tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

TPP: Cơ hội và thách thức

  • Cập nhật : 11/10/2015

(Thuong mai)

CHiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang lại luồng gió mới cho Việt Nam, buộc chúng ta phải đổi mới, cải tổ mạnh mẽ từ thể chế, kinh tế, luật pháp đến hệ thống doanh nghiệp.

Nhận diện TPP

Ngày hôm qua (6-10), Bộ Công Thương đã phát đi thông cáo báo chí về việc kết thúc đàm phán TPP. Sau khi kết thúc đàm phán, các quốc gia sẽ phải hoàn thiện các văn bản pháp lý để trình xin ý kiến Quốc hội.

Xóa bỏ gần toàn bộ thuế nhập khẩu

Bộ Công Thương cho biết TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21. Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp (DN) nhà nước...

Hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả nước TPP; tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân; thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh; thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt; đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế, không mở rộng thêm thuế xuất khẩu trong tương lai; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; mở cửa đấu thầu mua sắm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho DN và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

 det may la mot trong cac nganh duoc huong loi khi tham gia tpp. anh: htd

 Dệt may là một trong các ngành được hưởng lợi khi tham gia TPP. Ảnh: HTD

Xóa bỏ bảo hộ, ưu đãi của Chính phủ

Bộ Công Thương cũng cho biết bên cạnh việc xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan, các bên TPP nhất trí thúc đẩy cải cách về mặt chính sách, bao gồm cả việc thông qua xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp, hợp tác trong WTO để xây dựng các quy định về tín dụng xuất khẩu và giới hạn khoảng thời gian cho phép áp dụng các hạn chế đối với xuất khẩu lương thực nhằm bảo đảm hơn nữa an ninh lương thực trong khu vực.

Các bên tham gia TPP cũng nhất trí nâng cao tính minh bạch hóa liên quan đến việc vận hành DN thương mại nhà nước xuất khẩu và đưa ra các quy định hạn chế việc cấp vốn ưu đãi từ Chính phủ hoặc các chính sách khác gây bóp méo thương mại nông sản; cũng như yêu cầu về minh bạch hóa và phối hợp trong các hoạt động cụ thể liên quan đến công nghệ sinh học nông nghiệp và nông nghiệp hữu cơ.

“Các bên tham gia TPP nhất trí xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may. Hầu hết thuế quan sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, mặc dù thuế quan đối với một số mặt hàng nhạy cảm sẽ được xóa bỏ với lộ trình dài hơn do các bên thống nhất” - Bộ Công Thương cho hay.

Các thành viên TPP cùng quan tâm tới mở cửa thị trường mua sắm chính phủ rộng lớn của nhau thông qua các quy tắc công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và không phân biệt đối xử. Các nhà cung cấp có đủ thời gian nhận được hồ sơ dự thầu và nộp bản chào thầu, để đối xử với các nhà thầu một cách công bằng, bình đẳng và để duy trì tính bảo mật cho các nhà thầu.

Trong TPP, các thành viên nhất trí thông qua, duy trì trong luật và thông lệ của mình các quyền cơ bản của người lao động như được thừa nhận trong Tuyên bố 1998 của ILO, đó là quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; và loại bỏ sự phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

Về DN nhà nước, Bộ Công Thương nói tất cả thành viên TPP đều có loại DN này và cam kết sẽ không hỗ trợ phi thương mại cho các DN nhà nước khiến ảnh hưởng đến quốc gia TPP.

“Tham gia TPP sẽ là cơ hội để ta tiếp tục hoàn thiện, trong đó có thể chế kinh tế thị trường, đồng thời có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết thêm.

Tại sao TPP quan trọng?

TPP là một thỏa thuận thương mại tự do với sự tham gia của 12 nước gồm Việt Nam, Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore và Nhật Bản.

TPP chi phối 40% mậu dịch toàn cầu và ảnh hưởng 800 triệu dân tại 12 nước. Đây là thỏa thuận mậu dịch được xem là lớn nhất trong nhiều thập niên.

Mục tiêu của TPP là thắt chặt hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa các nước tham gia, thông qua các biện pháp giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ.

Theo các chuyên gia, việc đạt được thỏa thuận là bước tiến đột phá bởi có sự khác biệt về phương pháp tiếp cận cũng như tiêu chuẩn giữa các nước tham gia, nhất là về vấn đề bảo vệ môi trường, thuế, quyền của người lao động,... Đàm phán đã thành công nhưng thỏa thuận này cần phải được Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.

Các nhóm ngành được hưởng lợi

Dệt may: Các nước tham gia TPP là đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Nhật. 40% giá trị hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu sang 11 nước trong TPP. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng quần áo dệt may và da giày sang các nước trong TPP, chiếm 31% tổng giá trị.

Thủy sản: Tại thị trường Nhật, các DN xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ sẽ được hưởng lợi khi thuế nhập khẩu được giảm về 0% so với mức trung bình là 6,4%-7,2% hiện tại.

Gỗ: Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ đứng thứ sáu trên thế giới và đứng đầu ASEAN.

Các ngành bị bất lợi

Mía đường: Việc tham gia TPP cũng như các hiệp định thương mại khác sẽ buộc Việt Nam phải mở cửa ngành mía đường, gỡ bỏ các hạn ngạch nhập khẩu. Ngành mía đường dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt trong các nước tham gia TPP có Úc - nước xuất khẩu mía đường lớn thứ ba thế giới, chi phí sản xuất khoảng 20 USD/tấn trong khi ở Việt Nam là khoảng 55-60 USD/tấn.

Dược: Việc tham gia hiệp định TPP sẽ làm tăng doanh số nhập khẩu thuốc của Việt Nam. Theo hiệp định TPP, thuế suất nhập khẩu sẽ giảm từ mức trung bình hiện nay khoảng 2,5% về 0%, làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường dược phẩm. Đồng thời, TPP kéo dài thời gian bảo hộ đối với thuốc bản quyền, từ đó hạn chế khả năng tiếp cận và sản xuất các loại thuốc mới của DN nội.

Thức ăn chăn nuôi: Giá thành thức ăn chăn nuôi hiện tại của Việt Nam cao hơn khoảng 10% so với các nước trong khu vực. Áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng khi thuế nhập khẩu thịt bò, gà, heo vào Việt Nam sẽ giảm từ 5% xuống còn 0%; đặc biệt là cạnh tranh các sản phẩm từ Úc và Mỹ do đây là những nước có chi phí sản xuất thấp, năng suất lớn.

TPP kéo chứng khoán bùng nổ

Sau khi có những thông tin tốt từ việc kết thúc đàm phán TPP, chứng khoán ngày 6-10 tăng vọt. Trong buổi sáng, VN-Index có phiên bứt phá mạnh, lên trên ngưỡng kháng cự 575 điểm. Tiếp đà, vào phiên giao dịch buổi chiều, các cổ phiếu ào ạt tăng giá, vượt luôn cả ngưỡng 580 điểm. Như vậy chỉ số này đang ở mức cao nhất suốt 36 phiên. Trên cả hai sàn Hà Nội và TP.HCM, khối ngoại tiếp tục đổ tiền vào.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia tài chính chứng khoán, cho rằng hiệu ứng từ TPP đã giúp thị trường chứng khoán ngày hôm qua tràn ngập sắc xanh. Cổ phiếu dệt may, thủy sản… có những phiên giao dịch bùng nổ, kéo theo các mã ngành khác tăng theo.

YÊN TRANG

(Theo Báo Pháp Luật TP.HCM)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục