. Cùng với đó, một phần của dự án du lịch tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu cũng bị thu hồi. Cụ thể là 35ha phía Nam không vướng về giải phóng mặt bằng của điểm số 1 và điểm số 9.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng có phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu du lịch Ghềnh Ráng giai đoạn 1 của Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn.
Đến nay, Bình Định có tổng cộng 43 dự án đầu tư du lịch với tổng nguồn vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.
Hầu hết các dự án đang đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa vào hoạt động. 6 tháng đầu năm tổng lượng khách đến Bình định ước đạt gần 1,66 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế hơn 119.350 lượt, tăng 18% và hơn 1,540 triệu lượt khách nội địa, tăng 31%.
Tổng doanh thu du lịch đạt hơn 721 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ 2015.

Đà Nẵng cần 9.000 tỷ đồng để di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị

 Mặc dù dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị cần nguồn vốn lớn nhưng Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh thành phố xác định địa phương sẽ đóng vai trò chủ động trong việc huy động các nguồn lực để triển khai dự án chứ không lệ thuộc vào Bộ Giao thông vận tải.
y tuong thiet ke nha ga moi cua da nang nhin tu huong tay - bac. anh: cttdt tp.da nang.

Ý tưởng thiết kế nhà ga mới của Đà Nẵng nhìn từ hướng Tây - Bắc. Ảnh: CTTĐT TP.Đà Nẵng.

Ngày 17/6, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) về dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia của Hansen Partnership và Martyn Group - đơn vị tư vấn được WB chỉ định thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (PFS) của dự án đã trình bày ý tưởng phát triển khu đô thị tại khu vực nhà ga mới, tái phát triển khu vực nhà ga hiện trạng và hình thành tuyến hành lang giao thông xanh kết nối giữa ga cũ và nhà ga mới trên cơ sở vị trí ga mới tại quận Liên Chiểu và các hướng tuyến đã được các bên liên quan thống nhất trong đợt công tác hồi tháng 3/2016.
Đơn vị tư vấn cũng đưa ra khuyến nghị, trên tuyến hành lang xanh này cần tích hợp phát triển mô hình xe buýt nhanh (BRT) do đây là phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn mang tính tiện ích, có chi phí đầu tư thấp và phù hợp với hiện trạng địa hình tại khu vực này.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh việc di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố là chủ trương mà Bộ Chính trị và Chính phủ đã có từ lâu, tuy nhiên vấn đề đặt ra là nguồn lực ở đâu để thực hiện?. Cho nên, thành phố xác định địa phương sẽ đóng vai trò chủ động trong việc huy động các nguồn lực để triển khai dự án chứ không lệ thuộc vào Bộ Giao thông vận tải.
Chủ tịch TP Đà Nẵng cũng đã yêu cầu Sở Kế hoạch và đầu tư và các đơn vị liên quan phối hợp đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn thiện PFS làm cơ sở để thành phố làm việc với Bộ Giao thông vận tải nhằm thống nhất phương thức để có thể triển khai được dự án, trong đó có sự phân chia nguồn lực đầu tư giữa Bộ Giao thông vận tải, ngân sách thành phố và nguồn khai thác quỹ đất vì mức đầu tư dự kiến có thể lên đến 8.000-9.000 tỷ đồng.
Đồng thời, thành phố cũng sẽ nghiên cứu kêu gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực như Sun Group, Vingroup… tham gia đầu tư khai thác tiềm năng tại các hạng mục thuộc phạm vi dự án.
Cũng theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, thành phố sẽ không thu được nhiều tiền từ khai thác quỹ đất tại khu vực nhà ga cũ, song do đây là khu vực có mật dân cư đông đúc và là vùng lõi đô thị nên thành phố ủng hộ chủ trương tổ chức lại khu vực nhà ga cũ thành khu đô thị, khu thương mại dịch vụ, khu dân cư, và tổ chức giao thông kết nối với nhà ga mới theo trục Bắc- Nam.
Đối với nhà ga mới, thành phố ủng hộ ý tưởng phát triển thành khu đô thị, trung tâm thương mại dịch vụ, kho bãi logistics…  mà nhà ga mới đóng vai trò chủ đạo, có kết nối giao thông với cảng Liên Chiểu, cao tốc Bắc-Nam.
Ngoài ra, tuyến hành lang giao thông xanh kết nối giữa nhà ga cũ và nhà ga mới sẽ là cơ hội tốt để xóa những khu nhà ổ chuột và các điểm đen về tệ nạn xã hội trên tuyến, đồng thời “ có thể mạnh dạn nghiên cứu mở rộng mặt cắt ngang của tuyến đạt khoảng 23m để tích hợp phát triển BRT tại khu vực này.(Bizlive)

Bộ Y tế ra quyết định thanh tra với Coca-Cola Việt Nam

Theo quyết định, Công ty TNHH Nước giải khát (NGK) Coca-Cola Việt Nam sẽ bị thanh tra trong vòng 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (15/6/2016).
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính vừa ký Quyết định số 100/QĐ-TTrB về việc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty TNHH NGK Coca-Cola Việt Nam.
 
Được biết, đoàn thành tra gồm 15 thành viên do ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó chánh thanh tra Bộ Y tế làm Trưởng đoàn. Thời kỳ thanh tra áp dụng từ ngày 1/1/2014 đến thời điểm thanh tra và các thời kỳ khác có liên quan.
Quyết định cũng chỉ rõ, trong quá trình thanh tra, đoàn sẽ kiểm tra, xác minh trực tiếp tại một số cơ sở phân phối các sản phẩm thực phẩm của Coca-Cola Việt Nam; cơ sở phụ trách cung cấp nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì chứa đựng thực phẩm cho Coca-Cola Việt Nam.
Theo kế hoạch, trong năm 2016, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiến hành thanh, kiểm tra về ATTP tại 4 công ty sản xuất, kinh doanh nước giải khát: Công ty TNHH NGK Coca Cola Việt Nam; Công ty NGK Pepsico Việt Nam, Công ty TNHH URC Việt Nam, Công ty cổ phần thực phẩm Quốc tế Wonderfarm.
Trước đó, ngày 31/5, Phó chánh thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH URC Hà Nội do có hàng loạt sai phạm vi phạm quy định tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Mức phạt mà công ty URC phải chịu là 5,826 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn bộ hai lô sản phẩm có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép của doanh nghiệp này phải thu hồi, tiêu hủy.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục