Ấn Độ muốn thực hiện quy định "như nước khác" trong ngành điện nước này, do đó Trung Quốc là nước bị ảnh hưởng lớn nhất do đã đầu tư kha khá ở thị trường Ấn Độ. Ấn Độ lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Liệu Mỹ có quay trở lại với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương?
- Cập nhật : 21/05/2017
Báo Độc Lập (Nga) số ra ngày 19/5 có bài viết cho biết vào tuần tới sẽ diễn ra cuộc gặp cấp bộ trưởng của 11 quốc gia - thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tại cuộc gặp này, bộ trưởng 11 nước sẽ thảo luận về tương lai của TPP. Trước đó, Thủ tướng New Zealand Bill English và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố về dự định tiếp tục thực hiện TPP trong trường hợp Mỹ không tiếp tục tham gia. Đồng thời, Tokyo cũng bày tỏ hy vọng Washington sẽ xem xét lại và quay trở lại tiếp tục tham gia Hiệp định này. Các chuyên gia không loại trừ khả năng này xảy ra.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và người đồng cấp New Zealand Bill English (trái) tái khẳng định cam kết phối hợp chặt chẽ để TPP sớm có hiệu lực, bất chấp việc Mỹ rút khỏi hiệp định này. Ảnh: EPA/TTXVN
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Thủ tướng New Zealand English bày tỏ sự hài lòng với cuộc gặp người đồng cấp Shinzo Abe và nói rằng những gì họ đã thảo luận thậm chí còn tích cực hơn những gì mà ông mong đợi.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định rằng ông mong muốn TPP sẽ tiếp tục được thực hiện theo lịch trình đã thống nhất từ khi Mỹ vẫn còn là thành viên của Hiệp định này. Có nghĩa là vào nửa đầu năm tới sẽ tiếp tục mở rộng Hiệp định này.
Theo ông English, New Zealand và Nhật Bản sẽ trở thành những quốc gia dẫn đầu mới trong TPP, đồng thời sẽ mang đến những động lực thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định và khuyến khích các quốc gia thành viên khác.
TPP đã được ký kết vào năm 2016 tại Auckhland, New Zealand. Tại thời điểm đó, có 12 quốc gia thành viên là Mỹ, Australia, Canada, Mexico, New Zealand, Malaysia, Peru, Phillipines, Brunei, Việt Nam, Singapore, Chile và Nhật Bản. Nhưng sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định để Mỹ rút khỏi TPP.
Theo BBC, cho tới hiện nay mới chỉ có Quốc hội Nhật Bản và New Zealand phê chuẩn Hiệp định. Tuy nhiên, để TPP có hiệu lực, từ nay cho tới tháng 2/2018 hiệp định này còn cần nhận được sự phê chuẩn của ít nhất 6 quốc gia thành viên với tổng GDP không ít hơn 85% của cả khối.
Các chuyên gia từ lâu đã thảo luận vấn đề có hay không một TPP mà không có sự tham gia của Mỹ. Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Trung tâm Carnegia Moskva Aleksandr Gabuev cho rằng để thực hiện TPP mà không có Mỹ là rất mơ hồ.
Ông Gabuev viết trên website của Trung tâm phân tích Carnegia: “Có quá nhiều giao dịch bên trong gắn với sự mở cửa thị trường của Mỹ. Vì vậy, nếu không có Mỹ thì việc đàm phán lại thoả thuận sẽ rất phức tạp, và liệu nếu thiếu vắng đi một thị trường khổng lồ như Mỹ thì 11 quốc gia còn lại có sẵn sàng ký kết với các tiêu chuẩn cứng nhắc của TTP”.
Tuy nhiên, nhà kinh tế học Jeffri Shott của Trung tâm phân tích thuộc Viện Peterson cho rằng việc 11 quốc gia thành viên còn lại của TPP hiện nay tham gia Hiệp định này không chỉ vì có sự tham gia của Mỹ mà còn vì mô hình hợp tác này sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế của các nước này. Chính vì vậy, theo các nhà phân tích, các quốc gia còn lại vẫn thực sự quan tâm đến triển vọng của TPP.
Hiệu trưởng Trường nghiên cứu phương Đông thuộc Đại học kinh tế cao cấp Aleksey Maslov cho rằng cơ hội để thực hiện TPP thiếu Mỹ vẫn có, tuy nhiên để đạt được điều này thì các quốc gia còn lại phải xem xét lại Hiệp định này ở một mức độ nhất định.
Ông nói: “Trên thực tế, TPP không chỉ là một thoả thuận thương mại thông thường mà nó được xem như một Toà trọng tài giải quyết các vấn đề giữa các quốc gia, cũng như giữa các tổ chức khác. TPP là một dự án tương tự như Liên minh châu Âu”. Trong bối cảnh này, vị chuyên gia này nhấn mạnh, điều quan trọng không phải là ai sẽ là quốc gia dẫn đầu khối mà là liệu 11 quốc gia còn lại có thể đơn giản hoá thoả thuận để thực hiện nó mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ hay không.
Ông Maslov nói thêm: “Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc hiện nay vẫn không thể kết nối với dự án Vành đai và Con đường của Bắc Kinh vì những lý do chính trị. Chính vì vậy, các quốc gia này đang tìm kiếm phương cách để kìm hãm Trung Quốc, và TPP là một trong những lựa chọn, rõ ràng là tốt nhất trong khả năng của họ”.
Còn một tình huống khó xử nữa là liệu Mỹ có quay trở lại Hiệp định này hay không. Có một lần, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từng tuyên bố về “mong mỏi lớn lao” của mình là một lần nữa được nhìn thấy Washington là một bên tham gia Hiệp định này.
Như nhận định của chuyên gia Schott, triển vọng đó cũng rất có khả năng. Bởi vì Mỹ rút khỏi TPP thì các doanh nghiệp nước này sẽ mất đi một khoản tiền đáng kể. Ông Maslov còn cho rằng sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc cũng kích thích Mỹ quay lại với TPP. Việc rút khỏi TPP đồng nghĩa với việc mở ra cánh cửa cho sự thống trị của Trung Quốc.
Tuy nhiên, chuyên gia Gabuev cho rằng lý do Tổng thống Mỹ quyết định rút khỏi TPP là vì hầu hết các nhà sản xuất ô tô, đậu tương, thuốc lá, dệt may và dược phẩm của Mỹ đều không muốn tham gia TPP.
Nhiều công ty trong số này có trụ sở tại các bang đã mang đến chiến thắng cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống, đặc biệt là ở bang Bắc California.
TTXVN/Tin Tức