Xuất khẩu tiến gần đến mốc 200 tỷ USD; Mỗi ngày Vinamilk chi bán hàng bình quân hơn 30 tỷ đồng; Bạo chi cho quảng cáo nhưng doanh thu, lợi nhuận của Habeco vẫn giảm mạnh trong quý 3/2017; Kido Foods có "chùn bước" trước mùa đông?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-10-2017
- Cập nhật : 30/10/2017
Việt Nam đã chi gần 214.000 tỷ đồng trả nợ gốc và lãi vay
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng nợ gốc và lãi chi trả từ đầu năm đến nay khoảng 213.800 tỷ đồng.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2017 ước tính đạt 865,6 nghìn tỷ đồng, bằng 71,4% dự toán năm.
Trong đó thu nội địa đạt 679,2 nghìn tỷ đồng, bằng 68,6%; thu từ dầu thô 35,2 nghìn tỷ đồng, bằng 91,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 148,8 nghìn tỷ đồng, bằng 82,7%.
Trong thu nội địa, nhiều nhất là khoản thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước, chiếm 130 nghìn tỷ đồng; tiếp đến là thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 121,2 nghìn tỷ đồng...
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2017 ước tính đạt 960,3 nghìn tỷ đồng, bằng 69,1% dự toán năm.
Trong đó chi thường xuyên đạt 696 nghìn tỷ đồng, bằng 77,7%; chi trả nợ lãi 79,9 nghìn tỷ đồng, bằng 80,8%; riêng chi đầu tư phát triển đạt 180,7 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 50,6% dự toán năm (trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 177,1 nghìn tỷ đồng, bằng 50,3%).
Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2017 ước tính đạt 133,9 nghìn tỷ đồng, bằng 81,7% dự toán năm. Như vậy, tổng nợ gốc và lãi chi trả từ đầu năm đến nay khoảng 213.800 tỷ đồng.
Tổng cục Thống kê cho biết, bội chi ngân sách trong 10 tháng đầu năm là 94,7 nghìn tỷ đồng.
Nợ công tăng cao, ngân sách trung ương lại gặp khó
Báo cáo về nợ công của Chính phủ mới đây gửi Quốc hội cho thấy, nợ công năm 2017 có thể tăng lên mức hơn 3,1 triệu tỷ đồng, bằng 62,6% GDP. Trong khi đó, nợ công năm 2016 được tính toán ở mức trên 2,8 triệu tỷ đồng (bằng 63,6% GDP).
Như vậy nợ công năm 2017 có thể tăng thêm khoảng 300 nghìn tỷ đồng so với năm 2016.
Dự kiến sang năm 2018, dư nợ công cuối năm 2018 ở mức khoảng 63,9% GDP, dư nợ chính phủ ở mức khoảng 52,5% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP, nằm trong giới hạn cho phép.
Trong khi đó, báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết đây là năm thứ 3 liên tiếp, ngân sách trung ương có khả năng hụt thu.
Cụ thể, về tình hình thu ngân sách nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, Chính phủ ước thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán, đã thể hiện những nỗ lực rất cao trong điều hành của Chính phủ, kết quả hành động với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của cộng đồng doanh nghiệp, ngành tài chính và cả hệ thống chính trị trong cả nước.
Tuy nhiên số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách trung ương ước khó đạt dự toán. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, ngân sách trung ương có khả năng hụt thu.
Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương khó được đảm bảo.(Bizlive)
--------------------------
"Siêu dự bị" của chính sách tiền tệ có ra sân?
Đầu tháng 3/2015, ngân hàng HSBC từng đưa ra dự báo khá chắc chắn: Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất trên thị trường mở (OMO) ngay trong tuần, từ 5%/năm xuống 4,5%/năm.
Nhưng bẵng đi, đã hơn hai năm, dự báo đó nay vẫn chưa hiện thực. Lãi suất OMO trở thành "siêu dự bị" của chính sách tiền tệ cho đến nay.
Thời điểm HSBC đưa ra dự báo, hoạt động ngân hàng chuyển sang giai đoạn sau Tết Nguyên đán. Thường thấy, trong giai đoạn này hàng năm, dòng tiền quay trở lại ngân hàng sau mùa cao điểm chi trả.
Thậm chí như hai năm gần đây, đó cũng là thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu trở lại phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về.
Trong bối cảnh như vậy, vốn khả dụng và thanh khoản dồi dào, lãi suất có điều kiện hạ nhiệt hoặc chí ít bớt căng thẳng. Công cụ lãi suất OMO theo đó trở thành của để dành, cần cho lúc có yêu cầu can thiệp. Đắc dụng để đắc trị.
Dĩ nhiên còn cân đối và dự phòng với lạm phát và tỷ giá, nhưng có thể vì lẽ trên mà đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa điều chỉnh lãi suất OMO. Bên cạnh giá trị can thiệp tạm "đóng băng" vì suốt thời gian dài không có phát sinh giao dịch, giá trị tín hiệu của nó cũng trở nên xơ cứng khi giữ nguyên 5%/năm suốt những năm qua, mặc cho thị trường và hoạt động hệ thống ngân hàng luôn vận động.
Song, nhà điều hành chính sách tiền tệ hẳn có lý do. Có thể suy nghĩ rằng: khi thị trường và hoạt động ngân hàng, về thanh khoản và lãi suất, vẫn đang tự dưỡng tốt, công cụ đó chưa phải dùng đến.
Thực tế, hai năm gần đây báo cáo định kỳ của cơ quan này nhiều thời điểm cho biết nguồn vốn cho hệ thống có dư thừa ở mức phù hợp; cùng đó, lãi suất hai năm qua cũng giảm dần.
Mặt khác, năm 2015, năm mà HSBC đưa ra dự báo trên, so với hiện nay có khác biệt lớn. Yếu tố lạm phát khá tương đồng, cùng được kiểm soát ở mức thấp, nhưng ở khía cạnh tỷ giá là sự trái ngược: 2015 tỷ giá USD/VND căng thẳng và phải liên tục bán ra ngoại tệ để can thiệp; 2017 thì ngược lại, kể cả sự chuyển tiếp từ 2016, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào lượng ngoại tệ lớn, đồng nghĩa với lượng lớn tiền đồng đưa ra.
Đó cũng là một trong những lý do có thể góp phần lý giải vì sao lãi suất OMO vẫn nằm yên mãi như vậy.
Song, thời điểm cuối năm 2017 dự báo sẽ có những chuyển động mới. Áp lực đối với lãi suất có thể tăng lên vào mùa cao điểm, trong khi Chính phủ vẫn yêu cầu phấn đấu giảm tiếp 0,5%/năm lãi suất cho vay.
Nếu những giả thiết trên dồn đẩy đến một thế trận căng thẳng, có thể kênh bơm vốn hỗ trợ qua OMO sẽ chảy trở lại, và khi đó "siêu dự bị" lãi suất OMO có thể được tung ra sân, giảm để phát tín hiệu bình ổn và cũng trực tiếp hỗ trợ chi phí cho các tổ chức tín dụng vay cầm cố, giảm thiểu áp lực đối với lãi suất.
Thực tế, hồi tháng 7 vừa qua, sau quyết định giảm các lãi suất điều hành (ngày 10/7), tại buổi làm việc với các tổ chức tín dụng một số tỉnh miền Trung, Thống đốc Lê Minh Hưng từng nêu định hướng: Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, kể cả trên thị trường mở (OMO), tái cấp vốn để hỗ trợ nguồn vốn cho các ngân hàng để tiếp tục cho vay với mức lãi suất thấp hơn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn.(Vneconomy)
-------------------------
Giá thuốc và dịch vụ y tế đẩy CPI tháng 10 tăng
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2017 tăng 0,41% so với tháng trước. CPI bình quân 10 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,71%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 2,14% (dịch vụ y tế tăng 2,79%) do trong tháng có 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (tác động làm CPI tăng khoảng 0,11%). Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,63%; giao thông tăng 0,61% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 20/9/2017, mặc dù trong tháng 10 giá xăng dầu có 2 đợt điều chỉnh giảm làm chỉ số giá nhiên liệu tăng 1,44%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng thấp hơn mức tăng chung: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,31%, trong đó lương thực tăng 0,57%; thực phẩm tăng 0,37%. Giáo dục tăng 0,19% (dịch vụ giáo dục tăng 0,21%) do trong tháng có 6 tỉnh thực hiện lộ trình tăng học phí.
May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,17%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,10%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,06%; nhóm đồ uống và thuốc lá và bưu chính viễn thông cùng tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%.
Chỉ số giá 11 nhóm hàng hóa so với tháng trước. Đơn vị (%)
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2017 tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2016; CPI tháng 10/2017 tăng 2,25% so với tháng 12/2016 và tăng 2,98% so với cùng kỳ năm 2016.
Lạm phát cơ bản tháng 10/2017 tăng 0,06% so với tháng trước và tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2017 tăng 1,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Chỉ số giá vàng tháng 10/2017 giảm 0,88% so với tháng trước; tăng 5,18% so với tháng 12/2016; tăng 1,39% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2017 giảm 0,03% so với tháng trước; giảm 0,07% so với tháng 12/2016 và tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2016.(NDH)
--------------------
Audi nhận đặt hàng thanh lý 400 xe phục vụ APEC
Gần 400 xe Audi phục vụ APEC 2017 sẽ được thanh lý sau khi hội nghị này kết thúc. Tất cả đều được kiểm tra, bảo dưỡng trước khi bán thanh lý và hưởng các chế độ chính hãng.
Tính đến tháng 11/2017, Audi Việt Nam sẽ bàn giao cho Hội nghị cấp cao APEC 2017 gần 400 xe sang gồm cả xe sedan và suv thuộc các dòng A4, A6, Q7 và A5 Sportback.
Những chiếc xe này sẽ phục vụ việc di chuyển cho các nguyên thủ quốc gia, quan chức cấp cao trong suốt thời gian tham gia hội nghị.
Theo chia sẻ của Tổng giám đốc Audi Việt Nam, những chiếc xe phục vụ APEC 2017 được sản xuất riêng cho Việt Nam với số lượng hạn chế, trang bị đặc biệt.
Sau khi hội nghị kết thúc, Audi sẽ tiến hành thanh lý toàn bộ dàn xe và nhận đặt hàng từ bây giờ.
Tất cả những chiếc xe này sẽ được Audi Việt Nam kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các chi tiết nếu cần thiết trước khi thanh lý cho khách hàng. Xe thanh lý vẫn được nhận các chính sách, hỗ trợ chính hãng từ Audi Việt Nam.Toàn bộ các dòng xe này đều mang màu sơn đen. Các mẫu như Audi A4 và Q7 trang bị gói ngoại thất S-line thể thao. Trong khi đó, nội thất của các mẫu xe APEC 2017 ốp gỗ, trang bị hệ thống âm thanh Bang & Olufsen hoặc Bose.
Audi A4 dùng động cơ 2.0 TFSI, công suất 190 mã lực, mô men xoắn 320 Nm. Audi A6 1.8 TFSI công suất 190 mã lực, mô-men xoắn 320 Nm, dùng la-zăng 18 inch.
Mẫu SUV Audi Q7 Quattro trang bị nhiều tính năng như đèn LED Matrix, âm thanh Bose, ngoại thất S-line... Động cơ 2.0 TFSI Quattro công suất 252 mã lực và mô-men xoắn 370 Nm.
Audi A5 Sportback mới được kiến tạo từ đam mê với trang bị động cơ 2.0 TFSI tạo ra công suất 252 mã lực và 370 Nm mô-men xoắn.(Zing)