tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 30-10-2017

  • Cập nhật : 30/10/2017

Thời tiết xấu, sản lượng điều giảm 50%

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết vụ điều năm 2017, không chỉ nông dân mất mùa mà doanh nghiệp (DN) cũng bị thiệt do tổn thất sau thu hoạch cao hơn mọi năm.

Nhiều DN lấy điều thô trữ 5-6 tháng để sản xuất, tỉ lệ thu hồi nhân điều đạt thấp, giảm khoảng 10% so với trước đây. Một số người trồng có điều kiện trữ lại điều thô cũng bị lỗ so với những người bán ngay sau khi thu hoạch. Tổng sản lượng điều thô niên vụ 2017 chỉ bằng 50% so với năm 2016, chất lượng giảm do dịch bệnh và thời tiết xấu. Tuy nhiên, giá mua điều thô năm 2017 đạt kỷ lục, khoảng 50.000 đồng/kg hạt khô nhập kho, trong khi giá bình quân của năm 2016 là 38.000 đồng/kg.

gia tri xuat khau dieu cua viet nam chiem hon 50% the gioi

Giá trị xuất khẩu điều của Việt Nam chiếm hơn 50% thế giới

 

Từ đầu năm 2017 đến ngày 15-10, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 273.000 tấn điều nhân, kim ngạch trên 2,7 tỉ USD, giảm 14% về khối lượng nhưng tăng 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong tổng giá trị xuất khẩu, 3 thị trường nhập khẩu lớn hạt điều của Việt Nam là Mỹ (35%), EU (25%) và Trung Quốc (15%).

Giá trị xuất khẩu điều của Việt Nam chiếm hơn 50% toàn thế giới nhưng ít người tiêu dùng biết đến. Hiện có một số DN xây dựng vùng nguyên liệu chủ yếu theo tiêu chuẩn hữu cơ để xây dựng thương hiệu.(NLĐ)
----------------------

Hồng Kông tham vọng trở thành trung tâm khởi nghiệp fintech toàn cầu

Chính phủ, các tổ chức tài chính và nhóm doanh nhân Hồng Kông đang có sự kết nối chặt chẽ để đưa Hồng Kông trở thành trung tâm khởi nghiệp của fintech.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, các công ty dịch vụ tài chính và các doanh nhân công nghệ đang có nhiều bước đi táo bạo - đầu tư tiền, nguồn lực đáng kể - để tạo lập chỗ đứng vững chắc trong không gian công nghệ tài chính.

Fintech đang cách mạng hóa hoạt động ngân hàng và thay đổi mối quan hệ của khách hàng với các tổ chức tài chính. Chính phủ Hồng Kông nhấn mạnh rằng họ đặt Fintech là trọng tâm và sẽ tạo ra nhiều động lực thúc đẩy hoạt động này phát triển, biến Hồng Kông trở thành trung tâm kết nối công nghệ Fintech tiên tiến nhất.

Các nhà quản lý tài chính của Hồng Kông đang dẫn đầu với một loạt các sáng kiến ​​nhằm thúc đẩy fintech. Một cam kết đáng chú ý là Cơ quan Kiểm soát Tài chính Fintech của Hong Kong (HKMA) cho phép các ngân hàng và các công ty fintech (kể cả các doanh nghiệp mới thành lập) hợp tác cùng nhau phát triển và thử nghiệm các mô hình, sản phẩm và công nghệ mới.

Gần đây, HKMA đã công bố kế hoạch nâng cấp Sandbox giám sát Fintech với nhiều tính năng mới (Sandbox là một kỹ thuật quan trọng trong lĩnh vực bảo mật có tác dụng cô lập các ứng dụng, ngăn chặn các phần mềm độc hại để chúng không thể làm hỏng hệ thống máy tính, hay cài cắm các mã độc nhằm ăn cắp thông tin). HKMA cũng đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Công nghệ Ứng dụng Hồng Kông để thành lập một Trung tâm Sáng tạo Fintech và một chương trình tăng cường Năng lực của Fintech Career Accelerator.

Chính quyền Hồng Kông và các nhà quản lý cũng đang bận rộn với việc mở rộng hợp tác với các đối tác tại các trung tâm fintech khác. Tháng 9, Hồng Kông và Vương quốc Anh ký kết Hiệp định Fintech Bridge, bao gồm hợp tác giữa chính phủ với chính phủ (G2G), điều phối viên điều hành (R2R) và sự hợp tác giữa ngành với ngành (I2I). Thỏa thuận này sẽ tạo ra khuôn khổ vững chắc cho các công ty fintech ở cả hai bên sử dụng các phương tiện và hỗ trợ sẵn sàng để khám phá các cơ hội kinh doanh trong khu vực pháp lý của nhau.

Ngoài hợp tác với Vương quốc Anh, Ủy ban Chứng khoán và Ngoại hối Hồng Kông đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Dubai và Ủy ban Chứng khoán Malaysia để thúc đẩy hợp tác trong đổi mới fintech. Các hiệp định này sẽ tăng cường hợp tác về trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm giữa các bên liên quan.

InvestHK, một tổ chức của chính phủ thúc đẩy đầu tư trong nước và giúp các công ty ở nước ngoài và đại lục được thành lập tại Hồng Kông, điều hành một đội fintech chuyên nghiệp, với nhiệm vụ khuyến khích các công ty nước ngoài tập trung vào fintech và thành lập trụ sở hoặc mở rộng tại Hồng Kông. Họ tin rằng điều này sẽ giúp tạo ra hiệu ứng "quả cầu tuyết", thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động này hơn nữa.

Charles d'Haussy, Giám đốc Fintech tại InvestHK nói: "Nhân tài của Hồng Kông và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc kéo các nhà đầu tư nước ngoài để tạo lập một trung tâm fintech. Do đó, chúng tôi không chỉ nhắm đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà còn nhằm đến việc thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới tham gia vào ngành công nghiệp và hệ sinh thái fintech của chúng tôi."

Có rất nhiều điều kiện sẵn có khiến Hồng Kông có thể trở thành trung tâm khởi đầu của fintech, ông d'Haussy cho biết. "Chúng tôi có hệ thống luật pháp và dịch vụ tài chính rất mạnh, cùng với sự khao khát muốn đổi mới, thử những ý tưởng mới". Cùng với sự gần gũi với Trung Quốc đại lục và nhu cầu cực to lớn về công nghệ, Hồng Kông cũng đang đón nhận vận hội với nhu cầu khách hàng rất lớn, lợi ích rất lớn.

Hồng Kông có tỷ lệ người sử dụng dịch vụ di động cao nhất châu Á, hơn 237%. Khách hàng đang thúc đẩy nhu cầu về nền kinh tế số di động đầu tiên, từ đó tạo ra tiềm năng hầu như không giới hạn đối với các dịch vụ tài chính và khởi nghiệp.

Theo quan điểm của ông d'Haussy, triển vọng thành trung tâm Fintech của Hồng Kông rất sáng sủa. Ông còn trích dẫn thêm những lợi thế cạnh tranh của Hồng Kông như quy mô thị trường chứng khoán, với 126 công ty mới niêm yết trong năm ngoái, vốn hóa đạt 25 tỷ USD càng khiến cho Hồng Kông trở thành thị trường hàng đầu trên toàn cầu về các đợt IPO đã thực hiện năm 2016. Với 155 ngân hàng, 600 nhà đầu tư chứng khoán và hơn 2.000 tỷ USD tài sản đang được quản lý, ông d'Haussy cho biết Hồng Kông tự hào là "một thị trường khổng lồ cho các công ty fintech muốn trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như nguồn nhân lực tài năng trong lĩnh vực kỹ thuật tài chính. "

Khu vực tư nhân luôn sẵn sàng đổi mới nhằm thay đổi cách thức làm ngân hàng, thương mại, thanh toán và phân tích đầu tư.

Ngày càng có nhiều tổ chức tài chính tham gia hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực fintech. Tại Hồng Kông, Accenture điều hành một khu vực thí nghiệm Đổi mới FinTech, chương trình tăng tốc kết nối các công ty fintech kéo dài 12 tuần, tạo ra sự liên kết chặt chẽ trong giai đoạn đầu giữa các công ty fintech và các ngân hàng trong khu vực. Standard Chartered cũng đang thực hiện một chương trình tương tự với tên SuperCharger.

Những tư duy đổi mới của fintech, từng được coi là mối đe doạ đối với các thể chế truyền thống, giờ đây đang ngày càng được nhìn nhận ở góc độ hợp tác, thúc đẩy. Một ví dụ điển hình của Hồng Kông là WeLab, hệ điều hành của nhiều nền tảng cho vay trực tuyến, đã hỗ trợ rất tốt trong việc cấp bảo đảm vốn cho các nhà đầu tư. Một công cụ khác là CompareAsiaGroup, nền tảng về so sánh dịch vụ tài chính của một loạt các tổ chức tài chính đa quốc gia…

Nhiều fintech khác được phát triển tại Hồng Kông cũng đang thu hút sự chú ý trong khu vực và trên toàn cầu như Contineo - một mạng nhắn tin cho các ngân hàng tư nhân và các công ty quản lý tài sản, kết nối chúng với các tổ chức phát hành các sản phẩm có cấu trúc; Quantifeed - cung cấp các giải pháp đầu tư tự động, cung cấp nền tảng đầu tư kỹ thuật số “white label” cho các nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng và đầu tư; ví TNG - Ứng dụng điện thoại di động hỗ trợ các giao dịch song song, chuyển tiền, mua hàng tại điểm bán hàng, thanh toán hóa đơn và rút tiền mặt.(NDH)
-----------------------

Bội chi ngân sách 94,7 nghìn tỷ đồng trong 10 tháng

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2017 ước tính đạt 960,3 nghìn tỷ đồng, cao hơn tổng thu ngân sách 94,7 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2017 ước tính đạt 865,6 nghìn tỷ đồng, bằng 71,4% dự toán năm.

Trong đó thu nội địa đạt 679,2 nghìn tỷ đồng, bằng 68,6%; thu từ dầu thô 35,2 nghìn tỷ đồng, bằng 91,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 148,8 nghìn tỷ đồng, bằng 82,7%.

Trong thu nội địa, thu tiền sử dụng đất đạt 83,1 nghìn tỷ đồng, bằng 130,4% dự toán năm; thu thuế thu nhập cá nhân 61,2 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5%; thu thuế bảo vệ môi trường 31,9 nghìn tỷ đồng, bằng 70,7%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 130 nghìn tỷ đồng, bằng 66,9%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 121,2 nghìn tỷ đồng, bằng 60,3%; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 148,4 nghìn tỷ đồng, bằng 51,8%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2017 ước tính đạt 960,3 nghìn tỷ đồng, bằng 69,1% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 696 nghìn tỷ đồng, bằng 77,7%; chi trả nợ lãi 79,9 nghìn tỷ đồng, bằng 80,8%; riêng chi đầu tư phát triển đạt 180,7 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 50,6% dự toán năm (trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 177,1 nghìn tỷ đồng, bằng 50,3%). Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2017 ước tính đạt 133,9 nghìn tỷ đồng, bằng 81,7% dự toán năm.

Như vậy, tính từ đầu năm đến thời điểm 15/10, ngân sách Nhà nước bị bội chi 94,7 nghìn tỷ đồng.(NDH)
------------------------------

Thống đốc Trung Quốc lo ngại về tình hình bong bóng tài sản

Phát biểu bên lề Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Chu Tiểu Xuyên đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ về tình trạng bong bóng tài sản trong nền kinh tế

Ông Chu Tiểu Xuyên nhấn mạnh, kết quả tăng trưởng đáng ngạc nhiên của kinh tế Trung Quốc năm nay đến từ chi tiêu chính phủ và tăng trưởng tín dụng kỷ lục. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ bằng mọi cách tránh những rủi ro từ sự lạc quan quá mức có thể dẫn tới tình huống “Minsky Moment” – thuật ngữ để chỉ sự mất giá đột ngột các tài sản sau thời gian dài tăng trưởng.

Trong khi nợ của Trung Quốc đã tăng lên rất nhanh chóng trong những năm gần đây, báo cáo mới đây của PBoC cho thấy các khoản vay tiêu dùng đã tăng thêm gần 30% so với cùng kỳ năm trước, lĩnh vực cho vay bất động sản cũng có bước nhảy vọt gần 23%.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc vẫn cho rằng nợ có thể quản lý, đặc biệt ở lĩnh vực cho vay cá nhân và hộ gia đình khi tỷ lệ này còn thấp hơn hẳn so với nhiều nền kinh tế khác và tỷ lệ tiết kiệm lại cao hơn rất nhiều.

Trong 9 tháng đầu năm nay, các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay 5,1 nghìn tỷ nhân dân tệ cho mục đích tiêu dùng mới. Tính đến hết tháng 9, dư nợ lĩnh vực này ở cả nội tệ và ngoại tệ là 30,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (4,56 nghìn tỷ USD).

Các nhà phân tích nghi ngờ nguồn vốn từ một số khoản vay tiêu dùng đang chảy bất hợp pháp vào thị trường bất động sản và chứng khoán. Trung Quốc gần đây cũng đã đưa ra các biện pháp kiểm soát các khoản cho vay tiêu dùng để tránh bị lạm dụng sang mục đích mua nhà, thổi mạnh bong bóng bất động sản.

Mặc dù yêu cầu tỷ lệ thế chấp cao và siết chặt chính sách hơn, các ngân hàng Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm đã giải ngân mới thêm 4,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (664,7 tỷ USD) các khoản cho vay bất động sản, cao hơn số liệu cùng kỳ năm ngoái (4,32 nghìn tỷ NDT). Dư nợ lĩnh vực này tính đến cuối tháng 9 là 31,1 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Các khoản vay thế chấp cá nhân (mortgage loan) cũng tăng 26,2% lên 21,1 nghìn tỷ nhân dân tệ. Các biện pháp hạn chế cho vay mua nhà của Trung Quốc giúp hạ nhiệt giá nhà đất. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại trước dấu hiệu đầu cơ được chuyển sang các khu vực thị trấn và ít được kiểm soát hơn.

Tình hình tăng trưởng tín dụng với tỷ lệ nợ tăng bất ổn so với GDP của Trung Quốc đang là nguyên nhân lo ngại của cả thế giới. Hồi tháng 5 năm nay, Moody’s hạ xếp hạng của Trung Quốc xuống 1 bậc, tiếp đến là S&P thực hiện việc này vào tháng 9. Xếp hạng hiện tại của quốc gia này là A+.

Trở về

Bài cùng chuyên mục