tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nhân sự thời hội nhập và bài toán khó giải

  • Cập nhật : 23/03/2016

(Tin kinh te)

Năm 2016, Hiệp định TPP đã được ký kết và kỳ vọng là năm nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự bứt phá mạnh nhất trong nhiều năm qua, vì thế việc nhìn lại những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế đất nước đang trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết.

Năng suất thấp, và… “chậm lớn”

Về cơ bản, một nền kinh tế chỉ có thể tăng trưởng nhanh chóng khi năng suất lao động trong nền kinh tế đó ở mức cao; bất kể dù có sử dụng mô hình tăng trưởng nào thì điều này cũng không thay đổi, và một nền kinh tế có năng suất lao động thấp thì chắc chắn sẽ không thể có tốc độ tăng trưởng cao. Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng đang gặp phải vấn đề mang tính cốt lõi này, khi mà năng suất lao động đang thuộc diện thấp nhất châu Á.

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì năng suất lao động của Việt Nam cũng thấp hơn hẳn, cụ thể Malaysia hơn Việt Nam 5 lần, còn Thái Lan là 2,5 lần. Điều này dẫn đến hệ quả là năng suất của một người lao động Singapore hay Trung Quốc cao gấp 15 lần và 7-8 lần so với một người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này là không hoàn toàn chính xác.

nam doi ngu lao dong trinh do cao – dn viet chu dong hoi nhap

Nắm đội ngũ lao động trình độ cao – DN Việt chủ động hội nhập

Bên cạnh đó, DN Việt chưa tự bản thân phát triển, thậm chí một bộ phận DN “ngại” lớn. Nguyên nhân vì nếu phát triển lớn hơn thì DN sẽ mất nhiều chi phí hơn và sẽ nảy sinh nhiều “rắc rối” khó lường trước, nhất là trong bối cảnh hiện nay nhỏ để an toàn.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, doanh nhân và DN nào cũng muốn phát triển, cũng có ước mơ làm giàu nên đại bộ phận DN không cho rằng vì nguyên nhân nào đó khiến họ “ngại” lớn.

Tuy nhiên, theo ông Nam, khó khăn để DN lớn lên còn rất nhiều, từ nội tại DN, cản trở lớn nhất là công nghệ chưa tốt, nguồn nhân lực trong DN chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất theo chuẩn quốc tế. Tầm nhìn dài hạn của nhiều DN trong giai đoạn hội nhập vẫn chưa có nên chưa tìm được cách thức khai thác cơ hội mà thị trường mở ra.

Đặc biệt, cơ cấu sản xuất của các DN sản xuất phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên không tạo được giá trị gia tăng cao. Mặt khác, những khó khăn vẫn tồn tại từ lâu về vốn, cơ sở hạ tầng, mặt bằng… còn đeo bám.

Giải bài toán nguồn nhân lực

Một điều dễ nhận thấy là DN Việt Nam hiện đang bị tác động bởi nhiều yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài. Do đó, để giúp DN có sự vươn lên nhanh chóng và vững mạnh, theo ông Tô Hoài Nam, cần sớm có sự thay đổi về môi trường kinh doanh, đầu tư và nhiều điều kiện hỗ trợ khác như: Tiếp cận vốn, chính sách, mặt bằng, chuyển giao công nghệ… và đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, mục tiêu phải đạt trong thời gian tới là xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, điều hành hệ thống DN có sức cạnh tranh cao, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, liên kết chặt chẽ và tham gia tích cực vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đóng vai trò quyết định trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020 tạo được bước chuyển về chất lượng và cơ cấu DN; tăng tỷ trọng các DN lớn và vừa, đồng thời có được một số DN đạt tầm cỡ khu vực và thế giới.

Trong giai đoạn tới đây, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ, doanh nhân ngày càng trở thành lực lượng quan trọng trong công cuộc phát triển và đua tranh giữa các quốc gia. Do vậy, muốn giúp đội ngũ doanh nhân bứt phá, vượt lên thắng lợi trong cạnh tranh quốc tế thì đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc.

Để làm được điều đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho DN, doanh nhân phát triển.

Chúng ta hy vọng các nghị quyết của Đảng sẽ khẳng định thật rõ các quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển tầng lớp doanh nhân trong tình hình mới, đặc biệt là thống nhất nhận thức về vai trò vị thế của tầng lớp doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đề ra các giải pháp, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển của DN, doanh nhân, tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi để doanh nhân phát triển, tạo chuyển biến căn bản trong công tác đào tạo doanh nhân, phát triển các tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ doanh nhân.
 

Hằng Lê
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục