Vì sao Alibaba và Tencent “sống khỏe” ở Ả-rập Xê-út hơn Google và Facebook?; Kinh tế 2017 - 2018: Mừng nhất là Chính phủ không quá lạc quan!; 3 trục sản phẩm giúp ngành nông nghiệp đạt mục tiêu 35 tỷ USD; Chi ngân sách: Năm sau cứ tiêu nhiều hơn năm trước thì bao giờ an tâm nợ công?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 31-10-2017
- Cập nhật : 31/10/2017
Doanh nghiệp nhà nước lớn nhất TP HCM lãi nghìn tỷ nhờ bia, xúc xích
Satra lãi hơn 2.330 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay nhờ cổ tức được chia từ hai "ông lớn" ngành bia và xúc xích Vissan.
Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý II lần lượt đạt 1.873 tỷ đồng và 111 tỷ đồng, đồng loạt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Bù lại, doanh thu hoạt động tài chính lại tăng đến 23% nhờ ghi nhận khoản cổ tức và lợi nhuận được chia trong kỳ lên đến 2.200 tỷ đồng. Phần chiết khấu thanh toán, lãi tiền gửi và bán hàng trả chậm cũng đóng góp hơn 460 tỷ đồng vào nguồn thu tài chính.
Tuy chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng vọt, nhưng nhờ khoản thu nhập này mà lợi nhuận sau thuế quý II xấp xỉ 2.216 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ và nâng lũy kế nửa đầu năm lên 2.332 tỷ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, khoản cổ tức mà Satra nhận được phần lớn đến từ Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam và Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Việt Nam (Heineken Trading – đơn vị phụ trách hoạt động phân phối sản phẩm. Satra đang sở hữu gần 450 tỷ đồng vốn góp tại đây, phần còn lại do công ty con của Heineken đặt trụ sở tại Singapore và Australia nắm giữ. Năm ngoái, đại gia ngành bia mang về cho các doanh nghiệp địa phương khoảng 5.200 tỷ đồng lợi nhuận.
Danh sách công ty liên kết của Satra còn xuất hiện một “ông lớn” trong lĩnh vực đồ uống là Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn. Sabeco lãi sau thuế năm 2016 hơn 4.700 tỷ đồng và thông qua tỷ lệ chia cổ tức là 30%. Dù không công bố tỷ lệ nắm giữ hiện tại, nhưng căn cứ vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này có thể thấy Satra cũng thu về khoản lợi nhuận cổ tức không nhỏ.
Ngoài ra, Satra còn sở hữu 67,7% cổ phần, tương đương 548 tỷ đồng vốn góp tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan) – một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thị phần xúc xích và thịt tươi sống.
Tổng giá trị đầu tư tài chính dài hạn tính đến cuối kỳ báo cáo vào khoảng 1.900 tỷ đồng, giảm gần 120 tỷ so với thời điểm đầu năm do vừa thoái vốn khỏi 4 công ty liên doanh - liên kết như Hàng xuất khẩu Cầu Tre, Bao bì Sài Gòn...
Danh mục đầu tư của Satra khá đa dạng về ngành nghề kinh doanh, với sự xuất hiện của hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi như LienVietPostbank, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), như Công ty cổ phần Bình Điền…
Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) được thành lập năm 1995, hoạt động chính trong các lĩnh vực sản xuất chế biến và thương mại, dịch vụ. Vốn điều lệ hiện tại là 8.660 tỷ đồng, đứng đầu trong các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP HCM.(Vnexpress)
---------------------
Từ 1.11 khôi phục thị trường phát điện cạnh tranh
Bộ Công thương quyết định khôi phục vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1.11.2017. Trước đó, trong tháng 10, Bộ đã cho dừng thị trường phát điện cạnh tranh.
Bộ Công thương cho biết, căn cứ tình hình phụ tải và thủy văn của các nhà máy thủy điện, EVN đã xây dựng phương thức vận hành hệ thống điện trong tháng 11 và 12.2017, nhằm đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định trong các tháng cuối năm.
Chính vì vậy Bộ quyết định khôi phục vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1.11.2017. Trước đó, trong tháng 10, Bộ Công thương đã cho dừng thị trường phát điện cạnh tranh.
Trong tháng 10, các hồ chứa thủy điện khu vực miền Bắc và miền Nam nhìn chung đều có lưu lượng nước về cao hơn so với trung bình nhiều năm. Theo các quy trình điều tiết hồ chứa, giai đoạn tháng 11 và 12 hằng năm là giai đoạn tích nước cho mùa khô năm sau, lưu lượng nước về nhiều hồ thủy điện trong tháng 11 và 12 dự kiến sẽ thấp hơn thời gian vừa qua, diễn biến thủy văn dự kiến sẽ ít biến động, ít có khả năng phải can thiệp vào quá trình vận hành các nhà máy thủy điện như tháng 10.(Thanhnien)
-------------------------
Phân bón tăng giá mạnh đầu vụ đông xuân
Còn khoảng 1 tháng nữa nông dân ĐBSCL mới xuống giống cao điểm vụ lúa đông xuân 2017 - 2018 nhưng nhiều mặt hàng phân bón đã tăng giá mạnh từ nhiều tuần qua.
Một cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở TP.Cần Thơ nhập phân bón để phục vụ nông dân ẢNH: ĐẶNG NGỌC
Thời điểm này, thị trường khá sôi động, các đại lý kinh doanh tập trung đầu tư dự trữ phân bón. Giá các loại phân đều tăng từ 40.000 - 90.000 đồng/bao (50kg) so với vụ lúa thu đông. Cụ thể, u rê Cà Mau 360.000 đồng/bao, u rê Phú Mỹ từ 340.000 - 360.000 đồng/bao, u rê trong (Indonesia) 340.000 đồng/bao, DAP 64 Hồng Hà 600.000 đồng/bao, kali miểng Phú Mỹ 400.000 đồng/bao. Giá các loại phân NPK nội địa cũng tăng khoảng 50.000 đồng/bao, trong đó NPK 20-20-15 (loại 3 màu cao cấp) giá 595.000 đồng/bao, NPK 16-16-8 (loại 3 màu cao cấp) 495.000 đồng/bao, NPK 25-25-5 giá 600.000 đồng/bao…
Ông Lê Văn Chính (ngụ xã Song Lộc, H.Châu Thành, Trà Vinh) nhẩm tính tỷ lệ phân DAP trong sản xuất lúa vụ này chiếm khoảng 20%, u rê chiếm 40%. Vì vậy, giá phân tăng cao như hiện nay ắt hẳn lợi nhuận sẽ giảm nhiều. Đây là nỗi lo chung của người trồng lúa.
Ông Nguyễn Văn Đào, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp tại xã Nhơn Nghĩa, H.Châu Thành A (Hậu Giang), cho biết gần 2 tuần qua, thị trường phân bón liên tục “nhảy múa”, nhất là phân u rê, DAP, NPK… Vì vậy cửa hàng của ông mới nhập về được chừng 10 tấn u rê, DAP, còn NPK nhập nhiều hơn.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất phân bón tại TP.HCM nhận định: Thông thường vào đầu vụ lúa đông xuân, giá phân bón đều tăng nhẹ, riêng năm nay tăng vọt mấy chục ngàn đồng mỗi bao so cùng kỳ năm rồi. Nguyên nhân là nguyên liệu đầu vào nhập từ các nước đều tăng, kéo giá phân bón sản xuất trong nước tăng theo. Nếu giá phân bón tăng cao ở đà này thì khi bước vào chính vụ sẽ gây bất lợi cho nhà nông. Nguồn cung thiếu, giá tăng cao kéo theo hàng kém chất lượng sẽ trà trộn thị trường rất khó kiểm soát. Việc quản lý chất lượng và điều hành cung - cầu đối với phân bón không khéo nhà nông sẽ lãnh đủ.(Thanhnien)
--------------------
10 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM đạt 14,5%
Ước tính đến hết tháng 10/2017, tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM đạt 14,5% so với cuối năm 2016. Còn khoảng 80.000 tỷ đồng sẽ “bơm” trong 2 tháng cuối năm để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 20%.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, ước tính đến hết tháng 10/2017, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 11,4% so cuối năm 2016 và tăng gần 14% so cùng kỳ.
Trong đó, tiền gửi VND tiếp tục tăng gần 12% và chiếm tỷ trọng 88% trong tổng nguồn vốn huy động, đạt 1,742 triệu tỷ đồng. Vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 238.000 tỷ đồng, chiếm 12% tổng vốn huy động, tăng 7,7% so cuối năm 2016.
Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 1,689 triệu tỷ đồng, tăng 14,59% so cuối năm 2016 và tăng 19,76% so cùng kỳ.
Trong đó, dư nợ bằng VND chiếm 90,6% tổng dư nợ, tăng 14,65% so cuối năm 2016. Dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 158.000 tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng dư nợ, tăng 14,03% so cuối năm 2016.
Về kỳ hạn, dư nợ tín dụng trung, dài hạn vẫn chiếm cao với tỷ trọng 53,3% tổng dư nợ, tăng 7,68% so cuối năm 2016. Dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 46,7%, tăng 23,65% so cuối năm 2016.
Đối với 05 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên (Phát triển nông nghiệp và nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VND đạt 152.772 tỷ đồng.
Trong đó, hơn một nửa là cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng gần 64,4% tổng dư nợ, đạt 98.442 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 của TP.HCM khoảng 20%.
Như vậy, chỉ còn 02 tháng nữa là kết thúc năm 2017, nhưng các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM còn rất nhiều dư địa tới 5,41% để đẩy vốn ra, tương ứng khoảng 80.000 tỷ đồng.(Bizlive)