Microsoft cắt giảm hàng ngàn nhân viên; Europol thu giữ 122 tấn thuốc trừ sâu giả được sản xuất từ Trung Quốc; Nga tránh lệnh trừng phạt Mỹ, nhận hàng tỉ USD tiền đầu tư từ Trung Quốc; Nhiều siêu dự án tỉ USD đầu tư vào Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 31-05-2017
- Cập nhật : 31/05/2017
Sau 2 lần "thoát xác", Tài chính Sông Đà chính thức có tên mới
Sau khi được Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) mua lại vào tháng 3/2016, CTCP Tài chính Sông Đà (SDFC) đổi tên thành Mcredit, và mới đây lại được biết đến với tên gọi MB Shinsei.
Thỏa thuận MB bán 49% cổ phần tại Công ty TNHH MTV MB (Mcredit) cho ngân hàng Nhật Bản Shinsei được ký vào tháng 11/2016. Sau thời gian dài chờ đợi, NHNN cuối cùng đã chấp thuận nguyên tắc chuyển hình thức pháp lý tại Mcredit, từ công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên trở lên. Đây là bước tiếp theo hoàn tất quá trình chuyển nhượng cổ phần tại MCredit.
Mcredit là công ty con của MB với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, chính thức trở thành công ty con của MB từ tháng 3/2016 sau khi ngân hàng này hoàn tất mua lại Công ty Tài chính Sông Đà (SDFC) và chuyển đổi thành Mcredit. Đến nay, sau khi việc chuyển nhượng với đối tác Shinsei hoàn thành, Mcredit lại được đổi tên thành Công ty TNHH Tài chính tiêu dùng MB Shinsei.
Chi tiết về thương vụ này vẫn chưa được công bố. Được biết, Shinsei có kinh nghiệm hơn 50 năm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng và với công ty con Shinsei Financial, hiện là tổ chức cho vay tiêu dùng lớn thứ ba tại Nhật Bản.
Dư nợ bán lẻ của MB trong 5 năm qua đã tăng trưởng với tốc độ CAGR là 40,3%, đồng thời tỷ trọng cho vay bán lẻ cũng tăng từ 13,7% tổng dư nợ trong năm 2011 lên 31,6% tổng dư nợ vào cuối quý 1/2017. Thông qua MB Shinsei, MB muốn hướng đến bộ phận khách hàng thông thường không đáp ứng đủ điều kiện tiếp cận tín dụng truyền thống tại ngân hàng.
Các khoản cho vay của MB Shinsei sẽ có quy mô nhỏ, dưới 100 triệu đồng, và đây là đặc trưng đối với một công ty tài chính tiêu dùng. (Infonet)
-------------------------------
Uber vẫn chưa chịu nộp hết thuế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết đến nay Uber B.V (Hà Lan) mới thực hiện nộp 20% thuế (tính trên doanh thu mà Uber được hưởng) và số thuế khấu trừ của các đối tác của Uber B.V là các tài xế từ tháng 10-2016 đến nay.
Trong khi đó, yêu cầu của cơ quan thuế là Uber B.V phải có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế với cả doanh thu của tài xế từ khi Uber B.V vào hoạt động tại thị trường VN, tức từ năm 2014 đến trước tháng 10-2016. Như vậy, đến nay Uber vẫn chưa nộp đủ thuế theo yêu cầu, dù đã được đề nghị từ vài tháng nay.
Theo đại diện Cục Thuế TP.HCM, Uber nêu lý do là nhiều tài xế đã nghỉ việc, không liên lạc được, hay máy chủ đặt ở Hà Lan... Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, Công ty Uber VN sẽ thay mặt Uber B.V kê khai và nộp thuế nhà thầu nước ngoài theo tỉ lệ 3% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập doanh nghiệp (với phần doanh thu Uber B.V được hưởng). Về phần các tài xế phải nộp 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu, Uber phải kê khai nộp thay.
Theo các chuyên gia, vai trò của Uber B.V không chỉ là cung cấp giải pháp công nghệ mà là kinh doanh vận tải, các tài xế thực chất giống như nhân viên của Uber B.V. Cách thức thu tiền của Uber B.V là khi khách hàng cà thẻ để trả tiền, 100% tiền cước sẽ về tài khoản của Uber B.V tại Hà Lan, sau đó mới trả tiền cho các tài xế theo định kỳ. Khách trả bằng tiền mặt, lập tức tài khoản thẻ tín dụng của tài xế sẽ bị trừ ngay số tiền tương ứng.(Tuoitre)
----------------------
Trên 32.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động
Theo công bố của Tổng cục Thống kê ngày 29-5, trong 5 tháng đầu năm 2017 cả nước có 50.534 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cũng lên tới 32.148 doanh nghiệp.
Như vậy so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng tới 12,5%, trong đó có 12.884 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,4%) và 19.264 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 8,3%).
Tổng số 50.534 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có vốn đăng ký là 485,6 nghìn tỉ đồng, tăng 12,9% về số doanh nghiệp và tăng 39% về số vốn đăng ký. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,6 tỉ đồng, tăng 23%.
Bên cạnh đó, còn có 13.458 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay lên gần 64 nghìn doanh nghiệp.
Cũng theo cơ quan thống kê, hoạt động sản xuất công nghiệp trong 5 tháng đầu năm chỉ tăng 5,7%, tuy có cao hơn so với 4 tháng đầu năm nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016.
Chỉ số tiêu thụ của ngành chế biến, chế tạo tăng 8,1%, thấp hơn mức tăng 9,3% của cùng kỳ năm trước. Trong khi đó chỉ số tồn kho lại tăng cao lên tới 11%, so với mức tăng 8,7% của năm 2016.(Tuoitre)
--------------------------
Yêu cầu Pjico chuyển tiền bồi thường cho ngư dân
Ngày 29.5, Thi hành án TP.Quy Nhơn (Bình Định) cho biết đơn vị này đã có thông báo về việc thi hành bản án ngày 27.3 của TAND tỉnh Bình Định buộc Tổng công ty CP bảo hiểm Petrolimex (Pjico) có nghĩa vụ bồi thưởng bảo hiểm tàu cá BĐ 97044 TS cho vợ chồng ông Đỗ Văn Vương (35 tuổi, ở xã Hoài Thanh, H.Hoài Nhơn, Bình Định).
Theo đó, Thi hành án TP.Quy Nhơn yêu cầu Pjico chuyển số tiền 4,6 tỉ đồng và tiền lãi chậm thi hành án vào tài khoản đơn vị này tại Kho bạc Nhà nước Quy Nhơn để chi trả cho vợ chồng ông Vương. Cũng trong sáng 29.5, Pjico chi nhánh Bình Định đã thông báo quyết định từ chối bồi thường bảo hiểm với tàu cá BĐ 96763 TS của ngư dân Cao Ly (ở xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn).
Như Thanh Niên ngày 24.5 phản ánh dù tòa án đã xét xử, buộc Pjico bồi thường cho gia đình ông Vương 4,6 tỉ đồng nhưng đơn vị này vẫn không chịu chi trả.
Còn gia đình ngư dân Cao Ly cũng đã mua bảo hiểm (hầu hết các thủ tục đều hợp pháp tương tự như gia đình ông Vương) nhưng khi tàu bị chìm thì Pjico từ chối trách nhiệm bồi thường. Phía gia đình ngư dân Cao Ly cho biết sẽ đưa vụ việc ra tòa.(Thanhnien)