Thị trường vốn châu Âu cần phải nghĩ nhiều hơn đến vai trò đầu tư cho các hộ gia đình và các công ty, hay quan tâm đến việc giữ vững tương lai cho các ngân hàng này? Đây chính là hai quan điểm trái chiều của các nhà phân tích kinh tế và những người làm chính sách tại Châu Âu.
Mỹ khó 'chiếu tướng' Trung Quốc bằng TPP
- Cập nhật : 10/10/2015
(Tin kinh te)
Việc kết thúc đàm phán TPP được đánh giá là một thắng lợi của Mỹ trong cuộc chạy đua sức ảnh hưởng với Trung Quốc tại châu Á, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc các nước trong khu vực phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh.
TPP được cho là một đối trọng trước những tham vọng của Trung Quốc trong việc mở rộng sức ảnh hưởng trên lĩnh vực kinh tế thương mại và phương diện chiến lược và chủ quyền. Ảnh minh họa: AP
Việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt thỏa thuận cuối cùng hôm 6/10 nhận được sự hoan nghênh từ những đồng minh của Washington tại khu vực, đặc biệt trong bối cảnh các bên đều đang lo ngại về sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.
Mặc dù TPP còn cần Quốc hội Mỹ thông qua, song đây được xem là bước thắng lợi quan trọng, cho thấy quyết tâm của Tổng thống Barack Obama trong việc thực hiện cam kết tái cân bằng tại châu Á. Đây là một đối trọng trước những tham vọng của Trung Quốc trong việc mở rộng sức ảnh hưởng của mình trên lĩnh vực kinh tế thương mại cũng như phương diện chiến lược và chủ quyền.
"TPP có lẽ sẽ không thể thay đổi cuộc chơi như người Mỹ nói, nhưng nếu TPP thất bại thì chắc chắn là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Mỹ", New York Times dẫn lời ông Bilahari Kausikan, cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Singapore, bình luận. "Nhưng, nó vẫn không thể ngăn cản những gì Trung Quốc làm".
Dù Trung Quốc đang duy trì mức tăng trưởng cao hơn các nước phát triển và Bắc Kinh tiếp tục tích cực thúc đẩy mối liên hệ kinh tế với các nước châu Á - Thái Bình Dương thông qua các sáng kiến kết nối khu vực, như Con đường tơ lụa mới và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), nhưng hiện vẫn dấy lên những câu hỏi về nguy cơ khủng hoảng kinh tế của quốc gia này cũng như những tác động của nó với khu vực.
Việc các nước đạt được thỏa thuận đàm phán trong thời điểm hiện tại được giới phân tích đánh giá là một tín hiệu quan trọng cho thấy sự tiếp tục hiện diện của sức mạnh Mỹ. "Điều này ít nhất ngăn cản xu thế sức ảnh hưởng của Mỹ suy giảm và sức ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng tương ứng tại khu vực châu Á", giáo sư kinh tế Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell, Mỹ, nhận định.
Kể từ khi Tổng thống Obama phát biểu tại Quốc hội Australia hồi năm 2011 cho biết, Mỹ sẽ đóng "vai trò lớn hơn và dài hạn" trong việc định hình khu vực châu Á, các nước đồng minh của Washington luôn mong đợi một kết quả thực chất, chứ không chỉ là những lời nói suông, như đề nghị củng cố vị thế quân sự của Mỹ hay xây dựng một khu vực thương mại mà Trung Quốc bị gạt ra ngoài.
Bất chấp những tuyên bố của chính quyền Obama, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, bao gồm đồng minh của Mỹ, vẫn tiếp tục được mở rộng. Bắc Kinh đã ký kết thỏa thuận thương mại song phương và trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu với nhiều nước châu Á. Trong tháng 6, Trung Quốc và Australia đã đạt thỏa thuận thương mại quan trọng, mặc dù chưa được quốc hội thông qua.
Mặt khác, Trung Quốc cũng trở thành chủ nợ lớn nhất trong khu vực. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức tư vấn chính sách Đối thoại liên châu Mỹ, các khoản vay mà Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cung cấp cho châu Á đã vượt qua Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, hai định chế tài chính quốc tế do Mỹ và đồng minh Nhật Bản kiểm soát.
Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại hiện nay tại châu Á, lợi thế mà TPP mang lại cho các doanh nghiệp Mỹ chỉ nhỉnh hơn so với các doanh nghiệp Trung Quốc, bởi phạm vi sản phẩm mà các nước xuất khẩu sang các quốc gia thành viên châu Á có rất ít sự đan xen.
Ngay tại Trung Quốc, tâm lý phản cảm và dè chừng với TPP của giới hoạch định chính sách đang dịu lại trong thời gian gần đây. "Thái độ thù địch ban đầu của Trung Quốc với TPP đã giảm thiểu đáng kể", chuyên gia Nicholas Lardy thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson nhận xét.
Ngay sau khi đàm phán TPP kết thúc, đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay, nước này có thái độ cởi mở với các cơ chế phù hợp với quy tắc của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) và có lợi cho quá trình nhất thể hóa kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo điều tra của tờ Lianhezaobao Singapore, 10% người dân Trung Quốc được hỏi cho rằng TPP sẽ làm suy yếu sức ảnh hưởng của nước này tại khu vực Đông Á. Ngoài ra, 30% số người tham gia khảo sát cho rằng thỏa thuận này là âm mưu của Mỹ và Nhật Bản nhằm kiềm chế Trung Quốc. Trước đó, Bắc Kinh cũng nhiều lần đưa ra những chỉ trích tương tự.
Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố, TPP quan trọng không kém gì một chiếc hàng không mẫu hạm. Phát ngôn trên nhấn mạnh vai trò của thỏa thuận này với chiến lược ngoại giao của chính quyền Obama.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố đáng chú ý, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề nghị Trung Quốc nên trở thành một thành viên của TPP. "Nếu như Trung Quốc gia nhập TPP trong tương lai, đó sẽ là một đóng góp lớn cho an ninh của nước ta và sự ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông Abe nói. "Điều đó cũng có ý nghĩa chiến lược rất lớn".
Ông Lardy cho biết, đây cũng là kiến nghị của một bộ phận các chuyên gia kinh tế Trung Quốc, nhưng điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn cải cách kinh tế nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cao của TPP.
Giáo sư Peter Drysdale thuộc Đại học Quốc gia Australia lại nhận định, Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng ngoài TPP và củng cố quan hệ kinh tế với các nước Đông Á thông qua những biện pháp khác.
"Ngay cả khi tăng trưởng thấp hơn mức hiện nay hai hoặc ba phần trăm, các quốc gia trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, bao giờ cũng phải tính đến nhân tố Trung Quốc trong các kế hoạch chính của mình", ông Drysdale nói. "Trong tương lai gần Trung Quốc không gia nhập TPP, động cơ tăng cường liên hệ kinh tế giữa nước này và các đối tác Đông Á sẽ mạnh mẽ hơn".
Nhà ngoại giao kỳ cựu Kausikan đánh giá, mặc dù việc kết thúc đàm phán TPP được nhìn nhận là thắng lợi của Mỹ và các nước đồng minh, song Mỹ không nên vì thế mà cho rằng các quốc gia châu Á muốn rơi vào thế phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh."Không ai nghĩ TPP có thể thay thế Trung Quốc", ông Kausikan nói. "Mỹ rất quan trọng, Trung Quốc cũng rất quan trọng. Chúng ta có thể đồng thời xử lý tốt mối quan hệ này. Trung Quốc vẫn là một nhân tố kinh tế vô cùng lớn, khó có thể loại bỏ".
Đức Long
Theo Vnexpress