Đánh giá về thất bại cay đắng của nền công nghiệp Việt Nam, ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam) thẳng thắn: "Việt Nam cái gì cũng muốn nhất, nhưng toàn làm ngược"...
Lùm xùm chuyện điều hành xăng dầu: Trách nhiệm thuộc về ai?
- Cập nhật : 25/03/2016
(Kinh te)
Trong khi cơ quan quản lý đang đùn đẩy trách nhiệm, người dân chịu thiệt vì bất cập điều hành giá xăng dầu, có lẽ Chính phủ sẽ phải đứng ra phân xử.
Liên quan đến trách nhiệm các bên trong vấn đề xảy ra "lỗ hổng" thuế xăng dầu khi tính giá cơ sở xăng dầu, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, hiện tại liên Bộ Tài chính - Công Thương vẫn đang có những công văn qua lại đùn đẩy trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau.
Cụ thể, trong phát biểu trả lời phỏng vấn của Phóng viên Bản tin Tài chính Kinh doanh hôm 21/3 về điều hành giá xăng dầu, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính khẳng định: "Bộ Công Thương vẫn là Bộ được giao chủ trì quyết định". Tuy nhiên, ít nhất hai lần Bộ Công Thương đã phát hành công văn dẫn quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành năm 2014) về việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩuvà điều hành giá xăng dầu.
Theo như Nghị định 83 quy định thì "Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định với từng chủng loại xăng dầu" và "Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở (với các mặt hàng xăng dầu)".
Ai là người chịu thiệt?
Bình luận trên báo VietnamNet về câu chuyện mâu thuẫn giữa 2 cơ quan trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đây là việc làm "đổ lỗi cho nhau" của 2 Bộ về trách nhiệm với để xảy ra sơ hở, chênh lệch trong chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu theo các Hiệp định đã ký với ASEAN, dẫn đến các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối đã tranh thủ khai thác, thu được lợi nhuận lớn (trên 3.500 tỷ đồng), làm thiệt hại lợi ích của người tiêu dùng.
Ông Long cho rằng, căn cứ theo quy định Nhà nước về chức năng 2 Bộ, Bộ Công Thương có thông cáo cho Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về giá. Lý giải này không thuyết phục nguỵ biện vì mặc dù quản ý giá là Bộ Tài chính trong điều hành giá xăng dầu thì Nghị định 83 lại quy định chủ trì điều hành giá, khi chưa có sự thống nhất thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quyết định.
"Theo tôi là cả 2 bộ đều có lỗi. Theo Nghị định 83, khi không có sự thống nhất thì Bộ Công Thương được quyết định hay không thống nhất được thì ông phải báo cáo Thủ tướng nhưng ông lại không báo cáo. Còn Bộ Tài chính thì lại bao biện, ngụy biện, đổ lỗi cho Bộ Công Thương", ông Long nói.
"Bộ Tài chính là nói kinh doanh xăng dầu có độ trễ là nguỵ biện. Ông là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thuế, trong quá trình ký FTA, ông phải biết rất chắc, sao lại để lâu thế đến khi phát hiện Petrolimex lãi khủng quá mới biết nguyên nhân là cái này. Thế mà còn nói là phải suy nghĩ, đang xem xét (khi trả lời báo chí)", ông Long nêu quan điểm.
Theo ông Ngô Trí Long, với việc cả 2 Bộ không nhận cái sai của mình mà cứ đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau thì Chính phủ cần xem xét, kiểm tra, xử lý tuỳ theo mức độ nếu cả hai Bộ đều sai.
"Nếu các Bộ không nhận sai thì họ sẽ không bao giờ khắc phục, sửa lỗi được. Và lối làm việc tắc trách như vậy sẽ còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng", chuyên gia kinh tế này bày tỏ.
Ai chịu trách nhiệm? Vai trò của nhà nước ở đâu?
Theo ý kiến của Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP HCM), trong công tác chỉ đạo, hơn lúc nào hết việc ban hành chính sách cần phải có sự đồng bộ và cả sự đồng thuận. Chính vì điều này, vai trò của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực năng lượng là cần phải nhanh chóng làm việc cùng lúc với Liên bộ Công Thương và Tài chính, từ đó đưa ra được một câu trả lời rõ ràng với công luận về trách nhiệm trong điều hành giá xăng dầu hiện nay.
Đề cập cụ thể hơn về vấn đề này, Đại biểu Bùi Đức Thụ (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) cho rằng, điều đáng tiếc trong thời gian qua là có sở hở trong xác định giá cơ sở để điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Rõ ràng trong thời gian qua, vấn đề quản lý điều hành chính sách mặc dù đã có nhiều người vẫn nhận trách nhiệm, nhưng hậu quả vẫn còn đó và cũng không thấy đổi mới để khắc phục hậu quả hoặc sự đổi mới rất chậm.
Cũng theo Đại biểu Thụ, qua kiểm điểm công tác điều hành giá xăng dầu vừa qua, việc xác định giá cơ sở phải căn cứ vào Luật tổ chức Chính phủ và Nghị định 83 quy định thẩm quyền trách nhiệm của các bên, quy trình thủ tục phải tuân thủ theo. Để xảy ra lỗi là do cơ chế chính sách, nếu chính sách sai thì cơ quan soạn thảo, ban hành chính sách phải chịu trách nhiệm.
Đánh giá cao vai trò của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đặc biệt trong lĩnh vực xăng dầu, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP HCM) nhận định, ở một vài lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của nhiều Bộ với sự phối hợp, phân công hợp lý. Tuy nhiên, có những lĩnh vực nếu chỉ giao cho một Bộ quản lý sẽ giải quyết được, nhưng nếu giao cho hai Bộ cùng tham gia sẽ xuất hiện ngay sự bất hợp lý. Đặc biệt, nếu hai Bộ không có sự phối hợp và phân công hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng đùn đẩy, ách tắc, chờ đợi và đổ lỗi cho nhau.
“Trong trường hợp điều hành giá xăng dầu thì không chỉ có hai Bộ chịu trách nhiệm. Nếu hai Bộ này còn lướng vướng thì trách nhiệm còn có Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì chứng tỏ Chính phủ chưa làm hết trách nhiệm của mình. Trong trường hợp này không có gì khó, nếu hai Bộ chưa tìm được tiếng nói chung thì nhất định phải cần người thứ ba đứng ra, tức là Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề này phải đứng ra, mời hai Bộ ngồi lại, chỉ một cuộc họp buổi sáng là xong, là giải quyết được, không nên để nhân dân phải chờ đợi”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ rõ.
Theo ông Nghĩa, nếu các bộ vẫn chưa thống nhất để nhận trách nhiệm, Thủ tướng hoặc phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực phải triệu tập hai bộ này để họp bàn và chốt câu trả lời với người dân. "Khi hai bộ còn tranh cãi, Chính phủ phải đứng ra phân xử, không nên để nhân dân phải chờ đợi" - ông Nghĩa nêu quan điểm.