Để có được những doanh nghiệp, doanh nhân và thương hiệu hàng đầu cần nỗ lực đột phá từ hai phía: Cộng đồng kinh doanh và Nhà nước.
TPP: Thách thức đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ
- Cập nhật : 11/10/2015
(Thuong mai)
Với 96% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là DN nhỏ và siêu nhỏ, Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn về khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Kỳ vọng vào xuất khẩu
TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu với 800 triệu dân được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. TPP được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước nhảy vọt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước.
Sau khi hiệp định được đưa vào thực hiện, trước mắt, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… sẽ được miễn hoặc giảm thuế đáng kể khi tiếp cận thị trường Mỹ, Australia và các nước đối tác khác.
Trong bối cảnh nhiều DN Việt Nam vẫn đang phải vật lộn vượt khó khăn, thách thức ở cả thị trường trong nước lẫn ngoài nước, việc DN trông đợi Hiệp định TPP cũng là điều dễ hiểu.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, Hiệp định TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, cả về phương diện kinh tế, thể chế và xã hội. Về kinh tế , theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.
Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của nước ta. Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản,... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này.
Amcham cho biết, việc công bố kết quả đàm phán TPP thành công là tin đáng mừng cho các công ty Mỹ và Việt Nam, các nhà đầu tư, công nhân, nông dân và người tiêu dùng. Trong hơn 2 thập kỷ qua, thương mại Việt-Mỹ đã tăng từ con số gần như bằng 0 lên 40 tỉ USD trong năm nay. Các công ty Mỹ đã đầu tư hàng tỉ USD vào Việt Nam, hội nhập Việt Nam vào chuỗi cung cấp toàn cầu, tạo công ăn việc làm có chất lượng cao cho người lao động Việt Nam, và mở ra một thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ Mỹ.
Bên cạnh TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015 cũng được dự báo sẽ mang đến nhiều thách thức cho các DN vì cơ cấu kinh tế Việt Nam tương tự các nước AEC.
Gia nhập AEC, TPP cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Ngoài những đòi hỏi sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách, chính bản thân các doanh nghiệp cũng cần tạo cho mình tâm thế chủ động để cải thiện và ứng phó với sức ép cạnh tranh, tận dụng tối đa các cơ hội và thách thức đặt ra.
Theo Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Trịnh Minh Anh, hiện nay các doanh nghiệp ở một số nước như Thái Lan, Malaysia đã đi tắt đón đầu và đang tận dụng rất tốt các cơ hội của AEC.
Vì thế, để cải thiện và ứng phó với sức ép cạnh tranh sắp tới, doanh nghiệp Việt phải luôn học hỏi và giữ tâm thế chủ động trong mọi tình huống. Trước hết là chủ động chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm bằng cách xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm…
Bên cạnh đó, cần chủ động nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp… để giữ vững thị phần trong nước đồng thời tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư phát triển.
Một trong những hoạt động mà theo các chuyên gia kinh tế nhìn nhận cần có sự đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới là xúc tiến thương mại thông qua các triển lãm, hội chợ quốc tế trong nước và khu vực.
Đơn cử, trong nước hội chợ Vietnam Expo là hội chợ quốc tế có truyền thống lâu đời nhất được tổ chức thường niên cả ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh và được đánh giá là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa quan trọng của ngành công thương Việt Nam. Hội chợ Vietnam Expo đã đem lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất trong nước khi quảng bá, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu ngay tại sân nhà, và ngược lại Vietnam Expo cũng được coi là cánh cửa cho các doanh nghiệp trên thế giới khi bước đầu tới thị trường Việt Nam.
Bài học kinh nghiệm của Malaysia, Hàn Quốc hay Đài Loan đã rất thành công trong các hội chợ này. Các doanh nghiệp nước này luôn chú trọng đầu tư một cách bài bản để coi Expo các nước không chỉ là một nơi để triển lãm mà còn là cầu nối để tiến vào thị trường các nước.
Rõ ràng, cơ hội từ TPP rất lớn nhưng theo đó là những thách thức không hề nhỏ, DN phải chủ động "xắn tay hành động" ngay từ bây giờ để đón đầu các cơ hội cũng như vượt qua những thách thức này.