tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bloomberg: TPP vẫn có thể thành công mà không cần Mỹ

  • Cập nhật : 30/05/2017

Các điều khoản của TPP như hiện tại sẽ đem lại lợi ích tốt hơn nhiều so với việc không có hiệp định nào cả.

bloomberg: tpp van co the thanh cong ma khong can my

Bloomberg: TPP vẫn có thể thành công mà không cần Mỹ

Mỹ đã ký tham gia Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm ngoái, sau đó lại quyết định rút khỏi hiệp định này do chiến thắng bầu cử của Tổng thống Donald Trump, người có tư tưởng bảo hộ rất mạnh mẽ. 11 nước còn lại trong TPP đã quyết định chờ đến tháng 11 để xem có nên tiếp tục thực thi hiệp định hay không.

Tuy nhiên, theo bình luận từ ban biên tập trang tin kinh doanh Bloomberg, 11 nước này (còn gọi là nhóm TPP-11) không nên trì hoãn việc thực hiện lâu đến như thế. Các điều khoản của TPP như hiện tại sẽ đem lại lợi ích tốt hơn nhiều so với việc không có hiệp định nào cả.

Trái với một số lời cảnh báo, việc nước Mỹ rút lui khỏi TPP đã không dẫn tới sự chấm dứt của hiệp định này. Công việc chủ yếu của các nhà đàm phán hiện nay là chỉ cần thay đổi điều khoản quy định rằng hiệp định này phải được phê chuẩn bởi các nước chiếm 85% GDP của cả khối (hiện Mỹ chiếm 60%). Các điều khoản khác liên quan đặc biệt đến Mỹ sẽ cần được điều chỉnh hoặc bỏ qua, nhưng nếu 11 nước muốn giữ lại thì cũng không sao.

Dĩ nhiên, cũng có một số nước đang do dự. Malaysia và Việt Nam đã cho biết rằng 2 nước này chấp nhận nhượng bộ nhiều điều kiện vì muốn tiếp cận thị trường Mỹ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ngoài một số lĩnh vực như hàng dệt may, giày dép, nông sản và ngành xe hơi, thị trường Mỹ hiện đã khá cởi mở. Nếu không có Mỹ, việc mở rộng thương mại trong khối TPP sẽ mang lại những lợi ích không được nhiều như trước, nhưng các nước tham gia vẫn nhận được lợi ích ròng.

Theo bình luận từ Bloomberg, thực tế là những bước nhượng bộ trong đàm phán TPP không đòi hỏi phải có sự hy sinh lớn lao của các nước tham gia – những nhượng bộ này tự thân chúng cũng rất có giá trị. Ví dụ, TPP đòi hỏi những cải cách về cơ cấu trong nền nông nghiệp Nhật Bản cũng như trong các công ty quốc doanh của Việt Nam. Chính phủ 2 nước này hiểu rằng những thay đổi như thế là cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng sống của người dân, nhưng việc thực hiện các chính sách này không phải là dễ dàng. TPP sẽ góp phần thúc đẩy quá trình cải cách này diễn ra thuận lợi hơn.

Ngoài ra, TPP cũng mang lại nhiều lợi ích khác ngoài việc cắt giảm thuế. TPP bao hàm cả một loạt các tiêu chuẩn kinh doanh trên toàn cầu trong thế kỷ 21, bao gồm sở hữu trí tuệ, thương mại số và bảo vệ môi trường. Nếu hiệp định này được thực hiện, số nước muốn tham gia có thể sẽ tăng lên. Theo Bloomberg, có nhiều khả năng Hàn Quốc và Indonesia sẽ muốn tham gia vào TPP. Các quốc gia khác ngoài khu vực vành đai Thái Bình Dương cũng sẽ xem xét các nguyên tắc của TPP như là một quy chuẩn để giữ lợi thế cạnh tranh.

Bên duy nhất thua thiệt trong trường hợp này là nước Mỹ khi sẽ phải từ bỏ những lợi ích thương mại có thể được hưởng, và nước này sẽ có ít lợi thế khi đàm phán thương mại với Nhật Bản, Canada và Mexico trong tương lai. Một số công ty của Mỹ có thể chuyển hoạt động sang các nước thành viên của TPP. Nếu mọi chuyện diễn ra như vậy, Mỹ có thể xin được tham gia TPP trở lại.

Malaysia đã đề xuất một cách tiếp cận khác với TPP, đó là thương lượng lại toàn bộ hiệp định. Theo Bloomberg, đây không phải là một lựa chọn tốt. Nó sẽ khiến mọi thứ trở nên khó khăn đối với các nước như Nhật Bản và New Zealand vốn đã phê chuẩn TPP, và sẽ trì hoãn việc thực hiện hiệp định như dự kiến là vào cuối năm nay.

Theo Bloomberg, tốt hơn hết là nhóm TPP-11 nên xây dựng tiếp hiệp định dựa trên những gì đã đạt được. Dù rằng đây vẫn sẽ là một thành công nhỏ hơn so với những gì mà các kiến trúc sư của TPP đã từng hy vọng, tuy nhiên nó vẫn là một thành tựu rất đáng chú ý.

Quỳnh Như
Theo Nhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục