Đặt mua thành công và đã thanh toán số tiền hơn 100.000 đồng cho bộ máy khoan 139 chi tiết, cả hai khách hàng đều bị Lazada tự ý hủy đơn hàng với lý do “nhầm giá”.
Người Việt khó yêu hàng Việt: Vì sao thua từ cái tăm?
- Cập nhật : 21/09/2015
(Tin kinh te)
Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, thay vì yêu cầu người Việt yêu hàng Việt nên phát động phong trào nhà quản lý Việt yêu doanh nghiệp Việt.
Gánh nặng trên vai doanh nghiệp Việt
Lý giải lý do người Việt khó yêu hàng Việt, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, tình trạng này xuất phát từ hai nguyên nhân: sản phẩm và tâm lý chuộng ngoại.
Theo đó, sản phẩm ngoại có chất lượng tốt hơn, giá thành thậm chí rẻ hơn. Cấu tạo của sản phẩm gồm nhiều yếu tố, trong đó yếu tố hạ tầng kỹ thuật nhiều khi Việt Nam đầu tư đắt tiền hơn các nước khác, nguyên liệu không tốt, đặc biệt là chi phí sản xuất của Việt Nam cao. Lãi ngân hàng, thuế cao... đẩy giá thành sản phẩm Việt Nam lên cao khiến khó cạnh tranh được với hàng ngoại.
"Ở Trung Quốc, muốn đầu tư một nhà xưởng hay nhà máy, Nhà nước Trung Quốc tạo rất nhiều điều kiện về đất đai, thậm chí làm đường, dẫn nước, dẫn điện vào nhà xưởng, thuế giá trị gia tăng thấp thành ra chi phí sản xuất ra sản phẩm thấp.
Trong khi đó, Việt Nam muốn đầu tư một nhà máy, nhà xưởng phải chịu rất nhiều khó khăn: mua đất thì phải mua của dân với giá thị trường, đầu tư xây dựng khó khăn, lâu dài, chịu nhiều tiêu cực phí, đường sá vào nhà xưởng, điện, nước đều phải tự đầu tư... Ngành điện đâu có cung cấp, doanh nghiệp phải dẫn điện và nhà xưởng rồi tự sắm máy phát điện, trạm biến áp.
Có khi trong lúc sắm như vậy, phải tiêu cực phí cho ngành điện thì họ mới nghiệm thu, bàn giao để câu điện vào nhà máy. Chưa kể giá điện, giá xăng Việt Nam... còn cao hơn nước ngoài.
Đặc biệt, lãi suất của nước ngoài chỉ vài phần trăm còn lãi suất của Việt Nam tới mười mấy phần trăm, thậm chí có những năm 25%, thử hỏi làm sao doanh nghiệp Việt cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại. Cho nên, hàng Việt giá cao là vì các yếu tố trên", ông Nguyễn Văn Đực chỉ rõ.
Cũng theo ông Đực, những thứ vốn là thế mạnh của Việt Nam như nông sản cũng bị thua ngay trên sân nhà.
"Trước đây Việt Nam cứ nói nhiều về việc trồng cây gì, nuôi con gì, giờ Việt Nam tràn ngập con lạ, trái lạ, bán lại rẻ hơn. Trứng gà Việt Nam đắt hơn trứng gà ngoại; phí đầu tư xây dựng, phí sản xuất (lãi suất ngân hàng, thu...) cao hơn nên doanh nghiệp không đứng lên nổi, cứ mãi lẹt đẹt nên bị doanh nghiệp ngoại cạnh tranh, nhất là sau này Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đặt doanh nghiệp Việt vào thế nguy hiểm vô cùng".
Bởi gánh nặng trên vai doanh nghiệp Việt quá nặng nề nên hàng Việt không có sức cạnh tranh. Ông Nguyễn Văn Đực cho hay, Việt Nam bị thua trên chính thị trường của mình từ những cái nhỏ nhất như ốc vít, tăm xỉa răng...
"Ngay cả những sản phẩm nhỏ nhất Việt Nam cũng nhập từ Trung Quốc. Trung Quốc có nhiều thuận lợi hơn Việt Nam, nguyên liệu phong phú, chi phí đầu tư rẻ hơn... Cái nặng nề nhất là đôi khi Trung Quốc sản xuất ra sản phẩm rồi đóng mác Việt Nam với lợi thế cạnh tranh giá rẻ khiến nhiều người Việt dùng hàng Việt sản xuất tại Trung Quốc mà không hay biết.
Có rất nhiều sản phẩm do người Trung Quốc làm giả gắn mác Việt Nam vào, cũng có khi chính doanh nghiệp đặt hàng từ Trung Quốc về, đóng gói tại Việt Nam rồi bán ra thị trường để hưởng lợi chênh lệch khi mua của Trung Quốc. Những doanh nghiệp đó có kế hoạch, chiến lược trước mắt để hưởng lợi, nhưng về lâu dài nền kinh tế Việt Nam sẽ "chết" vì chỉ đi nhập.
Nhà quản lý Việt hãy yêu lấy doanh nghiệp Việt
Gần chục năm các cơ quan chức năng Việt Nam phát động phong trào người Việt dùng hàng Việt nhưng cho đến nay, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đực là chưa mấy thành công. Bởi theo ông, muốn khuyến khích người Việt hạn chế dùng hàng ngoại, yêu hàng Việt thì phải có hàng nội chất lượng tương đương thay thế, doanh nghiệp phải có lực. Còn hiện nay, doanh nghiệp Việt quá yếu, phải lo chống thuế vụ, ngân hàng, nộp tiền "bôi trơn".... thì khó có thể chống đỡ nổi trước sự xâm nhập của hàng ngoại.
"Chúng ta luôn kêu gọi "dùng hàng Việt là yêu nước", nhưng tôi cho rằng không thể đòi hỏi người dân "yêu" một cách vô điều kiện như thế được. Đó là lời kêu gọi mang tính chất tinh thần, trên thực tế hàng Việt có tốt thì mới yêu được, còn hàng xấu, mắc làm sao mua nổi.
Tôi đề nghị thay vì kêu gọi người Việt dùng hàng Việt hãy phát động phong trào Nhà nước yêu doanh nghiệp Việt, đây là điểm mấu chốt để doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh được. Nhà nước có nuôi thì doanh nghiệp mới lớn lên, chứ cứ bắt nạt, thậm chí bóc lột doanh nghiệp thì làm sao cho ra sản phẩm chất lượng được? Vì thế, phải bắt đầu từ việc thay đổi cơ chế chính sách, giảm các loại thuế phí không cần thiết" - ông Đực nhấn mạnh.
Minh Thái
Theo Báo Đất Việt